Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Màu hồng và màu đen
dat-dai-2
"Tình trạng suy giảm kinh tế và sự suy thoái về tư tưởng chính trị nếu không được sớm chặn đứng, sẽ đặt tương lai của đất nước ta trước thử thách khốc liệt. Đúng như nhận định của nghị quyết TW4 là những nguy cơ đó liên quan đến sự “tồn vong” của chế độ”- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận định trong một bài viết nhân kỷ niệm ngày 22-12.

Dẫu sao, và luôn là như vậy, trong năm kinh tế đất nước “lâm vào tình trạng suy giảm”, nông nghiệp cuối cùng đã cán đích ở vị trí số 1. Hạt gạo xuất khẩu đã lên ngôi vị quán quân.
Chúng ta có ít nhất 5 năm, kể từ sau cuộc khủng hoảng 2007, để khẳng định rằng, nông nghiệp vẫn là rường cột của nền kinh tế,  ở cả 3 khía cạnh: Tạo của cải vật chất, 43,7 triệu tấn lúa, với đóng góp “đều như vắt chanh” khoảng 20% GDP, và là ngành duy nhất trong nền kinh tế tạo lượng xuất khẩu ròng dương. Nguồn ngoại tệ lớn, với kỷ lục khoảng 7,7 triệu tấn gạo xuất khẩu, cao nhất từ trước đến nay và vượt qua Thái Lan để chiếm ngôi vị quốc gia xuất khẩu gạo số 1 thế giới.
Nhưng trong năm duy trì sự thành công của nông nghiệp, có lẽ, lại càng không thể không nhắc đến nguy cơ “tăng trưởng âm” đang nhãn tiền trước mắt.
Bởi tỷ lệ nghịch với đóng góp của nông nghiệp cho nền kinh tế, lượng FDI vào nông nghiệp và nông thôn vừa quá thấp, vừa có xu hướng giảm dần (Năm 2001 là 8% FDI cả nước, đến 2010 chỉ còn…1%). Nếu cần một con số sinh động hơn, thì đó là việc trong suốt cả thập kỷ đứng vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, tổng vốn đầu tư đăng ký trong nông nghiệp chỉ 2,3% vốn đầu tư của cả nước.
Đây là một bất công.
Mấy hôm trước, Đại Đoàn Kết dẫn lời Phó Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình, ông Hoàng Đăng Quang đưa ra một cảnh báo đầy bi quan: Đến năm 2020, nền nông nghiệp sẽ rơi vào tình trạng tăng trưởng âm nếu đầu tư cho nông nghiệp ngày càng giảm như hiện nay.
Cảnh báo này là tỉnh táo, chứ không phải bi quan. Bởi tỷ lệ thuận với FDI, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đang suy giảm cực nhanh. Nếu giai đoạn 1995 – 2000, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp là 4%/năm thì năm 2007 còn 2,3%, năm 2011 ước đạt từ 2,4% – 2,6%.
Phó Trưởng đoàn QH tỉnh Bình Dương Huỳnh Ngọc Đáng, được dẫn lời cũng cho rằng: Nông dân Việt Nam làm ra đủ các loại nông sản, chẳng những nuôi sống toàn dân tộc mà còn dư để xuất khẩu. Nhưng họ-  những người sản xuất chân chất đó chưa từng đóng góp một đồng nào vào “khối u” nợ xấu ngân hàng hay hàng tồn kho. Vì vậy không thể để nông nghiệp đứng trước nguy cơ tăng trưởng âm mà cần tìm ra những giải pháp căn cơ để ổn định, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp”.
Tiền, đầu tư cho nông nghiệp, là một giải pháp.
Nhưng không ai đổ tiền vào nông nghiệp khi những hàng rào bảo vệ nông dân, bảo vệ nông nghiệp đang bị thả lỏng hoàn toàn. Thật khó chấp nhận khi một nền nông nghiệp của cường quốc số 1 về xuất khẩu gạo đang là nền nông nghiệp, trong tương quan so sánh với cả thế giới, đang là khu vực kinh tế, trong đối sánh với cả nền kinh tế, đang hầu như không mang lại lợi nhuận. Hoặc có, cũng là quá bèo bọt.
Bởi đối với một đất nước nông nghiệp, vẫn để nhập kể cả nhập lòng lợn chết, cá thối, gà thải loại, vẫn phải nhập tới 70% nguồn nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi, thì rõ ràng, tiền không phải là tất cả.
Bởi thế, căn cơ hơn phải là không để những giọt mồ hôi bị bán quá rẻ mạt.
Thứ cần phải “nhập” cho nông nghiệp, có khi lại là trách nhiệm của các nhà quản lý.

Đào Tuấn
nguồn:http://daotuanddk.wordpress.com/2012/12/28/mau-hong-va-mau-den/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001