Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Vũ Bão - Rễ Bèo Chân Sóng
Hồi Ký Vũ Bão



(Chương Một)

Tôi là dân Thái Bình. Thiên hạ đã làm vè giễu dân tỉnh tôi: "Thái Bình là đất ăn chơi, tay bị tay gậy khắp nơi tung hoành", cũng không bao giờ nghĩ rằng các bác, các chú tôi thường giáo dục truyền thống cho con cháu: dân Thái Bình anh hùng lắm, năm 1954, người Thái Bình cắm cờ trên nóc hầm tướng De Castries ở Mặt trận Điện Biên Phủ; năm 1980 người Thái Bình lái tàu lên vũ trụ; ngày 30 tháng 4 năm 1975, người Thái Bình lái xe tăng húc đổ cánh cổng sắt dinh Độc Lập. Tôi cũng tin như thế. Thời gian tôi bị đánh đuổi khỏi Hội Văn nghệ Hà Nội, đành chạy tị nạn sang ngành điện ảnh. Nhờ đó tôi mới biết chuyện khi đạo diễn Liên Xô Roman Karmen làm bộ phim Việt Nam trên đường thắng lợi vừa đến những cảnh cuối cùng, cuộc tổng công kích trên toàn mặt trận Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi. Ông ta đành phải dựng lại cảnh cắm cờ trên nóc hầm De Castries để tăng khí thế chiến thắng cho bộ phim, làm cho 70 triệu đồng bào ta tưởng nhầm rằng có chuyện cắm cờ thật. Trò xilama này tôi đã viết trong truyện ngắn Người vãi linh hồn. Theo tất cả những sách viết về mặt trận Điện Biên Phủ, không hề có chuyện cắm cờ trên nóc hầm De Castries. Thầy Trần Cư tôi khi đó là phóng viên mặt trận trên Điện Biên Phủ cho tôi biết quân ta chiếm được hầm ngầm De Castries lúc 17h00 ngày 7 tháng 5 năm 1954, vì vội giải tướng De Castries lên sư đoàn bộ nên chẳng ai nghĩ đến chuyện cắm cờ. Mãi đến ngày 13 tháng 4 năm 1954, trong lễ mừng công tổ chức ở Mường Phìn, ông Tạ Quốc Luật, người chỉ huy đơn vị đã đánh chiếm hầm De Castries mới lên kéo cờ đỏ sao vàng giữa tiếng nhạc Tiến quân ca hùng tráng trong giờ khai mạc Lễ Mừng công Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông Tạ Quốc Luật là người Thụy Anh (Thái Bình), sau khi xem phim Việt Nam trên đường thắng lợi, ông Luật đã viết thư lên các cấp khẳng định không có chuyện cắm cờ trên nóc hầm De Castries.



Suốt từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến ngày 30 tháng 4 năm 1995, báo chí, phim ảnh ở nước ta cứ diễn đi diễn lại màn kịch xe tăng 843 do ông Bùi Quang Thận người Thái Bình chỉ huy đã húc đổ cổng sắt của dinh Độc Lập. Ngày 8 tháng 3 năm 1995, bà Francoise Demulder, phóng viên thường trú của hãng thông tấn AFP (Pháp) đã có mặt ở dinh Độc Lập sáng 30 tháng 4 năm 1975, nay bà trở lại Việt Nam sưu tầm tư liệu viết về bốn chiến sĩ trên xe tăng 390 bà đã gặp ở thềm dinh Độc Lập đang sống ra sao khi chiến tranh đã kết thúc. Bà Francoise Demulder có đem theo một số ảnh chụp ở dinh Độc Lập sáng 30 tháng 4 năm 1975 tặng Viện Bảo tàng Quân đội. Lúc bấy giờ đồng bào cả nước mới vỡ lẽ ra rằng chính xe tăng 390 mới là xe tăng duy nhất húc đổ cánh cổng sắt dinh Độc Lập trong lúc xe tăng 843 của ông Bùi Quang Thận còn mắc kẹt ở ngoài cổng phụ. Người chỉ huy xe tăng 390 là ông Vũ Đăng Toàn, người xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, chiến sĩ lái xe là ông Nguyễn Văn Tập, người xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, pháo thủ số 1 là ông Ngô Sĩ Nguyên thường trú tại phố Khương Trung, quận Đống Đa (Hà Nội), dạo ấy đang đi lái xe lam, pháo thủ số 2 là ông Lê Văn Phượng thường trú tại phố Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây, dạo ấy đang đi cắt tóc ở Bờ Hào gần thành cổ Sơn Tây. Cả bốn ông ấy không có ông nào là người Thái Bình cả. Còn chuyện người Thái Bình lái con tàu vũ trụ là do các đội văn nghệ xã ở Thái Bình cứ cao hứng hát điệu xẩm xoan "... đất nước Liên Xô phóng lên trên trời một ông trung tá tên là Phạm Tuân..." làm bà con quên mất phi công vũ trụ Liên Xô lái con tàu vũ trụ Phương Đông II chở nhà du hành vũ trụ Thái Bình thăng thiên tên là Gorơbátkô.

