Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

1119. NHẬT BẢN: SỐ PHẬN 48 LÒ PHẢN ỨNG CÒN LẠI SẼ RA SAO?
Posted by basamnews on 05/07/2012
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

NHẬT BẢN: SỐ PHẬN 48 LÒ PHẢN ỨNG CÒN LẠI SẼ RA SAO?

Tài liệu Tham khảo đặc biệt
Thứ tư, ngày 4/7/2012
TTXVN (Tôkyô 1/7)
Theo “Thời báo Nhật Bản ” số ra gần đây, Chính phủ nước này đã bật đèn xanh cho Công ty điện lực Kansai (KEPCO) khởi động lò phản ứng số 3 và 4 tại Nhà máy điện hạt nhân Oi ở tỉnh Fukui nhưng số phận của 48 lò phản ứng khác vẫn bị bỏ lửng cho đến khi một cơ quan điều hành hạt nhân mới ra đời vào cuối năm nay.
Các quan chức cấp cao cho biết việc làm thế nào và khi nào để các lò phản ứng khác có thể được tái khởi động phụ thuộc vào tiêu chuẩn an toàn do cơ quan điều hành hạt nhân mới đề ra mà cơ quan này dự kiến sẽ được thành lập vào tháng 9/2012.

“Ủy ban điều hành hạt nhân” gồm 5 thành viên này sẽ mang tính độc lập so với chính phủ và các cơ quan xúc tiến hạt nhân hơn là Cơ quan An toàn Hạt nhân và Công nghiệp (NISA) thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI).
NISA bị chỉ trích là thiếu tính độc lập và kém chuyên nghiệp cũng nhu không ngăn chặn và xử lý hiệu quả cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima. METI – cơ quan có sứ mệnh thúc đẩy điện hạt nhân – bị chỉ trích dữ dội là quá “thân mật” với NISA và ngành công nghiệp hạt nhân.
Hồi tháng 4, Bộ trưởng METI, Yukio Edano, cho biết: “Theo tôi chúng ta cần chờ đợi các tổ chức điều hành hạt nhân mới ra đời để xác định độ an toàn của các lò phản ứng vì mục tiêu khởi động trong tương lai”.
Ngày 16/6, ông Edano nhắc lại rằng quá trình tái khởi động đối với các lò khác không thể được đẩy lên theo cơ chế điều hành hiện nay vì chính phủ không thể thuyết phục Ủy ban An toàn Hạt nhân (NSC) – vốn có trách nhiệm thẩm định các hoạt động kiểm tra độ an toàn của NISA – đảm nhiệm việc này.
NSC tùng có kế hoạch giải thể vào cuối tháng 3 để mở đường cho một cơ quan điều hành mới ra đời vào tháng 4 khiến ủy ban này ở vào thế treo giò và làm tổn hại đến quyền quản lý của nó.
Một số lãnh đạo tỉnh có lò phản ứng cũng muốn có cơ quan mới phụ trách quá trình tái khởi động. Trong chuyến thăm METI ngày 5/6, Tỉnh trưởng Saga Yasushi Furukawa cho biết “Đối với các lò phản ứng khác ngoài nhà máy Oi, tôi nghĩ đương nhiên cần phải có các cơ quan điều hành mơi chỉ đạo quá trình này”. Vì vậy, xem ra Nhật Bản sẽ phải tự xoay xở mà không có phần lớn các lò phản ứng trong mùa Hè năm nay.
Sau khi nối lại hoạt động tại Oi, lò phản ứng số 3 của nhà máy Ikata ở Ehime là ứng cử viên lớn nhất cho việc tái khởi động và đây là lò duy nhất ngoài hai lò ở Oi đã vượt qua các cuộc thử nghiệm áp lực – cách đánh giá mức độ an toàn dựa trên mô phỏng các tác động của động đất và sóng thần.
Công ty điện lực Shikoku (SEPCO) – đơn vị sơ hữu nhà máy Ikata – ước tính lượng điện năng cung cấp trong tháng 8 sẽ vào khoảng 5,87 triệu kw mà không có điện hạt nhân trong khi nhu cầu tiêu thụ tối đa sẽ đạt 5,85 triệu kw. Như vậy là khoảng cách chênh lệnh điện năng dư thừa chỉ chiếm 0,3%. Trong khi đó, các nhà máy thường phải duy trì khoảng cách tối đa ít nhất 8% để đảm bảo nguồn cung điện năng ổn định.
Tuy nhiên, SEPCO tỏ ra bi quan về việc Ikata có thể hoạt động trở lại trong mùa Hè này do tiến trình chính trị đi đến nhất trí tái khởi động bị trì hoãn. Một quan chức phụ trách quan hệ công chúng của SEPCO, ông Ryuji Ogawa, cho biết: “Dường như khó có thể khởi động lò phản ứng vào mùa Hè này”. Chính quyền ban đầu muốn thành lập một cơ quan điều hành hạt nhân mới vào tháng 4 để nó có thể tái khởi động một số lò phản ứng trước mùa Hè. Tuy nhiên, đảng Dân chủ Tự do (LDP) đã trì hoãn các cuộc thảo luận về dự luật liên quan khi cho rằng cơ quan này cần có tính độc lập nhiều hơn về mặt chính trị do lo ngại xảy ra xáo trộn một khi chính phủ cố gắng kiểm soát cuộc khủng hoảng Fukushima.
