Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Nguyễn Xuân Nghĩa - Giấc Mơ Ðen Trắng

Nguyễn Xuân Nghĩa - Giấc Mơ Ðen Trắng 

   at 8/27/2013 01:25:00 PM

Nguyễn Xuân Nghĩa

Những lý do và tai họa của 'căn cước từ màu da'....

Kỷ niệm 50 năm cuộc diễn hành phát huy dân quyền, do Mục sư Martin Luther King Jr. cùng nhiều nhân vật khác khởi xướng ngày 28 Tháng Tám năm 1963, dư luận Hoa Kỳ chú ý tới sự tiến bộ lẫn tụt hậu của người Mỹ da đen về mặt dân quyền.


Tình trạng “tranh tối tranh sáng” của họ quả là đáng ngại. Nhưng tháng trước đây, khi Tổng thống Barack Obama nhảy vào cuộc nhân vụ xử án - và tha bổng - George Zimmerman về tội bắn chết một thiếu niên da đen, người ta e là ông không giải quyết mà còn gây khó cho một vấn đề xã hội vốn dĩ nan giải...

Chúng ta hãy thử nhìn vào vấn đề này từ giác độ khác, cũng theo kiểu “nhìn từ bên ngoài”.

***

Trên thế giới, ngoại trừ trên một hoang đảo hẻo lánh, hầu như không quốc gia nào lại “thuần chủng”, chỉ gồm các công dân từ một chủng tộc duy nhất. Quốc gia hay cộng đồng nào cũng hình thành từ sự pha trộn chủng tộc của nhiều thế kỷ và thế hệ.

Hoa Kỳ là quốc gia thành hình từ di dân với nhiều pha trộn sắc tộc và màu da, nhưng duy nhất ngày nay lại có thành phần lãnh tụ chỉ tranh đấu cho dân da đen, hay người Mỹ gốc Phi Châu. Hãy tưởng tượng đến phản ứng của mọi người khi xuất hiện các câu lạc bộ hay hiệp hội chỉ dành cho hội viên Do Thái, Ái Nhĩ Lan, hoặc nhân vật chỉ tranh đấu cho quyền lợi người Ý, người Nga... Họ có thể bị kết án là “kỳ thị” và cản trở tinh thần hội nhập của “Hiệp chủng quốc”.

Sở dĩ như vậy là vì người Mỹ da đen vẫn là nạn nhân của nhiều vấn đề, trong đó có cả loại vấn đề do chính họ tự gây ra. Phân giải cho rõ hiện tượng “nạn nhân” và từ đó, nói đến “thủ phạm”, là chuyện nhạy cảm.

Từ phong trào đấu tranh cho dân quyền của người da đen, thành phần sắc tộc này có nhiều tiến bộ hơn về kinh tế”: hơn phân nửa có mức sống cao hơn “mức bần cùng”, poverty line, và bước vào thành phần trung lưu. Ðịnh mức nghèo khốn này có thay đổi, gần đây nhất (2010) là một người dưới 65 tuổi có lợi tức cả năm là 11 ngàn 344 đô la, hoặc một hộ gia đình bốn người kiếm được khoảng 22 ngàn đô la một năm. Dưới mức tối thiểu ấy là được coi là nghèo. Ở đây, ta không so sánh “cái nghèo” của một dân Mỹ với sự cùng khốn của các dân tộc khác để kết luận rằng một người Mỹ nghèo vẫn còn sướng hơn mấy tỷ người khác trên địa cầu!

Nhưng bên cạnh sự tiến bộ ấy là những thống kê u ám khác.

***

Nửa thế kỷ sau cuộc đấu tranh cho dân quyền của người da đen, cuộc khảo sát mới nhất của hệ thống Rasmussen cho biết như sau về tâm tư người Mỹ:

Có 31% dân da đen tin rằng đa số người da đen có tinh thần kỳ thị chủng tộc. So với 29% người da trắng tin là đa số dân da trắng là kỳ thị thì sự khác biệt quả là không nhiều. Kỳ thị là chuyện có thật. Nhưng nếu chính người da đen lại xác nhận như vậy trong cộng đồng của họ thì đấy là điều đáng giật mình! Cũng thế, ngày nay chỉ có 29% dân Mỹ nói chung nghĩ rằng quan hệ về sắc tộc trong xã hội đã có cải tiến, và 32% lại cho là tình hình còn tồi tệ hơn trước.

Chẳng hạn như một phần ba trẻ em (người Mỹ) da đen lại sinh ra từ một bà mẹ độc thân, và gần 60% của số trẻ này đang sống trong cảnh bần cùng. Hoặc gần một phần ba đàn ông da đen đã và sẽ vào tù. Mà dù có được vào trung học thì 40% nam giới đã có lúc thất nghiệp ở tuổi sung mãn, từ 25 đến 34... Quả thật họ là thành phần nạn nhân rất đáng ái ngại.