Bạn bè tôi thường tự hào dân tôi có những hai tỉnh Thái Bình: một Thái Bình nằm gọn trong vòng tay Biển Đông, sông Luộc, sông Hồng và một Thái Bình hòa tan trong 60 tỉnh thành phố khác. Tôi đã xuôi Nam ngược Bắc kiếm sống, đi đến đâu tôi cũng gặp người Thái Bình. Người Thái Bình vào tỉnh Dak Lak đông đến mức có người đã đề nghị phải đổi tên tỉnh Dak Lak thành tỉnh Dak Thái. Tôi lên Tây Bắc, trước đây vùng Tây Bắc chỉ có người Thái Đen và người Thái Trắng còn bây giờ lại có thêm người Thái Bình. Trong ba dòng người Thái đó, người Thái Bình phá rừng khỏe nhất. Tỉnh Thái Bình vốn không có rừng. Muốn dựng một ngôi nhà, người Thái Bình dưới quê phải bỏ ra 10 năm trồng xoan rồi mới hạ vườn xoan làm cột cái, cột quân. Còn lên Tây Bắc, người Thái Bình ra ngõ là đã thấy những cây to như bắp đùi, cứ việc thả cửa cưa cắt bằng thích để làm cột cái, cột con, đóng giường, đóng tủ. Những thứ trời cho ấy không bền. Rừng kiệt hết sạch cây hứng nước, hút nước, nước lũ ống cứ việc cuốn trôi bản làng. Trồng rừng thì lâu, phá rừng thì chóng, chết vì lũ lại càng nhanh.

