Nói lại ý niệm “đấu tranh giai cấp” theo quan điểm Mác xít của người cộng sản
Nói tới thực tế cộng sản, hầu như ai cũng nghĩ tới ý niệm “đấu tranh giai cấp” mà người cs bao giờ cũng chủ trương. Điều này đã trở thành một kinh nghiệm xương máu, nghiệt ngã, khắc nghiệt ngay từ đầu mà mọi người đều rõ. Khẩu hiệu trí phú địa hào đào tận gốc bốc tận rễ đã xuất hiện sớm nhất kể từ thời Xô viết Nghệ tĩnh trước kia chẳng ai lại không biết. Rồi thời kỳ cải cách ruộng đất ở miền Bắc, miền Trung năm 1953, 1954, hay thời kỳ cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam ngay các năm sau 1975 đều không đi ra ngoài ý nghĩa và mục tiêu như thế.
Nhưng điều đáng nói ở đây chính ở chỗ đó không phải chỉ là một chính sách cải cách xã hội nói chung, nhưng lại diễn ra trên các bình diện cá nhân một cách đặc thù, cụ thể và cay nghiệt nhất. Nó đã trở thành những chuyện trả thù lẫn nhau hết sức oan tức, chua xót giữa những cá nhân con người, những gia đình con người với nhau. Các cảnh đấu tố dã man, phi lý, tàn bạo nhất đã từng xảy ra trong các thời kỳ cải cách ruộng đất trước đây, coi mạng người và mọi quyền lợi chính đáng của con người đều như không, chỉ thấy có sự trả thù một cách sắt máu, phi nhân trong đấu tranh giai cấp là chính yếu nhất.
Ngay cả tầng lớp trí thức cũng bị nghi ngờ hay đố kỵ ngay từ đầu. Có lẽ cho rằng trí thức cũng có nguồn gốc từ các giai tầng bóc lột trước đó, nên trí phú địa hào đều được quy vào một giỏ, đó là giỏ phản động, giỏ bóc lột đối với tầng lớp vô sản cũng như bần cố nông. Quan niệm và cách làm đó chắc chắn đã rập khuôn theo cách suy nghĩ và cách thực hành của Trung Quốc. Bởi trong thời kỳ cải cách ruộng đất ở miền Bắc, cố vấn Trung Quốc không phải đã không có mặt, và các bài bản đã được mang vào theo cách rập khuôn như thế. Nói cụ thể, đây là chính sách và bài bản cụ thể do bản thân Mao Trạch Đông xướng ra mà không ai khác.
Tất nhiên điều thực hành đấu tranh giai cấp trong thực tế vốn đã có từ trước ở Liên Xô và các nước Đông Âu trước kia, nhưng mức độ của nó dù khắc nghiệt bao nhiêu cũng chưa đến nỗi nghiệt ngã như từng xảy ra ở Trung Quốc và Việt Nam. Sự tàn ác phi nhân trong cách đối xử đối với các nạn nhân thì có đủ mọi mặt, nhưng chính các con số cụ thể về những người bị giết chết, đày đọa khi ấy ở miền Bắc lên đến trên 200 ngàn người, còn ở Trung Quốc lên đến mười triệu người. Thật là những con số hết sức lớn lao và phi lý so với hoàn cảnh và điều kiện của xã hội chung khi đó. Và đây cũng thật là một nốt đen, một vết nhơ không bao giờ rửa sạch được của lý thuyết mác xít cũng như trong phong trào cộng sản quốc tế.
Bởi nguyên do và nguồn gốc của đấu tranh giai cấp kiểu này trong thực tế là gì, đó là thực hiện theo lý luận của Mác và theo chủ trương của Lênin đề xướng. Tuy vậy, thực tình Mác chỉ đề ra quan điểm hay lý luận tổng quát mà chẳng hề bao giờ nhấn mạnh hay chỉ ra những việc làm cụ thể cả. Đúng ra, ý nghĩa của Mác thực chất chỉ cơ bản dựa vào lý thuyết “biện chứng luận” của Hegel, để cho rằng xã hội con người lúc nào cũng chỉ phát triển theo hai mặt đối lập. Đó là giai cấp thống trị và giai cấp bị trị. Giai cấp thống trị là những người hữu sản, những người nắm quyền cai trị, và giai cấp bị trị là những người vô sản, những người bị thống trị.
