Trùng Dương - Chuyện trò với Đạo diễn Đỗ Tiến Đức
at 9/29/2013 10:09:00 AM
Điện
Ảnh Miền Nam trước 1975 & việc thực hiện phim Yêu
dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Chu Tử bên
cạnh các phim khác do chính anh đạo diễn
Trùng
Dương
Tiểu
sử
-
Nhà Văn Đỗ Tiến Đức sinh vào tháng 10 năm 1939 tại Sơn
Tây, học Trung học tại trường Nguyễn Trãi, Hà Nội, di
cư vào Nam năm 1954.
-
Học Quốc Gia Hành Chánh, Đại học Luật Khoa và Khóa sĩ
quan hiện dịch tại Quân Trường Đồng Đế và Trường
Cao Đẳng Quốc Phòng.
-
Giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật Toàn quốc năm 1969, bộ
môn Văn, với cuốn Má Hồng.
-
Chủ nhiệm tạp chí Chí Trai thuộc Bộ Thanh Niên
(1965-1967).
-
Giám đốc Nha Thông tin (1967-1968).
-
Giám-đốc Nha Điện Ảnh Việt Nam Cộng Hoà (1969-1972).
-
Giám đốc Tổng Cuộc Tiếp Tế Vùng 4 (1973).
-
Giáo sư trưởng Khoa Truyền Thông Viện Đại Học Minh Đức
(1973-1975).
-
Truyện đã xuất bản : Hoa Niên (1954), Má Hồng
(1968) Lối Vào (1990) Vầng Trăng Trong Mưa
(1993), Tiếng Xưa (2000), Những Chuyện Rất Việt
Nam, Tháng Tư 1975, Bên Em Là Bóng Tối.
-
Viết và đạo diễn phim Ngọc Lan (1972, với Hà
Huyền Chi làm phụ tá dạo diễn), Yêu (1973, với
Viên Linh và Trần Quang Đôn làm phụ tá đạo diễn), và
Giỡn Mặt Tử Thần (1975).
-
Hiện làm chủ bút báo Thời Luận ở Los Angeles
(1985-).
Trao
đổi
Trùng
Dương: Anh được biết tới, trước hết qua các tác
phẩm văn chương, đặc biệt cuốn tiểu thuyết Má
Hồng đã được giải thưởng Văn học Nghệ thuật
Toàn quốc năm 1969 ở Saigòn, và bây giờ ở hải ngoại
qua sinh hoạt báo chí với tư cách chủ nhiệm và chủ bút
nhật báo Thời Luận trụ sở đặt tại Los Angeles,
và là một trong số ít những người thuộc thế hệ cầm
bút trước 1975 còn viết và in sách đều ở hải ngoại.
Ít người biết tới sinh hoạt điện ảnh của anh mặc
dù người ta vẫn quen miệng gọi anh là Đạo diễn Đỗ
Tiến Đức. Gần đây, trong một buổi ra mắt cuốn Ảnh
Trường Kịch Giới của Hồ Trường An do Tổ hợp
Xuất bản Miền Đông Hoa Kỳ phát hành, anh nhận lời
giới thiệu cuốn sách, thế nhưng tôi có cảm tưởng sau
khi xem cái video clip (*) anh… phê bình cuốn sách hơn là
giới thiệu.
Đỗ
Tiến Đức: Vâng, thưa chị, tại tôi ít nói về điện
ảnh đã lâu nên có dịp thì nói hơi vung vít. Với lại
nói về điện ảnh đối với tôi là “gãi đúng chỗ
ngứa” rồi. Một lý do khác là… kể ra tôi cũng “hơi
lối” vì khi anh Hồ Trường An nhờ tôi giới thiệu
cuốn sách Ảnh Trường Kịch Giới của anh ấy mới
in xong, thì anh ấy gọi tôi là “giáo sư” và tự giới
thiệu là sinh viên của tôi ở Đại học Minh Đức. Vì
liên hệ như thế, nên tôi phải… nói nhiều, để anh ấy
sửa chữa khi tái bản hầu tránh hiểu lầm, lại tổn
hại thiện chí của anh ấy khi nặn óc viết về dĩ vãng
xa xưa mấy chục năm của sân khấu và điện ảnh của
miền Nam Việt Nam.
TD:
Cũng trong buổi sinh hoạt ra mắt sách đó, tôi nghe đại
diện nhà xuất bản, Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, đã lên
tiếng, sau khi nghe lời phê bình một số điểm trong cuốn
sách, đã trách khéo anh là người “biết mà không chịu
nói.” Như vậy thì anh có thấy là mình bị… trách oan
không vậy?
ĐTĐ:
Không oan chút nào đâu. Chị nhớ cho là tôi sợ lên ti vi
lắm vì… vừa nói dở vừa xấu trai mà. Với lại mình
đã chọn vai trò làm đạo diễn thì chỗ đứng là phía
sau camera chứ đứng dưới ánh đèn là trật rồi.
TD:
Xin anh cho biết cơ duyên nào đã đưa anh đến với điện
ảnh VN?
