Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

1121. CHUYÊN GIA: ĐẶT TÀU SÂN BAY THỨ 4 ĐỂ GIẢI QUYẾT TRIỆT ĐỂ VẤN ĐỀ NAM HẢI
Posted by basamnews on 05/07/2012
Đôi lời: Tham khảo giọng lưỡi những kẻ “vừa ăn cướp, vừa la làng” vẫn đang được gọi là “bạn vàng”. Kính mời bà con.
Mạng Hoàn Cầu

CHUYÊN GIA: ĐẶT TÀU SÂN BAY THỨ 4 ĐỂ GIẢI QUYẾT TRIỆT ĐỂ VẤN ĐỀ NAM HẢI[i]

Tác giả: Lý Lượng
Người dịch: Quốc Thanh
28-06-2012

Ảnh tư liệu: Thanh niên Việt Nam cưỡi trên chiếc Su-27
Tin từ Hoàn cầu thời báo, phóng viên Lý Lượng】Tháng 6, vấn đề Nam Hải vốn đã như sóng cồn lại dâng lên từng đợt sóng lớn chỉ vì sự làm bậy làm càn của Việt Nam. Xung quanh các vấn đề khai thác dầu khí, điều chỉnh quy hoạch phát triển, tuần tra bằng máy bay chiến đấu…, giữa Trung Quốc và Việt Nam đã nổ ra nhiều đợt phản đối. Trước việc Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa và tiến hành đấu thầu quốc tế ở vùng dầu khí Nam Hải, Việt Nam trên là chính phủ trung ương, dưới là những trang web bình dân, đã đồng thanh lên tiếng “phản đối mạnh mẽ” tới 3 lần trong vòng 10 ngày qua. Phía Trung Quốc thì đấu tranh bằng lí lẽ, cũng đã 3 lần phản hồi nghiêm khắc về những hành vi như “lập pháp khoanh vùng”, tuần tra bằng máy bay chiến đấu, phủ quốc kỳ… của Việt Nam ở Nam Hải. Chuyên gia cho biết, Luật biển do Việt Nam đưa ra sẽ không cấu thành sự ràng buộc về mặt luật pháp, còn Trung Quốc thì cần phải từ các việc đấu thầu các mỏ dầu khí, thành lập các đặc khu, đặt tàu sân bay thứ 4 ở Nam Hải để thúc đẩy Việt Nam có sự giải quyết cuối cùng về vấn đề Nam Hải… Việt Nam liên tục có những cử chỉ: Tuần tra bằng máy bay chiến đấu, lập pháp khoanh biển, phủ quốc kỳ
Đợt “đại chiến phản đối” Trung-Việt này được bắt đầu từ một bản tin ngày 18.6 của “Trung ương xã” Đài Loan. Theo “Trung ương xã” trích dẫn từ báo “An ninh Thủ đô” của Việt Nam cho biết, liên đội máy bay chiến đấu Su-27 gồm 940 chiếc của không quân Việt Nam vào ngày trước đó lần đầu tiên đã từ căn cứ không quân Miền Trung bay ra quần đảo Nam Sa (phía Việt Nam gọi là Trường Sa) để thực hành nhiệm vụ tuần tiễu, trinh sát và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Ngày 16.9, trước lần “tuần tiễu trinh sát” này của máy bay chiến đấu Việt Nam, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã bày tỏ sự “bất bình mạnh mẽ” trong cuộc họp báo thường kỳ. Hồng Lỗi nói, Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa cùng các vùng biển phụ cận. Những hành động có liên quan từ phía Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc, phía Trung Quốc biểu thị sự bất bình mạnh mẽ đối với việc này. Phía Trung Quốc yêu cầu Việt Nam tuân thủ nghiêm túc sự đồng thuận giữa hai bên Trung-Việt và tinh thần của bản “Tuyên bố về ứng xử các bên ở Nam Hải”, không dùng bất cứ hành động nào khiến cho tình hình trở nên phức tạp và loang rộng, có những nỗ lực cần thiết để bảo vệ hòa bình ổn định trong khu vực.
Phía Trung Quốc phản đối đồng thời không để cho Việt Nam thấy khó xử khi thoái lui. Ngày 21.6, Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua “Luật biển Việt Nam”, ra những quy định về đường đáy lãnh hải, nội hải, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, hải đảo…, trong đó đã đưa các quần đảo Tây Sa[ii] và quần đảo Nam Sa vào cái gọi là phạm vi “chủ quyền” và “quản lý” của Việt Nam.