Đối với Mác sự đấu tranh giữa hai mặt đối lập đó là ý nghĩa của đấu tranh giai cấp kể từ khi lịch sử loài người xuất hiện. Trong Tuyên ngôn cộng sản đảng Mác minh định rõ rệt xã hội của loài người từ trước đến nay chỉ là xã hội đấu tranh giai cấp. Tức hai giai cấp thống trị và bị trị, giàu và nghèo cứ thay phiên nhau tiếp nối trong lịch sử nhân loại không bao giờ dứt. Theo Mác nguồn gốc chính yếu của hiện tượng đó, ngoài nguyên lý duy vật lịch sử, là yếu tố cốt lõi, tiềm ẩn, sâu xa, vô hình nhất, thì cái cụ thể, rõ ràng và thực tế nhất đó chính là quyền tư hữu. Đấu tranh giai cấp thực chất là giành giật nhau về quyền tư hữu chung trong xã hội. Giai cấp nào thắng thì trở thành giai cấp thống trị, giai cấp nào thua thì trở thành bị trị và cứ thay đổi liên miên như vậy. Ngay cả các hình thái xã hội diễn ra trong lịch sử, như xã hội nô lệ, xã hội phong kiến, xã hội tư bản chủ nghĩa đều không đi ra ngoài ý nghĩa, tính chất hay nguyên tắc và quy luật đấu tranh giai cấp đó.
Do đó Mác chủ trương muốn xóa bỏ đấu tranh giai cấp thì phải xóa bỏ giai cấp, mà nguồn gốc của giai cấp là quyền tư hữu, nên muốn xóa đi phân biệt giai cấp, đối kháng giai cấp thì phải xóa đi quyền tư hữu. Đó là ý nghĩa của cách mạng vô sản theo Mác để tiến tới xã hội cộng sản hay đại đồng trong tương lai không còn giai cấp. Khi đó cũng không còn đối lập giai cấp nữa, vì nguồn gốc của nó đã bị tiêu diệt. Đó là tính cách của điểm dừng trong quy luật biện chứng mà Mác đã không để ý đến hay đã phớt lờ đi tính nghịch lý ở đó. Bởi nếu đấu tranh chung giữa hai mặt đối lập trong vũ trụ thực tại thì có bao giờ ngừng lại được. Vì lịch sử xã hội loài người chẳng qua cũng chỉ là thành phần của tồn tại vũ trụ. Đó là chưa nói quan niệm thế giới vật chất tự nó biện chứng cũng là điều hoàn toàn phi lô-gích, vì nó chỉ như một giả định, một thứ tiên đề được đặt ra mà không thể chứng minh gì cả.
Nhưng như nhiều lần chúng ta đã nói, sự phát triển của xã hội loài người chủ yếu dựa trên sự phát triển kinh tế xã hội, mà mấu chốt của phát triển kinh tế xã hội căn cơ cũng chỉ là phát triển khoa học kỹ thuật. Chính phát triển khoa học làm phát triển đời sống nói chung về mọi mặt, không phải chỉ giành giật nhau quyền lợi, tức đấu tranh giai cấp mà làm cho lịch sử xã hội phát triển. Bởi nếu hai người cốt đánh nhau chỉ để giành giật một cái gì đó, thì hẳn nhiên chỉ có thể dừng lại hay dậm chân tại chỗ mà không thể bao giờ tiến lên được. Đó là tính cách lý luận hết sức phi thực tế, phi khách quan và phi khoa học của Mác.
Đó là chưa nói yếu tố quyết định trong đời sống kinh tế sản xuất nơi xã hội con người chính là yếu tố tâm lý, yếu tố tài nguyên và yếu tố phát triển kỹ thuật vẫn luôn là điều chính yếu nhất. Ngay như sự phân công lao động hay sự phân phối sản phẩm cũng phụ thuộc vào đó. Bởi vậy cái gọi là xã hội làm việc theo lao động hưởng theo nhu cầu trong xã hội cộng sản tương lai là không có cơ sở thực tế hay chỉ đầy tính cách huyễn tưởng. Bởi bản năng ích kỷ của con người luôn luôn có, nhu cầu của con người thì luôn vô hạn, khoa học kỹ thuật cũng luôn tiến lên vô hạn. Với tất cả ba biến số đó thì không một phương trình nào lại có thể trở nên hằng số vĩnh cửu được cả. Đó là sự phi lý về mặt toán học khách quan mà Mác hoàn toàn không hề nghĩ tới.
Hơn thế nữa, Mác chỉ nhìn đấu tranh giai cấp theo kiểu tư biện triết học, theo kiểu lô-gích hình thức thuần túy, nó không phản ảnh thực chất khách quan trong xã hội cũng như trong kinh tế học. Quan niệm một xã hội xóa được giai cấp cũng chẳng khác gì quan niệm một sự vật không có cấu trúc cụ thể. Nếu như thế thì sẽ không còn sự vật thực tế nữa mà chỉ có thể trở thành một ý niệm thuần túy trừu tượng hay tưởng tượng. Ngay cả phương diện khoa học kinh tế cụ thể, Mác cũng chẳng phải là nhà kinh tế học đúng nghĩa để thấy đâu là các quy luật kinh tế xã hội cụ thể như yếu tố vi mô, yếu tố vĩ mô, đầu vào chung, đầu ra chung, sự tái phân phối lợi tức cho các giai tầng xã hội, yếu tố tiền tệ, thị trường, như những chế định căn bản, mang tính lịch sử, tiện lợi, và hiệu quả mà chính loài người đã phát kiến ra được.
