Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Nguyễn Xuân Hoàng - GIỌT NƯỚC MẮT CHO CHÚ ĐĂNG

Nguyễn Xuân Hoàng - GIỌT NƯỚC MẮT CHO CHÚ ĐĂNG 

   at 9/29/2013 10:10:00 AM

Nguyễn Xuân Hoàng - 

Niên học bắt đầu bằng những cơn nắng gắt buổi sáng và những trận mưa tầm tã buổi chiều, những trận mưa như có định kỳ với một bầu trời nặng mây hạ gần xuống đỉnh những ngọn đồi thấp khiến ngày như ngắn đi và đêm trở nên dài thêm.


Lớp học đóng kín cửa (sương mù trắng đục ở bên ngoài và khí lạnh lẩn khuất đâu đó, trong hơi gió và trong sự ẩm ướt của không gian), đèn ở vách được thắp sáng cùng với hơi người sưởi ấm bầu khí nhỏ hẹp. Đứng trên bục gỗ, nhìn qua cửa kính tôi có thể nhìn thấy con đường đất đỏ chìm mờ dưới một bầu trời ẩm đục, và trong trí tưởng tôi căn phòng nhỏ của tôi hiện rõ ở cuối đường. Cơn mưa bỏ lệ thường, đến hơi sớm gõ lên thềm cửa.  Lớp học ồn ào khi tôi trở về chỗ ngồi, và mở sổ khuyên điểm. Những con mắt ở dãy bàn sau cùng lẩn tránh, những ngụm khói thuốc bay lén lút (chưa thoát ra khỏi miệng đã bị nhai nghiến nuốt ức tan biến) từ một hốc bàn. Tôi sẽ gọi một đứa, bất kỳ một đứa nào (những tên để gọi còn lại gì nếu không là một sự may rủi ?). Tôi nghe thấy tiếng xầm xì ở bàn đầu mấy cô gái nhỏ chúi mũi trên những trang sách làm ra điều chăm chú nhưng kỳ thực là đang thầm thì với những cô bạn bên cạnh). Tôi lướt mắt trên những con số thứ tự, những con số được ghi chú bằng một thứ dấu riêng biệt mà chỉ có tôi mới biết được đâu là con số thông minh, con số ngu dốt, con số lười biếng, con số quấy phá nhất lớp. Tôi xếp sổ khuyên điểm lại (tiếng thở phào nhẹ nhõm, tôi đo lường được từng cử chỉ nhỏ của mình và thấy rõ trước phản ứng của bàn ghế). Lớp học đáng lẽ trở lại ồn ào của phút đầu nhưng đột nhiên bỗng im lặng một cách có hơi quá đáng làm tôi ngạc nhiên. Tôi đứng dậy bẻ đôi viên phấn, viết tên một chương của bài học mới lên bảng đen và bắt đầu bài giảng. Hình như tôi nhắc đến Dostoievsky (Raskalnikov,Tội Ác và Hình Phạt, Ivan, Anh Em nhà Karamazov…).

Cuộc sống chỉ đến với tôi có một lần : tôi không muốn chờ đợi cho đến khi mọi người đều dễ chịu, bởi vì lúc đó tôi không còn nữa. Tôi chỉ muốn chính thân tôi được sống, nếu không, thà đừng sống còn hơn… Nếu người ta chỉ có một lần sống vì người ta chỉ có một lần chết. Và đời sống là gì ? Nếu không phải là căn bệnh khó chữa nhất trong mọi căn bệnh. Và cái chết là gì ? Nếu không phải là liều thuốc duy nhất và sau cùng (và chát đắng nhất) có thể chữa khỏi căn bệnh trầm trọng kia ?  Tôi không chắc tư tưởng trên là của Heinne, henri Heine hay của một người nào khác tôi không nhớ kịp, tôi lẫn lộn lời nói của người này qua người nọ, tôi cũng không phân biệt nổi quan niệm người khác trong quan niệm tôi, và nếu không có một may mắn nào đó ngăn trở hay chận đứng lại nửa chừng bài giảng tôi có lẽ tôi sẽ dẫn dắt lớp học đi quá xa, như chính tôi đã đi quá xa. Tôi có rất ít học trò trong đám đông phía dưới (hay tôi đã không còn người học trò nào trong đám ấy ?). Cho đến khi người tuỳ phái bước vào.

- Xin ông ký cho thông cáo về tuần lễ kỷ luật.

- Cám ơn.

- Còn gì nữa không ?

- Ông có cái điện tín

- Điện tín ? Của tôi hả ?

Hắn đưa cho tôi một tờ giấy màu xanh gấp đôi.
- Xin ông ký vào sổ cho.

- Cám ơn.

