Chiến lược xoay trục hướng về châu Á: Tấm vé để Obama ra khỏi Trung Đông?
Stephen P. Cohen và Robert Ward, The Diplomat, 21 tháng Tám 2013
Trần Ngọc Cư dịch
Kể
từ khi chiến lược “xoay trục” hướng về châu Á của Mỹ được công bố năm
2011, một cuộc tranh luận sôi nổi đã diễn ra về nội hàm, về những hiệu
ứng tiềm năng của nó đối với quan hệ Mỹ-Trung, và gần đây về nghi vấn
là, liệu chiến lược này sẽ thực sự diễn ra hay không.
Động
lực đưa đến chiến lược xoay trục bề ngoài có vẻ rõ ràng: “trọng tâm”
toàn cầu đang chuyển dịch về khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và Hoa Kỳ
cần phải đáp ứng tình thế mới. Chúng tôi [tác giả bài viết] tranh luận
rằng động cơ địa chiến lược (geostrategic motivation) này không
phải là lý do duy nhất đưa đến việc xoay trục: còn có một lý do quan
trọng không kém, đó là tham vọng của Tổng thống Obama muốn đánh đổi một
cuộc chiến lâu dài, tốn kém, và ngày càng mất lòng dân tại Afghanistan,
và cả sự tập trung nỗ lực to lớn tại Trung Đông đầy bất ổn và bạo loạn,
để nhận lấy sự ổn định tương đối của khu vực Đông Á.
Tham
vọng muốn ra khỏi Afghanistan của Tổng thống Obama có thể thấy được
trong cách tiếp cận của ông đối với cuộc chiến tại Iraq. Mười một năm về
trước, khi còn là một thượng nghị sĩ cấp tiểu bang, Barack Obama đã lao
vào sự nghiệp chính trị cấp quốc gia bằng một bài diễn văn, cảnh báo
rằng hành động xâm lăng Iraq sắp diễn ra là “liều lĩnh”, vô trách nhiệm,
và giản dị là “ngu đần”. Saddam Hussein không đặt ra một đe dọa trực
tiếp nào cho Hoa Kỳ, Obama tranh luận, và cuộc chiến này sẽ đòi hỏi một
sự chiếm đóng “lâu dài bất định, với tổn thất bất định, và với những hậu
quả bất định”. Bài hát của nhóm nhạc rock độc lập Tô Cách Lan, Camera
Obscura, diễn tả đầy đủ chiến lược nói trên: “chúng ta hãy rút khỏi nước
này”.
Mặc dù Tổng thống Obama không bao giờ lên
tiếng chống đối cuộc chiến tại Afghanistan, nhưng quan điểm của ông
hiện nay về cuộc xung đột này là rất giống với hình ảnh mà ông đã có về
nước Iraq trước khi chiến tranh diễn ra: phe Taliban, tự nó, không đặt
ra một đe dọa trực tiếp nào cho an ninh nội địa Mỹ, và sau 12 năm chiếm
đóng, chúng ta vẫn còn đối diện với một cuộc nội chiến tại Afghanistan
với thời gian dài bất định, mức tốn kém bất định, và những hậu quả bất
định. Giải pháp? Chúng ta phải rút ra càng sớm càng tốt miễn là không
đưa đến một sự sụp đổ toàn bộ Chính phủ Afghanistan.
Nói
cho ngay, Afghanistan không phải là nước duy nhất mà Hoa Kỳ bận tâm tại
Trung Đông, nhất là nếu chúng ta vẽ một đường kéo dài từ Pakistan đến
tận Morocco, như tác giả Vali Nasr đã làm [trong một bài báo của tạp chí The Diplomat].
Pakistan, quốc gia có vũ khí hạt nhân lớn thứ năm trên thế giới, nhưng
có một chính phủ gần như bất lực và đang hỗ trợ phe Taliban tại
Afghanistan trong khi Pakistan cũng không mấy thành công trong việc trấn
áp đám Hồi giáo vũ trang tại nước mình; Iran đang từng bước tiến đến
việc thủ đắc vũ khí hạt nhân và không chịu đáp ứng trước sức ép của Mỹ;
và Mỹ gần như bất lực trong việc chi phối các biến cố tại Syria và Ai
Cập. Trong 10 năm qua, Hoa Kỳ không mấy thành công tại khu vực Trung
Đông. Vì thế, dưới một góc độ chính trị, việc chuyển trọng tâm chiến
lược là hoàn toàn dễ hiểu.
Nhưng tại sao lại
“tái quân bình lực lượng” hướng về châu Á, thay vì chỉ giản dị là đưa
quân về nước? Có một câu trả lời mang giọng điệu địa chiến lược thường
thấy: chúng ta phải duy trì đồng minh và lợi ích kinh tế của chúng ta ở
vùng này và giúp đảm bảo sự trỗi dậy của Trung Quốc được hòa hoãn chừng
nào hay chừng ấy. Điều này có thể đúng trong 5 năm tới, nhưng hiện nay
có những lý do chính trị có lẽ còn quan trọng hơn thế.
Một
là, mặc dù Chính quyền Obama dị ứng với các cuộc chiến chống nổi dậy
đầy tốn kém, nhưng vị tổng thống này rõ ràng tin tưởng vào một chính
sách đối ngoại có mục đích duy trì ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ, và sẵn
sàng theo đuổi các cuộc can thiệp tương đối an toàn về mặt chính trị,
không trực tiếp đe dọa mạng sống người Mỹ, như chiến dịch không kích của
NATO tại Libya. Chiến lược xoay trục lại càng an toàn hơn nữa: mặc dù
có nhiều căng thẳng quốc tế đang diễn ra tại châu Á, nhưng cái khả năng
để lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ vừa được triển khai tại Australia hay
các căn cứ rộng lớn của Mỹ tại Hàn Quốc hay Nhật Bản bị tấn công là gần
như không có.