Bạn bè tôi thường chê dân Thái Bình lành. Phàm cái anh lành thường hay cục. Khi cơn cục đã nổi lên rồi, cái anh lành đến mấy cũng coi trời chỉ là cái vung đất. Năm 1930, một số đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam ở huyện Tiền Hải đã gióng trống ngũ liên kêu gọi nhân dân trong huyện nổi lên chống sưu cao thuế nặng. Nhạc sĩ Thái Cơ, người Thái Bình trong cơn cảm hứng sáng tác đã viết "Nghe tiếng trống năm ba mươi còn vang vọng đến bây giờ..." Chỉ mới hơn sáu mươi năm thôi, 281 xã trong tỉnh đã phát huy khí thế cách mạng tiếng trống Tiền Hải giương cao biểu ngữ "Triệt để chống bọn tham nhũng", xếp hàng đi lên trụ sở tỉnh ủy vạch mặt bọn cường hào mới chui vào Đảng ủy, ủy ban nhân dân hà hiếp dân, bóc lột dân, ăn cắp tài sản của dân. Các bà mẹ Việt Nam anh hùng đi đầu rồi đến các ông cựu chiến binh huân chương đỏ ngực, tiếp đó là đại biểu nông dân xếp hàng trật tự đội đơn lên gặp tỉnh ủy. Lại có cả những người đeo bị đi theo nhặt lá bánh, tóp thuốc lá, giấy bọc kẹo không để rác rưởi vương vãi trên đường. Một vài nhà cầm quyền cay mũi quá định giở trò đàn áp vội đi cầu cứu bộ đội nhưng anh em bộ đội người tỉnh tôi đã trả lời thẳng thừng: "Quân đội đi đánh giặc, không đi đánh dân". Tổng bí thư Đỗ Mười, chủ tịch Trần Đức Lương phải thân chinh về tận Thái Bình có lời với nhân dân. Trung ương Đảng và Chính phủ phải cách cổ bí thư tỉnh ủy và chủ tịch tỉnh cho yên dân và từ đó mới đề ra quy chế dân chủ ở cơ sở cho cả nước làm theo. Tỉnh Thái Bình cũng có thanh tra như các tỉnh thành khác nhưng trục những bộ bánh răng ở tỉnh tôi đã bị khô dầu thường quay ngược chiều kim đồng hồ. Nhân dân đã viết "thiên trảm sớ" tố cáo bọn tham nhũng nhưng thanh tra ở tỉnh tôi lại thuộc loại "Thanh cha, thanh mẹ, thanh dì. Hễ có phong bì thì lại thanh kiu (thank you, cảm ơn)" nên các xã phải thành lập thanh tra nhân dân đi đào đường tính lại từng mét đất, mét đá, lục lại các chứng từ, sổ sách, kiểm tra lại nhà kho, tính chẻ hoe xem bọn cường hào mới đã ăn cắp của nhân dân bao nhiêu tiền trong các công trình "điện, đường, trường, trạm" để xây nhà lầu, để mua con Dim phóng vè vè khắp thôn xóm, để biếu các thầy bà trên huyện, trên tỉnh. Từ đó trở đi, tôi không thấy ai dám khen là dân Thái Bình "lành" nữa.

Tôi là người họ Phạm.

Từ tiền cổ đến giờ, họ Phạm chúng tôi chẳng có ai được làm vua. Thời còn bé, tôi chỉ biết đến ông Phạm Ngũ Lão mải suy nghĩ việc nước đến nỗi đại quân đến nơi vẫn không hay nên bị một tên lính cầm giáo chọc thủng đùi ông mới biết. Sau một thời gian đánh đông đông tĩnh, lên đoài đoài tan, ông được thăng Điện soái Thượng tướng quân và được nhà vua phong là Chiêu Cấm Đại Vương. Mãi đến khi họp đại tộc, tôi mới biết họ Phạm chúng tôi còn có vị khai quốc công thần đời Tiền Lý: Đô Hồ Đại Vương Lý triều Tả tướng quốc Phạm Tu. Dần dần tôi mới biết thêm họ Phạm chúng tôi chẳng chịu lép vế với thiên hạ: ngoài ông Phạm Hồng Thái đã ném tạc đạn ám sát toàn quyền Merlin ở khách sạn Victoria (Quảng Châu, Trung Quốc) họ Phạm còn có ông Phạm Văn Đồng trước làm bộ trưởng Bộ Tài chính về sau làm thủ tướng chính phủ, gần 40 năm rồi lại làm cố vấn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông Phạm Văn Thiện (Phạm Hùng) làm chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Phạm Văn Cương (Nguyễn Cơ Thạch) làm phó thủ tướng. Còn về hàng ngũ bộ trưởng tôi chỉ nhớ bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, anh hùng lao động Phạm Quang Lễ (kỹ sư Trần Đại Nghĩa)... Biết như thế nhưng không bao giờ nói với con cháu, sợ chúng gặp bước sa cơ chạy đi tìm họ, các ông ấy biết chúng nó là ai mà che chở.

