Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

“Hôme” – Chuyến lữ hành về quá khứ

“Hôme” – Chuyến lữ hành về quá khứ 


Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013-09-28
Brian-01-305.jpg
Nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ Brian Doan
Courtesy Brian Doan



Cuộc triển lãm của nhiếp ảnh gia, nghệ sĩ Brian Doan mang một cái tên ngắn ngủi: “Hôme”, đang diễn ra tại New York được tổ chức Vilcek Foundation bảo trợ được giới thưởng lãm mỹ thuật New York đánh giá cao ngay trong ngày khai mạc 14 tháng 9 vừa qua.

Chiến tranh VN đã kết thúc hay chưa?

Các tác phẩm được thực hiện theo phong cách Media Installation gồm điêu khắc, photograph tái tạo từ những bức ảnh nổi tiếng bằng nhân vật và ý tưởng mới, video trình chiếu và mô hình với nhiều chất liệu.
Brian Doan hiện là giảng viên nhiếp ảnh, tạo hình của đại học Long Beach, tiểu bang California. Là lớp người Việt thế hệ một rưỡi, Brian có cái nhìn sâu và nhiều dấu hỏi về cuộc chiến tranh Việt Nam sau khi anh và gia đình rời khỏi quê nhà để định cư tại một vùng đất mới. Những trăn trở của Brian trong nhiều chục năm đã đeo đuổi, ám ảnh và thúc đẩy anh tìm hiểu những gì đã xảy ra khiến anh và một triệu người khác phải gia nhập cuộc hành trình đau đớn có cái tên mỹ miều là tìm tới bến bờ tự do.
Từ mảnh đất tự do ấy, trong khi hầu như tuyệt đại đa số hướng về phía trước tìm cho mình trái ngọt của vùng đất mới trù phú thì Brian lại canh cánh về quá khứ để tìm một câu trả lời mà rất nhiều người không muốn biết: Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc hay chưa?
Bước vào phòng trưng bày tác phẩm của Brian, người xem không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy tấm hình nổi tiếng của Eddie Adams chụp cận cảnh tướng Nguyễn Ngọc Loan xử bắn ông Bảy Lốp, một đặc công cộng sản bị bắt trong chiến dịch Mâu Thân tại Sài Gòn năm 1968. Chính tác phẩm này góp phần làm cho phong trào phản chiến tại Mỹ lên cao và cuối cùng dẫn tới sự sụp đổ của Miền Nam năm 1975.

Nguyen-Ngoc-Loan-250.jpg
Tấm hình được tái tạo từ tác phẩm nổi tiếng của Eddie Adams chụp cận cảnh tướng Nguyễn Ngọc Loan và ông Bảy Lốp, một đặc công cộng sản (Brian Doan trong vai tướng Nguyễn Ngọc Loan). Photo courtesy of Brian Doan.