Tôi ký tên và đưa trả sổ cho hắn. Điện tín ? Chẳng phải là một điều kinh ngạc đối với tôi sao ? Từ lâu trong nhiều năm nay, tôi đã bỏ xa thành phố của tôi (tức cười không thành phố của tôi ?), lánh mặt những người quen, chặt đứt những mối dây liên hệ gia đình và bè bạn. Tôi tự cho mình đã chết để có thể bắt đầu sống theo cách thức của mình. Một căn phòng biệt lập, một chiếc giường, một bàn làm việc, những bữa ăn tuỳ hứng (cơm hay bánh mì hay phở ?), những người lạ mặt (đàn ông : giao tiếp thuần tuý trên phương diện nghề nghiệp, không liên kết bạn bè, không tương quan tình cảm ; đàn bà : liên hệ  thuần tuý tình dục …) và một thành phố xa lạ hoàn toàn không quen biết. Tôi tự ngăn cách tôi với mọi người (trong bao lâu, tôi tự hỏi và tôi sống trong sự tìm kiếm câu trả lời). Tôi biệt tích với hết thảy. Tôi biệt tích với chính cái tôi trước đây. Tôi bây giờ đã là một cái tôi khác. Vậy thì điện tín chẳng phải là một cái điều đáng kinh  ngạc cho tôi sao ? Tôi cầm tờ giấy xanh gõ nhẹ trên mặt bàn, phỏng đoán người đã gửi tin này. Ai vậy ? Còn có một người khác trong đời ta nữa sao ? Chỉ có Thảo thôi. Có thể là Thảo lắm (tại sao không ?). Bữa qua tôi mới vừa nhận được thư nàng (người duy nhất còn liên hệ với tôi như một nửa khác với tôi, một nửa của phần xác, nhờ đó tôi mới có lúc thấy thêm rằng mình còn có thân thể) Thảo báo tin là nàng sẽ lên gặp tôi để giải quyết một điều cần lắm (chắc hẳn  là như thế vì tôi vốn không ưa thư từ rắc rối, và không phải là Thảo không hiểu điều này). Một học sinh đưa tay xin phép ra ngoài, tôi gật đầu đồng ý và chú nhỏ đẩy ghế bước ra trong tiếng chuông reo hết giờ, lớp học lao xao, những cánh cửa bị mở tung một cách tàn nhẫn và những ngọn gió lạnh ùa vào phòng sổ sàng. Tôi một mình còn lại trong lớp học, tôi muốn nghĩ đến Thảo, mùi da thịt nàng, con mắt dâm đãng của nàng, nụ cười quá dễ thương của nàng, hai trái ngực nặng nề nhưng mát rượi của nàng, cánh tay dài mềm mượt lông tơ mà tôi vẫn gọi đùa là cánh đồng lúa cho con chồn (là tôi ?). Tôi nhớ đến Thảo và những rung động mà nàng đã cùng tôi chia xẻ trong một ngày mưa xa xôi nào (những căn phòng cho thuê trong Chợ-Lớn, những đêm quá dài và quá lạnh khi nàng lên đây thăm tôi…) Tôi bóc bức điện tín, tháo gỡ những răng cắn giữa hai lớp giấy (Thảo thường kêu đau khi tôi đùa nghịch thân thể nàng giữa hai hàm răng tôi, nàng nói anh có hàm răng tốt, tôi trả lời là anh tặng cho em đây, tặng không,  không đòi hỏi gì cả và tôi nhe răng làm bộ nhai nghiến cắn xé thích thú trên ngực nàng trong nỗi sợ sệt đầy ham muốn của chính nàng) có thể là Thảo lắm chứ ? Tại sao không ?

Chú Đăng đã mất

Chỉ có thế, không có tên người gửi. Bốn chữ ngắn ngủn, trơ trẽn và kỳ quái. Tôi như một người đi trong đêm bị bước hụt chân trên những vũng nước. Trong tôi chỉ còn lại sự trống rỗng. Tôi không thể tưởng tượng được chú Đăng có thể chết. Cả đời chú (hồi chú còn sống chung với cha mẹ tôi) chú chỉ cố thực hiện một điều duy nhất là làm thế nào để chứng tỏ rằng chú sống (theo cách của chú, dĩ nhiên), nhưng rốt cuộc rắp tâm của chú cũng đành thất bại. Chú Đăng đã mất. Có một cái gì không ổn trong cái chết của chú (và hình như nó cũng không ổn ngay trong lối sống của đời chú : chú đã quá cái tuổi bốn mươi - tứ thập bất hoặc - sống một đời trác táng phong lưu lang bạt kỳ hồ, những người đàn bà – quá nhiều – trong đời chú, đi lính rồi đào ngũ, rồi trở lại quân đội (ở cái tuổi của chú ?), và bị thương trong một trận đánh được coi như là dữ nhất đầu mùa mưa năm kia, nằm điều trị ở bệnh viện sáu tháng nhưng luôn vắng mặt ban đêm, được giải ngũ và trở về sống với bà cô tôi - một bà già khó tính ưa cau có quạu quọ, thích nói luật lệ và kiện cáo, ban đêm quanh quẩn trong phòng lầm bầm không ngớt những điều gì trong miệng – bà cô ấy dành cho chú một căn buồng với cầu thang riêng, tại đây chú dan díu với một người đàn bà khá xinh đẹp bên hàng xóm, cả hai âm mưu thủ tiêu người chồng cũ của bà ta, nhưng việc không thành, mãi sau không ngờ người chồng khốn khổ bị chết trong một tai nạn, người thiếu phụ gửi con chonhà giữ trẻ trở lại tìm chú, chú nhất định từ khước cuộc sống chung và dường như sau đó không lâu người đàn bà ấy cũng tự tử chết theo cái chết của chồng, chú giao du với một vài người đàn ông và đàn bà khác – mà chú vẫn nói với tôi đó là những nhà văn - người đàn bà văn sĩ cao lớn ăn mặc theo kiểu con gái mới lớn ở tỉnh lẻ vẫn đến ở lại đêm với chú, những người khác thỉnh thoảng cũng tới kéo chú đi đâu đó trong thành phố rồi trở về đóng kín cửa biệt tăm, càng ngày chú càng rút vào cái vỏ đời chú, những cánh cửa tưởng như không bao giờ mở cùng với tấm bảng  Đi Vắng  luôn luôn móc ở phía ngoài dù trong nhà có tiếng bàn ghế khua động ; càng ngày bóng tối càng bao vây đời chú, những bóng tối bí ẩn và rồi là cái chết, bóng tối phủ xuống, bóng tối của mọi bóng tối đóng lại đời đời cánh cửa sau cùng đời chú).

