Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Thụy Khuê - Giới thiệu tác phẩm Nguyễn Chí Thiện, Trái tim hồng của Trần Phong Vũ

Thụy Khuê - Giới thiệu tác phẩm Nguyễn Chí Thiện, Trái tim hồng của Trần Phong Vũ 

   at 9/28/2013 11:43:00 AM


Thụy Khuê

Để kỷ niệm ngày giỗ đầu nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, nhóm Uyên Thao, Trần Phong Vũ, chủ trương nhà xuất bản Tiếng Quê Hương phát hành cuốn Nguyễn Chí Thiện, trái tim hồng của Trần Phong Vũ, như một nén nhang gửi người đã khuất, như một lời giã bạn.

Nhà văn Trần Phong Vũ

Trần Phong Vũ, người bạn thân gần cận Nguyễn Chí Thiện trong thập niên cuối đời, được "chỉ định" để viết về nhà thơ, về cuộc đời trầm nổi, đằng sau những tiếng thơ đòi đoạn.

Ông viết: "Trong tập sách này, bạn đọc sẽ tìm thấy khuôn mặt thật không tô điểm của Nguyễn Chí Thiện. Đấy là một con người mà tác phong, nhân cách, tài năng, ý chí, nghị lực toả sáng trong từng cử chỉ, nhân dáng, thái độ, lời nói, ánh mắt... khi hành xử việc đời cũng như khi tiếp xúc với con người".

Trần Phong Vũ tự đặt cho mình ba nhiệm vụ: Viết lại cuộc đời Nguyễn Chí Thiện, bình thơ Nguyễn Chí Thiện, và "giải oan" cho Nguyễn Chí Thiện bằng những tư liệu chứng tỏ Nguyễn Chí Thiện, bạn ông là Nguyễn Chí Thiện thật.

Đối với những người quá quen với chữ nghiã, công việc thứ ba này không cần thiết; nhưng với đại đa số quần chúng, lại thực là cần thiết. Riêng những độc giả không ở trên đất Mỹ, ít người được biết đã từng có nhiều chiến dịch đánh sâu đánh xa Nguyễn Chí Thiện như vậy trong gần hai chục năm qua. Nếu so với sự kiện chính quyền cộng sản sai các học giả và nhà văn đánh Phan Khôi thủa trước, thì việc những "người dân chủ tự do" đánh Nguyễn Chí Thiện thủa nay, cũng không kém phần ngoạn mục.

Những mẩu tâm sự giữa hai người bạn già, là nền cho Trần Phong Vũ phác họa Nguyễn Chí Thiện con người. Những trao đổi dở dang, những lời nói nửa vời, những tâm tư không trọn vẹn, đều được viết ra, lời có đôi chút xếp đặt lại, nhưng ý khá trung thành, về đủ thứ linh tinh, kể cả đời sống sinh lý, bệnh lý, cả những giây phút chạnh lòng, những phản trắc, những yêu thương, những ân tình, hờn giận... Trần Phong Vũ nói nhiều về sự quy đạo của Nguyễn Chí Thiện trước khi mất như một linh tính đã có từ lâu, như một tri mệnh, điều đó dường như rất quan trọng đối với những tín đồ thuận thành như tác giả.

Trần Phong Vũ là một nhà văn mà giọng thành thực là điểm trọng trong tác phẩm. Trần PhongVũ là một con người mà chất thật thà nổi lên như một sự "quê mùa" chỉ thấy ở những người họ đạo đất Bùi Chu.

Cái giọng có chất đạo ấy chứng tỏ đã là con chiên thuận thành thì không thể làm khác ý Chúa. Cái giọng đạo hạnh ấy bây giờ lại kể về một người vì nói sự thật mà phải vào tù từ 19 tuổi, trước sau 27 năm, thì có gì như ăn khớp với nhau. Mặc dù đôi chỗ có rườm rà, mặc dù đôi chỗ có nhắc đi nhắc lại như một ông già lẩm cẩm, radoter, quên mình đã nói, biết rồi khổ lắm nói mãi...