ĐTĐ:
Lý do sâu xa nhất là tôi thích điện ảnh. Hồi học
tiểu học ở Hà Nội tôi là “cây” sưu tâm” mấy tờ
chương trình của các rạp chiếu bóng đấy. Tôi cũng
thường “mánh mung” kiểu này nữa: Nhiều buổi tối,
tôi ăn mặc “lịch sự”, chải đầu chải tóc quần áo
đàng hoàng rồi tới trước của rạp hát. Khi thấy cặp
vợ chồng nào “dễ thương” tôi “tà tà” bám theo
họ, đóng vai là con cái họ, tay thì cầm tờ chương
trình, cúi xuống đọc miết theo kiểu “gian thì phải
ngoan” mà để qua mặt người soát vé… Vậy chứ có
khi thoát, có khi bị túm…
Khi
vào Sài gòn, vừa học trung học vừa đi bán báo với Hà
Huyền Chi, vừa viết báo, thế mà khi nghe tin có “dzụ”
người ngoại quốc tới quay phim ở đâu là tôi tới bằng
được để mê mẩn xem người ta “mần tuồng”. Vì còn
có nhiều người khác cũng hiếu kỳ như tôi nên có khi
bị đoàn làm phim gọi xe cứu hỏa tới xịt nước để
giải tán, tôi và mọi người ướt như chuột vậy mà
vẫn nhe răng cười khoan khoái lắm.
Đến
năm 1969 khi tôi học xong khóa 1 Cao đẳng Quốc phòng, tôi
trở lại Bộ Thông tin với một đồng môn của lớp này
là Đại tá Bùi Định. Ông Tổng trưởng Thông tin Nguyễn
Ngọc An yêu cầu hai anh em chúng tôi nói cho ông nghe Trường
Cao Đẳng Quốc Phòng là gì. Chúng tôi nói đại ý đó là
trường đào tạo cán bộ lãnh đạo quốc gia. Học viên
phía quân sự phải từ cấp đại tá và học viên dân sự
phải từ cấp giám đốc. Ông Tổng trưởng nghe xong bèn
bổ nhiệm ông Đại tá Định làm phụ tá tổng trưởng
đặc trách về chính sách và kế hoạch. Còn tôi vì trước
đó đã làm giám đốc Thông tin và lại tốt nghiệp Học
viện Quốc gia Hành chánh nên ông Tổng trưởng muốn tôi
làm Tổng thư ký bộ thay thế ông tổng thư ký sắp đi
nhận nhiệm vụ khác.
Tuần
lễ sau, tôi được biết bên Trung Tâm Quốc gia Điện ảnh
chưa có quản đốc. Thế là tôi ngỏ ý với ông Tổng
trưởng, cho tôi xuống làm Quản đốc Trung tâm Quốc gia
Điện ảnh. Ông Tổng trưởng và ông Phụ tá Tổng trưỏng
Bùi Quang Định đều ngạc nhiên, nhìn tôi muốn lõ con
mắt, hỏi tại sao tôi lại bỏ chức cao để xin làm chức
thấp. Ông Tổng trưởng khuyên: “Em là ngạch hành chánh
thì làm Tổng thư ký là chức xứng đáng nhất của em,
sao em lại bỏ cơ hội?” Thấy tôi vẫn xin xuống Trung
tâm Điện ảnh, ông Tổng trưởng hỏi : “Nhưng em là
ngạch đốc sự hành chánh, em biết gì về điện ảnh mà
làm cái việc chuyên môn đó?” Tôi nhớ mang máng đã trả
lời rằng, tôi không tới Trung tâm Điện ảnh để làm
công việc chuyên môn như quay phim, ráp nối. Tôi tới để
quản trị để phát triển. Mà khả năng quản trị thì
tôi đã học và đã thực hành nhiều năm qua nhiều chức
vụ. Biết tôi đã “lậm” điện ảnh quá rồi nên ông
Tổng trưởng Nguyễn Ngọc An đành ừ thôi.
TD:
Xin anh cho biết qua về tình hình điện ảnh VN vào giai
đoạn anh về giữ chức giám đốc Nha Điện ảnh Việt
Nam Cộng Hoà?
ĐTĐ:
Như chị đã biết, Trung tâm Quốc gia Điện ảnh là cơ
quan sản xuất phim thời sự hàng tuần và phim tài liệu
tuyên truyền của chính phủ. Đôi khi cũng sản xuất
phim truyện với nội dung chống cộng để cung cấp cho
các ty thông tin và các sứ quán. Trung tâm này không trách
nhiệm về ngành điện ảnh trong nước do đó không cần
biết điện ảnh tư nhân sống chết ra sao.
Còn
điện ảnh tư nhân lúc đó èo uột lắm. Cả nước chỉ
có hai hãng phim hoạt động tương đối là Mỹ Vân và
Alpha. Mỹ Vân thì làm phim chiếu vào dịp Tết nên chú
trọng chọc cười như Năm Vua Hề Về Làng chẳng
hạn. Hãng Alpha thì hoạt động chính là phụ đề tiếng
Việt cho phim ngoại quốc. Thành ra có năm không có phim,
có năm một hai cuốn.
