Từ ngõ Phất Lộc tới Weimar [17]
Tiếp theo phần trước
Đôi Vai.
Ngày ấy cả khu phố tôi không nhà nào có vòi nước riêng sinh hoạt trong nhà. Mọi người đều dùng chung cái vòi nước công cộng ở giữa phố. Hay gọi là máy nước. Hồi đó dân cũng không đông, không nhiều hàng quán như bây giờ, cho nên cái máy nước chảy lờ đờ ấy cũng đủ dùng cho cả khu phố. Người ta xếp hàng nhau đợi đến lượt, hứng nước vào thùng tôn rồi gánh về nhà. Nói đến đây lại nhớ cái ngày nghề làm thùng tôn gánh nước phát đạt thế nào.
Tôi gánh nước lần đầu tiên năm 12 tuổi, tôi để cái đòn gánh nằm giữa gáy, còng còng cái lưng gánh đôi thùng nước nặng trĩu, đôi thùng nó đung đưa bên này , bên kia khiến tôi hay mất đà loạng quoạng theo như người say rượu. Nhà tôi cách cái máy nước công cộng 50 mét. Giờ nhìn ngắn tẹo nhưng lúc nhỏ gánh nước thật xa.
Bố tôi đi làm về thấy tôi gánh nước, ông dựng xe bên tường nhà hàng xóm. Đỡ lấy gánh nước rồi gánh trên vai ông, đi rất nhẹ nhàng thư thả, bố tôi nói.
Đã gọi là gánh, là phải gánh bằng vai con ạ. Người đàn ông sinh ra đôi vai để gánh vác mọi việc nữa.
Sau lần bố dạy, tôi gánh bằng vai, đầu tiên đau lắm, cái cơ trên vai của tuổi 12 ít bắp thịt, đòn gánh đè xuống tận xương quai xanh đau điếng. Được mấy hôm tôi xoa vai nói với bố.
Bố ơi ! Gánh nước bằng vai đau lắm bố ạ.
Bố tôi xoa dầu trên đôi vai tôi, bố bảo cố gắng lên con. Sẽ quen dần, phải tập gánh bằng vai mới đúng cách và nhẹ nhàng, tối hôm đó bố ngồi uống trà, hút thuốc lào bằng cái điếu bát. Bố nói về đôi vai, bố nói nhiều nhiều, bố nói đôi vai của người đàn ông phải gánh nhiều trọng trách, gánh cơm áo cho gia đình, gánh cho họ hàng, cho bạn bè…nữa.
Tôi nghe nhưng buồn ngủ, chả hiểu gì về những gánh nặng của đôi vai ngoài hai cái thùng tôn đựng nước.
Năm sau bố tôi mắc đường ống nước về nhà, mất 5 chỉ vàng. Nhà tôi mắc đầu tiên ở phố, lúc đó không có đồng hồ nước mà người ta tính khoán theo đầu người. Cái máy nước nhà tôi cũng trở thành máy công cộng vì hàng xóm hay sang lấy nhờ cho gần, hoặc máy công cộng đông người. Tôi còn trẻ con, thấy người ta xin nhà mình nên thích ra oai. Lúc tôi cho người này, lúc tôi không cho người kia. Bố tôi ban ngày đi làm, có lần trưa ông về.Thấy có người gánh thùng không từ nhà tôi đi ra máy công cộng. Ông hỏi thì biết là tôi không cho. Bố vào nhà, ngồi bàn uống nước một lúc, sau gọi tôi lên hỏi vì sao không cho người ta lấy nước. Tôi nói tôi không ưa người đó vì họ ngứa mắt. Bố dùng cái ống đồng hay hút điếu bát bắt, tôi nằm xuống quật cho một trận lằn hết hai mông đít.Bố mắng
Mày sống ích kỷ như thế về sau chả ra gì đâu, tao phải đánh cho mày biết thương người khác. Lúc mày gánh nước mày đau vai mày có nghĩ người khác cũng thế không ?
Sau đận ấy, tôi không bao giờ tỏ thái độ khó chịu khi người ta gọi cửa xin nước, thậm chí tôi còn mở toang cửa cho ai vào lấy thì lấy. Có người còn mua ống cao su thòng ra ngoài đường ngồi giặt cùng với mấy người nữa. Họ chuyện trò tự nhiên râm ran. Tôi nghĩ chả biết bố tôi cho họ dùng nước của máy nhà mình làm gì, sao họ không bỏ tiền ra mà mắc đường ống nước về nhà. Tôi hỏi bố tôi vậy, bố nói
Họ có tiền thì đã mắc, việc gì xin mình nữa. Họ không có họ mới làm phiền mình thế thôi con ạ. Sau này thế nào các nhà cũng mắc nước hết, lúc ấy mình có muốn cho họ cũng chả được nữa. Lúc nào làm được gì tốt cho mọi người thì nên làm con ạ.Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau là vậy.