Dù người gửi tin là ai, tôi thấy mình chỉ có mỗi một công việc phải làm đó và viết ngay cái đơn xin nghỉ và lấy vé xe đò trở về thành phố phía dưới.

*

Đến chiều tối thì trôi trở về đến nhà. Trời vần vũ mây đen.

Tôi bấm chuông và đứng chờ ngoài sân thềm (thềm là con đường chung của dãy nhà thấp dưới mặt đường). Má tôi nhìn qua cửa sổ thấy tôi bà kêu lên ngạc nhiên.

- Con đó hả, Trung đó hả ? Con đi đâu mà biệt tăm biệt tích không thư từ gì cho nhà biết hết. Tao tưởng mày chết bờ chết bụi rồi chớ. Vô đây, vô đây con. Chú Đăng con đã mất rồi. Con hay chưa ? Má lo làm cơm cho mấy em con rồi má phải đến nhà bà cô ngay. Cô Năm đó con nhớ không ? Cả nhà bối rối quá chừng quá đỗi không ai kịp đánh điện cho con mà cũng không ai biết nơi biết chỗ con ở đâu mà báo tin nhữa… May quá, con về kịp lúc…

Bà mở cửa, loay hoay với chùm chìa khoá nhưng không vặn được. Tôi thọc tay qua cái ô nhỏ (những cọng sắt được cắt vừa đủ một bàn tay) mở giúp bà.

- Bấy lâu nay con ở đâu, làm gì ? Chú Đăng nói con dạy học ở Đa-lạt có phải không ? Con đi đường có mệt không, con thay quần áo, rửa mặt rửa mày rồi ăn cơm, công việc dạy học có thích hợp với con không ? Nghe nói tháng trước chú Đăng có gặp con ở Sài-gòn sao không thấy con về nhà ? Cả nhà trông tin con. Chú Đăng mất rồi con biết chưa ? À , con biết rồi, khổ tôi quá. Cha con đã vào nhà thương đón xác chú. Thôi con đi tắm rửa đi, còn nghỉ, nghe không ?

Trong những câu hỏi của bà, tôi nghe thấy những chữ những tiếng đụng chạm, vấp váp, té ngã rượt đuổi lên nhau. Thói quen cho tôi biết những xô đẩy kia báo hiệu những xúc động nơi bà. Tôi nói với bà là tôi đang làm ăn ở một nơi xa tôi không dạy học, tôi ghét nghề đó, tôi thích những nghề làm ra nhiều tiền, tôi muốn giàu, tôi sẽ có nhiều tiền hơn bất cứ một người nào, (tôi sẽ giàu hơn bất cứ một nhà giàu nào, tức cười không ?). Tôi tháo giầy, cởi bỏ áo quần và đi vào buồng tắm xối nước không ngừng tay. Nhà tắm chật chội như một xà lim và bông sen nước bị nghẹt từ hồi tôi còn đi học vẫn giữ nguyên tình trạng cũ; cái lược, bóng đèn, lavabo, những dấu vết mà anh em chúng tôi đã cào vẽ lên vách khi bị ông già nhốt suốt buổi bên trong vì tội trốn học (không thể nhốt suốt ngày vì mọi người đều cần tắm rửa) vẫn còn nguyên, cũ kỹ, nghèo nàn, nhớp nhúa, bẩn thỉu…

Má tôi vọng từ nhà bếp :
- Ăn cơm xong đi với má tới đàng Cô, nghe !