Ðáng ngại nhất, sau khi ông Martin Luther King đã tranh đấu và mất mạng để xây dựng một xã hội không còn nạn kỳ thị màu da, nhiều vụ án hình sự, từ O.J.Simpson tới George Zimmerman, bị xoay thành chuyện màu da. Khỏi cần biết là ai có tội hay vô tội, người ta dùng màu da làm tiêu chuẩn phân định. Và còn biểu tình phản đối phán quyết của tòa án.

Quả thật là đã có tinh thần kỳ thị hai chiều, trên lằn ranh trắng đen, của màu da. Vì sao lại như vậy?

Hai kinh tế gia từng đoạt giải Nobel, là Gary Becker và Kenneth Arrow, đã tìm hiểu và giải thích nạn kỳ thị này từ phản ứng nghi kỵ tiên thiên trong các doanh nghiệp. Nhiều cuộc khảo sát và trắc nghiệm có xác nhận chuyện ấy. Thí dụ như khi đi xin việc, lập hồ sơ tín dụng, hoặc khảo giá xe hơi, người nộp đơn với cái tên đặc thù da đen thường bị thiệt thòi hơn.

Nhưng kinh tế không là tất cả.

Nhiều người Mỹ da đen đã có những chọn lựa hay thái độ sống mà giới trung lưu cả da trắng và da đen đều cho là tai hại. Như việc phụ nữ có con ngoài hôn nhân; hoặc nhiều kẻ tội phạm lấy rủi ro quá lớn (và bị tù) mà chẳng có lợi gì; trong khi các thiểu số da màu khác, như người Latino, chưa nói đến dân gốc Á, lại dễ kiếm việc hơn dù đã bị rào cản về ngôn ngữ.

Trong phạm vi đó, chính sách “khẳng định tích cực”, affirmative action, nhằm tích cực nâng đỡ thiểu số da đen, chưa hẳn là có lợi cho người da đen mà còn duy trì tinh thần ỷ lại, hoặc ăn vạ, và gây thêm vấn đề cho cộng đồng này.

Một chi tiết còn đáng chú ý hơn: khi được khảo sát về học lực và hạnh kiểm, nhiều em nhỏ da đen cố tình chứng tỏ rằng mình hư và dốt hơn thực tế, để được giống như chúng bạn. Với một số người da đen, thành tựu về học vấn, nghề nghiệp hoặc lợi tức, có thể phản ảnh tinh thần “theo bọn da trắng” - hoặc phản bội cộng đồng.

Họ bị cột vào cái căn cước da đen và có những động thái bất lợi để bảo vệ “bản sắc riêng”...

Một số lãnh tụ da đen nổi tiếng như các mục sư Jessie Jackson, Al Sharpton hay Louis Farrakhan, còn khai thác tinh thần kỳ thị ngược của dân da đen để bảo vệ vai trò của họ mà vây hãm “đồng bào” trong cái vòng luẩn quẩn khó gỡ. Như nhiều nhà cách mạng đi trước, các lãnh tụ này hướng cuộc cách mạng qua ngả khác và vận dụng phản ứng “là nạn nhân” của quần chúng để duy trì vai trò lãnh đạo của họ, trên lưng các nạn nhân. Những ai kêu gọi hội nhập, như của diễn viên Bill Cosby, hoặc tinh thần trách nhiệm và tự cường, như giáo sư kinh tế kiêm bình luận gia Thomas Sowell, đều bị đả kích là bội phản di sản da đen hoặc là nô lệ cho da trắng.

Ðáng lẽ việc Tổng thống Obama thắng cử phải là biến cố giải thoát và tháo gỡ mâu thuẫn trầm trọng này cho nước Mỹ. Nhưng có thể vì động lực chính trị, ông cũng không vượt qua phản ứng tâm lý tai hại của nhiều người da đen và đi ngược nỗ lực hội nhập của nước Mỹ. Ðáng tiếc!

Chỉ có tại nước Mỹ

Khi có tin là biện lý New York Eric Schneiderman vừa đòi truy tố tỷ phú Donald Trump về việc lập ra một đại học vô giá trị chỉ vì quyền lợi riêng, ta nên đọc một cái tin cùng ngày Thứ Bảy 24. Nhiều trường tư thục tại Los Angeles đã thuê loại nhiếp ảnh viên điệu nghệ vì chụp hình các tài tử hay ca sĩ nổi tiếng như Kim Kardashian hay Avril Lavigne, để quảng cáo cho trường. Kỹ thuật quảng cáo là chụp hình học sinh và trình bày như đại tài tử trong cuốn kỷ yếu hàng năm của nhà trường! Nhiều bậc phụ huynh đã lật đật ghi danh cho con vào các ngôi trường khét tiếng này.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/08/nguyen-xuan-nghia-giac-mo-en-trang.html
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001