TD:
Vai trò của Nha Điện ảnh đối với chế độ VNCH nói
riêng, và đối với kỹ nghệ điện ảnh Miền Nam nói
chung, gồm những gì?
ĐTĐ:
Ban nãy tôi đã nói, tôi mê điện ảnh, phải không? Vì
thế cho nên tôi chuyên chú tới một kế hoạch phát triển
ngành điện ảnh Việt Nam. Tôi đã soạn một dự án
trình lên ông Tổng trưởng, gồm việc nâng Trung tâm Quốc
gia điện ảnh thành Nha Điện ảnh, đảm nhiệm vai trò
lãnh đạo ngành điện ảnh quốc gia. Trung tâm Quốc gia
Điện ảnh chỉ là bộ phận của Nha Điện ảnh phục vụ
công tác làm phim thời sự và phim tài liệu tuyên truyền.
Muốn tư nhân làm phim thì nhà nước phải làm mấy công
việc song song: 1) Phải có biện pháp giúp đỡ họ, cụ
thể là giúp phương tiện máy móc và chuyên viên. 2) Phải
giúp họ phát hành, cụ thể là có rạp để chiếu phim
của họ làm ra. Điều này hơi khó vì chủ rạp cũng là
tư nhân, họ chọn chiếu phim nào là do tính toán lợi
nhuận. 3) Muốn tạo áp lực với chủ rạp thì phải giảm
số phim nhập cảng, để lấy chỗ trống cho phim Việt.
Và muốn giảm số phim nhập cảng mà không vi phạm tự
do kinh doanh thì phải có luật, trường hợp chưa có luật
thì phải tìm cách khác. Đó là lý do phải thành lập Nha
Điện Ảnh, phụ trách công tác kiểm duyệt phim ảnh,
công tác cấp quota nhập cảng phim mà lúc đó đang thuộc
các Nha sở khác của Bộ Thông tin.
TD:
Và anh đã làm được những gì trong thời gian từ 1969
tới 1972 trong vai trò giám đốc cơ quan này?
ĐTĐ:
Khi ông Tổng trưởng chấp thuận lập Nha Điện Ảnh thì
tôi bắt tay vào việc… học nghề. Các anh chị em chuyên
viên các ngành từ thu hình, ráp nối, viết truyện phim,
vân vân, là người hướng dẫn cho Giám đốc học nghề.
Mấy ông đạo diễn như Hoàng Vĩnh Lộc, Lê Hoàng Hoa,
Thân Trọng Kỳ… nhìn tôi bằng nửa con mắt, coi tôi là
“kẻ ngoại đạo” vì khi tới nhậm chức, trước anh
em nhân viên, tôi nói lời đầu tiên đại ý là “Xin anh
chị mang cái máy quay phim ra đây cho tôi được sờ nó
một cái vì tôi chưa bao giờ được đứng sát bên nó
cả.” Nhân viên của tôi sau này nhắc lại chuyện đó
với lời khen là tôi “ngây thơ, thành thật khai báo”.
Trong
khi đó tôi tiếp xúc với giới điện ảnh tư nhân,
thuyết phục họ hợp tác với tôi để tổ chức Ngày
Điện Ảnh Việt Nam làm điểm xuất phát chiến dịch làm
phim Việt. Ngày Điện ảnh Việt Nam mà tôi đặt là kỳ
1 tổ chức ngày 22 tháng 9, 1969. Ngày đó các rạp trên
toàn quốc đều chiếu phim Việt miễn phí cho đồng bào.
Một buổi hội thảo lớn tại rạp Rex và chiếu lần đầu
phim Xin Nhận Nơi Đây Làm Quê Hương do Trung tâm
Quốc gia Điện ảnh sản xuất, đạo diễn là Hoàng Vĩnh
Lộc. Ông Tổng trưởng Nguyễn Ngọc An đọc bài về
chính sách điện ảnh, đưa ra ba chính sách lớn: 1) Đó
là giúp phương tiện và nhân sự cho tư nhân làm phim. 2)
Các nhà nhập cảng phim sẽ được thêm quota nếu sản
xuất phim Việt Nam. 3) Nha Điện ảnh và các hãng phim tư
nhân sẽ hợp tác sản xuất những cuốn phim có nội dung
thích hợp. Về lâu dài sẽ soạn thảo luật Điện ảnh
trong đó miễn thuế cho ngành sản xuất phim ảnh trong một
thời gian từ năm đến 10 năm.
TD:
Công tác hay chương trình nào đã khiến anh hãnh diện
nhất khi anh làm Giám đốc Nha Điện ảnh?
ĐTĐ:
Tôi hãnh diện nhất là tổ chức thành công Ngày Điện
Ảnh Việt Nam và mở được ban Điện Ảnh thuộc Phân
Khoa Nhân Văn và Nghệ thuật của Viện Đại học Minh
Đức. Như chị đã biết, sau Ngày Điện ảnh Việt Nam kỳ
1 do tôi làm chủ tịch, tôi đã “tư nhân hóa” tổ chức
này để nó tồn tại lâu dài. Tiếc rằng sau khi tôi thôi
làm giám đốc Nha Điện ảnh thì một năm sau Ngày Điện
ảnh cũng không có nữa.