Tôi nói với bà đừng chờ cơm, tôi đi ngay bây giờ, sẽ đến nhà cô nhìn mặt chú Đăng lần chót, tối chắc sẽ không về (tôi nghĩ đến Thảo, tôi cần nàng, tôi muốn qua đêm với nàng, tôi muốn biết vấn đề nàng sẽ nói với tôi và hình như tôi thấy mình cũng đang có điều cần nói với Thảo, có lẽ tôi đã thay đổi, có lẽ tôi đã bắt đầu thấy không thể thiếu nàng). Điện trong nhà bỗng tắt ngúm. Tôi nghe tiếng bà càu nhàu dưới bếp. Tôi bước ra phòng ngoài châm điếu thuốc và trong bóng tối mờ tôi tìm thấy được chai rượu cha tôi dấu dưới hốc bàn (tôi vẫn chưa quên được thói quen của cha tôi). Đêm bắt đầu và rượu đắng đốt cháy cổ tôi. Tôi mặc áo quần, mang giầy trong bóng tối. Ngồi trên ghế mây cao của em gái nhỏ tôi, và giữa tiếng ồn ào của gia đình bên cạnh cãi nhau về một bao diêm hay cây nến? ( tôi nghe thấy tiếng ầm ầm của những phi cơ vượt tường âm thanh và tiếng rền rĩ gầm gừ của một bầu trời nặng mây. Rồi những hạt mưa ào ạt trút xuống mái tôn. Tôi trương dù lên (vẫn cây dù cũ của cha, những dấu gián nhấm, những lỗ nhỏ tròn lốm đốm như sao), ra đón xe ở đầu ngõ.

Cả dãy nhà trong con hẻm thấp hoàn toàn tê liệt trong bóng tối. Mưa bắn tung ướt hai ống quần và nước lạnh chảy len trong giầy thấm tận những ngón chân.

*

Nhà cô tôi nằm trong một cư xá Ngói thuộc khu ngoại ô phía đông bắc thành phố. Trước mặt nhà là bức tường cao phủ đầy rêu của một ngôi biệt thự cổ đang được phá ra sửa chữa lại theo một kiến trúc mới (vườn bông, sân cỏ, hồ tắm và những tảng đá lớn được xếp đặt trên lối đi một cách cố tình ấy). Một cái giếng cạn đậy “tôn” nằm dưới chân một cây bông giấy không một nụ hoa nhưng đầy lá và gai nhọn. Trong nhà, ánh đèn ám khói vàng vọt soi không rõ mặt những người đang lao chao qua lại. Tôi nhảy qua những vũng nước cạn, những đống đá gạch vụn bên hông nhà, vòng ra ngã sau. Mấy người đàn bà ngồi dưới đất nhai trầu tranh nhau kể lại tai nạn. Cô tôi ngồi ở một góc phản gỗ, nước mắt đọng trên gò má, cái nhìn thất lạc. Xác chú Đăng đặt dài trên ghế bố để giữa nhà, những ngọn nến cắm ở bốn góc ghế đang cháy dở. Cha tôi mắt ráo hoảnh, ngồi trên chiếc ghế mây thấp dưới chân người chết. Không khí đặc sệt buồn thảm. Tôi đưa mắt nhìn chung quanh và bắt gặp những khuôn mặt xa lạ, dàu dàu, mắt mũi đỏ hoe và bận rộn một cách vô tích sự. Một người đàn ông trọng tuổi, đứng ở cửa hông mỉm cười bắt tay tôi và đưa tôi đến chỗ cha tôi. Ông thản nhiên nhìn tôi không nói năng (ông làm như không biết tôi từ xa mới về, có lẽ ông cho rằng từ bao lâu nay tôi vẫn ở quanh quẫn đâu đây trong thành phố này) dở tấm vải che mặt chú Đăng và nhìn xuống như muốn nói, mày có thể nhìn mặt chú một lần cuối cùng, nhìn đi. Tôi nhìn thấy những sợi trắng trên mái tóc chú, những sợi tóc quen thuộc vì chúng đã bạc quá sớm (ở vào cái tuổi mà lẽ ra tóc chú phải đen dữ lắm) cho đến bây giờ tôi nghĩ là chưa một sợi nào trắng thêm. Người đàn ông nói trong khi cha tôi phủ lại mặt chú Đăng :

- Ảnh chết ngoài xa lộ, chỗ ngã tư, quẹo trái qua làng Đại-học. Chết hết, trong xe không còn người nào.

- Có mấy người nữa sao ?

- Có, hai người đàn ông và một người đàn bà. Những người nầy vẫn thường đi chơi với ảnh.

- Người đàn bà ra sao ?

- Hơi cao lớn, ăn mặt theo kiểu đàn ông, hơi quê một chút.

- Có phải bà đó là văn sĩ không ?

- Ảnh vẫn nói bà đó là nhà văn nhà báo gì đó.

- Còn hai ông kia ?

- Chịu thôi … Cái xa lộ quái ác !

Tôi nghe mùi rượu bay nồng sặc, không biết từ miệng người đàn ông hay từ miệng cha tôi. Tôi nhìn cha. Tôi không đọc được tình cảm của ông về cái chết của chú Đăng, người em trai út được ông nhắc nhở đến nhiều nhất, nhắc nhở một cách trìu mến nhưng hình như với đầy ác ý. Và cái vẻ lầm lì lơ đãng của cha tôi bên cạnh xác chết trong một căn nhà ám khói làm tôi kinh sợ. Cái cảnh tượng chết chóc êm đềm, tiếng khóc không gây thành tiếng và những giọt nước mắt chỉ đọng lưng tròng cùng những tiếng ồn ào lộn xộn lao xao khác chi dóng lên ý nghĩa của một điều vô nghĩa.