Nhưng dù sao, Mác cũng chỉ mới đề ra ý nghĩa chung của đấu tranh giai cấp theo kiểu tổng quát nhất, tuy dầu nó có nhiều ảo tưởng, nhưng cũng không hề đưa ra những bài bản thực hành cụ thể. Mục đích của Mác là muốn tiến tới thực hiện một xã hội nhân văn đầy tính không tưởng, phi thực tế. Thế nhưng, trong thực tế, quan niệm đấu tranh giai cấp luôn luôn lại đã bị biến thành những tính cách trả thù giai cấp theo kiểu đố kỵ, bản năng và tính ác trong xã hội con người, trong từng hành vi hay bản chất con người khi thực hành điều đó. Cho nên từ một quan điểm phi thực tế, đầy chất trừu tượng, quan niệm đấu tranh giai cấp của Mác khi đi vào áp dụng lại được nhìn theo tính chất phiến diện, cụ bộ hóa, phi lý hóa và dã man hóa chỉ vì những quyền lợi tư riêng và vì sự nhỏ nhen, ích kỷ, tính ác cũng như tiêu cực, đầy phản động trong xã hội thực tế. Có nghĩa khái niệm cách mạng phần lớn thực chất chỉ còn là sự nhân danh của lòng ích kỷ cá nhân, tính tiêu cực cá nhân mà không là gì khác.
Bởi vì nếu cần đến sự công bằng nào đó của xã hội, con người chỉ cần áp dụng những kỹ thuật khoa học và pháp lý khác nhau phù hợp như thế nào đó một cách thực tế, cụ thể, hiệu quả và kết quả, mà không cần gì đến ý nghĩa đấu tranh giai cấp một cách trừu tượng, vô bổ như thế. Chẳng hạn sự định ra nguyên tắc phúc lợi xã hội, sự khống chế mức trần của sở hữu tài nguyên, ruộng đất, dùng thuế khóa để bổ sung, điều chỉnh thêm cho nguyên tắc tái phân phối lợi tức trong toàn xã hội, dùng biện pháp giáo dục, văn hóa để hạn chế cái ác, cái dở của con người v.v… và v.v… như rất nhiều nước khác nhau từ xưa đến nay vẫn làm.
Hơn thế nữa, giống như Mác nói, sự bóc lột là do điều kiện xã hội, không phải đặc quyền bẩm sinh hay bản chất bẩm sinh của bất kỳ cá nhân nào. Nói như thế là đúng, chỉ có cái Mác đã trừu tượng hóa quá mức, đã tư biện hóa quá mức, khiến trở thành phi lý, phi nguyên tắc thế thôi. Tức là nếu thay thế hoàn cảnh và vị trí, chưa chắc ai đã bóc lột hơn ai giữa địa chủ và làm thuê. Thực chất, trong thực tế người nông dân cũng am hiểu việc đó. Họ cũng phân biệt được đâu là địa chủ tai ác, đâu là địa chủ hay người giàu có hiền lành, tử tế, tốt bụng. Thế nhưng chính những cán bộ sách động lại làm theo công thức, vơ gộp cả đám, đó chỉ vì tính cách không hiểu biết, vì đã để cho bản năng cái ác trong bản thân của họ đã chi phối tất cả. Đó chính là một màn bi hài kịch trong đấu tố hết sức dã man, tàn ác, mà thực chất và cốt yếu nhất chỉ là sự trả thù riêng tư, hám lợi riêng tư, phản ngược lại cả đạo đức nhân văn cá nhân và xã hội, như gây nên việc con tố cha, vợ tố chồng, anh em tố nhau, kể cả ngay trong các hàng lãnh đạo, nắm quyền cao cấp nhất, được gọi là làm gương mà ai cũng biết. Đấy chính cả cái màn bi hài kịch khốn nạn nhất trong bản chất con người, trong xã hội loài người, nhân danh ý nghĩa và quan điểm của đấu tranh giai cấp trong thực tế đời sống cụ thể quả là như thế đó.
© Võ Hưng Thanh
© Đàn Chim Việt
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/78814/noi-lai-y-niem-dau-tranh-giai-cap-theo-quan-diem-mac-xit-cua-nguoi-cong-san/2013/08
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001