Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013

Vương Văn Quang - Lạm bàn về cái Đẹp

Vương Văn Quang - Lạm bàn về cái Đẹp 



Phiếm đàm của Vương Văn Quang
Triết gia nào đó đã nói, cuộc sống là một hành trình chinh phục, vươn tới cái đẹp
Vậy cái đẹp là gì?
Cái đẹp của người đàn ông hiện đại tỷ lệ thuận với độ sang trọng của chiếc xe anh ta sở hữu và dãy số trong tài khoản ngân hàng của anh ta. Điều này đúng với mọi sắc dân trên thế giới
Phụ nữ thì đơn giản hơn.

Vẻ đẹp của phụ nữ chỉ phụ thuộc vào những thứ lặt vặt như độ dài của chân hay độ lớn của ngực hoặc độ mịn màng của làn da … Có khi rất đơn giản, chỉ cần một đôi môi gợi dục. Điều này chỉ đúng một cách tương đối bởi nó còn phụ thuộc vào lối sống, văn hóa hay quan niệm/trình độ thẩm mỹ của từng sắc dân. Chúng ta có thể dễ dàng quan sát, đối chiếu…Ví dụ, đồ trang sức của phụ nữ trong các bộ lạc vùng Tây Phi khác hẳn đồ trang sức của phụ nữ Bắc Âu, về mầu sắc, kích cỡ, chất liệu…
Như vậy, có thể thấy, để trở nên/thành cái đẹp, người đàn ông hiện đại chịu áp lực lớn hơn phụ nữ nhiều. Phụ nữ, chẳng cần cố gắng lắm, không phải vì họ là “phái đẹp” (gọi phụ nữ là “phái đẹp” là cách nịnh đầm vô cùng lố bịch của đàn ông, và hơn thế nữa, nó chứng tỏ tư tưởng nam quyền, phụ hệ) mà bởi vì phụ nữ nào cũng có một hai chi tiết gì đó đẹp. (Trường hợp quá hẩm hiu, họ có thể nhờ sự can thiệp một cách dễ dàng nhanh chóng của y khoa hiện đại).
Vì đâu có sự bất bình đẳng này? Tất cả đều do sự bất cẩn của Thượng Đế cùng với những thiếu sót cẩu thả khi ông ta chế tác loài người cho dù thật ra ông ta khá cẩn thận và rất cố gắng cho sự công bằng. Nguyên tắc của Thượng Đế khi nhào nặn chế tác loài người như sau (theo từ điển bách khoa toàn thư Hy Lạp-Việt Nam cổ trung đại, gọi tắt là Hy-Việt):
Nếu phụ nữ có những đường cong tuyệt mĩ thì đàn ông có những đường thẳng huy hoàng. Để bù lại bộ ngực đẹp tuyệt vời (đẹp đến kinh khủng hoảng) của phụ nữ, đàn ông được Thượng Đế chắp cho đôi cánh nho nhỏ hồng hồng chỉ để làm dáng chứ không bay được như các thiên thần…, và vân vân nhiều thứ bù trừ khác nữa.
Nghĩa là, sự đẹp ở hai phái thủa ban đầu là như nhau, rất cân bằng. Nhưng sau khi quyết định trao cho phụ nữ chức năng sinh đẻ, Thượng Đế ngắm nghía lại loài người và ông ta chợt giật mình đánh thót khi nhận ra rằng mình đã không công bằng, thậm chí, cực kì bất công. Hai bên cùng đẹp như nhau mà một bên phải sinh đẻ nuôi con trong khi một bên chỉ rong chơi thì công bằng cái nỗi gì? Nghĩ vậy nên ông ta quyết định lập lại sự công bằng bằng cách lột sạch sẽ những ưu điểm, những cái đẹp của đàn ông. Nào đường thẳng huy hoàng, nào đôi cánh nho nhỏ hồng hồng, nào nào nào… v.v. và v.v
Và hậu quả là, như chúng ta đã thấy, đàn ông ngày nay nếu trừ đi quả trjm, hắn chỉ còn là một sinh vật vô cùng dị hợm. Chính vì điều này nên vị bác sĩ có óc tưởng tượng phong phú nhất thế kỉ 20, Sigmund Freud, đã tưởng tượng ra chứng bệnh “ám ảnh ghen dương vật” nơi nữ giới. Nói chung, những căn bệnh do S.Feud tưởng tượng ra vẫn còn ảnh hưởng một cách sâu sắc tới giới y khoa ngày hôm nay.