Tôi cố nhớ lại khuôn mặt của chú Đăng (lạnh lẽo, nghiêm nghị ? tươi cười vồn vã ?) giọng nói của chú (nhanh ? chậm ? sang sảng ? yếu ớt ?), những người đàn bà trong đời chú (không làm sao nhớ hết, những cô gái thuê để mua vui, những thiếu nữ có học, những người đàn bà đã có chồng ?) ; bây giờ đã hết, tấm thân thể tràn đầy sinh lực ấy đã bất động, những giọt máu đã đổ xuống, trái tim đã ngừng đập, những lóng tay đã mất (những lóng tay ở bàn tay phải đứt lìa - người đàn ông nói với tôi như thế - văng vãi ở đâu đó dưới lùm cây bụi cỏ, giữa những viên sỏi bên bờ lộ hay bị bầm nát cuốn hút dưới bánh những chiếc xe khác ?). Và tất cả những thứ đó gọi là cái chết sao ? Cái chết ? Tôi trở xuống nhà dưới, ngồi bên cạnh cô trên phản gỗ, cầm lấy bàn tay cô, bàn tay mỏng gầy đét, những đường gân xanh, những vết tàn nhang màu nâu, màu đen lốm đốm trên nước da vàng nghệ.

- Trung đây. Cháu Trung đây cô.

- Cô biết rồi. Cháu ngồi xuống đây đi.

Cô không thấy tôi ngồi bên cạnh cô. Tôi chờ đợi cô nói điều gì, nhưng cô làm thinh, hai tay bưng mặt, búi tóc đã sổ, chiếc áo nâu rộng không che đậy được sự run rẩy của đôi vai. Thôi bây giờ cô đã mất hẳn người em kỳ cục, kẻ kiên nhẫn nhất trong những kẻ kiên nhẫn đã chịu khó ngồi nghe cô nói chuyện luật lệ và kiện cáo. Chú Đăng đã chết. Cha tôi uống rượu ngồi canh xác. Cô tôi bất động. Và tôi nhìn cái cảnh tượng không lời kia bằng đôi mắt xa lạ bình yên (tại sao tôi có thể bình thản đến như thế ?). Còn nhớ hôm đi đón chú ở quân y viện ra, cô tôi mừng rỡ đến ôm chú khóc, chị phải nói với chú mới được, chị bị con mẹ Sáu Gừng giựt cái hụi, chị sẽ kiện nó, chú lo cho chị vụ này, ra sao thì ra, chú biết con mẹ Sáu Gừng không ?... ; chú cười không trả lời, ôm lấy tôi và hồn nhiên kể lại trận đánh  dữ nhất trong đời lính của chú, kinh khủng không chịu được, chú nói thế, trận đánh chưa ngã ngũ mình đã bị đạn, hai thằng trong trung đội mình bị bắn nát đầu ngã sấp trên mình mình, mình nhìn đâu cũng thấy máu là máu, mình tưởng mình đã chết và mình bất tỉnh luôn, ấy cũng may mà còn sống, còn thấy lại được mặt chị và cháu Trung đây, chứ không phải nằm trong túi đựng xác có “phéc-mơ-tuya” kéo kín mà nghe ròi bọ lúc nhúc trong đó vì phải qua một đêm mưa tầm tã ngoài trời thì chán lắm.