Với hành động lập pháp “khoanh biển” này của Việt Nam, Bộ ngoại giao Trung Quốc vào ngày 21 đã ra tuyên bố, nhắc lại quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa là lãnh thổ của Trung Quốc. Thứ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân đã triệu gặp đại sứ Việt Nam ở Trung Quốc, yêu cầu phía Việt Nam lập tức ngừng và sửa chữa lại mọi cách làm sai lầm. Ủy ban đối ngoại Đại hội đại biểu toàn quốc cũng lại một lần nữa đề xuất thương lượng giải quyết nghiêm túc, phản đối những hành vi xâm phạm chủ quyền Trung Quốc của Việt Nam.
Ngoài việc sử dụng những thủ đoạn quân sự, luật pháp để tước đoạt chủ quyền Nam Hải ra, chính phủ Việt Nam còn huy động phụ nữ và trẻ em phủ một lá quốc kỳ Việt Nam cực lớn bằng gốm trên đảo Nam Uy[iii], đồng thời tổ chức nghi thức khánh thành long trọng. Đêm ngày 26, Văn phòng người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc nêu rõ, Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa cùng các vùng biển phụ cận. Những cử chỉ này của Việt Nam là xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, là phi pháp, là vô hiệu quả, đồng thời cũng vi phạm cả bản “Tuyên bố về ứng xử các bên ở Nam Hải”. Phía Trung Quốc kiên quyết phản đối những việc này. Phía Trung Quốc yêu cầu phía liên quan có những hành động thực tế để bảo vệ hòa bình ổn định ở Nam Hải.
Trung Quốc lập thành phố Tam Sa khiến cho chính phủ Việt Nam cùng báo chí chính thức và không chính thức đồng thanh phản đối
Thực sự, ngoài việc phản đối nghiêm khắc những cử chỉ của Việt Nam ra, các kế sách ứng phó thực tế của Trung Quốc cũng đã lần lượt ra lò. Vào đúng ngày cái gọi là “Luật biển” của Việt Nam ra đời, Quốc vụ viện Trung Quốc đã phê chuẩn thành lập thành phố Tam Sa cấp địa phương, hủy bỏ 3 văn phòng quần đảo Tây Sa, quần đảo Nam Sa, quần đảo Trung Sa của tỉnh Nam Hải, trên cơ sở đó thành lập chính quyền nhân dân thành phố Tam Sa của tỉnh Nam Hải.
Việc này vốn là sự điều chỉnh và hoàn thiện thể chế quản lý hành chính cho các quần đảo Tây Sa, quần đảo Nam Sa, quần đảo Trung Sa, cùng các vùng biển phụ cận, thuộc tỉnh Nam Hải của nước ta, hoàn toàn thuộc về phạm vi chủ quyền của Trung Quốc, song đã lại khiến cho nội tình Việt Nam náo động. Ngày 22, trong bài nói về việc “Trung Quốc không nên tiến hành liên tục chỉ trích việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật biển Việt Nam” của người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam đã phản đối Trung Quốc lập thành phố Tam Sa. Người phát ngôn này nói: “Trung Quốc phê chuẩn lập thành phố Tam Sa, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam phản đối mạnh mẽ thành phố Tam Sa do Trung Quốc lập ra.”
Ngoài ra, ngày 23, Thông tấn xã Việt Nam đã cho công bố bản Thông cáo về thành phố Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam tiến hành phản đối bằng văn bản việc Trung Quốc lập thành phố Tam Sa. Thông cáo nêu rõ, Trung Quốc công bố lập thành phố Tam Sa, phạm vi quản lý bao gồm cả huyện đảo Trường Sa tỉnh Khánh Hòa (quần đảo Nam Sa Trung Quốc) và huyện đảo Hoàng Sa thành phố Đà Nẵng (quần đảo Tây Sa Trung Quốc) của Việt Nam, vì thế, tỉnh Khánh Hòa và thành phố Đà Nẵng bày tỏ sự phản đối trước quyết định này của Trung Quốc. Và các báo chí không chính thức như các trang “Dân trí”, trang “Vnexpress”, trang “Vietnamnews” có số lượng truy cập[hết sức lớn của Việt Nam cũng đều đưa bản Kháng nghị này lên vị trí nổi bật ở trang nhất.
Không ít báo chí nước ngoài đã coi đợt phản đối này của Việt Nam là dấu hiệu cho thấy cuộc đấu tranh Nam Hải đang gay gắt thêm. Báo “Tinh Đảo nhật báo” của Hongkong ngày 22 bình luận, việc công bố quyết định lập thành phố Tam Sa của chính phủ Trung Quốc vào lúc này là hành động ứng phó với rất nhiều tuyên bố về “chủ quyền” Nam Hải của Việt Nam, Philippines gần đây, đồng thời cũng đáp lại lời lên tiếng mạnh mẽ của người dân Trung Quốc. Đài truyền hình Asahi của Nhật Bản ngày 23 bình luận, cùng với sự không ngừng leo thang của “cuộc chiến khiển trách”giữa hai bên, cuộc đấu tranh về chủ quyền Nam Hải sẽ ngày càng gay gắt.