Tuy nhiên khi tiến tới gần thì người xem phát hiện trên tay của tướng Loan không cầm súng mà lại cầm một bình nước, còn ông Bảy Lốp thì tuy khuôn mặt vẫn đậm nét sợ hãi nhưng không còn là cái sợ hãi của người sắp bị bắn. Đó là nỗi sợ khó định nghĩa, rất mơ hồ nhưng có thật trong tâm tưởng của bất cứ ai trước nghĩa cử chia sẻ của kẻ thù. Nghi ngờ và xúc động đan xen nhau khiến khuôn mặt Bảy Lốp méo mó và đầy bi kịch.
Chính Brian đóng vai tướng Loan và một người bạn của anh trong vai Bảy Lốp. Tác phẩm nhiếp ảnh này tái tạo lại một tấm hình đã đi vào lịch sử của cuộc chiến Việt Nam. Brian sáng tạo cái khoảnh khắc kinh hoàng của một cuộc xử bắn được xem là dã man bằng những giòng nước mát như cố gắng gột đi những di căn mà bao nhiêu năm sau vẫn làm đau lòng cho người trong cuộc.
“Tấm hình này tái tạo lại hình ảnh của nhiếp ảnh gia Eddie Adams năm 1968 trong bối cảnh ông Nguyễn Ngọc Loan xử bắn ông Việt cộng Bảy Lốp ngay tại chỗ. Đối với tôi tấm hình này mang rất nhiều thiệt hại cho phía miền Nam. Bởi vì khi thế giới nhìn vào nó nói lên cục diện của cuộc chiến. Nó nói lên sự thương tâm trong chiến tranh Việt Nam. Đối với tôi phía nào cũng có những hình ảnh như thế nhưng phía miền Bắc chúng ta không thấy được những hình ảnh như vậy.
Trong toàn bộ tác phẩm của tôi, đặc biệt trong tác phẩm Nguyễn Ngọc Loan thì thông điệp của tôi là chúng ta phải nhìn lại và đôi lúc cũng phải biết tha thứ cho nhau.
-Brian Doan
Khi tôi tái tạo lại tấm hình này thì thay vì xử bắn tôi lại đưa cho anh tù binh ca nước uống và anh ta có nét mặt rất đau khổ và hối hận. Đối với tôi thì thông điệp ấy qua tái tạo lại hình ảnh  nhằm mục đích cho bớt chết chóc, bớt sự chia cắt. Tôi muốn cho người ta thấy rằng cái gì cũng có thể có một cơ hội, vì vậy khi cho người ta cơ hội thì sẽ được thông cảm hơn.
Đồng ý là trong cuộc chiến Việt nam hai bên bắn nhau, tàn sát lẫn nhau nhưng nếu có cơ hội nhìn lại thì câu hỏi của chúng tôi là khẩu AK47 hay khẩu M16 từ đâu đem tới Việt Nam, và lý do gì mà mình cầm các loại vũ khí đó để đánh nhau cho cái chủ nghĩa nào? Chủ nghĩa đó nó có từ Việt Nam hay được du nhập vào và chúng ta chỉ là con bài để thực thi những chủ nghĩa đó?
Trong toàn bộ tác phẩm của tôi, đặc biệt trong tác phẩm Nguyễn Ngọc Loan thì thông điệp của tôi là chúng ta phải nhìn lại và đôi lúc cũng phải biết tha thứ cho nhau.”
Câu hỏi chiến tranh Việt nam kết thúc hay chưa được Brian biểu cảm  qua những cứ liệu lịch sử xa hơn buổi hành quyết ấy với biến cố Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. Tấm ảnh chụp cuộc tự thiêu hiếm hoi ấy cũng được Brian tái tạo lại và anh đã đặt câu hỏi lớn lên mặt phẳng của biến cố nổi tiếng này. Với một đống đô la bị đốt, hai con chuột và rắn hoảng loạn, con chim trắng vụt bay vào trời bao la… Brian tạo ẩn dụ qua những hình ảnh này để nói lên những điều mà anh gọi là sai lầm của một chế độ đã tạo ra vết thương lớn cho dân tộc.

Hoa-thuong-Thich-Quang-Duc-250.jpg
Hình ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu do Brian Doan tái tạo lại. Photo courtesy of Brian Doan.

“Hòa thượng Thích Quảng Đức ngồi theo tư thế hoa sen và trước mặt là một đống tiền đô la bị đốt cháy. Đối với tôi khi Thích Quảng Đức ra đi thì quyền lực của những thế lực ngoại bang cũng đi theo. Tôi vẽ thêm hình ảnh của con chuột và con rắn, Hai hình tượng này là hai Zodiac,  năm sinh của ông Ngô Đình Diệm và ông Kennedy. Con chuột và con rắn đang quan sát và có vẻ sợ hãi ngọn lửa của Hòa thượng Thích Quảng Đức. Trong khi đó một con chim cất cánh bay lên con chim tượng trưng cho Phật giáo.
Đối với tôi người chiến thắng trong tấm hình này không phải là thế lực của súng đạn, phía chính quyền mà chính nghĩa của sự nhân bản, sự hy sinh của Phật giáo mà Thích Quảng Đức là đại diện. Bây giờ nhìn lại rất nhiều người quên đi nhưng trong thời điểm ấy rất là nhố nhen và những người đứng đầu chính quyền miền Nam lúc đó, đặc biệt như Tổng thống Ngô Đình Diệm hay là bà Trần Lệ Xuân tức Madame Nhu đã có những phát biểu không tốt cho Phật giáo. Đôi khi một câu nói có thể làm người ta chia tay nhau suốt đời. Câu nói của lãnh đạo quốc gia rất quan trọng vì được hàng triệu người nghe theo họ cần phải cẩn trọng lời nói đối với đồng bào, dân tộc của mình.”