Tôi ngồi im như thế hồi lâu, chẳng biết phải nói thế nào để an ủi cô, chẳng thiết hỏi han ai, và cũng chẳng ai thiết hỏi han mình. Tự nhiên tôi có cảm tưởng cái chết của chú Đăng như là một cái chết được chờ đợi, được mong ước (có cái chết nào không chờ đợi và mong ước ?). Tôi đứng dậy (chắc cô không biết) leo lên căn gác, tìm đến căn phòng của chú Đăng. Tôi xoay nhẹ chốt cửa đẩy vào. Tôi tưởng cửa đóng như cô tôi vẫn nói (tao không hiểu nổi chú ấy từ ngày chú giải ngũ, cửa nẻo gì mà lúc nào cũng đóng thin thít không hé mở lấy một chút) nhưng cửa không khoá. Căn phòng tối om và tôi ngửi thấy một mùi hôi thối khó thở, như mùi chuột chết. Tôi loay hoay sờ soạn đi tìm cái bật đèn. Cái bật đèn ? Ở đâu ? Bên trái ? Bên phải ? Trên ? Dưới ? Tôi đứng lại đỗi lâu làm quen với bóng tối và tôi bước tới.  Tôi đập đập tay lên vách ở hốc cửa, tôi quơ chân, tôi xuýt ngã. Một vật cứng và trơn lăn dưới chân tôi. Tôi cúi xuống mò kiếm và mãi một lúc lâu sau tôi tìm bắt được cả hai vật : chân ghế và cây nến. Tôi ngồi xuống ghế bật diêm đốt nến và châm thuốc. Ánh sáng cháy bùng lên rồi phụt tắt. Một que diêm, và thêm một que diêm nữa. Ánh sang soi rõ mặt bàn giấy những quyển sách và tạp chí vứt bừa bãi, một ít sách bị mở tung giữa trang, chiếc ghế xoay tròn đụng vào một tủ sách cao với những kệ trống trơn. Sát bên tường tận cùng căn buồng là một chiếc giường rộng với những chiếc gối đã được tháo bao ngoài, đen sỉn, nhớp bẩn, chiếc màn nhà binh màu xanh buông thõng một nửa (có lẽ lâu lắm chú không trở về chỗ nằm, không xử dụng đến giường chiếu mùng màn) ; ở đầu giường phía trên bàn ngủ là một bức ảnh lớn khung kính nứt rạn cong vòng như sao chổi, tôi mang đèn đến gần, nâng lên sát bức hình, đó là khuôn mặt một thiếu nữ (tôi nghĩ thế, và tôi cũng tự hỏi tại sao không gọi là thiếu phụ, tôi lục lọi trí nhớ nhưng quả tình không tìm thấy được một nét quen thuộc nào). Mùi hôi càng lúc càng khó chịu và khó thở hơn. Tôi đến mở cánh cửa sổ và vô tình tìm thấy cái bật điện, nhưng điện không sáng, cầu chì đã bị tháo. Tôi trở lại ngồi xuống bàn, hất những tạp chí và sách xuống đất. Dưới tấm kính lót bàn và trên miếng nỉ xanh là một bức tranh lớn in màu tuyệt vời, kỳ khu, nét vẽ bén và sắc một con sông rộng với những thuyền và người, một chiếc cầu cao cong mất hút phía bên kia sông, nơi có những căn nhà lụp sụp chìm trong rừng cây mờ nhạt, bầu trời đen kịt những mây và vẻ hối hả hằn trên gương mặt của người lái đò đang ở dáng điệu chống cây sào dài ngăn đôi khung cảnh buồn thảm. Lại trời mưa. Những cơn mưa dai dẳng chẳng làm sạch được mây đen trên trời. Tôi cuối xuống góc bức tranh và đọc một cách khó khăn tên hoạ sĩ Hokusai Katsushika. Cái tên khó nhớ, tôi nghĩ trong đầu. tôi sẽ làm gì cho hết buổi tối hôm nay. Một xác chết không người khóc. Một căn phòng không ánh sáng ẩm mốc và hôi thối. Tôi tẩn mẩn kéo hộc bàn chú Đăng và giữa những tờ giấy ghi chép, những câu vô nghĩa, những bao thư mất ruột và bị xoá cả tên người gửi tôi tìm thấy quyển truyện của một tác giả quen tên. Những chữ trong sách này tôi đã một lần, hồi tác giả mới cho in đôi bài trên một tạp chí. Tôi cũng đã gặp người viết một lần ở nhà chú Đăng. Hôm đó tôi mới vừa ở Đà-lạt về, tiện đường tạt qua nhà cô thăm chú. Khi bước vào phòng, tôi chú ý ngay đến người đàn ông trạc tuổi tôi đang ngồi bất động như một xác chết trên chiếc ghế dựa gần cửa sổ (với quyển sách mở trang, chắc thế !). Ánh đèn ống trên tường hắt xuống khuôn mặt hắn một màu xanh bệch. Chú Đăng nói, anh ngồi xuống đây, anh Trung.  (Chú vẫn gọi tôi là anh, có lẽ xét về tuổi tác, về chiều cao và về sức nặng giữa chú và tôi không cách biệt bao xa). Người đàn ông đứng dậy. Chú Đăng giới thiệu tôi với hắn và cho tôi biết hắn là một nhà văn, một nhà văn có tiếng nói dõng dạc và mạnh bạo nhất hiện nay. Hắn bắt tay tôi một cách nghiêm trang và hợm hĩnh (vẻ lơ là khinh bạc và kiêu ngạo làm hắn có vẻ buồn cười, giống như một người rơm mà ở dưới quê người ta vẫn dùng đê dọa chim chóc ngoài ruộng). Tôi nói hân hạnh, thật là hân hạnh cho tôi quá chừng. Bàn tay hắn khô, buông lỏng xa lạ, và cái nhìn uể oải, không thẳng. Hắn lại ngồi xuống ghế tiếp tục trang sách đang đọc dở, có vẻ hả hê vì lời ca ngợi của tôi. Tôi nói với hắn ông là một nhà văn lớn, một nhà văn dấn thân lớn nhất của thế kỷ hai mươi. Tôi cố nhấn mạnh tĩnh từ dấn thân - mặc dù tôi không hiểu tí nào cái nghĩa chữ ấy. Hắn đặt sách xuống đùi hỏi tôi : ông có đọc bài của tôi trên nhật báo và trên các tạp chí văn học nghệ thuật sao ? Tôi đáp thật khiêm tốn, có,  tôi đọc không thiếu một chữ nào của ông, tôi theo dõi ông nhiều lắm, tôi yêu mến ông ngay từ bài đầu. Hắn gật gù có vẻ tự mãn. “Sống ở đời là phải lựa chọn một thái độ. Chúng ta không thể từ chối lựa chọn bởi từ chối lựa chọn một thái độ là mặc nhiên đã bày tỏ một thái độ rồi. Ít ra chúng ta cũng phải làm một cái gì !” Làm một cái gì ? Tôi cố tình không hiểu hắn muốn nói gì. Hồi đó, chú Đăng mới giải ngũ và được thưởng huy chương hay bội tinh gì đó. Tôi nói “Phải, chúng ta cần phải làm một cái gì như chú Đăng tôi chẳng hạn”. Hắn ngửng đầu lên nhìn tôi, cân nhắc dò xét lời nói, có lẽ hắn tự hỏi thằng cha này muốn nói cái gì đây (điều này không chắc lắm vì tôi cũng chỉ nghĩ thế thôi). Hắn nói trước hắn ở trong cùng đơn vị với chú Đăng, hắn đã chiến đấu, đã dự những trận đánh lớn sát biên giới, đã chạm mặt với cái chết… “cái chết theo đuổi tôi không rời một giây phút nào. Tôi sẽ viết về cái chết đó”.  Tôi nói, chắc hơn ai hết ông phải là người biết rõ cái chết nhất, nhưng tôi chợt nghĩ khi biết cái chết thật rõ thì mình đã chết mất rồi còn đâu mà nói phét. Từ lúc tôi và nhà văn lớn nói chuyện, chú Đăng vẫn nằm trên giường đọc báo không nói chen một lời nào. Hắn không buồn trả lời câu hỏi tôi, cúi xuống trang sách. Quả tình tôi có đọc nhiều bài của hắn viết. Văn chương hắn dễ dãi gần gũi với những người máu nóng, hời hợt và dâm loạn (tôi thích hắn một phần cũng vì lý do này). Đọc hắn, người dễ tính thấy mình sớm trở thành những anh hùng làm được một cái gì. Và tôi có một tật rất xấu là thường hay lấy những ấn tượng ban đầu để phê phán kẻ khác. Cho nên tôi tự nghĩ, thực là xa lạ biết bao giữa một nhà văn trong những bài báo sôi sục căm hờn đầy tính cách khích động, lúc nào cũng lăm le loan báo sự phản kháng chế độ, một nhà văn kêu gọi không ngừng sự liên kết của tuổi trẻ và hành động vào thời yếu tố kiêu căng vô lối của mình coi như căn bản của mọi vận động tìm đến sự thoả hiệp giữa tư tưởng và hành động và con người đang ngồi trước mặt tôi kia, con người với cái bắt tay rã rời mệt mỏi, con mắt nhìn xiên xỏ lấm la lấm lét, điệu bộ kênh kiệu như con công rừng, và những nhận xét cũ kỹ trên một quan niệm đã được người khác nhắc tới nói đến quá nhiều lần (thành ra tư tưởng của hắn là những bản vỗ của nhà in, dập đi dập lại nhòe nhoẹt, khác chăng là thay tên của một người này bằng một người khác ở cuối mỗi bài). Tội nghiệp cho hắn và cũng tội nghiệp cho tôi nữa bởi vì tôi đã ghét hắn, bắt đầu thấy ghét hắn và bởi vì người ta vẫn nói rằng chỉ có những kẻ giống nhau quá mới dễ ghét nhau thôi. Chúng tôi tiếp tục im lặng, hắn đọc sách, tôi đọc hắn. Có lẽ chú Đăng cho là sự lặng thinh đó kỳ cục, chú ngồi dậy, mang giầy nói là để đưa tôi về. Về đâu ? Tôi hỏi chú và chú nhìn mắt tôi dò hỏi. Thế anh không về đằng nhà sao ? Và không chờ tôi trả lời, chú cười, được rồi, anh muốn đến đâu tôi đưa đến đó. Tôi chào hắn, đưa tay cho hắn bắt nhưng hắn lờ đi làm như không thấy. Chú Đăng biểu, đi cho kịp không trời mưa bây giờ. Tôi nhìn thấy hắn bước ra ngoài lan can, tay phải vẫn giữ quyển sách, ngón tay trỏ nằm giữa những trang đang đọc. Dáng hắn gầy và cao, hai gò má nhô xương, da sạm đen, cánh tay dài lêu