Bùi Văn Bồng - Lối sống né tránh, co lại
at 8/26/2013 06:13:00 PM
Bùi Văn Bồng
Trong vụ tố cáo tiêu cực (nhân bản) xét nghiêm máu để vụ lợi ở bệnh viên
huyện Hoài Đức mới đây, lúc đầu có 5 người ký tên đứng ra tố cáo. Mấy
hôm sau, hai người đã rút đơn tố cáo là Phạm Thị Oanh và Nguyễn Thị
Cường. Lý do được cả hai người đưa ra là do áp lực từ phía gia đình. Đối
với chị Oanh, việc ký vào đơn tố cáo không được sự ủng hộ của gia đình
nhà ngoại cũng như chồng chị. Thậm chí chị còn bị đánh đập và đuổi ra
khỏi nhà vì đã ký vào đơn tố cáo. Còn chị Cương thì do gia đình không
đồng ý, ngoài ra hai người con của chị đã phải quỳ xuống van xin chị rút
đơn.
Hiện trạng này biểu hiện những nỗi sợ bị tru úm, bị liên lụy, bị trả thù
và nhất là sự can thiệp của chính quyền, đoàn thể, công an, có khi xã
hội đen, côn đồ. Sự bình yên, an toàn, chắc ăn về môi trường sống và yên
bề làm ăn đã dẫn tới lối sống co lại. Sự vô cảm cũng phát sinh từ đó.
Anh bạn tôi ở Đồng Nai kể rằng vợ anh đã đập máy vi tính vì chống thường
truy cập đọc tin tức trên mạng. Sau hôm họp dân phố, bà được phổ biến:
“Mọi ngươi không được truy cập mạng internet. Ai vị phạm sẽ bị chính
quyền xử lý, con bị đuổi học, con cái sẽ bị mất việc làm…”. Bà vợ nghe
vậy sợ quá, về khuyên chống đừng mở máy tính. Nhưng ông chồng nói không
sao, đừng có nghe mấy ông khu phố, tổ dân phổ không nắm chắc chủ trương,
quan trọng hóa vấn đề đến mức cực đoan, quá tả. Hai vợ chồng cự cãi
nhau. Bà vợ sợ bị liên lụy, nóng tính đã đập vỡ máy vi tính xách tay.
Lối sống co lại còn để tránh đấu tranh, tránh né phê bình, vì “đấu
tranh-tránh đâu”, giữ yên cái ghế, chỗ làm và cả quyền lợi cá nhân.
Lối sống co lại là một phản xạ tự nhiên. Một ông Chủ tịch tỉnh ký nhiều
quyết định thu hồi đất sai trái, dân khiếu kiện nhiều lần không giải
quyết. Vì né tránh ‘tội”, thấy dân là co lại.
Một vị giám đốc bất tài, nhưng vì bỏ tiền mua bằng cấp, mua chức, ai
cũng biết. Mỗi làn gặp cán bộ nhân viên là co lại. Vì họ biét mình còn
khuyết điểm nặng hơn họ, chẳng dám nghiêm khắc với ai.
Một vị quan tòa xử nghiêng lệch về phía bị đơn, khiến cho công lý về phía nguyên đơn bị vùi dập, co lại.
Một người đứng đầu cơ quan tham nhũng, thủ đoạn, khi họp chi bộ, họp đảng ủy, co lại.
Một cán bộ sắp đến kỳ lên lương, hoặc trong nguồn bồi dưỡng đào tạo,
thấy Bí thư Đảng ủy, Thủ trưởng sai sờ sờ, nhưng vì nghĩ cái lợi trước
mắt cho mình, co lại…vv.
Đó là sự co lại của các vị quan chức phạm sai lầm. Họ biết sai chứ không
phải là vô tình. Họ cố ý làm sai, chứ không phải là do trình độ năng
lực yếu kém, hoặc do thiếu thông tin gì cả. Vì họ tự biết điều đó là vi
phạm đạo đức, phẩm chất cán bộ đảng viên, vi phạm pháp luật, nhưng vì
tham tiền, vì ôm cái cục cá nhân chủ nghĩa quá to, họ cứ làm. Làm sai,
làm liều rồi, khi gặp bối cảnh, tình huống, con người nào đụng đến, hoặc
ai đó có khả năng lôi mặt ra, buộc họ phải co lại. Chính họ đã làm mất
cái giá trị quý nhất của con người là lòng tự trọng và quyền được sống
tự do thoải mái.
Còn người dân và cán bộ nhân viên thấp cổ bé họng cũng sống co lại.
Họ sợ đấu tranh-tránh đâu, nên co lại, không muốn đụng đến chuyện đấu
tranh phê bình ai cả. Họ tặc lưỡi: “Thôi, chả dại! Chuyện của cả cơ
quan, của làng xóm, của toàn xã hội, đụng đến làm gì? Không khéo chẳng
phải dầu cũng phải tai, sinh vạ”.
Một thanh niên đang phấn đấu vào Đảng, thấy các đảng viên làm sai, họp
chi đoàn mặc dù được khuyến khích đoàn viên góp ý với đảng viên, nhưng
co lại: “Thôi, đụng đến, nó đì, nó trù úm, mất phiếu, vào đảng sao
được!”. Tốt nhất là co lại!