Đã đến lúc nhìn lại

Theo tôi, đã đến lúc nhìn lại, nói một lời xin lỗi với nhau, nói một lời gì đó trân trọng nhau, cùng quên quá khứ thì lúc đó mới có thể nói chúng ta đã chấm dứt chiến tranh Việt Nam.
-Brian Doan
Tấm ảnh nổi tiếng về cuộc di tản trên nóc tòa đại sứ Sài Gòn vẫn còn ám ảnh rất nhiều người ngày nay. Tấm ảnh ấy được Brian thực hiện lại qua cuộc di tản của chính gia đình anh. Trên một chiếc TV 19 inches, những con người nhỏ xíu xô đẩy, dắt díu nhau chạy tới chiếc trực thăng đang đậu chờ cất cánh. Tất cả đều là màu trắng. Trên màn hình của chiếc TV là cảnh tuyết rơi. Rơi liên tục không dứt và bản nhạc White Christmas vẫn âm ỉ hát như chưa bao giờ ngưng kể từ ngày bản nhạc này được phát như một tín hiệu để binh sĩ Hoa Kỳ rút lui ra khỏi xứ sở này.
White Christmas, Giáng sinh trắng là một trong những tác phẩm gây ấn tượng trong căn phòng triển lãm nhỏ bé tại trung tâm nghệ thuật nổi tiếng thế giới: New York.
Cuộc chiến có phải đã chấm dứt từ ngày bản nhạc Giáng Sinh trắng cất lên hay không? Câu hỏi này vẫn ám ảnh Brian dẫn anh đến những tác phẩm mà 40 năm sau anh muốn người xem trả lời.

Madame-Nhu-250.jpg
Ảnh bà Trần Lệ Xuân tức Madame Nhu do Brian Doan tái tạo lại. Photo courtesy of Brian Doan.

“Chiến tranh Việt Nam chấm dứt năm 1975 thì nó chỉ chấm dứt tiếng súng. Sự chia cắt giữa Nam và Bắc chia cắt ý thức hệ thì tôi nghĩ vài chục hay cả trăm năm nữa không biết nó có bớt được sự chia rẽ hay không. Hiện tại trong nước giữa Nam và Bắc và bộ phận người Việt lưu vong ở hải ngoại và người Việt trong nước vẫn còn những bất đồng về cuộc chiến đó vì vậy khi nói cuộc chiến tranh đã chấm dứt thì đối với tôi, tôi không đồng ý.
Bởi vì hai bên, một bên thắng và một bên thua cuộc do những con bài của các thế lực mà họ dàn xếp với nhau thì cuộc chiến nó chấm dứt ngay tại đó. Còn lòng người dù lớn lên ở Nam hay Bắc, chủ nghĩa cộng sản hay tư bản, vẫn có những thái độ thù nghịch, nhất là từ phía chính quyền Việt Nam trong nước.
Sau năm 1975 thì lẽ ra chính phủ phải khoan dung hơn, phải cho bên phía thua cuộc một con đường, nhưng chúng ta đã không có cái nghĩa cử như vậy. Bộ phận người Việt đi ra ngoài nước trong lòng của họ vẫn còn thù hận, chưa được xóa bỏ.”
Cái tên của cuộc triển lãm cũng làm lắm người ngạc nhiên. Theo tiếng Anh “Home” có nghỉa là nhà nhưng Brian thêm dấu mũ vào khiến người Việt có cảm giác khác hẳn. Chữ “Hôme” gây cảm giác nhớ nhà. Chiều hôm chăng? Cái ám ngữ này sâu thẳm và gợi mở rất nhiều diễn giải. Tuy nhiên với Brian thì đó là hai từ nối của “Hồ” và “me”. Hồ Chí Minh và tôi.
Ẩn ngữ, hay nói cách khác, ẩn ý này đã một lần nữa làm cho bản thân của người nghệ sĩ trở thành đầu đề của tranh luận. Với Brian, Hồ Chí Minh dính chặt với anh như một định mệnh vì những điều ông ấy làm kéo theo nỗi trăn trở của anh về số phận cả một đất nước. Brian nhìn ông Hồ dưới đôi mắt sáng trong của một thanh niên không định kiến. Chính anh đóng vai Hồ Chí Minh ngồi đọc báo Nhân dân, tay mang nhẫn cưới trên vai là con chìm màu đỏ hót vang những bài tụng ca quen thuộc. Bên dưới sàn nhà là con chím màu xanh, nhảy những bước chân ngập ngừng vì nó đang bị theo dõi từng chút một bởi cả một lực lượng vừa chiến thắng.