Tổng công ty dầu mỏ biển Trung Quốc đấu thầu dầu khí ở Nam Hải, Việt Nam giơ luật quốc tế ra làm công cụ phản đối
Ngòai việc lập thành phố Tam Sa về mặt cấp độ hành chính, giới doanh nghiệp của nước ta cũng mở rộng kinh doanh ở Nam Hải. Ngày 25.6, Tổng công ty dầu mỏ biển Trung Quốc đã công bố trên trang mạng của mình, tuyên bố tiến hành liên doanh khai thác tài nguyên dầu khí với nước ngoài ở khu vực biển Nam Hải, đồng thời công khai hồ sơ đấu thầu. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi ứng lại vào ngày 26 nói rằng, hành vi này là hành vi kinh doanh hợp pháp, bình thường, đồng thời một lần nữa hối thúc phía Việt Nam lập tức ngừng ngay những hoạt động xâm phạm quyền lợi dầu khí ở Nam Hải.
Lần này, Việt Nam giơ luật quốc tế mà mình luôn vi phạm ra để làm là công cụ phản đối. Ngày 26, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã tuyên bố trên trang web của Bộ Ngoại giao rằng, căn cứ theo bản “Công ước về luật biển của Liên hợp quốc năm 1982”, khu vực mà Tổng công ty dầu mỏ biển Trung Quốc ra thông báo đấu thầu quốc tế là hoàn toàn thuộc về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, đây “hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp”.  
Ông ta còn tuyên bố, phía Trung Quốc ngang nhiên ra thông báo đấu thầu quốc tế ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành vi phi pháp và không có giá trị, đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền quản lý cùng những lợi ích quốc gia chính đáng của Việt Nam, đã vi phạm “Công ước về luật biển của Liên hợp quốc năm 1982” mà Trung Quốc đã ký kết, khiến cho cục diện Biển Đông (Việt Nam gọi Nam Hải là Biển Đông) trở nên phức tạp. Việt Nam phản đối mạnh mẽ đồng thời yêu cầu Trung Quốc lập tức hủy bỏ hành vi đấu thầu phạm pháp nói trên, không sử dụng bất cứ hành động nào làm cho cục diện Biển Đông càng thêm phức tạp và mở rộng tranh chấp, tuân thủ “Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển Việt-Trung”, cần đặc biệt tôn trọng là tinh thần của luật pháp quốc tế như “Công ước về luật biển của Liên hợp quốc năm 1982” và “Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông”.
Chuyên gia: Trung Quốc cần đặt “tàu sân bay thứ 4” ở Nam Hải
Trước việc Việt Nam chỉ trong vòng chưa đầy nửa tháng đã 3 lần khuấy động chuyện Nam Hải, 3 lần phản đối, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nam Á - Trung Á, thuộc Trung tâm nghiên cứu các vấn đề quốc tế Thượng Hải, là Vương Đức Hoa đã nhận lời mời trả lời phỏng vấn riêng của phóng viên trang mạng huanqiu.com vào ngày 27.6. Ông ta cho rằng, tính ràng buộc của “Luật biển Việt Nam” không hề lớn, bởi vì luật quốc nội của Việt Nam không thể quản nổi vấn đề Nam Hải, còn khi phê chuẩn Luật biển của Liên hợp quốc vào năm 1982, Trung Quốc cũng đã bảo lưu rất nhiều về vấn đề Nam Hải, chẳng hạn như chủ trương các nguyên tắc về thềm lục địa, vùng tiếp giáp không thích hợp với vấn đề Nam Hải...
“Cả Việt Nam và Philippines đều tuyên bố các đảo ở Nam Hải gần với họ hơn, nên thuộc về chủ quyền quản lý của họ. Song đây không phải là quyết định theo khoảng cách. Từ đời Hán, muộn nhất đến đời Tống, Trung Quốc đã đưa Nam Hải vào trong phạm vi quản lý của mình. Các đảo được đặt tên theo tiếng Trung, và cũng có cả di dân Trung Quốc. Theo khảo chứng, hoàng đế Đoan Tông đời Nam Tống tùng đáp theo hơn 30 chiếc tàu chạy trốn ra quần đảo Tây Sa”. Vương Đức Hoa nói, “tôi từng đưa ra trong tác phẩm của mình, dù là trên các bản đồ hay trên các sách bách khoa toàn thư do Mỹ, Anh, Nhật xuất bản, đều vẽ nam Hải thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Trung Quốc có lý do để đưa ra tuyên bố đòi lại Nam Hải”.
