Thứ tư, ngày 26 tháng mười hai năm 2012
Cuộc nổi dậy chống nhà độc tài Ceausescu tại Rumani năm 1989 |
(LND : Cuốn
« Những ngày cuối cùng của các nhà độc tài » do tuần báo L’Express và
NXB Perrin phối hợp phát hành vào tháng 10/2012, tập hợp 24 bài viết chọn lọc
của các nhà sử học và nhà báo nổi tiếng của Pháp, do Diane Ducret và Emmanuel
Hecht chủ biên. Từ Mussolini, Hitler, Stalin cho đến Mao Trạch Đông, Tito,
Ceausescu, Pôn Pốt, Saddam Hussein, Ben Ali…cuốn sách phác họa lại một nửa thế
kỷ với những cuộc đảo chính, nổi dậy, âm mưu, các cuộc tàn sát, sự dối trá của
các chế độ cầm quyền, và đặc biệt là sự cáo chung của các nhà độc tài. Trước
hết xin phép giới thiệu với độc giả bài viết của Marion Guyonvarch và Eric
Pelletier về mùa Noël đầy khói lửa năm 1989 tại Rumani).
Năm 1989, khi các «
cuộc cách mạng nhung » liên tiếp diễn ra ở Đông Âu,
« Conducator » Ceausescu vẫn điều hành Rumani với bàn tay sắt. Nhưng
các cuộc nổi dậy ở Bucarest ngày 21/12/1989 đã làm đảo lộn tất cả. Bốn ngày sau
đó, nhà độc tài và vợ đã bị xử bắn sau một phiên xử chớp nhoáng.
Đó là sự giận dữ, bất lực hay nỗi sợ hãi ? Một luồng
khí lạnh chạy dọc theo xương sống Nicolae Ceausescu, hôm 21/12/1989. Khuôn mặt
bị phân hủy, được chiếu sáng bởi ánh mặt trời mùa đông yếu ớt, chỉ còn là một
chiếc mặt nạ hóa đá. Chỉ có đầu mũi nhọn như chiếc nỏ của ông ta là còn giữ lại
những nét của « Conducator », con người quyền lực gần như là một
Thượng đế, đã lãnh đạo nước Rumani cộng sản từ một phần tư thế kỷ.
Bốn hôm trước đó, các vụ nổi dậy đã nổ ra ở Timisoara, miền
tây đất nước, phản đối lại vụ trục xuất mục sư Laszlo Tokes khỏi nhà thờ. Lực
lượng an ninh đã nổ súng vào đám đông. Một vụ tàn sát. Vừa mới công du
Iran về, người đứng đầu đất nước đã cho tổ chức một cuộc mít-tinh lớn được
truyền hình trực tiếp, trước trụ sở Trung ương Đảng ở Bucarest. Ở phía dưới
ban-công là những người công nhân được huy động đến để vỗ tay mướn.
Nhưng những tiếng gào thét càng lúc càng to, không thể dập
tắt nổi : « Timisoara !
Timisoara ! Timisoara ! ». Trước khi vội vã rời đi,
Ceausescu có thể nhận ra những lá cờ Rumani màu xanh-vàng-đỏ, những người biểu
tình vứt bỏ các huy hiệu cộng sản. Cuộc biểu dương lực lượng khổng lồ này trở
thành biểu tượng của một cuộc nổi dậy, sẵn sàng truất phế một trong những nhà
độc tài kiểu Stalin cuối cùng của châu Âu.
« Dòng Danube tư duy », biệt danh của Ceausescu,
đã trôi ngược dòng lịch sử, bị đe dọa bởi các cuộc cách mạng hòa bình ở các
nước láng giềng : Praha, Varsovie và cả Berlin, từ khi bức tường nổi tiếng
bị sụp đổ chỉ trong một đêm - đêm 9/11 trước đó. Liên Xô của ông Gorbachev cố
gắng cứu vãn chế độ cộng sản bằng cách đổi mới, dù phải chấm dứt chiến tranh
lạnh.
