Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

CÓ BOM
Việc một cô gái ở Đà Lạt hôm qua phải ra tòa và kết án tù cùng với nộp phạt hơn trăm triệu bạc khiến chúng ta day dứt về việc thực hành công vụ và ý thức của công dân. Mình vẫn thấy có gì đấy bất ổn từ vụ việc này. Cũng hay đi máy bay, mình cảm nhận như thế này:

Về phía nhà tàu bay. Khi cô gái kia nói đùa có bom, câu đùa bộc phát, có thể là tại chàng tiếp viên đẹp giai, thì thay vì xác mình ngay, và cô này cũng đã nói lại là nói đùa rồi, thì chàng này lại đi... mách mẹ. Mẹ là tiếp viên trưởng. Cô này cũng chỉ cần 5 phút xác minh là biết ngay cô gái này đùa ngu, nhưng cô tiếp viên trưởng này cũng đã không làm điều ấy mà lập tức mách... bố. Bố là cơ trưởng, thì nếu bình thường cũng kiểm tra cụ thể hết 10 phút nữa, bắt cô gái xin lỗi rồi tiếp tục hành trình, đằng này "bố" lập tức thực hiện quyền uy của mình để đẩy trách nhiệm là... đình chuyến bay.

Là bởi việc này đã được luật bảo vệ. Từ một câu nói đùa, mình gọi là đùa ngu, trở thành việc nghiêm trọng xâm phạm đến an ninh, chuyến bay phải hoãn, tốn nhiều trăm triệu và một cô gái ra tòa, đi tù (treo) vì luật cho phép làm thế. Nhưng cái quan trọng hơn là tư tưởng ỉ lại, biến mình thành trẻ con, thành rô bốt, khi chỉ từ một câu đùa mà cứ mách bố mách mẹ dần dần trở thành vấn đề xâm hại an ninh. Chứ nếu phát huy vai trò của một con người bình thường thôi, kiểm tra ngay cô này, cái túi đấy, cô ấy thành khẩn khai ngay là mình nói đùa đấy... thì có lẽ sự việc không nghiêm trọng thế. Còn nói thật nhé, nếu là quân Bin La Đen nó lên để cho nổ máy bay nó lại chả bô bô ra như thế?

Về phía khách. Đi nhiều mình để ý có 2 loại. Loại 1 là lần đầu đi máy bay, nhất là bà con vùng sâu vùng xa, lên máy bay như lên xe đò (thực ra máy bay cũng là một loại xe đò, có điều nó nhanh hơn, vì thế tiếp viên hàng không về mặt nào đó cũng là... lơ xe thôi, có điều mày bay dành cho giới có tiền, giàu, nên được bảo hộ chặt chẽ còn xe đò là giành cho dân nghèo, nên nó được mệnh danh là những cái quan tài bay mà hàng ngày hàng ngàn chiếc vẫn chở trên mình nó hàng vạn sinh mạng không biết đích đến là đâu nhưng chả thấy nhà chức trách quyết liệt giùm cho dân nhờ?), và loại thứ 2 là ngang ngược, cố tình không chấp hành. Ví như nhà tàu bay yêu cầu tắt điện thoại, mình để ý chỉ khoảng 1 nửa hành khách thực hiện, 1 nửa coi khinh. Có lần mình thấy một tay giám đốc ngân hàng thương mại hẳn hoi, 2 tay 2 điện thoại nhưng cương quyết không tắt. Mình nhắc thì hắn lại nhìn mình như thằng... lần đầu đi máy bay. Mình phải kêu tiếp viên, nhưng tiếp viên cũng chỉ nhắc nhẹ cái rồi đi và hắn vẫn... không tắt. Cũng bởi có vẻ như các tiếp viên không coi trọng việc này như việc hành khách nói đùa có bom nên nhắc rất qua loa, thậm chí thấy khách cầm điện thoại trên tay chưa tắt cũng chỉ nhắc nhẹ 1 cái rồi đi ngay không cần biết khách có tắt không? Mà ngay cái cách nhắc trên loa là cũng lấy được. Ấy là lúc đang vào máy bay, người xách người vác người tìm chỗ người chào nhau người đeo tai nghe... mà tiếp viên chỉ nhắc 1 lần "Vì an toàn chuyến bay..." thì mấy người nghe.

Có lẽ nếu thấy cần thiết thì phải ban như mệnh lệnh: Lên máy bay Nghiêm cấm NÓI ĐÙA, mở điện thoại... chứ không cái kiểu như hiện nay, nó như một CÁI BẪY HÀNH KHÁCH, kể cả những hành khách đã đi máy bay nhiều lần như cô gái xinh đẹp ở Đà Lạt kia.

Và mình ủng hộ quan điểm: nếu xử phạt cô gái thì phải xử cả tổ bay hôm ấy, họ đã không làm hết phận sự của mình mà đùn đẩy một cách rất vô trách nhiệm (dưới cái vỏ rất có trách nhiệm), để hãng phải tốn kém mấy trăm triệu cho việc máy bay quay lại sân bay...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001