Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

Trung Quốc lại giở trò dọa nạt
Thứ Ba, 24/07/2012 23:15

Báo “diều hâu” Global Times đã lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh ngưng cung cấp viện trợ phát triển và trừng phạt Manila

Bộ Ngoại giao Philippines hôm 24-7 cho biết đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Manila để phản đối quyết định đưa quân đội đến đồn trú tại cái gọi là “thành phố Tam Sa”, một đơn vị hành chính được Bắc Kinh lập ra nhằm mục đích quản lý tất cả vùng lãnh thổ tranh chấp ở biển Đông.
Theo website Inquirer.net, hành động trên được đưa ra một ngày sau khi Bắc Kinh thông báo sẽ bố trí quân đội đồn trú tại “thành phố Tam Sa” trong một động thái gây thêm căng thẳng với các nước láng giềng đang có tranh chấp ở biển Đông.
Cũng trong ngày 23-7, Trung Quốc vẫn cố tình tiến hành kỳ họp lần thứ nhất hội đồng nhân dân khóa I của “thành phố Tam Sa” để thông qua các chương trình công tác liên quan và bầu ban lãnh đạo chính thức của đơn vị hành chính này dù vấp phải sự phản đối của dư luận quốc tế. Hội nghị trên sau một ngày làm việc đã bầu chủ tịch hội đồng nhân dân và thị trưởng đầu tiên của “thành phố Tam Sa”.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố quyết không nhân nhượng trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở biển Đông trong bài diễn văn đọc hôm 23-7. Ảnh: REUTERS
Như vậy là chỉ trong khoảng thời gian hơn 1 tháng, Trung Quốc đã bất chấp dư luận để tiến hành những bước liên quan nhằm phục vụ ý đồ khai sinh “thành phố Tam Sa”. Phản ứng trước động thái ngang ngược này, người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Abigail Valte hôm 24-7 cho biết công hàm phản đối việc thành lập “thành phố Tam Sa” mà nước này gửi cho Trung Quốc trước đó bao hàm cả những hành động mới đây, như việc bầu chọn “thị trưởng Tam Sa”.
Cảm thấy “nóng mặt” trước việc Philippines “dám” tranh chấp chủ quyền bãi cạn Scarborough với Trung Quốc ở biển Đông, một bài xã luận gần đây của tờ báo “diều hâu” Global Times (Thời báo Hoàn Cầu) đã lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh ngưng cung cấp viện trợ phát triển và trừng phạt Manila. Lý do được đưa ra là “Philippines không xứng đáng nhận được quá nhiều chú ý từ Trung Quốc”.
Bài viết này lập luận: “Sự hợp tác với Philippines chỉ có thể tiếp tục nếu nó mang lại lợi ích cho Trung Quốc. Nhưng những nước hay thay đổi như Philippines không thể là đối tác chiến lược của chúng ta trong thời gian ngắn”. Không dừng lại ở đó, bài viết còn lớn tiếng đe dọa: “Manila đã kích động cuộc xung đột và phải gánh chịu hậu quả”.
Bài xã luận trên một lần nữa cho thấy bản chất hai mặt của Trung Quốc trong việc xử lý cuộc tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông với một số nước ASEAN: Một mặt thì hô hào cam kết cùng ASEAN “bảo vệ hòa bình và sự ổn định trong khu vực” nhưng mặt khác lại dùng chiêu dọa nạt và gây sức ép để buộc các nước nhượng bộ trong cuộc tranh chấp này.
VIỆC TRUNG QUỐC THÀNH LẬP “THÀNH PHỐ TAM SA”
Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi công hàm phản đối
Trước việc Quân ủy Trung ương Trung Quốc chính thức quyết định thành lập “cơ quan chỉ huy quân sự” của cái gọi là “thành phố Tam Sa” ngày 19-7 (đặt căn cứ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và việc Trung Quốc bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân khóa I của cái gọi là “thành phố Tam Sa” ngày 21-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị ngày 24-7 tuyên bố: “Việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và triển khai các hoạt động nói trên đã vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và là vô giá trị. Những hoạt động này của Trung Quốc trái ngược với nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao 2 nước, vi phạm Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10-2011; đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm cho tình hình biển Đông thêm phức tạp”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định: “Việt Nam kiên quyết phản đối các hoạt động nói trên của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt và hủy bỏ ngay các hành động sai trái đó, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông”.
Theo ông Lương Thanh Nghị, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có công hàm phản đối gửi tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Cùng ngày 24-7, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến và Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng cùng ra tuyên bố nêu rõ sự lo ngại và bất bình của chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa trước những hành động trên của Trung Quốc.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cùng khẳng định những hành động sai trái của Trung Quốc không làm thay đổi thực tế 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - là bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam.
“TP Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa cương quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những việc làm vi phạm luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam, cản trở nỗ lực chung duy trì hòa bình, ổn định ở biển Đông, làm tổn hại tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước” - hai chủ tịch nhấn mạnh.
B.Diệp
Trung Quốc “để mắt” Okinawa của Nhật Bản
Trong một bài xã luận đăng hồi đầu tháng 7, Golbal Times hối thúc chính quyền Trung Quốc xem xét đòi chủ quyền quần đảo Okinawa, vốn là nơi sinh sống của 1,4 triệu dân Nhật và là nơi đồn trú của 10.000 lính Mỹ. Thiếu tướng Kim Nhất Nam, đứng đầu Viện Nghiên cứu chiến lược của Đại học Quốc phòng Trung Quốc, còn phát biểu rằng chỉ tuyên bố chủ quyền ở Điếu Ngư thì “nhỏ hẹp quá”, do đó, Bắc Kinh nên đặt vấn đề sở hữu toàn bộ quần đảo Ryukyu – tức là vươn tới tận Okinawa.
Căn cứ để Trung Quốc đòi chủ quyền Okinawa bắt nguồn từ nguồn gốc của quần đảo này, vốn là vương quốc Ryukyu hồi thế kỷ XV. Ryukyu từng triều cống cho các hoàng đế Trung Quốc, ngay cả sau khi bị một chính quyền phong kiến Nhật Bản chiếm đóng vào năm 1609. Okinawa chính thức trở thành một phần của lãnh thổ Nhật Bản vào năm 1879.
Một số nhân vật “diều hâu” của Trung Quốc tuy không hô hào “giành lại Okinawa” nhưng đem quần đảo này ra mặc cả. Họ gọi đó là cái giá phải trả nếu Tokyo tiếp tục phủ nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Luận điệu của Trung Quốc vấp phải phản ứng của nhiều chuyên gia quốc tế, theo tờ Financial Times. Ngay cả Giáo sư Chu Vĩnh Thăng, Đại học Ngoại giao Trung Quốc, thẳng thừng cảnh báo: “Dùng Ryukyu để giải quyết tranh chấp Điếu Ngư sẽ phá vỡ quan hệ Trung - Nhật. Nếu chính quyền Bắc Kinh thực sự xem xét đến vấn đề Okinawa, chắc chắn đó sẽ là tiền đề của chiến tranh”.
M.Nhung
HOÀNG PHƯƠNG
nguồn:http://nld.com.vn/20120724111538830p0c1006/trung-quoc-lai-gio-tro-doa-nat.htm
------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001