Trong giấy khai sinh, họ tên tôi là Phạm Thế Hệ. Tôi chẳng hiểu ông nội tôi chọn hai chữ Thế Hệ từ điển tích nào nhưng biết rằng cả bốn anh em tôi Hệ, Kế, Miên, Biên đều thuộc bộ Miên. Chỉ khổ cho tôi khi đi học nhìn chữ ký của tôi, các bạn cùng lớp gọi tôi là thằng He He, khi tôi đi bộ đội lúc điểm danh, ông chính trị viên vừa đọc vừa đánh vần những dòng chữ mất dấu trên tờ giấy Tầu bạch lúc gọi tôi là Phạm Thế Hị, lúc là Phạm Thế Hộ. Khi đi Việt Minh, mỗi người đều lấy một bí danh, cánh tỉnh đoàn thanh niên lấy bí danh theo họ Lê: Lê Thanh Đức, Lê Trang, Lê Quỳ, Lê Trung (nhà báo Chính Yên) còn cánh huyện đoàn thanh niên Đông Quan nhất loạt lấy họ Hoàng: Hoàng Vọng (nguyên bí thư Trung ương Đoàn, tác giả bài Không có việc gì khó...), Hoàng Dương (liệt sĩ), Hoàng Hồng, Hoàng Chi (tôi)... Cánh tỉnh đoàn cứ gọi xách mé chúng tôi là Vàng, chúng tôi cũng chơi lại gọi cánh nhà Lê là Liệt.

Năm 1946, Hà Nội nổ súng mở đầu Toàn quốc Kháng chiến. Ông giám đốc nhà xuất bản Minh Đức nhận định là trận chiến không thể kéo dài được, Pháp kiệt quệ sau Đại chiến Thế giới lần thứ hai, Việt Minh mới nắm chính quyền, cuối cùng hai bên sẽ ngồi đàm phán giải quyết tình hình Đông Dương bằng biện pháp hòa bình. Miền Nam nổ súng từ tháng 9 năm 1945, khi ngừng tiếng súng sẽ thiếu sách nên ông đã đem cả kho sách của ông về Khuốc (huyện Tiên Hưng) và về đến Thái Bình, ông vẫn cho tái bản một số sách, chờ sau này ông sẽ chiếm lĩnh thị trường sách cả Hà Nội lẫn Sài Gòn. Ai ngờ đã ba năm rồi, quân ta và quân Pháp vẫn đánh nhau quyết liệt, ông Minh Đức tính chuyện thanh lý số sách tồn kho của mình. Nhờ thế chúng tôi mới được đọc Khao của Đồ Phồn, Số đỏ của Vũ Trọng Phụng...

Năm 1949, tỉnh Thái Bình vẫn là vùng tự do, các cơ quan của Hải Phòng, Kiến An đều lấy Thái Bình làm hậu cứ vì thế sách của nhà xuất bản Minh Đức bán rất chạy. Chúng tôi thích nhất quyển Số đỏ, cánh tỉnh đoàn thanh niên chúng tôi anh nào cũng có một quyển Số đỏ giấu trong tay nải. Đi công tác xuống cơ sở ngoài một chầu bóng chuyền "dân vận" anh em ở địa phương, chúng tôi thường kể Số đỏ cho anh em nghe làm ai nấy cứ rúc rích cười. Nhiều câu nói của các nhân vật trong Số đỏ cứ theo chúng tôi nhảy vào các cuộc họp. Anh chàng nào cứ nhai đi nhai lại đôi ba cái tình hình đã cũ mèm thế nào cũng bị chủ tọa "cắt đứt" bằng một câu: "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Anh chàng nào nói được một câu có chất lượng hay làm được công việc gì nổi đình đám, khi được anh em khen bèn thủng thỉnh đáp lễ: "Còn phải ngôn!". Anh chàng nào định từ chối phần việc tập thể phân công hay chống lại chuyện tập thể gán ghép với một cô nào đó bèn bắt chước cậu Phước lắc đầu quày quạy: "Em chã!" Bà cán bộ nào ba "số đo" đều 90-90-90 liền bị anh em gọi là bà Phó Đoan làm đương sự cứ tưởng họ gán ghép mình với một ông phó bí thư nào đấy tên là Đoan. Anh chàng nào hay "anđrây xun xoe" với các chị em trước đây thường bị anh em gọi là "mái xùy" thì bây giờ được tấn phong là TYPN (Tôi yêu phụ nữ). Gặp anh chàng nào hay bắng nhắng thích "như ta đây", chúng tôi giới thiệu ngay: "Đây là me xừ Xuân". Anh nào đi cơ sở, lúc về cơ quan bị anh em hỏi lâu nay đi đâu vắng "nhà", anh ta thản nhiên trả lời: "Mình đi "min đơ", "min toa" xuống Tiền Hải". Giọng Số đỏ trở thành mốt thời thượng nên chẳng anh nào chấn chỉnh thái độ anh nào.