Nhưng người đọc tha thứ hết, bởi cái lời ông già lẩm cẩm ấy, nó chí tình, nó bộc lộ tâm sự của một kẻ muốn làm cho công lý sáng tỏ, trước linh hồn người đã khuất. Cuốn sách dĩ nhiên không phải là một mẫu mực về mạch lạc, về cách viết hồi ký, cũng như về nhận định văn học, nhưng nó cảm động vì mối chân tình của những người thực hiện.

Ngoài Trần Phong Vũ là tác giả chính, phần phụ lục tập hợp gần 30 bài viết về Nguyễn Chí Thiện trong các dịp khác nhau, từ khi Hoa Điạ Ngục được phát hành lần đầu năm 1980 đến nay. Đó là việc thường làm trong các dịp cúng lễ giỗ chạp. Nhưng ở đây có ba bài đặc biệt đáng chú ý của ba cựu quân nhân: Kiều Duy Vĩnh, Phan Nhật Nam và Đinh Quang Anh Thái.

Kiều Duy Vĩnh, đã qua đời trước Nguyễn Chí Thiện vài tháng -bạn tù của Nguyễn Hữu Đang tại Cổng Trời, bạn tù của Nguyễn Chí Thiện tại Phong Quang- là cựu quân nhân trong quân đội quốc gia của chính phủ Bảo Đại. Sau 1954, ông ở lại miền Bắc, bị bắt, bị tù cùng với nhiều tu sĩ. Năm 1997, ông gửi một số bài viết về các trại tù miền Bắc ra ngoài, đăng trên tạp chí Thế Kỷ 21, văn phong đặc biệt làm giật mình những người quen với chữ nghiã, xác nhận tài năng của một nhà văn đích thực. Hai bài được trích đăng trong cuốn sách này, viết về hai cái chết: Tu sĩ Đỗ Bá Lung chết ở trại Cổng Trời, biên giới, gần Hà Giang, và tu sĩ Lâm Đình Tuý chết ở trại Phong Quang, Lào Kai.

Mười một giờ đêm đến trại Cổng Trời, Kiều Duy Vĩnh kể:
"Có hai tù hình sự ở trại ngoài khênh cơm đến để ở cửa rồi chạy biến. Cấm được nhìn, được hỏi, được tiếp xúc trao đổi cái gì. Bọn kiên giam, biệt giam là cực kỳ nguy hiểm, chúng giết người không gớm tay, bọn ăn gan uống máu đồng bào. Nhưng thật sự, nhìn kỹ thì: Đinh Hiền Lương dòng tu ép xác Châu Sơn xanh lướt như một cái bóng. Các tu sĩ đều vậy cả. Cố Hoàng chỉ có hát là cao giọng thôi, chứ đi đứng thì lẩy bẩy. Khánh Sơn thì mù dở. Nếu ăn gan uống máu đồng bào được may ra có tôi và Trần Văn Liệu. Nhưng sau những năm tháng tù đầy ở dưới đồng bằng, bị đói, bị khát, bị quần cho đến tơi người, bản thân tôi, nắm tay không chặt thì còn làm gì được nữa. Đã nhiều lần tôi thử sức, nắm thật chặt để nắm tay mình trở thành quả đấm, nhưng không bao giờ thành, bàn tay tôi không bao giờ có thể nắm chặt lại để thành nắm đấm cả. (...) Điều cuối cùng họ phải thi hành nghiêm chỉnh là làm cách nào giết hết được chúng tôi. Và họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đó: 72 người còn lại độ chừng 11 người (...) Cứ âm O độ là gọi đi xà lim. Xà lim là cái quan tài bằng đất dầy một mét, cùm răng cá sấu cắn chân không bao giờ được mở, và bỏ đói cho đến chết. Tiếng gọi của thần chết đột ngột, bất thần, không lý do và khỏi cần giải thích. Lưu Nam, chuẩn bị đi. Khánh Sơn, chuẩn bị đi, Đinh Hiền Lương, chuẩn bị đi. Cứ thế lần lượt ra đi và không ai trở lại."