Còn Ceausescu vẫn luôn ảo tưởng về tinh thần dân tộc của
người Rumani, duy trì mối ngờ vực lâu đời của đồng bào mình đối với người Nga.
Việc lên án sự can thiệp của Liên Xô vào Praha năm 1968 thậm chí khiến ông được
một số cảm tình ở phương Tây. « Ceausescu
là sản phẩm của sự xung đột giữa hai thế giới. Ngay khi bên bắt tay nhau trên
đầu Rumani, là ông ta trở nên vô dụng ». Gelu Voican Voiculescu, một
bộ trưởng trong chính phủ đầu tiên sau khi chế độ Ceausescu sụp đổ, đã nhận xét
như thế.
Ở tuổi thất tuần, bị chứng hoang tưởng (ông ta chỉ còn tin
tưởng vào bà vợ là Elena, nhân vật số hai của chế độ), Ceausescu ngần ngại
không muốn đối đầu với thực tế. Bắt đầu bằng vấn đề sức khỏe, như lời một nhân
chứng quan trọng vào thời đó là Stefan Andrei, cựu Ngoại trưởng. Ngày nay sống
với cây cảnh và kỷ niệm, ông Andrei tóm tắt : « Ceausescu không muốn lệ thuộc vào điều gì và bất cứ ai ».
Nhà độc tài có vấn đề về tuyến tiền liệt, nhưng không muốn giải phẫu. Dù không
nhìn thấy rõ nữa, ông ta vẫn không muốn đeo kính.
Nhà độc tài Ceausescu |
Andrei, người cuối cùng gặp Ceausescu vào buổi tối hôm đó
cho biết thêm : « Chúng tôi đã
thúc giục ông ấy nhập khẩu các máy đánh co chữ to từ phương Tây. Ông ta tỏ ra
bình tĩnh, không ý thức được tình trạng nguy hiểm. Chưa bao giờ Ceausescu muốn
đi ẩn náu. Nếu không tại sao ông lại đi ngủ vào lúc 23 giờ ? ». Bên
ngoài, đám người hung hãn tung ra những cú ma-trắc, những loạt súng máy,
những thân người gục chết. Ceausescu luôn từ chối nhìn thẳng vào sự việc.
Năm giờ sáng hôm sau, Bucarest thức giấc, những công nhân
quét đường phun thật nhiều nước để làm trôi đi những vũng máu trên các chướng
ngại vật ở quảng trường Đại học, trước khách sạn Intercontinental. Ngày 21/12
là một ngày quyết định. Khoảng 9 giờ rưỡi, đài phát thanh loan báo « tên phản bội Milea tự tử » :
Bộ trưởng Quốc phòng được cho là đã tự bắn vào tim.
Nicolae Ceausescu bèn triệu tập tướng Victor Stanculescu,
một nhân vật mà quan hệ với ông ta khá nhập nhằng. Là một sĩ quan nổi bật, yêu
thích điện ảnh (ngưỡng mộ tài tử người Anh James Mason), Stanculescu khác biệt
với các cán bộ quân đội Rumani nhạt nhẽo. Ông vừa là một chiến binh vừa là một
nhà ngoại giao, thoải mái trong bộ quân phục lẫn bộ vét xám lịch lãm. Nhưng
Conducator tỏ ra ngờ vực trước những thành công của vị tướng trước phái nữ, vẫn
được đề cập đến trong các báo cáo của KGB. Và hơn nữa, về tham vọng của nhân
vật này.