Một người dân được chính quyền mời họp, mời góp ý “xây dựng đảng, chính
quyền vững mạnh”. Nhưng kinh nghiệm qúa nhiều rồi, các ổng (ông ấy) nói
dzậy mà hổng phải dzậy, phê bình các ổng, hôm nào lên xã (phường) xin
chứng giấy đi học cho con cháu, nó đì, nó sinh chuyện chậm chạp, rắc
rối, thêm bất lợi. kệ nó. Và co lại!
Một người rõ ràng thấy kẻ cắp, định la lên, nhưng bọn trộm giơ nắm đấm dọa, đành im miệng co lại, nhìn mà ngậm tức.
Một người dân được công an mời làm chứng về việc có mặt ở hiện trường
cuộc ẩu đả, vụ tai nạn. Nhưng khi nói sự thật thì công an ngăn lại, vì
họ muốn bảo vệ cho bên phạm sai lầm, cũng co lại.
Một nhân viên muốn mở trang mạng đọc tham khảo thông tin, nhưng nghĩ đến
qy định của Thủ tường cấm cán bộ, nhân viên đọc “mạng lề trái”, cũng co
lại: “Mình đọc trang báo “lề phải online” nhưng biết đâu kẻ xấu bụng đi
“mét” thủ trưởng là thấy đọc trang mạng cấm, thôi tắt máy, khỏi đọc,
sinh phiền”…
Nghĩa là: Từ kẻ quyền cao chức trọng, đến trung gian nịnh thần, rồi cả
người dân ai cũng phải nơm nớp, thủ thế, tự giữ cho mình, an phận thủ
thường. Ai cũng có ly do để sống co lại cho riêng mình. Xã hội vậy gọi
là tự do được à? K.Mác nói: “Hạnh phúc là đấu tranh”. Nhưng ai cũng chỉ
quanh quẩn nghĩ rằng: “Im lặng là vàng, đấu tranh-tránh đâu? Hạnh phúc
chưa biết sao, nhưng bị trả thù, bị trù úm, bị gây phiền bất an cho cuộc
sống là thực tế cứ sờ sờ ra đấy”!
Những vị lãnh đạo đầy quyền lực trong tay, nhưng ngay đến việc nói thẳng
sự thật, nêu lên đúng bản chất vấn đề, gọi thẳng tên người sai phạm
cũng né tránh: “Đồng chí X”…Rồi khi tiếp xúc cử tri lại biện minh rằng:
Chỉ nên cảnh báo, cảnh tỉnh, giáo dục, răn đe, nếu như thi hành kỷ luật,
xử lý các vụ tham nhũng mà quyết liệt 'làm mạnh, làm kiên quyết' (người
ta) lại dọa ân oán, trả thù...
Người Việt Nam rất dũng cảm chống giặc ngoại xâm từ bao đời nay, làm nên
truyền thông anh hùng của dân tộc. Nhưng chỉ quyết liệt, khí phách khi
bối cảnh đặt ra giữa cái sống và cái chết, khi “nước đến chân mới nhảy”.
Nhưng tầm nhìn xa, bản lĩnh phản vệ, tư duy độc lập, chính kiến rõ ràng
và tác phong phản biện xã hội lại bị tâm lý (như là thực dụng, lối sống
tiểu nông xa xưa) co lại. Thế nên, cứ lặp di lặp lại: Giành độc lập,
lại mất độc lập. Thắng giặc này xong, lại bị giặc khác xâm lăng. Suốt cả
mấy nghìn năm rồi, một dân tộc chưa bao giờ hết bóng giặc, một dân tộc
quan lại đè cổ dân rất khắc nghiệt. Dù cho thế hệ âm X (-X) trước Công
nguyên đến Xo (Ếch không) rồi X1 đến X10…nhiều đời sau nữa cũng chỉ
loanh quanh cái vòng nô lệ hết kẻ này đến kẻ khác xâm lược, đô hộ, đè
nén, áp bức. Do mình phản ứng chậm trong cuộc sống thường nhật, nghe nói
sai, nói bậy, nói sảng rất khó chịu mà không dám phản ứng tức thì,
không “huýt sáo” rời ghế cử tọa mà cứ im re ngồi, nghe xong ra ngoài mới
bàn luận “vuốt đuôi” rồi ngậm tức dài dài. Con người là sự tổng hòa các
mối quan hệ xã hội. Cuộc sống là sự gắn kết hài hòa, quan hệ tương hỗ
'Tôi và Chúng ta', "mình vì mọi người, mọi người vì mình". Nhưng khi cái
'tôi' quá lớn, quá đậm thì 'chúng ta' sẽ teo khuất, mờ nhạt. Ôi, ai
cũng an phận thủ thường, thiếu bản lĩnh sống; ai cũng co lại, cho nên
thành miếng đất mỡ màu cho cái xấu, cái ác phình to rồi hại đến chính
mình, đến đời con cháu mình!
BVB
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/08/bui-van-bong-loi-song-ne-tranh-co-lai.html
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001