Kiều Duy Vĩnh, một người lính, thứ lính chì, cao ráo, vạm vỡ, ba gai, chẳng coi ai ra gì, vô thần, khinh thường đạo đức, luân lý, chả sợ chết, chả sợ ai hết, thứ lính trời đánh không chết, thánh vật không toi, vậy mà cuối cùng thần phục mấy đấng, bậc, tử vì đạo. Lời kể thô mộc, ngang tàng của Kiều Duy Vĩnh, đi đôi với lời thơ thô mộc ứa máu của Nguyễn Chí Thiện thành một bản kinh cầu, làm lạc hồn phật chúa, nếu các vị có ở nhân gian.

Phan Nhật Nam, cũng là lính, lính miền Nam. Dọc đường số một, Mùa hè đỏ lửa đã đưa Phan Nhật Nam lên địa vị những nhà văn hàng đầu viết về chiến tranh và quê hương đất nước. Nhưng ở đây, Phan Nhật Nam, ở một vị thế khác, ông hết mình biện hộ cho một nhà thơ, dù ông biết Nguyễn Chí Thiện có lẽ chẳng cần ai biện hộ.

Ở cái xã hội gọi là tự do này, người ta có quyền muốn viết gì thì viết, trừ khi bị nạn nhân kiện ra toà, lúc ấy thì phải liệu chừng. Nhưng Nguyễn Chí Thiện không kiện ai cả, biết thế nên người ta cứ việc viết, cứ việc ngụy biện gian dối, miễn sao báo bán chạy.

Vậy Phan Nhật Nam biện hộ cho ai? Vì sao ông biện hộ?

Phan Nhật Nam biện hộ cho sự thật và cho một con người hai lần bị trù giập.

Phan Nhật Nam là người lính đi bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ từng mái nhà, từng đứa bé lạc mẹ, suốt trong mùa hè đỏ lửa, ngày trước. Bây giờ, ông bảo vệ người tù 27 năm bị dập vùi, đói khát bệnh tật, bên trong lục phủ ngũ tạng rách nát, nhưng bên ngoài vẫn hùng hồn diễn thuyết cho đến những ngày cuối của cuộc đời. Phan Nhật Nam bảo vệ cái nhân tài ấy, bảo vệ cái lẽ sống ấy, sống đẹp, sống cao, sống như một con người.
Đó cũng là lẽ sống của Phan Nhật Nam, nhà văn người lính.

Trong thời gian sống không lâu ở hải ngoại, Nguyễn Chí Thiện có một bùa hộ mệnh nữa là nhà báo Đinh Quang Anh Thái. Ai cũng biết tài làm báo của Đinh Quang Anh Thái, nhanh, nhậy, không lắm lời, bắt đúng mạch khán thính giả để đặt câu hỏi sắc, khi phỏng vấn. Lúc bị chất vấn, lộ tài hùng biện, tài lý luận, tài đối đáp, như một người lính tả xung hữu đột trước trận tiền; nhưng ít khi được thấy Đinh Quang Anh Thái để lộ văn tài, để lộ tấm lòng, để lộ tình cảm của mình. Hôm anh Thiện mất, người ta mới rõ mặt anh hùng: bài viết ngắn của Thái hẳn đã làm cho anh Thiện ngậm cười nơi chín suối, bởi Thái là người duy nhất nhớ đến câu nói cửa miệng của anh: "Làm thế nào được!" Vô tội, bị tù 27 năm! Làm thế nào được! Bị nhục mạ liên tục nhiều năm: "Làm thế nào được, đi rừng gặp thú dữ, chẳng lẽ mở mồm xin chúng buông tha". Cả hồn phách Nguyễn Chí Thiện nằm trong câu nói đó.

Một học giả viết về văn hoá Việt, bảo rằng: khi ta chết thì hồn bay lên trời còn phách đi về đất. Thái đã gặp được anh Thiện, cả hồn, lẫn phách, hôm anh ấy mất.

Thuỵ Khuê

Les Issambres, 11/9/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001