Ho-Chi-Minh-250.jpg
Chính Brian Doan đóng vai Hồ Chí Minh ngồi đọc báo Nhân dân với nhẫn cưới trên tay. Photo courtesy of Brian Doan.

Chiếc nhẫn cưới trên tay Hồ Chí Minh phá vỡ huyền thoại về một vị cha già dân tộc hy sinh cả đời vì đất nước đến nỗi quên cả việc riêng. Brian nhìn tay ông và nhìn cả một quãng đường dài của lịch sử để từ đó anh quay về với sự thật, về những điều mà chế độ vẫn tiếp tục che dấu. Che dấu lịch sử và làm cho người Việt ngày càng xa cách nhau từ những chi tiết tưởng chừng như nhỏ bé này.
Khi còn cách xa và nghi kỵ nhan thì phải chăng cuộc chiến chưa thể chấm dứt?
“Sau bốn mươi năm chúng ta vẫn chưa có tác phẩm văn học nghệ thuật cũng như phim ảnh để nói về những nổi đau, nỗi chia cắt vì chúng ta đã quên cái lý do khiến anh em đánh nhau, thù ghét nhau 40 năm và 40 năm sau vẫn còn như vậy. Một câu hỏi đặt ra: chùng ta đã thỏa mãn, chúng ta đã OK, đã xong rồi chưa hay chúng ta vẫn thấy sự chia rẽ, nó vẫn còn và cần những hàn gắn?
Tôi nghĩ tác phẩm của tôi một phần nào đó tôi muốn đem phía miền bắc và phía miền nam, phía hải ngoại và trong nước để cho thấy chúng ta đã làm gì trong vòng 10 năm từ năm 1965 tới 1975 cũng như 40 năm, bốn lần như vậy đã trôi qua và chúng ta nhìn lại thời gian khốc liệt đó?
Theo tôi, đã đến lúc nhìn lại, nói một lời xin lỗi với nhau, nói một lời gì đó trân trọng nhau, cùng quên quá khứ thì lúc đó mới có thể nói chúng ta đã chấm dứt chiến tranh Việt Nam.”
Trong artist’s statement, Brian Doan ghi lại suy nghĩ của anh về cuộc triển lãm lạ kỳ này. Với anh, tất cả chỉ là một chuyến trở về. Trở về tìm lại những gì mà cả dân tộc đang miệt mài tìm kiếm. Chỉ có trở về, nắm lấy tay nhau, chuyền cho nhau sự cảm thông đích thực thì khi ấy cuộc chiến tranh đằng đẵng mới có cơ may tan biến, anh viết:
“Câu chuyện của tôi không phải là tự truyện của một người Việt Nam mà nó là chuyện của bất cứ công dân một quốc gia nào từng có cơ hội làm nhân chứng những xung đột trong thế giới này. Tác phẩm của tôi không chỉ là câu chuyện của những người bỏ xứ phiêu bạt mà nó là chuyến lữ hành cho bất cứ ai muốn về nguồn, về lại mái nhà đúng nghĩa.
Tôi đã trầm tư với quá khứ bằng nhịp đập rất mong manh của trái tim, và còn đang miệt mài tìm kiếm lối về lại mái nhà của mình”
Mái nhà ấy đang được trình bày tại New York, nơi mà nhiều nghệ sĩ mơ ước được một lần trình diễn tác phẩm của mình.
nguồn:http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/home-the-journey-to-the-past-ml-09272013163535.html
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001