Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2012

HUN SEN LÀ AI VÀ CAI TRỊ ĐẤT NƯỚC CĂMPUCHIA KIỂU GÌ ?
Phạm Viết Đào.


Hun Sen kèm danh hiệu đầy đủ là Samdech Akeakmohasenapadey Decho Hun Sen sinh ngày 4 tháng 4 năm 1951 ở làng Pream Koh Sna, huyện Stung Trang, tỉnh Kompong Cham; Về nhân vật quyền lực số 1 này của Cămpuchia hiện nay còn nhiều điều khuất tất mờ ám trong lý lịch tham gia chính trường của ông? Bách khoa thư mở WikiPedia viết về nhân vật này như sau:
Nhiều chi tiết về thời kỳ này của Hun Sen đang là vấn đề gây tranh cãi. Nhà nghiên cứu người Úc Ben Kiernan tuyên bố rằng Hun Sen gia nhập Khmer Đỏ vào năm 1967 trong một làn sóng chạy dạt xuống thôn quê của những người cánh tả trẻ. Hun Sen tự tuyên bố rằng ông đã gia nhập năm 1970 theo lời kêu gọi của Hoàng thân Norodom Sihanouk chống lại chính phủ Lon Nol. Hun Sen bị thương 5 lần trong các lần tham chiến, bao gồm cả vết thương làm chột một mắt 2 ngày trước khi thủ đô Phnom Penh rơi vào tay Khmer Đỏ tháng 4 năm 1975. Hun Sen được phong chức Trung đoàn phó của quân Khmer Đỏ ở phía Đông Campuchia. Ông kết thúc chức này ở Việt Nam tháng 5 năm 1977 nhưng hoàn cảnh và lý do ông ở Việt Nam vẫn đang là đề tài tranh cãi. Ông tuyên bố ông đào ngũ sang Việt Nam vì ông không thích chính phủ Khmer Đỏ. Nhiều câu chuyện khác cho rằng ông chạy thoát khỏi sự thanh trừng nội bộ của đảng Khmer Đỏ năm 1977 hoặc bị bắt giữ trong khi đang tham gia các hoạt động quân sự chống Việt Nam.
Theo nguồn tin từ ban lưu trữ lịch sử Đảng của Campuchia thì việc "Hunsen chạy sang Việt Nam" là theo lệnh của Sư đoàn trưởng của ông, khi đó ông này đã cử một nhóm người có cả Hunsen sang liên hệ với Việt Nam trước. Sau khi Việt Nam đã liên lạc trực tiếp với người sư đoàn trưởng này thì họ mới tin việc Hunsen sang Việt Nam để liên hệ là thật chứ không phải là do thám. Tuy nhiên người sư đoàn trưởng này đã không được nói đến sau này là vì thực ra Việt Nam đã định đưa ông này lên làm lãnh đạo chứ không phải Hengsomrin, nhưng ông ta đã thốt ra một câu làm phật ý người Việt Nam và sau đó ông này không được trọng dụng nữa...”
Qua những dòng ngắn ngủi trên cho thấy: Hun Sen vốn xuất thân là sĩ quan cao cấp dưới quyền Paul Pot; ông bỏ hàng ngũ Khơ Me đỏ, chạy sang Việt Nam từ năm 1977, chắc là để đào thoát khỏi một cuộc thanh trừng nội bộ...
Lật giở lại những trang sử chiến tranh Việt Nam với Khơ Me đỏ hồi đó cho thấy: những nhân vật quyền thế chịu trách nhiệm về chiến trường Cămpuchia là Lê Đức Thọ, Lê Đức Anh-Tư lệnh chiến trường Cămpuchia, Nguyễn Cơ Thạch, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao... Theo dư luận trên mạng, Lê Đức Thọ quyết liệt lao vào cuộc chiến diệt Khơ Me đỏ là để đạt tham vọng chính trị, mưu bá đồ vương: Thống nhất ba nước thành Liên bang Đông Dương bằng quân sự; tiền đề để khởi động lại mô hình Đảng Cộng sản Đông Dương mà ông nhắm vào cái ghế Tổng Bí thư...Có lẽ do nắm được ý đồ, tham vọng đó của Lê Đức Thọ nên Trung Quốc đã kích nổ cuộc chiến tranh Việt Nam-Khơ Me đỏ để dụ Lê Đức Thọ và quân Việt Nam vào ? ( Về vấn đề này sẽ có bài phân tích riêng vì sao Trung Quốc đứng đằng sau Paul Pot để đạt mục đích kép gì ?)

