Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

Bớt đi một “cửa quan”

Với người dân, càng ít “cửa quan”, càng ít quan chức thì càng tốt

Kết quả “từ trên trời rơi xuống” khiến các nhà cải cách sướng rơn khi một nghiên cứu độc lập đưa ra thông số: Các tỉnh thành đang thí điểm bỏ HĐND cấp quận, huyện, “chỉ số % hối lộ” đang giảm mạnh. Cụ thể khả năng người dân phải đưa hối lộ ở bệnh viện công giảm 12%, để có sổ đỏ giảm 13%, để có việc làm trong cơ quan nhà nước giảm 24%.
Bỏ HĐND có thể giảm tham nhũng! Kết quả này đúng là thực sự bất ngờ và còn cần nhiều thời gian để chứng minh những chỉ số đáng mừng này không phải là ngẫu nhiên. Chỉ có một điều không hề ngẫu nhiên, cũng chẳng có gì bất ngờ, là nhận định: Việc bỏ HĐND cấp quận, huyện không những không làm đình trệ hoạt động mà “còn cải thiện đáng kể chất lượng quản lý nhà nước”. Không khó hiểu lắm để nhận ra sự hình thức của một cấp “cửa quan” mà người dân cho là “vô hại”. Thậm chí, không mấy công dân nhớ nổi tên tuổi của một “ông hội đồng”, dù ông hội đồng nào cũng là do họ bầu ra cả. Đơn giản, hội đồng cấp huyện, thứ mà có người gọi là “bình hoa trang trí” cho Ủy ban- là loại cơ quan dân cử “chân không đến đất, cật không đến trời” mà sự tồn tại của nó, đôi khi chỉ giống như phải thêm “một khâu gật đầu”, không chút tiếng nói, không tí áp lực kể cả từ trên xuống cũng như từ dưới lên.
Báo điện tử VietNamNet dẫn lời GĐ Sở Nội vụ Đà Nẵng, địa phương đang thực hiện thí điểm bỏ một cấp “gật đầu” công bố: “67% nhân dân đánh giá chính quyền các cấp đã quan tâm nhiều hơn trước đến ý chí và nguyện vọng của người dân”, và “78% ý kiến cho rằng việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường đã tạo thuận lợi rõ nét cho việc chỉ đạo, điều hành của UBND cùng cấp”.
Thế là cả người dân và chính quyền đều thấy cuộc sống sẽ dễ thở hơn nhiều nếu bỏ đi được một cấp “gật đầu”.
Hình như từ năm 2009 khi việc thí điểm bắt đầu, chưa thấy có bất cứ người dân nào kêu ca bỏ một “cấp hội đồng” là “làm mất đi nhiều cơ chế giải trình và dân chủ đối”.
Với người dân, càng ít “cửa quan”, càng ít cán bộ càng tốt. Thực ra, tâm lý này đã tồn tại từ rất lâu trong suy nghĩ và tình cảm của những người làm dân. Và sự quá tải “cửa quan” được dịp bùng phát sau khi dư luận đề cập đến con số 500 cán bộ ở “làng cán bộ” Quảng Vinh, Thanh Hóa.
Dẫu con số sau đó được “đính chính”: Chỉ 200. Nhưng có vẻ, người dân không bằng lòng với chữ “chỉ” này. Một xã có tới 200 cán bộ thì đúng là “Ra ngõ gặp cán bộ”, là “Lạm phát cán bộ”, là “Dân đen thì ít mà cửa quan thì nhiều”. Là “Nhiều không có nghĩa là đủ bởi nếu chưa có cán bộ có năng lực phát hiện ra sự “lạm phát cán bộ” thì vẫn phải… tuyển thêm”.
Bớt đi một “cửa quan”, dù là cơ quan dân bầu, dù chỉ là một khâu “gật đầu” sẽ bớt đi rất nhiều phiền phức, sẽ giảm được rất nhiều tiền thuế dân phải đóng để nuôi cán bộ, sẽ khiến người dân đỡ phải mòn mỏi thử thách lòng kiên nhẫn mỗi lần đến cửa quan, trong khi cũng giảm được rất nhiều tính hình thức của một hệ thống mà đáng lẽ không thể có một cấp cửa quan “đã chót mót về phải cố nuôi”.

nguồn:http://daotuanddk.wordpress.com/2012/07/24/bot-di-mot-cua-quan/
--------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001