Hai là, sự tham gia của Mỹ tại khu
vực châu Á-Thái Bình Dương cho phép quân lực Mỹ vận dụng được các thế
mạnh của mình: đó là các lực lượng không quân và hải quân đang hướng vào
các cường quốc quan trọng. Mỹ có nhiều lợi thế rất to lớn về không lực
và hải lực hơn bất cứ một quân đội nào khác, nhưng trong 12 năm tham dự
các cuộc chiến phi qui ước trên bộ vừa qua, việc phân bổ các nguồn lực
quốc phòng đã đi ra ngoài sự tập trung truyền thống [vào không-hải lực]
nói trên, với ngân sách của Không quân và Hải quân rơi từ 54% toàn bộ
ngân sách quốc phòng năm 2000 xuống chỉ còn 41% năm 2008. Hiện nay, mặc
dù Bộ binh và Lính thủy đánh bộ đang đối diện việc cắt giảm ngân sách
nghiêm trọng, nhưng ngân sách của Hải quân và Không quân thì đang được
giữ nguyên. Và mặc dù các khả năng chống tiếp cận/từ chối địa bàn [A2/AD
capabilities] của Trung Quốc ngày càng tăng trưởng, làm giảm sút sự
không chế quân sự của Mỹ trong lãnh vực này, nhưng một cuộc đọ sức về
hải quân và không quân vẫn hấp dẫn hơn một cuộc xung đột kéo dài trên
bộ, đối với một vị tổng thống và một quần chúng Mỹ mỏi mệt vì chiến
tranh. Hơn nữa, đại bộ phận quân đội Mỹ nói chung không còn muốn tiếp
tục chiến đấu trong những cuộc chiến làm tiêu hao nguồn lực và làm nản
chí mọi người như tại Iraq và Afghanistan, và vì thế đang hồ hởi trở lại
một khu vực đầy rẫy những đồng minh đích thực như Hàn Quốc,
Philippines, và Nhật Bản.
Nhưng tại sao cái động
lực nằm sau chiến lược xoay trục hướng về châu Á lại có ý nghĩa quan
trọng, nếu nó đã và đang được thực hiện? Ấy là vì, chiến lược xoay trục
càng tùy thuộc vào các xác tín cá nhân của Tổng thống Obama, vào nhu cầu
tạo một lá chắn chính trị cho việc rút quân khỏi Afghanistan và vào
những nguyện vọng nhất thời của công luận Mỹ, thì chiến lược này lại
càng dễ dàng biến mất vào giờ phút Tổng thống Obama rời Nhà Trắng, hoặc
ngay cả trước đó. Đây là một vấn đề, vì chiến lược xoay trục có mục đích
trấn an các đồng minh của Mỹ tại châu Á về sự hiện diện liên tục của Mỹ
và quản lý sự trỗi dậy từng bước của Trung Quốc – như vậy, một cuộc
xoay trục ngắn hạn, hay thậm chí một cuộc xoay trục mà các lãnh đạo châu
Á cho là ngắn hạn, không thể đạt được những mục tiêu này. Chiến lược
xoay trục thường xuyên bị mô tả là một con cọp giấy, và nếu việc xoay
trục này là để rút quân ra khỏi Afghanistan hơn là để duy trì một sự
hiện diện lâu dài của Mỹ tại châu Á, thì sự chỉ trích này sẽ được chứng
minh là đúng.
Nếu có một cái giá mà Mỹ phải trả,
việc này sẽ không diễn ra trong nhiệm kỳ của Obama. Sự bành trướng của
chủ nghĩa cực đoan đến tận Pakistan, rồi lan qua Ấn Độ – một phiên bản
mới của thuyết đô-mi-nô – có thể bị coi là cường điệu trong tình hình
hiện nay, nhưng đó là một kịch bản hợp lý cần phải xét đến. Những cuộc
khủng hoảng giữa Ấn Độ và Pakistan cũng có thể tái diễn, và chúng ta
trong tư cách một chính phủ vẫn còn tin rằng Pakistan thuộc về khu vực
Af-Pak và Trung Đông, chứ không thuộc về Nam Á. Thật là tự nhiên khi
nghĩ rằng “Chúng ta hãy rút quân ra khỏi nước này”, nhưng đó cũng là một
đường lối lãnh đạo yếu kém. Câu hỏi thật sự cần phải đặt ra là: hai
cường quốc đang trỗi dậy, Trung Quốc và Ấn Độ, có thể sẽ dùng nguồn lực
của mình để khai thác sự yếu kém, mong manh của Trung Đông và Pakistan
như thế nào? Đây là một câu hỏi mà chính quyền này đã nhắm mắt bỏ qua,
khi có ý định thực hiện một thay đổi quan trọng trong chiến lược của Mỹ.
Chắc chúng ta sẽ phải chờ đợi một vị tổng thống khác mới có thể thấy
câu hỏi này được nêu lên thêm một lần nữa.
S. P. C. & R. W.
Stephen
P. Cohen là một nhà nghiên cứu thâm niên về Chính sách Đối ngoại tại
Viện Brookings ở Washington, DC. Robert Ward là Nghiên cứu sinh nội trú
về các vấn đề Nam Á tại Viện Brookings.
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 00:28
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2013/08/chien-luoc-xoay-truc-huong-ve-chau-tam.html
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001