Đúng như bố tôi nói, mấy năm sau nhiều nhà mắc đường nước về, thêm thời gian nữa hầu như các gia đình trong phố mắc nước hết. Cái máy công cộng bị phá đi, san phẳng.
Chẳng còn ai sang nhà tôi xin nước.
Chẳng còn những lúc tấp nập người lấy nước hay giặt quần áo bên hông nhà tôi.
Cái vòi nước nhà tôi hình như nó cũng buồn, nó lẻ loi. Bố tôi xây cái bể nước bằng xi măng, cái vòi nước cũ nâng cao lên chảy vào trong bể. Nhà tôi dùng nước ở vòi bể xi măng. Bố làm thế vừa trữ nước vừa cho cặn lắng xuống. Cái vòi nước cũ trước kia suốt ngày chả róc rách liên tục vào những đôi thùng, chậu, xô của mọi nhà xung quanh, nay hết tác dụng bị bỏ đi.
Bố tôi mua mảnh đất ven sông, trồng rau, chuối.. thỉnh thoảng về phố mang theo những thứ bố trồng cho nhà ăn. Mỗi lần bố về hàng xóm ai cũng hớn hở gật đầu, tươi cười chào , hỏi thăm bố.
Bố tôi mất đi đến mấy năm, hàng xóm những người cao tuổi vẫn khen bố là người hiền lành, tốt tính, giản dị và khiêm tốn.
Nhưng lúc bố tôi mới mất đi, cuộc đời tôi rẽ sang hướng khác. Đôi vai tôi không gánh nổi số phận của mình. Lúc ấy tôi mới hiểu thấm thía, đôi vai của người đàn ông gánh vác những thứ khác không dễ dàng. Và cuộc đời của đôi vai không chỉ là hai thùng gánh nước.
Có những lần tôi gánh rau ra chợ bán, quãng đường hơn một cây số. Đường đất đá gập gềnh, gánh rau nặng hơn 1 tạ. Bàn chân đất dẫm trên nhưng viên sỏi lổn nhổn nhưng bước chân tôi đi vững chắc. Mỗi lần nghỉ chân tôi thường vào quán nước quen, bà chủ quán có cô gái tên là Hoa học lớp 12. Hoa thường hỏi trêu tôi.
Trai Hà Nội phải làm thế này có khổ không anh ?
Tôi chỉ vào bộ quần áo xám sờn cũ kỹ, cái loại màu không có bất cứ người dân thường nào mặc. Chỉ có lũ chúng tôi buộc phải mặc, tôi nói .
Chiếc áo này không phân biệt vùng miền em ạ. Những người mặc nó quê hay thành phố đều như nhau thôi.
Hoa rất có cảm tình với tôi, có lần tôi ốm.Thằng Thắng người Thanh Hoá đi gánh rau thay, về nó kể.
Cái Hoa nó nghe thấy mày ốm, mặt nó hốt hoảng, nó hỏi mày có sao không, có thuốc men gì. Nó gửi cho mày hộp sữa đấy.
Khỏi ốm tôi không phải gánh rau ra chợ qua nhà Hoa, tôi diện bộ quần áo mới, áo có cổ, có túi, khuy áo như áo vét. Tuy vẫn là áo bà ba xám, nhưng bằng chất vải lanh mịn màng, trông cũng lịch sự lắm. Tuyệt nhất là tôi vẫn được nhởn nhơ đi lại, ghé qua quán nhà Hoa. Chúng tôi thường rủ rỉ trò chuyện về tình yêu, về cuộc sống. Dẫu màu áo tôi luôn một màu cách biệt khác người, nhưng tôi vẫn là một chàng trai hơn hai mươi tuổi chưa một lần yêu.
Hoa học đâu cách xem bói tay, bói nói linh tinh. Cầm tay tôi Hoa bảo số tôi sau này rất tốt,thành đạt và giàu có. Tôi chả tin kiểu thấy bói học cấp 3 như Hoa.Nhưng tôi vẫn cầm bàn tay Hoa rất lâu, nắm chặt nhìn nhau. Tôi nhận thấy niềm tin về những điều Hoa nói ở trong sự ấm nóng của tay Hoa truyền sang.