Như vậy, Hun Sen là một trong những con bài chính trị đầu tiên được Việt Nam đào tạo, dựng lên và trọng dụng; những kẻ có công về phía Việt Nam chắc phải là những nhận vật kể trên...Đưa vấn đề này ra để chúng ta sòng phẳng, minh bạch với nhau một vấn đề mang tính lịch sử: Hiện tại và tương lai sắp tới, quan hệ giữa 2 nước Việt Nam-Căpuchia phụ thuộc rất nhiều vào “con cờ “ Hun Sen; do đó nếu có “ mệnh hệ “ gì thì trách nhiệm trước lịch sử sẽ cần phải được truy nguyên đúng gốc rễ...
Có lần Quốc trưởng, Đức vua Xihanuc đã thổ lổ: Ông là Đức Vua, Đấng tối thượng của đất nước Cămpuchia, nhưng ông chỉ là kẻ trị vì còn quyền lực quyền uy số 1 của Cămpuchia thực chất nằm trong tay Hun Sen...
Vậy thì vì sao một đất nước có một ông vua như Xihanuc được cả thế giới biết và nể trọng, lại được lòng dân Cămpuchia mà lại chịu đứng khép nép, khiếp nhược sau cánh gà lịch sử ? Hun Sen đã thiết lập một bộ máy cai trị kiểu gì mà thiết lập được quyền uy tuyệt đối cho mình, diệt trừ được thế lực Khơ Me đỏ và các thế lục dân tộc cực đoan khác?
Câu trả lời đầu tiên có thể trả lời: Thứ nhất: Nhờ xương máu của con em Việt Nam; Thứ nhì chấp nhận xây dựng đất nước Cămpuchia theo mô hình cộng sản; mô hình kinh tế xã hội: làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu?
Mở ngoặc: Cái mô hình này không thỏa mãn nhu cầu cho những ai theo nó, Hun Sen học Việt Nam đó là chỉ học cái phần ngọn thôi; mô hình quản trị xã hội “ hưởng theo nhu cầu” này không giành cho những ai chiến đấu, xả thân, hy sinh cho lý tưởng đó mà chỉ thỏa mãn cho một nhóm quyền lực chóp bu...Hun Sen được đào luyện, được dựng lên có lẽ do ông ta đã biết cách đón lõng “gout “ quan thầy, đó là các lãnh tụ cộng sản Việt Nam; Hy vọng cắm được vào Cămpuchia một đồng chí đồng chí hướng để khôi phục lại mô hình Đảng cộng sản Đông Dương bao trùm 3 nước như cương lĩnh năm 1930 đã đề ra...
Khi đã tiêu diệt được quyền bình trong tay, Hun Sen láu cá hơn, vẫn dùng mô hình kết cấu Đảng lãnh đạo nhà nước của Việt Nam, nhưng lại không đề tên là Đảng cộng sản mà đặt tên là Đảng Nhân dân Cămpuchia; chắc Hun Sen lo chuyện bị sát nhập và dại gì phô cộng sản cho thế giới ghét...Chuyện này chắc Hun Sen học Lào; Lào bản chất vẫn là mô hình quản trị nhà nước cộng sản: Đảng lãnh đạo chính quyền, quân đội, cảnh sát tuyệt đối; nhưng Lào lấy tên là Đảng Nhân dân cách mạng...Như vậy, cả hai ông em do Việt Nam dựng lên đều tinh ma, láu cá và đều tìm cách “ đưa người cửa trước rước người cửa sau”...Có điều, trốn Việt Nam để rồi bắt tay với Tàu thì khác chi “ tránh vỏ dưa gặp vò dừa” vì cả 2 quốc gia này cũng đều là cộng sản cả...



Đây là một sai lầm, thiển cận, xốc nổi và chỉ thấy quyền lợi trước mắt thậm chí cho nhóm lợi ích nào đó nhưng khó tránh được thảm họa cho dân tộc mình...Lào, Cămpuchia muốn thoát ra khỏi cái thảm họa của mô hình cộng sản của Việt Nam thì nên theo con đường Sangapo, Thái Lan hay như Miến Điện; Còn tìm cách tách ra khỏi Việt Nam để theo Trung Quốc rồi được một ít quyền lợi trước mắt; trong khi đó thì số phận của cả một dân tộc cũng như số phận của một con người, không ai có thể cầm tóc mà nhấc hộ lên nếu nội lực mình không tự nâng mình lên...
Trở lại nhân vật Hun Sen, mặc dù y không bao giờ nói mình là cộng sản nhưng y lại thiết lập một chế độ độc tài toàn trị tại Cămpuchia, một cái xái tàn tích của các nhà nước cộng sản đã sụp đổ ở Đông Âu. Ai đã có dịp đến thăm dinh cơ của Hun Sen được xây dựng tại tỉnh Kan Dal, cách Phnom Penh khoảng 20 km; đây mới nơi làm việc chính và cả nơi ở thường ngày của Hun Sen...Một ông bạn ở Bộ Ngoại giao đã có dịp lai vãng tại Dinh thự này của Hun Sen cho biết: Đây là nơi được xây dựng hiện đại, nguy nga, an ninh đảm bảo tuyệt đối nhất...Dinh Thủ tướng ở Phnom Penh chỉ là nơi tiếp ngoại giao; mọi chuyện cơ mật của Cămpuchia đều được bàn thảo, điều hành tại dinh này...
Để vào được dinh này trong khuôn viên rộng hàng chục ha, ôtô phải qua 3 lần cửa và đều có quân đội gác nghiêm ngặt; Tại dinh này có 1 đài phát thanh và đài truyền hình danh nghĩa là của Đảng Nhân dân nhưng thực chất là miệng lưỡi của Hun Sen để đề phòng chính biến...Như vậy, chắc Hun Sen rút kinh nghiệm về sự sụp đổ của các nhà độc tài khác nên Hun Sen đã xây cho mình một “ lô cốt” phòng thủ phòng chính biến...
Như vậy cái mô hình “ hưởng theo nhu cầu “ thực chất được Hun Sen áp dụng cho cá nhân ông và một nhóm nhỏ tại Căpuchia chắc chắc Hun Sen cũng hiểu được lòng dân cũng như các đối thủ chính trị khác căm ông ta đến mức nào? Chính vì thế nên ông phải tích cực phòng thân !
Qua nhân vật Hun Sen cho thấy: cái mô hình quản trị nhà nước làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu vẫn thường sinh ra những kẻ đứng đầu tham lam, dốt nát, biển lận nhưng lại tàn bạo như những quái thai ba đầu sáu tay nên rất khó trị, rất khó đạp đổ...Bởi khi chũng đã xây dựng được cái vị thế " hưởng theo nhu cầu" cho chính chúng rồi thì quay sang tử thủ, bỏ mặc thiên hạ...
P.V.Đ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001