Nghĩ về tính “đa nguyên” trong thế giới sự sống
Đào Tiến Thi
Từ
hôm ông Lê Hiếu Đằng và ông Hồ Ngọc Nhuận đưa ra vấn đề đa đảng, mấy tờ
báo chính thống, đặc biệt là tờ Quân đội nhân dân, ra đòn phản bác liên
tiếp. Trong bài này, tôi chưa bàn về sự đúng sai của những bài viết ấy.
Trước hết, tôi cảm nhận trong đó một tâm lý sợ hãi, tức tối và lớn
tiếng doạ dẫm của các tác giả đối với những người đối lập. Từ bao giờ đã
hình thành ở nước ta, rằng chỉ có chính thống mới là đúng, còn thì tất
cả đều là sai, đều là “phản động”? Ấy thế mà nhiều khi trong lúc cùng,
để cứu nguy, thì chính những lãnh tụ của chính thống lại chấp nhận, thậm
chí cổ suý cho những điều mà họ từng bài bác, kết tội. Ví dụ gần đây
nhất là việc chấp nhận kinh tế thị trường, chấp nhận mở cửa với tư bản
nước ngoài, điều chưa hề có trong lý luận Mác-xít và suốt một thời gian
dài là chuyện tuyệt đối cấm kỵ.
Trong
bài này, như tiêu đề của nó, tôi chỉ bàn về tính “đa nguyên” trong thế
giới sự sống (bao gồm cả tự nhiên và xã hội), làm tiền đề để tôi nghĩ
tiếp về vấn đề đa nguyên, đa đảng. Thực ra, nếu không dùng chữ “tính”
thì chữ “đa nguyên” mang nghĩa rộng như trên mới cần đặt trong ngoặc
kép. Nhưng để đề phòng những người cố ý bắt bẻ chỗ này, bảo rằng “đa
nguyên” là vấn đề thể chế chính trị, sao lại gán nó cho cả thế giới tự
nhiên, cho nên tôi dùng cả hai, cho chắc!
Nếu để
ý quan sát, ta sẽ thấy ở quanh ta, tự nhiên cũng như xã hội, có sự
chung sống của vô vàn những sự vật khác nhau. Những sự khác nhau ở mức
cao thì trở thành đối lập; đối lập nhưng lại cần thiết cho nhau.
Trong
một khu rừng có các loài cỏ cây và các loài muông thú. Muông thú ăn mầm
cây, lá, quả, tức là kẻ thù của cây cối, nhưng muông thú đem hạt giống
đi “gieo trồng” khắp nơi. Có loại hạt chỉ có qua sự tiêu hóa, bào mòn
bớt lớp vỏ thì mới nảy mầm được. Muông thú còn thải ra phân, nước tiểu
làm chất dinh dưỡng cho cây cỏ; muông thú cũng thải khí cacbonic, loại
khí cần cho quá trình quang hợp của cây xanh. Còn cây cối trong quá
trình quang hợp lại tạo ra oxy để duy trì sự hô hấp của muông thú.
Cây
ăn mòn đất nhưng rễ cây, lá cây mục lại tăng dinh dưỡng và độ ẩm cho
đất. Một số loài chim là “vệ sỹ”, là “bác sỹ” bảo vệ cây khỏi các loài
côn trùng. Rừng rậm rạp giúp các loài thú dữ ẩn náu, tránh sự săn bắn
của con người; và chính các loài thú dữ lại giúp rừng đỡ bị tàn phá (Hổ cậy rừng, rừng cậy hổ). Tất nhiên đấy là thời xưa, khi con người chưa có nhiều vũ khí.
Hồi
nhỏ, một lần nghe đài, tôi nghe được câu chuyện: Để bảo vệ đàn thỏ và
cừu, chính phủ một nước nọ cho tiêu diệt loài chó sói. Nhưng khi hết
chó sói thì thỏ, cừu sinh ra bệnh tật, chết hàng loạt. Lúc ấy người ta
mới biết rằng loài thỏ, cừu khi không phải sinh tồn bên cạnh đối thủ,
tai chúng trở nên kém tinh, mắt chúng trở nên kém sáng, đôi chân không
chạy nhanh nữa,... từ đó sinh ra ốm yếu.