khêu, lủng lẳng trên vai chiếc đầu nhỏ như một trái dừa xiêm. Đợi tôi ngồi sau yên xe xong, chú Đăng nói bây giờ chú yêu mến đời sống hơn bất kỳ lúc nào, chưa bao giờ chú cảm thấy thích thú đời sống đến thế. Chú nói anh ấy (nhà văn phản kháng của tôi !) cho rằng nếu không làm đuợc một cái gì thà chết đi còn hơn. Tôi hỏi chú rằng, y đã làm được cái gì chưa ? Cái gì là thế nào ? Chú ngạc nhiên hỏi lại. Tôi nói tôi cũng không hiểu cái gì là cái gì nữa. Tôi chỉ đặt câu hỏi theo câu chuyện đó thôi. Chú bật cười, à, cái này thì khó nói quá. Tôi im lặng. Chú hỏi lại, sao anh cay cú quá thế ? Tôi nói bởi vì hắn giống tôi nên tôi cay cú. Chú Đăng cười to hơn. Đến một ngã tư đèn đỏ, tôi đập vai xin chú cho xuống. Chú ngạc nhiên nhưng vẫn bắt tay tôi. Tôi hỏi, sao y chưa chết ? Chú la lên, anh điên hả ? Tôi cười, đủ rồi, cho một buổi chiều như buổi chiều hôm nay bấy nhiêu đó là đủ rồi. Đèn xanh. Những còi xe phía sau giục chú. Tôi chào chú và băng qua bên kia đường ngược chiều. Tôi nghĩ tức cười về những vụn vặt giả tạo và cái thứ làm dáng siêu hình đó quá. Hình như hắn vẫn còn sống. Có lẽ tôi đã gặp hắn ngày hôm qua, trên đường đến lớp học. Và chú Đăng tôi bây giờ đã chết. Có phải đó là hậu quả tất nhiên của một thứ làm dáng triết lý mà chú đã nhận được từ người bạn văn chương của chú không ? (còn nhớ trong một bức thư sau cùng chú viết cho tôi rằng cái chết giống như một mục sư tốt, bởi vì cả hai không bao giờ đánh mất hay làm thất lạc được bầy chiên của mình, ý tưởng này chú cho biết là của hắn, một tư tưởng tuyệt vời và thâm thuý, nhưng hình như đã có lần tôi đọc thấy đâu đó trong quyển Album d'un pessimiste của  Alphonse Rabbe câu này, La mort est un bon Pasteur, car elle ne perd jamais rien de son troupeau, nam mô a di đà phật !) Không biết tôi đã ngồi như thế trong bao lâu, cây nến đã lụn bấc, những hạt mưa vỗ trên mái tôn đều đặn và gió thổi đóng sầm cánh cửa lại. Tôi nghe trong ruột cồn cào, có lẽ phải kiếm cái gì bỏ bụng. Tôi thổi tắt ngọn đèn và bước ra bên ngoài. Tôi xuống thang gác trong tiếng khóc xót xa và ấm ức của một người đàn bà (hình như vừa khóc vừa kêu gào lăn lộn dưới đất ?). Tôi không chịu được. Tôi nghĩ đến Thảo. Tôi sẽ đến đón nàng đi ăn, đi xem chớp bóng và sau đó, một phòng cho thuê ở Chợ-lớn (với tôi điều này không có gì phải bối rối lắm). Tại sao không mơ được chứ ? Tôi yêu Thảo rồi chăng ? Điều này không chắc lắm. Một hôm tự dưng Thảo nói, trong đời em, em chỉ yêu có một người, người đó là anh, và chỉ có mình anh mà thôi (Thảo phải là một nhà hình học giỏi ; nàng đã dung hòa được toán học và cải lương), dầu sao tôi cũng thích thú vì được vuốt ve. Tôi sẽ kể chuyện cái chết của chú Đăng cho nàng nghe. Chắc nàng phải kêu lên : Khiếp quá ! Khiếp quá ! thôi anh đừng có tả cái cảnh tượng ấy nữa. Tôi sẽ gọi nàng là hạnh-phúc-của-đời-tôi. Và tôi sẽ ngủ trong tận cùng hạnh phúc đó.
Tôi cầm quyển sách bước ra ngoài khoá trái cửa lại, định vòng ra ngõ sau, nhưng tánh hiếu kỳ khiến tôi đứng lại đưa mắt về phía tiếng động. Mọi người lúc đó đang xúm quanh một cô gái nằm vật dưới chân xác chú Đăng. Tiếng khóc như xé tim làm tôi thêm chú ý. Cô tôi tay cầm chai dầu khuynh diệp, xô mọi người ra và cúi xuống mặt cô gái. Tôi đến gần, nhón gót nhìn cảnh tượng kỳ lạ. Cha tôi nói với đám đông, người này là nhân tình của chú Đăng đó, đã có mang thai hai tháng nay. Thôi hãy tránh bớt ra cho người ta còn thở chớ, chết ngộp hết bây giờ. Cô tôi vén những sợi tóc che lấp vầng trán và khuôn mặt của người con gái. Tôi chỉ kịp kêu lên trong cuống họng, Thảo! Thảo hạnh-phúc-của-đời-tôi

Bên ngoài trời có còn mưa không anh ?

Nguyễn Xuân Hoàng
(trích trong : Cánh Cửa Sau Cùng,
Văn Uyển số 16 tháng 8/1969)
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/09/nguyen-xuan-hoang-giot-nuoc-mat-cho-chu.html
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001