Cái đẹp [hình chỉ mang tính minh họa]
Để nỗ lực cân bằng vẻ đẹp với nữ giới, người đàn ông cổ đại lấy sức mạnh, sự nhanh nhẹn làm yếu tố đo lường vẻ đẹp, hay nói cách khác, đàn ông cổ đại đã tuyên truyền, áp đặt ý chí lên thế giới, rằng sức mạnh cũng là tiêu chí của cái đẹp (thực ra, với Thượng Đế, những yếu tố này không được coi là cái đẹp. Vì vậy, những yếu tố ấy ngài ban phát rất đều cho cả hai phái. Nhưng do chăm chỉ luyện tập, dần dần sức mạnh người đàn ông trở nên vượt trội) nên đàn ông ra sức xiển dương cổ vũ cho sức mạnh, hay sự nhanh nhẹn. Tóm lại, đàn ông đạt được những phẩm chất này bằng một sự khổ luyện duy ý chí. Hắn vào rừng săn thú, lặn xuống sông bơi ra biển đánh cá bắt tôm, leo lên núi sưu tầm dược thảo …, tất cả những hành vi đó không phải hoàn toàn chỉ để thoả mãn nhu cầu tồn tại, mà phần lớn những hành vi đó chính là sự luyện tập để tăng cường sức mạnh hòng lấy đó để cân bằng cái đẹp với nữ giới.
Ở người đàn ông hiện đại, khi nhu cầu sinh tồn bằng thú săn không còn (Ngày nay, muốn có bất kì thứ thịt gì, người ta đâu cần vào rừng, mà chỉ cần vào siêu thị), hắn chỉ còn một cách luyện tập duy nhất là ra sức kiếm tiền. Hãy nhớ rằng, kiếm tiền cũng tựa như đi săn thú, bắt cá…, nghĩa là, kiếm tiền không hoàn toàn là để sống, tồn tại, mà kiếm tiền chủ yếu là để thể hiện cái đẹp.
Kiếm tiền thì như tất cả chúng ta đều biết, không thể kiếm tiền nhanh nhiều bằng sức mạnh đôi tay sức bật tốt cặp chân hay phản xạ nhậy bén, mà chủ yếu bằng mưu mẹo, tức là sức tư duy của bộ não. Bởi vậy, người đàn ông hiện đại buộc lòng luyện tập sức mạnh của bộ não. Chính vì điều này nên đàn ông ngày nay có vẻ như thông minh hơn phụ nữ. Nhiều người cho rằng, cấu tạo bộ não của đàn ông ưu việt hơn phụ nữ. Và, họ cho rằng, đó là do ý muốn của Thượng Đế. Thực tế thì bộ não đàn ông và đàn bà là như nhau, và đó mới chính là ý đồ của Thượng Đế.
Qua một số phân tích như trên, có thể thấy rằng, một số phụ nữ ngày nay đã khẳng định mình bằng cách làm tất cả những gì giống như đàn ông, thậm chí từ chối khả năng sinh đẻ, từ chối thiên chức làm mẹ và họ gọi đó là “nữ quyền” là một sai lầm một sự hoang tưởng vĩ đại.
Như vậy, lịch sử loài người cũng là lịch sử tranh giành cái đẹp giữa hai phái, chứ không hẳn như triết gia nào đó đã nói (như trên dòng đầu tiên của bài viết này) cuộc sống là hành trình vươn tới cái đẹp. Mà cái sự tranh giành ấy lại chủ yếu là do đàn ông tranh với đàn bà. Lỗi này không phải do đàn ông, không phải tại đàn ông nhỏ nhen ti tiện, mà hoàn toàn do Thượng Đế, khi ông ta tước bỏ mọi cái đẹp của người đàn ông.
Cái gì cần tranh giành mới đạt được, cái đó là quyền lực. Điều đó là tiên đề. Như vậy, cái đẹp cũng chính là quyền lực. Mà tiền cũng phải tranh bỏ mẹ mới có, do đó tiền cũng là quyền lực. Suy theo logic tam đoạn luận, tiền cũng là cái đẹp.
Karl Marx, cha đẻ học thuyết dị mọ, thuyết cộng sản, tức là thuyết dùng chung, công cộng tài sản. Có lần ông ta đã viết như sau:
“Vì tiền có đặc tính là có thể mua được bất cứ thứ gì, có thể sở hữu mọi vật, nên nó là thứ giá trị nhất… Phạm vi quyền lực của tôi lớn như quyền lực của lượng tiền mà tôi sở hữu… Do đó, tôi là ai và tôi có thể làm gì không mảy may bị cá tính tôi quyết định. Tôi xấu, nhưng tôi có thể mua cho mình những người phụ nữ đẹp nhất. Vì thế tôi không xấu, khi tác động của cái xấu, khả năng gây chán chường, bị tiền tiêu hủy”- trích theo một tiểu luận của Umberto Eco
Nhận xét này, có lẽ, không cần bàn cãi. Vì nó đúng. Quá đúng. Đúng quá. Chỉ có điều, do hạn chế về năng lực nên Marx diễn giải hơi tối tăm rối rắm, kém trong sáng, kém duyên dáng và hấp dẫn.
Riêng xã hội Việt Nam ngày nay, điều này càng trở nên đúng hơn hết, hay nói cách khác, sự đúng của điều này trong xã hội Việt Nam hôm nay đang trở nên tuyệt đối.
Những diễn giải bên trên cộng hưởng & giao thoa với nhận định của triết gia Karl Marx, khiến ta có thể đưa ra định lý sau:
Tôi có tiền, vậy tôi đẹp (togo eum yomo ghum)
Và đảo lại, định lí vẫn mang nguyên nghĩa, tức vẫn đúng:
Tôi xấu, vì tôi không tiền
Theo định lý này, ta hãy thử xem xét, trong xã hội Việt Nam ngày nay, ai là người đẹp và ai là kẻ xấu.
Qua quan sát bằng nhiều cách, tham khảo bằng nhiều nguồn, ta thấy (một cách rõ ràng) rằng, kẻ xấu nhất trong xã hội Việt Nam ngày nay là tầng lớp lao động tay chân, dân nghèo (xếp theo thứ tự từ nghèo mạt rệp [xấu điên] tới hoàn cảnh khó khăn túng bấn [hơi bị ô mai sấu]):
- Công nhân
- Nông dân
- Thợ thủ công
- Trí thức
- Tiểu thương
- Doanh nghiệp nhỏ (có tính chất gia đình)
- … và còn nữa, do thống kê hơi bị vội nên chưa đầy đủ

