Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Việt Nam tăng trưởng thấp nhất từ 13 năm qua

Thứ tư, ngày 26 tháng mười hai năm 2012

(Le Monde 26/12/2012) Tăng trưởng sút giảm, lạm phát kéo dài, mô hình phát triển bị chỉ trích ngay trong bộ máy lãnh đạo : Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn.


Trong thập niên 90, nhiều chuyên gia dự đoán đất nước này có một tương lai đầy hứa hẹn, đó là trở thành một con cọp mới của Đông Nam Á. Nhưng các con số thống kê chính thức được công bố hôm 24/12 cho thấy tỉ lệ tăng trưởng của Việt Nam thấp nhất từ 13 năm qua.

 

Tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam tăng 5,3%, không đạt chỉ tiêu do chính phủ đề ra, tuy mục tiêu này mới đây đã được hạ xuống. Năm 2011, kinh tế đã tăng 5,9%. « Tăng trưởng giảm mạnh. Đây không phải là suy thoái, nhưng con số quá thấp » - ông Vũ Đình Anh, Phó giám đốc Viện Kinh tế Tài chính Việt Nam nhìn nhận. Hồi tháng 10, sau Đại hội Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 6, các lãnh đạo cao cấp nhất đã công nhận những sai lầm trong quản lý kinh tế.

 

Lạm phát kéo dài

 

Từ đầu tháng 11, đến phiên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – bị chỉ trích trong Bộ Chính trị - đứng ra nhận lỗi. Trong phiên khai mạc kỳ họp thường niên của Quốc hội, người đứng đầu chính phủ thú nhận : « Tình hình kinh tế vĩ mô không tốt, lạm phát còn có thể tiếp tục tăng lên, nợ xấu ngân hàng chồng chất ».

 

Về mặt chính trị, vị trí của ông đã bị yếu đi rất nhiều. Ông phải đối mặt với phe phản đối ngay trong đảng, và sự thù địch của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

 

Dù cho lạm phát kéo dài, ở mức 7,8% vào tháng 11, Ngân hàng Trung ương Việt Nam vừa loan báo giảm lãi suất chỉ đạo lần thứ sáu trong năm, từ 10% xuống còn 9%. Mục tiêu là để tái khởi động nền kinh tế đất nước. Trong năm 2011, Ngân hàng đã làm ngược lại là tăng lãi suất để tránh hiện tượng tăng trưởng nóng và chống tăng giá.


Các xì-căng-đan tài chính đã nổ ra tại một số tập đoàn quốc doanh lớn, đầu tàu của chính sách tăng trưởng và phát triển do Thủ tướng hình dung ra, đã khiến Hà Nội phải đưa ra các dự án cải cách chủ yếu trong năm 2011.


Sau « vụ Vinashin », tên gọi của tập đoàn đóng tàu khổng lồ mà việc quản lý tồi đã làm Nhà nước Việt Nam bị thiệt hại khoảng 3 tỉ euro trong năm 2010, chính quyền gần đây đã cố gắng tiến hành chiến lược làm lành mạnh hóa các công ty nhà nước. Một đạo luật đã được thông qua với hy vọng đảm bảo minh bạch về tài chính và các hoạt động của khu vực quốc doanh.

 

Nhưng một số chuyên gia quan sát rằng hiện nay mặc dù có nhiều tiềm năng, Việt Nam có thể là ví dụ tương phản về mặt quản lý đối với một đất nước đang trong quá trình chuyển đổi kinh tế.

 

Vào giữa thập niên 80, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng đưa ra chính sách đổi mới, nhằm thực hiện chủ trương mở cửa cho nền kinh tế thị trường, theo mô hình Trung Quốc. Tuy nhiên theo chuyên gia Ruchir Sharma của Morgan Stanley Investment Management, thì « Các lãnh đạo Việt Nam không chuẩn bị tốt và cũng không có năng lực để đối mặt với luồng vốn nước ngoài khổng lồ trong các thập kỷ gần đây”. 

            Sẽ xóa những comment nói tục
            Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001