Nhờ
có Ngày Điện Ảnh Việt Nam, mà ông Tổng trưởng Nguyễn
Ngọc An chính thức ban hành chính sách điện ảnh, và sau
đó thì hãng phim mọc ra như nấm, trên dưới khoảng ba
chục hãng phim. Rất nhiều nữ tài tử như Kiều Chinh,
Kim Cương, Túy Hồng, Thẩm Thúy Hằng đều mở hãng phim.
Nhiều doanh gia cũng mở hãng phim, như ông Phạm Hoàng Kim
mở hãng Lidac. Hãng nhập cảng phim Cosunam, Tân Kiệt Y
Oan cũng mở hãng phim. Như thế tất nhiên là số lượng
phim ra đời phải tăng rồi. Năm 1971 có khoảng hai chục
cuốn phim được thực hiện. Phim Chiều Kỷ Niệm
của nhóm Thẩm Thúy Hằng được chiếu tuần lễ đầu
tiên tại 10 rạp gồm cả rạp lớn nhất là Rex. Nghe nói
số thu lên đến trăm triệu đồng nên làm nức lòng giới
điện ảnh. Có thể chị sẽ nói kế hoạch phát triển
đó quá chú trọng về lượng. Đúng thế. Ở Việt Nam
thời đó số người được học về điện ảnh chỉ đếm
trên đầu ngón tay. Các chuyên viên điện ảnh chỉ là
nhân viên của Nha Điện ảnh. Mà những người này do
chính phủ huấn luyện để làm phim thời sự chứ không
phải để làm phim truyện. Thành ra cứ làm nhiều phim để
nghề dạy nghề là cách tốt nhất thôi.
TD:
Riêng về phim Việt, theo anh, đã có những phim nào xứng
đáng gọi là “trưởng thành” về cả kỹ thuật lẫn
nghệ thuật?
ĐTĐ:
Theo tôi thì khi nói về trình độ trưởng thành, có lẽ
không có cuốn phim nào đạt được “danh hiệu” đó
đâu. Lý do là các nhà sản xuất phim thương mại như Mỹ
Vân thì họ nhắm vào thị hiếu của đa số quần chúng
để kiếm tiền. Sau khi có Ngày Điện Ảnh thì có một
số nhóm tham gia sản xuất phim, họ không nặng lắm vào
số thu, nhưng phim của họ hầu hết là phim đầu tay,
chưa kinh nghiệm, chính họ chưa trưởng thành thì làm sao
sản xuất được một cuốn phim trưởng thành.
TD:
Anh ngưng làm giám đốc Nha Điện ảnh năm nào và tại
sao?
ĐTĐ:
Tôi mất chức Giám đốc Nha Điện ảnh cuối năm 1972 thì
Nha Điện ảnh bị ông Tổng trưởng Thông tin Ngô Khắc
Tỉnh giải tán, chỉ còn lại Trung Tâm Quốc gia Điện
ảnh thôi.
TD:
Tại sao ông Tỉnh giải tán Nha Điện Ảnh? Mọi diễn
tiến đang tốt đẹp như thế…
ĐTĐ:
Theo tôi thì… do mấy ông Tầu muốn thế. Đầu đuôi là
khi tôi hạn chế quota nhập cảng phim Tầu thì tòa đại
sứ Đài Loan khổ tâm lắm. Họ muốn tôi bỏ cái nghị
định đó đi nhưng tôi không chịu. Rồi ông Lý Long Thân,
một tài phiệt Chợ Lớn, có hãng phim Tân Kiệt Y Oan, mời
tôi đi ăn một tối thứ sáu (quên mất ngày rồi) ở nhà
hàng Văn Cảnh. Bữa ăn có bốn người là ông Lý Long
Thân, ông Đại sứ Đài Loan là Đại tướng Hồ Liên,
ông Tham vụ sứ quán Đài Loan Henry và tôi. Chè chén ngon
miệng rồi thì ông Lý Long Thân đặt vấn đề. Ông nói
thẳng rằng tôi muốn bao nhiêu tiền, bỏ vào chương mục
nào, ở đâu, ông sẽ làm để tôi bỏ nghị định hạn
chế nhập cảng phim. Tôi trả lời rằng tôi chỉ là
người thi hành cái nghị định đó. Ông Thân nói đại
khái: “Nếu ông Giám đốc không giúp chúng tôi thì ông
cho phép chúng tôi cầu cứu nơi khác.” Tôi trả lời các
ông cứ việc, và tôi sẵn sàng thi hành quyết định mới.
Khi ra về, ông Thân bắt tay tôi nói: “Xin lỗi ông Giám
đốc, Tổng trưởng chúng tôi còn thay được huống chi
cái nghị định này.” Chia tay họ, tôi gọi điện thoại
cho ông Tổng trưởng Ngô Khắc Tỉnh, tường thuật chuyện
vừa rồi. Ông Tỉnh có vẻ bực tức, nói đại khái:
“Bọn này láo quá. Tôi sẽ bảo vệ anh.” Sáng thứ bẩy
tôi nói cho Thiếu tá PhạmVăn Thiệp, phụ tá của tôi
nghe chuyện. Sáng thứ hai, khi tôi đang cùng toàn thể nhân
viên làm lễ chào cờ trong hội trường của Nha Điện
ảnh thì có điện thoại của ông Chung Đức Mai, phụ tá
Tổng trưởng gọi, nói rằng ông Tổng trưởng quyết
định giải tán Nha Điện ảnh, yêu cầu tôi chuẩn bị
bàn giao.