Và những người đẹp (xếp theo thứ tự nứt đố đổ vách [cực đẹp] tới ăn tiêu hồn nhiên, không phải tính toán nghĩ ngợi nhiều [duyên dáng Việt Nam]) là những người thuộc các tầng lớp linh tinh, không có tính đại diện xã hội:
- Uỷ viên trung ương đảng
- Thành phần trong nội các chính phủ
- Quan chức công chức hàm chuyên viên
- 87,5% đảng viên cộng sản làm cán bộ các loại từ trung ương tới địa phương (12,5% còn lại bị mắc chứng tâm thần nên không thích tiền)
- Con ông cháu cha
- … và còn nữa, nhưng chưa kịp thống kê chính xác/sát
Như vậy, chúng ta có thể thấy, sự xấu đẹp trong xã hội ta là khá cân bằng. Cú này lại phải ngửa mặt lên giời mà gào lên một mệnh đề triết học: Ơn Bác! Ơn Đảng!
Vậy hoa hậu các loại hoa khôi các kiểu, minh tinh màn bạc, ngôi sao sân khấu ca nhạc thời trang…, nói chung là giới nghệ sĩ, hay nói theo cách sành điệu là giới celeb, celebrity… họ có đẹp không?
Tất nhiên, họ cũng thuộc hàng người đẹp, tuy nhiên, vẻ đẹp, cái đẹp của họ là cái-đẹp-bị-động. Nghĩa là hôm nay thì đẹp nhưng mai có thể xấu như ma. Bởi vì tầng lớp này thường được/bị những người đẹp nhất trong xã hội mua làm đồ chơi, đồ giải trí, thư giãn. Do đó, khi những người đẹp nhất chán chơi bời, thư giãn, thì đương nhiên, giới người-đẹp-bị-động, sẽ bị họ, những người đẹp nhất quẳng vào sọt rác hoặc cân kí bán ve chai. Khi đó, những người-đẹp-bị-động này có thể còn xấu hơn cả những kẻ xấu nhất như là công nhân hay nông dân.
VVQ - viết vào cái đêm hôm ấy đêm gì - 2006
Hồ Gươm gửi hôm Thứ Sáu, 02/08/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130802/vuong-van-quang-lam-ban-ve-cai-dep
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001