Vì mê Số đỏ như thế nên tôi bẻ ghi chuyển từ họ Phạm sang họ Vũ. Mặc dù tôi đã ký chữ P giống như cái khóa Son nhưng nhìn chữ ký vẫn là thằng He He. Từ ngày đổi tên là Vũ Thế Hệ, chữ ký của tôi bay bướm hơn, chữ V kéo cái mỏ dài xuống, hai chữ H kéo cao vồng lên nên trông giống một con thuyền hai cột buồm đang kéo neo chuẩn bị một chuyến vượt đại dương.

Khổ một nỗi, cái tên Thế Hệ thường bị các vị lên diễn đàn nhắc đi nhắc lại: "Chúng ta phải làm sao xứng đáng với danh hiệu thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh" nghe nó cứ chôi chối thế nào ấy nhưng đổi cái tên là gì cho thật hay tôi nghĩ vẫn chưa ra.

Sau này theo thầy Bùi Hạnh Cẩn đi làm các báo giảm tô và cải cách ruộng đất, tôi rất thích một cái tên chữ nôm như một số ông nhà báo thường dùng: Tre Xanh, Lửa Mới, Thép Mới, Lửa Hồng, Thôn Dân... Nhân một hôm đọc bài báo có câu "phong trào đấu tranh của quần chúng đang tiến nhanh như vũ bão" tôi thấy cũng hay hay. Lại một hôm con em đẩy thuyền cho tôi đi nhờ, tự dưng nó hỏi: "Sao anh lại đổi sang họ Vũ?" Tôi cười: "Họ Vũ nghe nó khỏe". Con em tôi cười: "Vũ khí, vũ trang, vũ bão, đúng đấy".

Về cơ quan tôi ký một lô chữ Vũ Bão, chữ V là cái mũi con tàu đang rẽ sóng, dấu ngã là dải khói đang tản theo chiều gió. Thế là bài báo vừa viết xong tôi ký luôn là Vũ Bão.

Một lần tôi đi công tác có rẽ về qua nhà. Bố tôi hỏi tôi: "Ông nội đặt tên cho mày, sao mày lại chọn một cái tên nhố nhăng như thế? Không ra làm sao cả". Tôi vội thưa với cụ: "Bố ạ, Thế Hệ là chữ nho, Vũ Bão là chữ nôm". Bố tôi cười: "Ông dạy mày hết bộ Minh đạo tiên sinh gia huấn, thế mà mày lại quên "thực vô cầu bão" (ăn chẳng cần no) à? Thế còn hoài bão cũng là chữ nôm đấy hẳn".

Thời Việt Minh đổi một cái tên thì có gì là khó. Cô Toét đi công tác lên huyện tự động đổi thành cô Tuyết, thằng Khê trúng cử vào ban chấp hành huyện đoàn bèn đổi tên là Phi Hùng chẳng phải trình báo ai. Khổ cho cái thân tôi những cái tên hay hay các bậc đàn anh đặt vãn rồi nên tôi phải cố nghĩ ra một cái tên chữ nôm. Lớp đi sau có cái khổ như thế. Cụ Tú Xương qua đời, ông Tú Mỡ lên ngôi, một anh chàng muốn giữ hương hỏa hai cụ bèn đặt tên là Tú Sụn. Nhà thơ trào phúng Chu Thành chẳng biết đặt tên thế nào nữa bèn lấy tên là Tú Sót, cái gì cụ để sót lại con xin nhặt.