TD:
Giản dị như vậy đó?!? Thế… sau khi Nha Điện ảnh đã
bị giải tán và anh bị mất chức thì hình như anh thực
sự bị mắc chứng… “nghiện” điện ảnh nặng?
ĐTĐ:
Chị thấy tôi mắc chứng nghiện điện ảnh thật à?
Không nghiện trà, không nghiện rượu, không nghiện đàn
bà mà nghiện điện ảnh thì lành mạnh quá rồi, phải
không chị ?
TD:
Anh cho biết đã “giải quyết” cơn nghiện này ra sao?
ĐTĐ:
Thì tôi tiếp tục hoạt động điện ảnh. Trước hết
là tôi làm phim. Cái may của tôi là lúc đó có nhiều
người bỏ tiền cho tôi làm phim một cách tự do. Trước
nhất là một thương gia bỏ tiền cho tôi làm cuốn phim
Ngọc Lan, truyện phim do tôi viết. Phim quay ở Lái
Thiêu. Tài tử gồm Thanh Lan, Ngọc Minh, Bảo Ân, Hà Huyền
Chi… Khi chiếu chỉ huề vốn. Tiếp theo là… chị mang
tiền của báo Sóng Thần cho tôi làm cuốn phim Yêu,
truyện phim do tôi viết, phỏng theo tiểu thuyết của nhà
văn Chu Tử. Cuốn này thu không đủ vốn. Sau đó là anh
Quách Thoại Huấn bỏ tiền cho tôi làm phim Giỡn Mặt
Tử Thần, phim mầu, quay tại Đà Lạt với tài tử
Thẩm Thúy Hằng, Bảo Ân, Ngọc Đức, Hoàng Mai, Tường
Vi, Phi Thoàn, Thanh Hoài, Văn Chung… Đến cuối tháng Tư
1975, khi cả nước tìm đường di tản thì tôi cứ vùi
đầu vào công việc ráp nối và làm âm thanh cho cuốn
phim. Khi gửi được cuốn phim sang Hồng Kông thì cộng
sản đã vô tới Sài gòn. Và rồi tôi đi tù.
Có
thể nói tôi rất may mắn với điện ảnh. Nếu không mất
nước thì mỗi năm tôi có thể làm một cuốn phim trong
khi các đạo điễn đồng nghiệp đợt “nghệ thuật”
như anh Võ Doãn Châu, Đặng Trần Thức, Nguyễn Ngọc
Liên, sự nghiệp của họ chỉ có một cuốn phim mà thôi.
TD:
Nhưng anh còn mở phân khoa Điện ảnh ở Đại học Minh
Đức năm 1973 nữa? Tôi nhớ chi tiết này vì tôi là một
trong khoảng 100 sinh viên ghi tên học niên khóa đầu tiên
vì hồi đó tôi cũng mắc cơn “ghiền” tuy chưa nặng
bằng anh. Tôi nhớ lần đầu tiên bước vào lớp, đạo
diễn kiêm giảng sư Hoàng Ngọc Liên -- chả nhớ anh ấy
dậy môn gì – ngó xuống thấy tôi, bèn đi xuống bàn
tôi, gõ gõ cục phấn cầm trong tay xuống mặt bàn trước
mặt tôi, nói, nửa bỡn nửa thực: “Bà ngồi đây làm
tôi… khớp!”
Vâng,
trở lại câu chuyện đang nói: Và trong khi đó thì anh vẫn
là công chức, vậy thì giờ nào mà anh làm từng đó
việc?
ĐTĐ:
Thì chị vừa bảo tôi là con nghiện điện ảnh mà. Tôi
cũng rất hãnh diện với việc mở trường Điện Ảnh
đầu tiên, ở cấp đại học ở miền Nam Việt Nam. Để
mở được ngôi trường như thế không phải là công việc
dễ dàng chút nào. Trước hết là thuyết phục các linh
mục trong Viện Đại học Minh Đức. Sau là thuyết phục
Bộ Quốc Gia Giáo Dục vì cả ban giảng huấn không ai có
bằng tiến sĩ để đạt tiêu chuẩn. Rồi thì lo trường
sở, lo lập ban giảng huấn, lo kiếm nơi thực tập, lo
mạnh thường quân tài trợ học bổng cho sinh viên, vân
vân… Trường khai giảng năm 1973, khoá đầu tiên với
100 sinh viên. Khoá hai khai giảng năm 1974 cũng 100 sinh viên.