Còn về việc Tổng công ty dầu mỏ biển Trung Quốc tiến hành đấu thầu quốc tế ở lô số 9 Nam Hải, Vương Đức Hoa cho rằng, một số hãng dầu khí quốc tế có thể sẽ có phản ứng về việc này. Ông ta nói, rất nhiều hãng ở Phương Tây luôn tỏ ra rất hào hứng với dầu khí ở Nam Hải. Nhất là gần đây, ở vịnh Mexico của Mỹ đã xảy ra sự cố rò rỉ, khiến cho rất nhiều hãng dầu khí của Mỹ hướng mắt ra nước ngoài. Ngoài các công ty mang tính trục lợi của Mỹ, Anh...ra, Nga và Ấn Độ có khả năng dựa trên lợi ích địa-chính trị mà hợp tác với Trung Quốc hơn. Tuy Ấn Độ hiện đang có hợp đồng với Việt Nam, nhưng có khả năng là do bị Trung Quốc phản đối, nên mới đây họ tuyên bố có ý rút về vì vấn đề kỹ thuật. Nếu như Trung Quốc đấu thầu, thì khả năng các công ty của Ấn Độ sẽ tới hợp tác không phải là không có.
“Nếu như Trung-Ấn mà hình thành được một mô hình hợp tác về mặt này, thì cũng có thể sẽ tạo ra được một bầu không khí rất tốt cho việc giải quyết vấn đề biên giới...”. Vương Đức Hoa nói.
Vương Đức Hoa còn đưa ra quan điểm của mình về sự giải quyết cuối cùng cho vấn đề Nam Hải. Ông ta nói, ngoài chuyện lập đức, lập ngôn, lập pháp ở Nam Hải ra, Trung Quốc còn cần gia nhập một chiến lược “khai thác biển” ngoài việc phát triển ra phía đông, đại phát triển ra phía tây, trỗi dậy ở miền trung, đồng thời định ra chiến thuật cụ thể cho các lĩnh vực ngoại giao biển, khai thác kinh tế biển... Có những người từng đề xuất lập một binh đoàn xây dựng ở Nam Hải, Vương Đức Hoa cho rằng, cần thoát ra khỏi cái khuôn khổ kinh tế có kế hoạch mà thành lập ở Nam Hải một đơn vị hành chính tương tự như kiểu đặc khu, vận dụng sức mạnh thị trường, dùng lợi nhuận để thu hút các công ty Phương Tây tham dự vào việc khai thác dải biển này.  
Ngoài ra, ông ta cho rằng, Trung Quốc còn cần có mối quảng giao bạn bè với quốc tế, bởi vì Mỹ đang tích cực tìm kiếm để tham gia vào Luật biển của Liên hợp quốc, mũi nhọn không chỉ chĩa về Trung Quốc, mà cả những nước có liên quan đến vấn đề Bắc Cực như Nga, Canada cũng đều có khả năng sẽ bị ảnh hưởng, cho nên “Trung Quốc cần làm nhiều việc hơn về mặt quốc tế”.
“Trung Quốc đã có tàu sân bay thứ 3 ở Nam Hải, tàu thứ nhất là Varyag mang ý nghĩa quân sự, tàu thứ 2 là tàu sân bay dầu mỏ mang ý nghĩa kinh tế, tàu thứ 3 là tàu sân bay ngư nghiệp, tôi cho rằng chúng ta còn cần phải đặt thêm tàu thứ 4, tức tàu sân bay tư tưởng”. Vương Đức Hoa nói, “nước ta từng đưa ra quan điểm ‘biển hài hòa’, chúng ta giương cao ngọn cờ khai thác hợp tác hòa bình, rồi triển khai các kiểu hợp tung liên hoành dưới nó, thì cuối cùng sẽ nhanh chóng giải quyết được vấn đề Nam Hải.

[i] Tức Biển Đông.
[ii] Tức Hoàng Sa.
[iii] Tức đảo Trường Sa; tiếng Anh: Spratly Island.
Nguồn: Mạng Hoàn Cầu
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
nguồn_basamnew:http://anhbasam.wordpress.com/2012/07/05/1120-chuyen-gia-dat-tau-san-bay-thu-4-de-giai-quyet-triet-de-van-de-nam-hai/#more-66971
---------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001