Có đợt cảnh sát mới về đây, có một chàng cảnh sát hơn tôi khoảng vài tuổi. Anh ta cũng hay ghé quán nhà Hoa chơi. Tôi hạn chế gặp Hoa hơn, chỉ tí buổi chiều hay sáng. Anh cảnh sát nửa đùa, nửa thật gọi mẹ Hoa là mẹ vợ. Tránh anh ấy mãi rồi cũng bị anh cảnh sát bắt gặp khi tôi bổ túc cho Hoa phân tích một bài văn. Anh ấy trừng mắt nói
Thằng kia, tao mà thấy mày ở đây lần nữa là đừng trách.
Tôi bị cấm đi con đường qua quán nhà Hoa, lần ấy là lần cuối cùng tôi nhìn thấy Hoa. Vài lần Hoa nhắn người hỏi thăm tôi, nhưng tôi không trả lời.
Tôi muốn an phận trong màu áo xám, bởi thế tôi không dám gánh tình cảm của em.
Mười mấy năm sau. Tôi có vợ và con nhỏ, cơm áo, gạo tiền hối thúc hàng ngày. Đôi vai tôi quần quật lao động để trang trải. Còn anh, chị , cậu ài, người máu mủ gần gánh đỡ nhiều , người họ hàng xa gánh đỡ ít.
Năm năm tháng tháng, đôi vai chưa lúc nào ngơi nghỉ. Người đàn ông trong đời phải gánh vác thật nhiều thứ , tiền bạc, tình cảm, lương tâm và trách nhiệm. Gánh nào cũng không hề nhẹ. Đôi khi trong đêm nằm vắt tay lên trán nghĩ bâng quơ, chạnh nghĩ gánh nước và gánh rau năm nào thật nhẹ nhàng so với những gánh khác sau này.
Ông Bình đọc xong, tháo kính lau, ông rót trà uống ngẫm nghĩ hồi lâu. Ông thở dài, gõ ngón tay lên tập giấy.
- Anh là người tốt, anh sống rất có nội tâm. Tôi nghĩ hoàn cảnh đưa anh vào đây thôi.
Tôi không nói gì, ông ta hỏi tiếp.
- Cái Hoa trong truyện này con bà T ngoài cổng phải không?
Tôi gật đầu.
Ông nói.
- Lính mới ra trường, cũng thanh niên cả. Tính khí cũng nóng, hồi tôi mới ra trường về làm trại Phú Sơn, cũng nóng tính lắm. Sau này mới hiểu dần cuộc đời. Thôi uống nước đi.
Ông ta ngắm tôi, rồi bật cười.
- Anh Hiếu này, tôi nghĩ anh là người nghĩa khí đấy. Không phải đọc những gì anh viết đâu, tôi nhìn người tôi biết. Tôi gọi anh lên đây để hỏi về những vấn đề xảy ra trong trại mà anh thấy. Thôi thì tôi nghĩ anh vì ông quản giáo của anh mà bỏ qua, ở đâu cũng có chuyện này, chuyện kia . Không cái gì toàn vẹn được.
Tôi gật đầu thưa.
- Dạ, vâng thưa ban.
Ông đứng dậy vỗ vai tôi nói.
- Vậy là anh hiểu rồi, thôi anh về buồng, thực ra chỗ đó là yên tĩnh và bình yên nhất đấy. Chỉ thiếu đồ sinh hoạt thì sẽ cải thiện cho anh.
Trực trại đưa tôi về buồng kiên giam. Ông hỏi.
- Cần chay loanh quanh lấy đồ đạc gì cứ chạy đi, chiều tối quay lại vào buồng cũng được.
Tôi đi khắp trại tìm bạn bè, hỏi han, về buồng đội cũ lấy đồ của mình. Đến chiều vào buồng kiên giam, tôi nói với trực trại.
- Thầy cho thằng Lợi nó mang đồ tiếp tế cho em.
Trực trại gật đầu. Từ đó cuộc sống tôi khá sung túc vì thằng Lợi nhớ ơn tôi, và nhà tôi cũng gửi đồ. Tôi sống yên bình cho đến ngày cuối cùng ra khỏi tù, lúc đó trời đã vào thu, trời mát mẻ.
(Còn nữa)
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/78466/tu-ngo-phat-loc-toi-weimar-17/2013/08
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001