Trong khi đó thì tôi gửi thư cho các đại tài tử thế
giới như Elizabeth Taylor, Alain Delon xin ủng hộ vài chục
ngàn đô để xây phim trường Elizabeth Taylor, xây thư viện
Alain Delon… Nếu không đứt phim vào năm 1975 thì năm 1975
sẽ có sinh viên Lào và Cam Bốt được cấp học bổng
theo học. Mục đích là tôi muốn qua họ lập một cây
cầu văn hoá đưa phim ảnh vào hai nước láng giềng thay
vì đưa bộ đội.
TD:
Tôi xin nhắc lại câu hỏi của tôi, là hồi ấy anh còn
làm công chức không mà có thể bỏ thì giờ ra đi làm
phim và những việc khác như mở trường Điện ảnh?
ĐTĐ:
Vâng. Hồi ấy tôi làm công chức chính ngạch ở Viện Tu
nghiệp Quốc gia. Công việc của tôi là phụ trách một
số giờ giảng. Tôi nhờ các giảng viên bạn tôi phụ
trách giúp tôi. Tất nhiên là thù lao đứng lớp của tôi
thì họ lấy cho nên vui vẻ cả làng.
TD:
Trong ba phim kể trên, thì hai phim Ngọc Lan và
Giỡn Mặt Tử Thần do chính anh sáng tác truyện
phim, phải không?
ĐTĐ:
Vâng. Tôi là nhà văn nên viết truyện phim không khó khăn
gì. Vì tự viết truyện phim cho mình quay phim nó có cái
lợi “đo ni đóng giầy” thích hợp với tài tử và
thích hợp với túi tiền của nhà sản xuất bỏ ra.
TD:
Chỉ có phim Yêu là dựa trên cuốn tiểu thuyết
cùng tên rất nổi tiếng một thời của nhà văn kiêm nhà
báo Chu Tử. Xin cho biết sơ qua nội dung của Yêu?
ĐTĐ:
Cuốn truyện Yêu của anh Chu Tử rất ăn khách thời
đó. Nhưng chị cũng biết, anh Chu Tử viết truyện này
cho báo hàng ngày nên phóng bút tùy hứng mỗi ngày. Vì
thế khi chuyển thể sang điện ảnh thì rất phức tạp.
Thành ra tôi chỉ lấy được một số tình tiết trong
truyện và dựa vào truyện để tạo những chủ đề cho
phim. Chẳng hạn trong cuốn phim Yêu, chủ đề của
nó là “Tình yêu là định mệnh hay do con người xếp
đặt?” Và “Đích thực của tình yêu là hạnh phúc hay
khổ đau?”
TD:
Động lực nào đã thúc đẩy anh chọn cuốn tiểu
thuyết xuất bản từ cả hơn thập niên trước để dựng
thành phim trong một xã hội bị chiến tranh và những ảnh
hưởng từ bên ngoài đã và đang thay đổi dữ dội khiến
chuyện một thiếu nữ trẻ yêu thầy giáo và là bạn của
bố mình chắc không còn là điều lạ lùng?
ĐTĐ:
Lúc đó tôi nghĩ rằng cuốn truyện Yêu đã tái bản
nhiều lần, ăn khách với nhân vật “Chú Đạt” thì đó
đã là lợi thế lôi cuốn người ta tới rạp xem phim
rồi. Thứ hai là Nhóm Phim Nghệ Thuật do chị làm Giám
đốc, mà chị đang là chủ nhiệm báo Sóng Thần
của anh Chu Tử, nếu tôi mang truyện của anh Chu Tử làm
phim, mà nhóm Sóng Thần quậy lên thì cũng là một yếu
tố để thành công về tài chánh.
TD:
Phim Yêu do Nhóm Phim Nghệ Thuật sản xuất, và tôi
được cái hân hạnh làm giám đốc sản xuất vì nhật
báo Sóng Thần do tôi làm chủ nhiệm hồi ấy cũng có góp
phần hùn cũng như hỗ trợ những gì có thể, nhưng thực
sự tôi không trực tiếp theo sát với việc thực hiện
phim, nên do đấy không có kinh nghiệm sâu đậm để nhớ.
Tôi cũng biết là chúng ta hồi ấy có nhiều hoài bão,
trong đó có hoài bão làm phim sao cho có nghệ thuật, khác
với loại phim thương mại để câu khách. Xin anh cho biết
thành phần nhóm thực hiện phim Yêu? Cũng như việc
tuyển lựa các diễn viên?
ĐTĐ:
Thành viên Nhóm Phim Nghệ thuật gồm 99% chưa làm phim,
chưa kinh nghiệm gì về phim. Thế nhưng vì toàn là người
trẻ, hăng say, lại quen thân nhau nên mọi chuyện diễn ra
rất lớp lang: Nhà văn Trùng Dương làm giám đốc sản
xuất. Kỹ sư Hà Quốc Bảo làm tổng quản trị. Tôi làm
đạo diễn. Phụ tá đạo diễn là nhà văn Viên Linh và
Kiến trúc sư Trần Quang Đôn, Giám đốc hình ảnh là
Nguyễn Ngọc Minh, một cameramen nổi danh nhất của Trung
tâm Quốc gia Điện ảnh.