Cuối cùng, ngày. 15/6, các chính đảng lớn đã nhất trí với bản sửa đổi dự luật mà Hạ viện thông qua vào ngày hôm sau. Dự luật thiết lập cợ quan giám sát hạt nhân theo đó việc thành lập sẽ diễn ra trong vòng ba tháng kể từ khi dự luật trên có hiệu lực. Một số cơ quan truyền thông cho biết cơ quan giám sát sẽ thành lập và đi vào hoạt động vào tháng 9 tới.
Theo dự luật này, 5 thành viên được chọn vào cơ quan điều hành cần phải được Quốc hội nhất trí. Cơ quan này sẽ được một văn phòng thư ký gồm hàng trăm nhân viên hỗ trợ. Trước đó, Bộ trưởng METI Edano cho biết “cơ quan này kiểm tra độ an toàn của các lò phản ứng và đưa ra các quyết định độc lập”, đồng thời cho biết ngay cả lò số 3 và 4 ở Oi có thể lại phải ngừng hoạt động nếu chúng không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn đánh giá của cơ quan giám sát mới.
Theo cơ chế điều hành hiện nay, các công ty điện lực phải trình các kết quả đầu tiên trong báo cáo thử áp lực giai đoạn hai lên NISA. Nếu cơ quan này nhất trí, NSC sẽ kiểm tra xem quyết định trên đã hợp lệ chưa. Sau đó, các bộ trưởng sẽ bàn thảo xem các lò phản ứng có đủ an toàn để tái khởi động hay không và tiến hành đối thoại với các lãnh đạo địa phương, nơi đặt lò phản ứng.
Tuy nhiên, NSC đã không xem xét các báo cáo của NISA về các cuộc thử nghiệm của Oi vì các bộ trưởng cho rằng cơ quan giám sát mới sẽ lo việc này. Về vấn đề này, cơ quan mới đã nhận được báo cáo thử nghiệm giai đoạn một đối với 22 lò phản ứng, trong đó có lò phản ứng số 3, 4 của Oi và lò số 3 của Ikata.
Người phát ngôn của SEPCO, Ogawa, cho rằng nếu SEPCO có thể tái khởi động lò số 3, công ty sẽ cải thiện thêm công suất tới 0,89 triệu kw, cho phép SEPCO dễ dàng đáp ứng nhu cầu tối đa trong mùa Hè năm nay. Tuy nhiên, do quá trình này không được đẩy lên nên ông cho biết: “Chúng tôi thực sự không thể tính toán được khả năng cung ứng của Ikata vào lúc này”.
Trước khi xảy ra trận động đất và sóng thần hồi tháng 3 năm ngoái, điện hạt nhân chiếm tới 40% nguồn cung điện năng của SEPCO. Ông Ogawa cho biết việc mua nhiên liệu dùng cho nhiệt điện mỗi ngày sẽ ngốn khoảng 400-500 triệu yên so với trước thảm hoạ kép. Tuy nhiên, ngay cả ở nhà máy Ikata, khung thời gian cho tái khởi động lò phản ứng số 3 vẫn còn chưa rõ ràng theo đó, triển vọng chính phủ cho phép khởi động các lò phản ứng khác trong mùa Hè này cũng khá mờ mịt.
Chính phủ Nhật Bản cho biết khu vực Kyushu và Hokkaido sẽ phải vật lộn để đáp ứng cho kỳ được nhu cầu tối đa trong mùa Hè vì họ dự kiến lượng thiếu hụt điện năng từ 1,9-2,2%. Do đó, Kyushu dự kiến sẽ giảm bớt nhu cầu tối đa tới 10% trong khi Hokkaido tới 7%.
Trong khi đó, Công ty điện lực Tôkyô (TEPCO) sẽ không thể sử dụng nhà máy Kashiwazaki-Kariwa ở Niigata – nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới – thực tế sẽ có lượng điện năng dự trữ chiếm 4,5% vì TEPCO buộc phải tăng cường sản xuất nhiệt điện để xử lý cuộc khủng hoảng Fukushima.
Trong bối cảnh Nhật Bản sẽ không có nhiều năng lượng hạt nhân trong mùa Hè này, Thủ tướng Yoshihiko Noda nhấn mạnh rằng nước này sẽ vẫn phải phụ thuộc vào điện hạt nhân trong thời điểm hiện nay vì việc chuyển sang nhiệt điện sẽ khiến các công ty điện lực tăng chi phí nhiên liệu mà hệ quả của nó sẽ đổ lên đầu người tiêu dùng. Thủ tướng Noda hôm 8/6 khẳng định: “Nếu chúng ta đặt dấu chẩm hết đối với điện hạt nhân hoặc nếu chúng ta tiếp tục né tránh việc tái khởi động các lò phản úng”, tất cả sẽ lâm vào đường cùng./.
nguồn_basamnew:http://anhbasam.wordpress.com/2012/07/05/1119-nhat-ban-so-phan-48-lo-phan-ung-con-lai-se-ra-sao/#more-67297
---------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001