Tôi nghĩ mãi vẫn chưa tìm ra một cái tên chữ nôm lại đi theo họ Vũ mà nghe không chối tai. Năm 1958, tiểu thuyết Sắp cưới ăn trận đòn hội chợ, tôi quyết định cứ giữ cái tên Vũ Bão vì nếu mình đổi tên khác những ông đã đánh mình cho rằng mình đã sợ đến nỗi phải đổi tên. Tôi còn nhớ khi bị giặc Pháp bắt, một ông bạn tù của tôi vốn là bộ đội chủ lực khi bị giặc phục kích bắt được, ông vẫn mặc quân phục. Mỗi lần điểm danh tù binh đi làm, tên cai tù thường cầm gậy phang rất mạnh vào ông. Hôm sau ông chủ lực giặt chiếc sơ mi bộ đội đem phơi ở nhà, tên cai tù tưởng ông sợ lại càng phang khỏe hòng khuất phục được ông. Hôm sau áo khô, ông lại mặc áo bộ đội, sẵn sàng chịu trận nghênh mặt chịu đòn. Đánh ông vài hôm, tên cai tù tự thấy chối tỉ không xách gậy đi điểm danh tù nữa.

Lương phóng viên bậc ba không đủ trang trải các khoản chi dùng, tôi phải viết báo trước hết là để kiếm đủ tiền tàu xe về thăm nhà. Mỗi khi đặt bài, bạn bè thường dặn: "Cái tên Vũ Bão đã bị vào "sổ đen" rồi, nên ký cái tên khác". Tôi chọn cái bút danh mới là Tạ Văn Dung, nếu viết theo chữ đánh máy không dấu thì là TA VAN DUNG (Ta Vẫn Đúng).

Lại nói về cái tên Vũ Bão.

Khi tiểu thuyết Sắp cưới được phát hành, một anh cán bộ công đoàn ở Nhà máy dệt N. mua một cuốn ký tặng cô người yêu. Cô đem sách đi khoe rầm lên là người yêu của cô viết tiểu thuyết Sắp cưới. Bạn bè của cô nhao nhao xin sách. Khổ cho anh cán bộ Công đoàn cứ phải è cổ ra mà mua sách "thân tặng". Cưỡi lên lưng hổ rồi tụt xuống làm sao được. Người nhà cô bé rồi đến bạn bè cô bé, ai cũng tin là anh cán bộ Công đoàn nhà mình là tác giả tiểu thuyết Sắp cưới. Đùng một cái báo Nhân Dân, báo Văn nghệ Quân đội, báo Tiền Phong, tạp chí Văn Nghệ đồng loạt phê phán tiểu thuyết Sắp cưới viết không đúng đường lối văn nghệ của Đảng, xuyên tạc cải cách ruộng đất, tất nhiên anh cán bộ Công đoàn kia bị lôi ra cuộc họp kiểm điểm. Chống Đảng là tội trọng, anh chắc mẩm là mình thế nào cũng bị khai trừ khỏi Đảng nên ra đến cuộc họp, anh bèn "bái lạy, quỵ quỳ" thú thật là anh chỉ nhận vơ là tác giả tiểu thuyết Sắp cưới. Thoát nạn!

Một lần khác cô bạn của vợ tôi về thăm chồng ở Hải Dương khoe với vợ tôi nhà văn Vũ Bão vừa kể chuyện tiểu thuyết Sắp cưới ở nơi chồng chị dạy học. Vợ tôi ớ người ra, đúng thời gian đó, Trung Anh và tôi, hai thằng vẫn nằm lì trên Quảng Bá không đi đâu cả. Cũng vì thế năm 1997, Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức một chuyến đi thăm đền Vua Đinh, đền Vua Lê. Một anh bạn có chút việc chạy đi tìm tôi, không thấy tôi, anh gọi ầm lên: "Anh Vũ Bão ơi!", tôi vội chạy ra. Lập tức trên chiếc xe của tỉnh bạn, một người nhảy xuống ôm chầm lấy tôi: "Trời ơi, anh Vũ Bão ơi, gần bốn chục năm rồi tôi mới gặp lại anh". Tôi vội hỏi: "Dạo ấy anh ở đâu?". Ông ta trả lời: "Hồi ấy tôi dạy học ở Hải Dương, anh đến trường tôi nói chuyện về tiểu thuyết Sắp cưới ấy mà. Tôi gật gật đầu làm ra bộ nhớ đến buổi nói chuyện hôm đó cho ông bạn khỏi bị mừng hụt, rồi thở dài: "Bốn mươi năm rồi, nhanh thật!"