Đặc
biệt nhất là việc tuyển chọn diễn viên. Hầu như cả
nhóm không muốn có những khuôn mặt dù là tên tuổi và
ăn khách trong làng điện ảnh. Anh em đòi phải có người
mới, và phải thích hợp với nhân vật. Do đó ca sĩ Anh
Ngọc được chọn đóng vai chú Đạt, cô Mai Trang, bà
Thanh Khiết… và đáng kể là nhà văn Chu Tử.
TD:
Anh đã làm việc với Chu Tử, anh có nhận xét gì về ông
Chu Tử? Sự đóng góp của ông Chu Tử gồm những gì
ngoài tác phẩm Yêu?
ĐTĐ:
Lúc đầu khi tôi đề nghị đóng phim thì anh Chu Tử giẫy
nẩy lên, từ chối rất quyết liệt. Nhưng thuyết phục
mãi thì anh “đành” nhận lời thôi. Tôi nhớ, khi anh
Chu Tử viết báo mục Ao Thả Vịt thì hung hăng, coi trời
bằng vung. Thế nhưng khi bước vào phim ảnh, anh ấy nhút
nhát gì đâu. Nhất cử nhất động anh đều trông chờ
xem tôi nói phải làm thế nào. Có lần tôi phải nói với
anh : “Nhân vật thầy giáo Thức là do anh dựng lên, coi
như đứa con của anh, thì anh cứ việc diễn như anh nghĩ,
cần gì phải chờ tôi chỉ dẫn”. Kỷ niệm làm phim
với anh Chu Tử là … tội nghiệp cho anh ấy.
TD: Tại sao lại “tội
nghiệp”?
ĐTĐ:
Tôi thấy rõ là mỗi lần lôi anh ấy ra trước máy quay
phim, là anh ấy “mất tinh thần” thấy rõ. Tôi cứ thúc
đẩy anh ấy rằng, “Anh đã dựng lên ông giáo Thức,
anh cho ông ấy suy nghĩ ra sao, ăn nói ra sao thì bây giờ
anh lập lại như thế chứ có gì mà không làm được?”
Những cảnh quay với Chu Tử phải làm đi làm lại nhiều
lần, tốn phim và tốn thì giờ lắm. Có lần anh ấy quạu
với tôi: “Này, Đỗ Tiến Đức, hãy nhớ là chỉ có
mình cậu ‘hành’ được thằng này thôi đấy nhé!”
TD:
Anh vừa nói Chu Tử đóng với nhà văn Nguyễn Thị Vinh,
nhưng tôi nhớ trong phim không có bà Vinh?
ĐTĐ:
Thì tại ông Chu Tử đấy. Khi quay cảnh ông giáo Thức
(Chu Tử) tới nhà bà Hằng (Nguyễn thị Vinh), hai người
tâm sự bên hồ nước. Bà Hằng mặc áo cánh ngắn tay,
không mặc nịt ngực, trông bà hấp dẫn vô cùng. Bà Hằng
hấp dẫn quá càng khiến ông giáo Thức run rẩy. Tôi bảo
ông ngồi sát vào người bà Hằng, ông cứ né. Tôi bảo
ông đặt tay lên vai bà, ông không dám… Thế thì còn gì
là… tình. Tôi sẵng giọng với ông Chu Tử: “Cái đoạn
này trong truyện, anh viết thế nào? Anh nói đi.” Ông Chu
Tử cười một cách vô cùng đau khổ. Thế là chúng tôi
bàn nhau phải thay diễn viên, hoặc là thay anh Chu Tử hoặc
là thay chị Nguyễn thị Vinh. Vì đã thu hình anh Chu Tử
nhiều rồi nên chúng tôi quyết định giữ anh Chu Tử.
Anh Viên Linh giới thiệu chị Thanh Khiết. Sau đó anh Chu
Tử đóng với chị Thanh Khiết thoải mái hơn.
TD:
Phim Yêu sau đó thất bại về thu, và Nhóm Phim Nghệ
Thuật cũng rã gánh, mỗi cổ đông nếu không mang nợ thì
cũng mất sạch vốn. Có một giai thoại tôi nghe, tuy khôi
hài nhưng khá tiêu biểu cho sự thất bại của phim Yêu.
Một người thân của một người trong nhóm làm phim kể
là hôm ấy chị đi xem phim này ở rạp chiếu bóng Hoà
Bình ở Đà Lạt, về kể bữa đó ngồi trong rạp chị
sợ ma quá. Hỏi: “Ủa, phim Yêu đâu có cảnh nào rùng
rợn, ma quái đâu mà nói sợ?” Thì được trả lời là
tại trong rạp vắng người xem quá. Chuyện xưa, nói lại
cho vui. Theo tôi, nhìn lại, thì thấy việc chọn một tác
phẩm ăn khách vào đầu thập niên 1960 vì tính cách “bạo”
của nó để dựng cho khán giả đã trở thành “chai đá”
vì chiến tranh, xã hội và con người đã đổi thay của
đầu thập niên 1970, có vẻ không thích hợp nữa? Ngoài
ra, diễn viên phần lớn là người gốc Bắc, nhưng phải
chuyển âm bằng giọng Nam, thành ra vừa xa lạ với khán
giả người gốc Bắc vì họ gốc Bắc mà nói giọng Nam,
lại vừa xa lạ với khán giả gốc Nam vì diễn viên ai
cũng biết là người gốc Bắc. Nhận xét của tôi có thể
còn nhiều phiến diện. Theo anh Đức thì phim Yêu
thất bại vì sao? Anh đã rút tỉa được bài học gì sau
đó?