Tại Rumani, cho đến nay việc nhắc đến cái tên Stanculescu là
đủ để lại làm nổ ra một cuộc tranh luận về các sự kiện tháng 12 năm 1989 :
đó là một cuộc nổi dậy của quần chúng hay là một vụ đảo chánh được Liên Xô hỗ
trợ ? Victor Stanculescu có thể đã mơ đến chức vụ người đứng đầu đất
nước : ông đã là Bộ trưởng Quốc phòng năm 1990 và 1991, sau khi chế độ
Ceausescu sụp đổ. Nhưng ngày nay ông là một ông già tám mươi, bị chính trường
và xã hội ruồng bỏ, sống trong một trại giam ở Jilava – một nhà tù chủ yếu để
nhốt những tên trộm vặt hơn là các cựu lãnh đạo. Năm 2008, tư pháp đã công nhận
một cách trễ tràng, Stanculescu là người đã ra lệnh nổ súng vào đám đông ở
Timisoara, cho dù ông luôn chối tội. Về phía những người ủng hộ ông thì cho là
Stanculescu đã để quân đội đứng về phía những người nổi dậy.
Tuần báo Pháp L’Express đã gặp gỡ nhân chứng chủ chốt của
lịch sử Rumani trong nhà tù vào tháng 6/2011. Dáng dấp quý phái và ánh mắt nhìn
thẳng, người đàn ông 83 tuổi đã nói về sự tiến nhanh này của lịch sử bằng cách
mỉa mai về điều mà ông gọi – bằng tiếng Pháp – là ký ức từ thế giới bên kia.
Ông nhắc lại, vào thời đó, ông ở cái thế « đứng giữa hai cột xử
bắn ».
Vào cái đêm 21 rạng 22 tháng 12, Stanculescu phải lao vào
một cuộc chiến mà vũ khí không thể hỗ trợ được gì : ông phải chiến đấu với
chính lương tâm mình. Vị cựu tướng lãnh khẳng định như đinh đóng cột, là ông đã
muốn « giữ thái độ trung lập » vào giây phút quyết định, dù phải dùng
mưu mẹo để khỏi phải nhúng tay vào. Lúc sáng sớm, ông đã quấn băng bột chân
trái từ bàn chân lên đến bẹn. Thế là chân thấp chân cao, ông đến trụ sở Trung
ương Đảng. Tại đây Stanculescu chỉ thấy « tâm trạng kích động, căng thẳng,
sợ hãi ».
Trong không khí cáo chung của chế độ, hai vợ chồng Ceausescu
gọi ông lên tầng một. « Tôi mời anh
đến để lãnh đạo quân đội ! ». Nhưng vào cuối buổi sáng, tướng
Stanculescu đã giữ khoảng cách : thay vì trấn áp, ông bí mật ra lệnh cho
các trung đoàn quay về doanh trại, và đề nghị hai vợ chồng lãnh tụ nên đi trốn
bằng máy bay, mà ông hy vọng sang được hẳn nước Bulgari láng giềng. Vào khoảng
15 giờ, Stanculescu bắt liên lạc chính thức lần đầu tiên với chính quyền dân sự
mới, qua trung gian của Ion Iliescu, đại diện Hội đồng Cứu quốc và là Tổng
thống tương lai của Rumani.
Vào buổi trưa hôm đó, điều khẩn cấp phải làm lại là việc
khác : làm sao giúp hai vợ chồng Ceausescu thoát khỏi đám đông càng lúc
càng trở nên đe dọa. Lúc 12 giờ 9 phút, khi đã cắt được những ăng-ten trên nóc,
phi công trực thăng Vasile Manutan đáp xuống tòa nhà. Ở phía dưới, những người
tiên phong hồ hởi của cách mạng, một cựu võ sĩ quyền Anh, một nữ điện thoại
viên, rồi một đám đông sinh viên, đã phá được các cánh cửa của tòa nhà trung
tâm quyền lực. Đám nhân viên cạo giấy quan liêu của Securitate (an ninh) nhảy
ra khỏi các cửa sổ như những confetti được tung ra nhân ngày quốc khánh. Và
chiếc trực thăng chở Ceausescu cùng các cận vệ bắt đầu chuyến bay đào thoát vô
định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001