Chị Mộng Sơn đi thực tế xuống Nhà máy dệt 8-3. Ông thư ký Công đoàn nói với chị: "Anh Vũ Bão cũng làm việc ở đây, biết chị về đây công tác chắc anh ấy vui lắm. Khi gặp "anh Vũ Bão", chị Mộng Sơn biết ngay là ông thư ký Công đoàn nhầm nhưng do tài ứng xử của người Hà Nội thanh lịch, chị vẫn hỏi thăm chuyện sáng tác cho "anh Vũ Bão" kia khỏi ngượng.

Thời ấy trên các báo hằng ngày thường có bài của một người cũng ký tên là Vũ Bão (Nhà máy Apatít Lao Cai). Mỗi khi gặp tôi, một số bạn bè thường bắt tay chặt: "Thế là người ta đã tháo vòng kim cô cho cậu rồi nhưng bây giờ cậu viết không được hấp dẫn như trước". Tôi phải thanh minh ngay đấy chỉ là chuyện trùng tên trùng họ. Thực ra lúc ấy tôi vẫn tị nạn ở Hà Nam. Năm 1979, trong chuyến đi Lao Cai tìm "ông Vũ Bão" để cám ơn ông đã không sợ tai bay vạ gió đảm nhận một cái tên "bị đánh" mà chường mặt với đời. Công đoàn Nhà máy cho biết "anh Vũ Bão" đã về quê ở Thừa Thiên rồi.

Trong chuyến đi vào Quy Nhơn, nhìn qua khung cửa xe, tôi chợt thấy một tấm biển "Đường Vũ Bão", bảng màu xanh chữ trắng cẩn thận, chữ Bão lại có dấu ngã hẳn hoi. Về cơ quan điện ảnh, tôi hỏi anh cán bộ tuyên truyền thì mới được biết Vũ Bão là bí danh của một chiến sĩ giao liên bị Mỹ và tay sai giết hại trong khi chiến sĩ ấy chèo thuyền đưa một đoàn cán bộ qua sông. Mấy năm sau, đoàn nhà văn Việt Nam đi Trường Sơn, lúc về có ghé qua Quy Nhơn. Chúng tôi đến trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn chơi. Thầy giáo Vũ Lý Hòa bảo tôi: "Nhà em ở số nhà 5 đường Vũ Bão. Ngày mai mời anh đến chụp chung với em một kiểu ảnh làm kỷ niệm". Sau đó tôi nói với Vũ Lý Hòa: "Tấm ảnh này sẽ gây rắc rối đây. Biết đâu 50 năm nữa, báo Văn nghệ Thái Bình lại có ông viết nhà văn Vũ Bão vốn là người Thái Bình nhưng hồi đi B, ông sống nhiều năm ở Quy Nhơn, nên nhân dân thành phố nhớ đến ông mới đặt tên ông cho một con đường là đường Vũ Bão. Ngay như cây đào do nhân dân "làng đào" Nhật Tân đem lên trồng ở nhà tù Sơn La sau ngày Tổng Khởi nghĩa 1945 cũng được một ông nhà văn cỡ chiếu điều bốc phét viết là chính ông Tô Hiệu đã trồng làm trẻ con cứ nhoài người ra mà học "Cây đào Tô Hiệu", vài nhà thơ dễ xúc cảm cũng rưng rưng giọt lệ viết "Cây đào Tô Hiệu", đài truyền hình trung ương cũng giới thiệu "Cây đào Tô Hiệu"; thì việc "Đường Vũ Bão" được một ông Thái Bình nhận là đường mang tên đồng hương của mình cũng có thể xảy ra. Tất nhiên lúc ấy báo Văn nghệ Quy Nhơn buộc phải có bài "nói lại cho rõ" sự việc làm cho cái anh chàng Vũ Bão sau khi chết vẫn được con cháu nhắc đến tên.