ĐTĐ:
Theo tôi thì phim Yêu chỉ thất bại về tiền bạc
thôi. Anh em mình đã để lại cho nền điện ảnh Việt
Nam thời đó một phim tương đối nghệ thuật. Về lý do
tại sao không thu hút khán giả thì theo các nhà phát hành
phim và chủ rạp thời đó, họ cho ý kiến là cái dở
của phim Yêu là không có dàn tài tử tên tuổi,
chẳng hạn sao không để Hùng Cường thay chỗ của ca sĩ
Anh Ngọc, Thanh Nga hay Thẩm Thúy Hằng thay chỗ của Mai
Trang… Vì thế cho nên sau đó tôi quay cuốn Giỡn Mặt
Tử Thần nhà sản xuất đã cho mời toàn những tài
tử ăn khách. Tiếc lả cuốn phim không có dịp trình
chiếu để xem kết qủa tài chánh thế nào mà nhà sản
xuất đã dám bỏ tiền làm phim màu, và trả thù lao cho
hàng chục tài tử tên tuổi.
TD:
Cái poster hoạ sĩ Đằng Giao trình bầy cho phim Yêu.
Cái poster ấy, theo tôi, bố cục rất đẹp và nghệ
thuật. Hình như nó được gợi hứng từ cái poster hay
một cảnh trong phim Love Is a Many-splendored Thing dựa
vào cuốn tiểu thuyết của Han Syuin?
ĐTĐ:
Về poster phim Yêu, tôi đã đưa cho Đằng Giao tấm
ảnh chụp cảnh Thanh Lan lúc đi lên đồi tới điểm hẹn
với người yêu do định mệnh để bạn ta tiện trình
bầy. Vì Nhóm Phim Nghệ Thuật hết tiền nên cái poster
chỉ in có một màu nên chìm (cũng là một nguyên nhân gây
thất thu đấy).
Bìa của cuốn truyện phim và phân cảnh Yêu,
dựa vào bích chương cho phim Yêu do hoạ sĩ Đằng Giao trình bầy.
(Ảnh Trùng Dương)
TD:
Biết anh đã nhiều thập niên, một điều tôi ghi nhận
ở anh và cũng là điều tôi rất trân quý, đó là tính
lạc quan, sự hồn nhiên, kể cả khi phải đương đầu
với nghịch cảnh. Một giai thoại tôi nhớ mãi về anh,
đó là vào một buổi họp mặt vui với một số bạn văn
nghệ khác ở Sàigon trước 1975, anh kể lần đầu anh bị
thất tình, anh ra đứng dưới cây trứng cá, hình như vừa
khóc vừa… bứt trái trứng cá bỏ vào miệng nhai. Anh
vừa kể vừa cười hồn nhiên. Anh hẳn phải có một
quan niệm nhân sinh đặc biệt thú vị. Anh có thể chia sẻ
quan niệm đó lồng vào một số việc anh đã làm trong
đời?
ĐTĐ:
Chà! Tôi có biết tôi ra sao đâu. Xin chị trả lời hộ
tôi đi.
*************
Chú
thích:
(*)
Đạo diễn Đỗ Tiến Đức Giới thiệu Ảnh
Trường Kịch Giới
của Hồ Trường An,
http://noigio.blogspot.com/2012/03/d-o-tien-uc-gioi-thieu-anh-truong-kich.html
Đọc
thêm:
Trong
lúc tìm tài liệu đọc để soạn bản câu hỏi cho cuộc
trao đổi trên với đạo diễn Đỗ Tiến Đức, tôi lên
Internet và tìm thấy tài liệu này, tựa là “Điện ảnh
Việt Nam”, tại Wikipedia.org. Đọc qua, mặc dù ngay đầu
trang có hình mang lá cờ của Cộng sản Việt Nam có thể
làm nản một số người, song tôi thấy bài viết tương
đối khách quan, có cả phần nói tới điện ảnh của
Miền Nam thay vì “tảng lờ”, coi như không hiện hữu,
như thường phản ảnh qua những bài nghiên cứu nặng
tính chỉ đạo phát xuất từ Việt Nam. Ngoài ra, bài viết
trên Wikipedia cũng cung cấp nhiều chi tiết mà ít người
biết tới về điện ảnh Việt Nam thời phôi thai. Như
những bài khác của Wikipedia, phần nguồn tài liệu
(Reference) là một mục khá hữu ích và quan trọng. Vậy
xin giới thiệu đến độc giả nào muốn tìm hiểu thêm
về điện ảnh Việt Nam nói chung. Xin vào Google hay bất
cứ search engine nào, dùng keyword “Điện ảnh Việt Nam”.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/09/trung-duong-chuyen-tro-voi-ao-dien-o.html
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001