Ấy là chưa kể những sự cộng sinh. Trong truyện Đất rừng phương Nam
của Đoàn Giỏi có tình tiết hai cha con ông Hai phát hiện ra hổ nhờ con
chim “lệnh”, một con chim chuyên đi theo hổ làm nhiệm vụ “xỉa răng” cho
hổ, cũng như con sáo, con nhồng đi theo trâu bắt ve bọ, ruồi muỗi. Con
bọ hung xấu xí, hôi hám (mà cổ tích kể rằng đó chính là hoá kiếp của Lý
Thông để trả giá cho sự gian ác của hắn) nhưng chính nó chuyên đi lấp
phân (ngày xưa ít khi dùng hố xí), vừa làm vệ sinh môi trường vừa làm
tơi xốp đất. Vào thế kỷ XVIII, dân châu Âu di cư đến Úc, thấy đây là một thảo nguyên màu mỡ nhưng động vật ăn cỏ rất ít, họ bèn chở gia
súc đến. Mấy chục triệu con trâu bò mỗi ngày thải ra mấy chục triệu
đống phân. Phân nhiều quá không có cách nào dọn sạch làm cho thảo nguyên
ô uế, ruồi nhặng
sinh sôi nảy nở quá nhiều, gây dịch bệnh cho đàn gia súc. Các nhà khoa
học liền nghĩ ra cách đem loài bọ hung đến. Bọ hung trở thành đội ngũ
“công nhân vệ sinh” giải quyết “xỉ phẩn nạn” cho nước Úc.
Đời
sống dưới nước cũng tương tự. Có loài sống ở tầng mặt, thải chất thải
xuống tầng đáy, lại có loài sống ở tầng đáy ăn các chất thải đó, làm cho
nước luôn luôn sạch. Hiện tượng “cá lớn nuốt cá bé” cũng có cái hay là
để loài cá bé không sinh sôi quá nhiều làm cạn kiệt thức ăn và ô nhiễm
môi trường. Tôi đã từng nuôi cá rô phi. Chỉ thả độ mươi con mà mấy tháng
sau chúng sinh sôi đặc ao, và vì vậy chúng không sao lớn được. Về sau
tôi nuôi lẫn các loài ăn thịt như cá quả, cá rô, ếch,... thì thấy rô phi
lớn nhanh hơn hẳn.
Đất và nước, núi và sông là những cặp sự vật đối lập, nhưng đi đôi với nhau có thể làm nên những cảnh nên thơ và diễm lệ.
Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ
(Ca dao)
Âm
với dương là hai mặt đối lập. Nhưng nếu triệt tiêu một thì cái kia cũng
không còn. Cho nên âm dương quân bình thường là trạng thái tốt nhất.
Trong các món ăn hằng ngày, người Việt Nam thường phối hợp các thứ thuộc
về “âm” với các thứ thuộc về “dương”. Ví dụ ăn cá, tôm, cua (máu lạnh,
thuộc âm) thì phải ăn kèm các gia vị cay nóng (thuộc dương), nếu không
dễ bị đau bụng. Chữa bệnh thì vừa dùng thuốc độc để công phạt nhưng lại
phải có thuốc giải độc để không làm suy mòn cơ thể.
Trong
một cây có hoa đực và hoa cái, trong một loài động vật có con đực và
con cái, loài người có đàn ông và đàn bà, làm cho cuộc sống thăng hoa và
duy trì nòi giống.
Có âm dương có vợ chồng
Dẫu từ thiên địa cũng dòng phu thê
(Nguyễn Gia Thiều)
Chết
và sống là hai phạm trù đối lập nhưng lại cần cả hai. Ai cũng muốn sống
lâu, nhưng ai cũng sống lâu thì mặt đất chứa sao hết người? Và cơm đâu
để ăn, khí đâu để thở? Có một cụ già Nhật Bản sống trăm mấy tuổi, trong
ngày sinh nhật, cụ đã xin lỗi nhân dân Nhật Bản và nhân dân thế giới vì
cụ đã sống quá lâu, chiếm hết phần sống của người khác. Lại nữa, giả sử
con người ta “bất tử”, thì đã chắc gì hạnh phúc? Trong truyện ngắn Bà lão Idecghin
của Gorki có mẩu chuyện: Một thanh niên phạm phải lỗi nặng với bộ lạc
của mình, không thể tha thứ. Các vị trưởng lão họp lại để tìm một hình
phạt ghê gớm nhất. Cuối cùng các cụ đồng thanh biểu quyết: bắt kẻ phạm
tội phải bất tử. Một ngày kia chán sống, kẻ ấy đập đầu xuống đất, nhưng
đất lún xuống tránh hắn. Hắn tìm cách đi ăn cắp ở các bộ lạc khác, mong
trúng một mũi tên trừng trị, nhưng dẫu tên bắn như mưa hắn cũng không hề
hấn gì. Hắn không thể nào chết được, đó là điều đau khổ nhất cho hắn.