Mấy năm gần đây tôi phải lấy báo làm mũi nhọn xung kích trong sự nghiệp xóa đói giảm nghèo. Cuối năm tôi mới viết truyện ngắn để ăn cái nhuận bút giá cao. Bỗng một hôm anh bạn chạy xồ đến nắm chặt tay tôi chúc mừng tôi vừa được giải thưởng truyện ngắn trên báo Người Hà Nội. Tôi cứ ớ người ra chưa kịp đáp lễ thì ông bạn lại vỗ vào vai tôi: "Cậu vướng chuyện gì lại đảo ngược chữ Vũ Bão thành Bão Vũ đấy?" Tôi phá lên cười: "Bão Vũ là tên một kiến trúc sư ở Hải Phòng, ông ta cũng trên 50 tuổi rồi nhưng vì gần đây mới xuất hiện trên văn đàn nên truyện ngắn của ông thường bị các nhà xuất bản xếp vào các tập truyện ngắn của những nhà văn... trẻ. Tên khai sinh của ông ta là Vũ Bá Bão nhưng khi bước vào làng văn đã thấy mình rồi nên ông ấy nể mình đổi tên là Bão Vũ". Bão thật lại chịu thua Bão giả, thì ra trong cuộc đời cũng có lúc cái thật chịu nhường bước cái giả mặc dù nếu hầu kiện ở bất cứ tòa án nào Vũ Bão Hải Phòng vẫn thắng Vũ Bão Thái Bình vì ông Hải Phòng còn giữ được tờ giấy khai sinh xác nhận tên ông là Vũ Bá Bão. Có một anh nhà báo thấy Vũ Bão về thăm thành phố cũ, gặp Bão Vũ ở Hải Phòng định bố trí cuộc gặp gỡ tay đôi: Bão Vũ - Vũ Bá Bão gặp Vũ Bão - Phạm Thế Hệ nhưng hai chúng tôi đều đề nghị "cho chúng tôi hai chữ bình yên".

Gần đây cô giáo Vũ Thị Hà đến chơi mới kể cho tôi nghe mẹ cô đẻ thằng em đúng một đêm bão lớn bèn đặt tên cu cậu là Vũ Văn Bão. Chắc hai cụ nhà cô giáo Hà dày phúc tổ nên cậu Vũ Bão nhà cụ mới không đi viết văn. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ lời bố tôi mắng: "Đấy mày xem, lúc mày ký tên Phạm Thế Hệ thì mày viết đến đâu in đến đấy, cứ như là được người đưa tay dẫn dắt nhưng từ khi mày đổi tên là Vũ Bão, gió bão ập xuống đầu mày đến nỗi không ngóc đầu lên được". Tôi không dám cãi lại cụ nhưng chưa bao giờ hối hận vì mình mang tên là Vũ Bão và đã không bẻ cong ngòi bút viết những điều nhảm nhí. Tuy nhiên bây giờ tôi đã có bốn đứa cháu nội rồi, đi đến đâu cũng được người ra giới thiệu với mọi người tôi là Vũ Bão. Ông già lại mang cái tên ngông nghênh thời trai trẻ nghe nó cứ chương chướng thế nào ấy. Trong một lần sinh hoạt với Câu lạc bộ Văn học trẻ Hà Nội, tôi đã tâm sự với các em: "Lúc còn trẻ, các cô các cậu định làm việc gì hãy chịu khó nghĩ lại xem đến lúc già nhìn nhận lại sự việc ấy, mình có xấu hổ không? Dù đấy chỉ là việc ký một cái tên dưới bài mình vừa viết chứ đừng nói đến những bài đại cà sa đánh đấm những người trung thực không chịu uốn cong ngòi bút rồi đến bây giờ những "dũng sĩ diệt đồng đội" chuyên trị việc đánh đấm người lương thiện mới ngã ngửa người ra, té ra mình sai mà nạn nhân bị mình đánh đấm lại đúng".

Vết nhơ trên giấy trắng mực đen ấy như những dòng chữ "dũng sĩ diệt đồng đội" thích trên trán quân ác, làm sao mà xóa sạch được.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2012/12/vu-bao-re-beo-chan-song.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001