Vì hắn đã bị một hình phạt ghê gớm do những trí tuệ bậc nhất của bộ lạc
nghĩ ra.
Cuộc sống của con người là một sự cộng
sinh kỳ diệu giữa các hạng người khác nhau. Trong một triều đình xưa có
hàng văn, hàng võ. Nước thiên về văn thì yếu hèn, thiên về võ thì hiếu
chiến. Cân bằng văn võ thì nước thịnh trị, hùng cường. Xưa có những nghề
bị coi là “hạ đẳng” như làm mõ hay làm đô tuỳ, nhưng nếu không có mõ
thì ai đi truyền tin trong thôn xóm và ai làm cỗ cho các cụ ăn? Không có
đô tuỳ, ai khiêng đòn đám ma và chôn cất tử thi, ai bốc hài cốt khi cải
táng? Những ngôi nhà sang trọng, những chiếc xe sang trọng, những bộ
quần áo sang trọng thường thấy hôm nay lại do những bàn tay lấm lem dầu
mỡ, chai sần của người công nhân làm nên. Những món ăn ngon và tinh
khiết do những người nông dân đen đúa, suốt ngày “bán mặt cho đất bán
lưng cho giời” ở những nơi hẻo lánh cung cấp. Cho nên ở các nước có nền
văn minh dân chủ, người ta quan niệm người giàu giúp người nghèo như một
nghĩa vụ, nước giàu giúp nước nghèo cũng như một nghĩa vụ.
Trong
thể chế đa đảng của các nước dân chủ thường có đảng bảo thủ và đảng cấp
tiến. Đảng bảo thủ chưa chắc là tiêu cực; trái lại, nhiều khi nó “níu
áo” đảng cấp tiến để tránh những sự bồng bột, thái quá. Sự đối lập trong
xã hội của họ diễn ra hằng ngày. Chỉ xin lấy hai vụ liên quan đến Việt
Nam: Trong vụ thảm sát Mỹ Lai (1968), khi những tên lính Mỹ xả súng vào
dân thường thì lại có một tốp lính đi trinh sát tình cờ thấy liền cho
trực thăng hạ cánh xuống, chĩa súng vào tốp lính Mỹ kia bắt dừng lại, và
cứu một số người dân còn sống mà họ tìm thấy. Cách đây mấy năm, một số
nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam đâm đơn kiện những công ty Mỹ sản
xuất ra chất độc này thì lại được chính những luật sư người Mỹ đứng ra
bảo vệ giúp. Ấy thế mà xã hội của họ vẫn cứ bình yên và phát triển.
Tôi
cho rằng các thể chế đa đảng của xã hội tư bản đã được mô phỏng từ mô
hình đa nguyên trong các nền cộng hoà Hy Lạp và La Mã cổ đại. Còn sự đa
nguyên trong các nền cộng hoà Hy Lạp và La Mã cổ đại lại mô phỏng sự đa
dạng của tự nhiên. Tự nhiên trong quá trình tiến hoá dài dằng dặc đã trở
nên hoàn hảo. Cho nên xã hội càng văn minh, xu hướng quay về với tự
nhiên càng lớn. Hình như chính Rousseau đã nói: “Tất cả đều hoàn hảo từ
bàn tay Tạo hoá; tất cả đều hư hỏng từ bàn tay con người”.
Đa
nguyên là dạng tồn tại phổ biến của thế giới sự sống. Bản chất của đa
nguyên là sự chung sống và tương tác của những sự khác biệt, những sự
đối lập. Một trong ba quy luật phổ biến của phép biện chứng duy vật Mác –
Lê-nin là quy luật thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập. Quy
luật này được diễn giải vắn tắt như sau: “Các mặt đối lập vừa thống
nhất, vừa đấu tranh với nhau. Trong đó thống nhất là tương đối, tạm
thời; đấu tranh là tuyệt đối, vĩnh viễn. Sự thống nhất và đấu tranh của
các mặt đối lập là nguồn gốc, động lực của sự vận động, sự phát triển”
(Giáo trình Triết học dùng cho cao học và nghiên cứu sinh không thuộc
chuyên ngành Triết học, NXB Chính trị - Hành chính, 2012).
Ấy
thế mà không hiểu sao những nhà Mác – Lê-nin chính hiệu hiện nay lại sợ
đa nguyên – tức sợ những sự đối lập, sợ đấu tranh – đến thế?!
Đ.T.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 00:38
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2013/08/nghi-ve-tinh-nguyen-trong-gioi-su-song.html
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001