Trích từ bút ký Nước Mắt Của Rừng
Amai B'lan
Từ nhà ami H’siu nhìn xéo qua phía bên kia đường là Trung Tâm Truyền Giáo Čeo Reo TơLuĭ . Gọi là trung tâm vì từ đây, các cha sẽ tỏa đi coi sóc con chiên ở 13 giáo điểm trong vòng bán kính 45 cây số dọc theo quốc lộ 25. Chữ “Trung tâm” dễ gợi cảm giác về một nơi to lớn, đồ sộ. Điều đó có thể đúng ở những vùng giàu có. Nhưng ở đây, nhà thờ của trung tâm chỉ là bốn mái vòm ghép lại khiến người khác không khỏi nghĩ đến một bãi giữ xe ở Sài Gòn, bốn phía trống không, gió mưa tha hồ đùa giỡn. Bàn thờ dâng lễ trang trí rất đơn sơ, góc trái bàn thờ có đặt cột đâm trâu như một biểu tượng tế lễ. Xung quanh nhà thờ là hai khu nhà sàn nội trú cũ kỹ bị mối mọt dành cho các cha và các em đệ tử ở.
Cách đây hơn nửa thế kỷ, trung tâm này là điểm truyền giáo đầu tiên của vùng Cheo Reo, nơi gắn liền với tên tuổi của một vị thừa sai người Pháp, người đã dành tình yêu cả đời mình cho những người Thượng. Giới trí thức biết đến ông như một nhà Tây Nguyên học say mê nhất, một nhà dân tộc học, một nhà nhân chủng học, một nhà xã hội học, một nhà văn hóa học, một nhà bác học. Nhưng người Jrai không biết đến những khái niệm cao siêu đó, họ chỉ biết ngài là một vị linh mục nhiệt thành, một vị thừa sai đích thực, và họ vẫn gọi ngài bằng cái tên thân thương trìu mến, Cha Dournes.
Bàn thờ Cha Dournes ở Trung tâm truyền giáo Cheo Reo Ayunpa
Người ta có thể dễ dàng tìm thấy những thông tin về cha Jacques Dournes trên mạng Internet, nhưng người ta không thể nào biết được tình cảm yêu quý của những người Jrai nơi đây dành cho cha. Tất cả những người Jrai tôi tiếp xúc, từ người già đến con nít, không ít thì nhiều, đều biết về cha Dournes, và hầu như ai cũng biết chuyện cái đuôi khố của cha khi gặp Đức Giám mục Paul Seitz. Trong cuốn “Hạt giống Kitô trong đất Jrai”, cha Giuse Trần Sĩ Tín kể: “Việc đóng khố không được Giám mục tán thành lắm. Nhưng khi không có Giám mục ở đó thì ngài vẫn đóng khố. Cho nên mới có một lần kia, đang thoải mái đóng khố, thì bỗng anh đồ đệ ama Sim hớt hải chạy vào báo động: “Giám mục tới!” Jacques Dournes vội xỏ quần, mặc áo ra đón Giám mục. Ngài đi trước mời Giám mục lên thang vào nhà. Báo hại Giám Mục đi đàng sau phát hiện ra cái đuôi khố của Jacques Dournes giật giật mà rằng: “Cái gì thế này?”
Kể ra chuyện này để thấy cha Dournes đã hòa nhập với người dân triệt để như thế nào. Bây giờ người Jrai không còn mặc khố nên các vị thừa sai hiện tại dù có dấn thân hết mực thì cũng không cần phải đóng khố như xưa nữa.
Tôi đến trung tâm vào một buổi chiều khi giáo đường vắng bóng con chiên, ráng chiều hắt lên mái tôn ánh vàng rực rỡ. Khoảng sân trước nhà thờ trồng đầy dừa và cây bàng, cứ mỗi lần gió thổi qua, lá cây lại reo lên hí hửng. Đâu đó, chiếc chuông gió tre xôn xao như tiếng đàn tơrưng vọng lại. Không gian im ắng, thâm trầm. Ai bước vào trung tâm cũng thấy bên phải nhà thờ một ngôi nhà sàn không có cầu thang, vách lồ ô, mái lợp tranh, đứng tách biệt một mình, đó chính là ngôi nhà của cha Jacques Dournes đang được tu sửa nửa chừng, rồi dừng lại tới bây giờ. Trong ngôi nhà sàn, người ta còn giữ những vật dụng của cha Dournes, một ghè rượu sứt mẻ, vài cái chén sứ cũ, cái cuốc con con, cái gùi nho nhỏ, bức tượng gỗ mẹ bồng con chính tay cha khắc, cây thánh giá bằng tre và nhiều thứ linh tinh khác. Xà ngang nhà có khắc dòng chữ: 01.08.1955. Đó là ngày đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời thừa sai của ngài.
“Hôm ấy là ngày 1 tháng 8 năm 1955, vào lúc 6 giờ chiều. Màu xám xịt của khung trời ngột ngạt gây nên cảnh não nề cho vùng Cheo Reo, khi chiếc xe của Đức Giám mục chở theo một vị thừa sai đến nhiệm sở mới. Ở đây không ai chờ đợi vị thừa sai này; thậm chí, không ai ưa ngài. Cho đến lúc này, tin mừng chưa hề được rao giảng cho cư dân vùng ấy, vì họ từ chối. Nhưng Giám mục lại muốn rao giảng tin mừng cho họ. Ngài để vị thừa sai cùng với rương hòm trên mảnh đất khô cằn ngay trước những ngôi nhà sàn đóng kín.”
“Cụ bà của làng trung thành với truyền thống hiếu khách của dân tộc du canh du cư trước kia. Đêm đến, không nên để người lạ ở ngoài, vì như vậy là bỏ họ cho cọp đang rình rập.
Thôi, cho ông ấy vào đây đêm nay.
… Và ở đây họ đã cho ngài ở tạm một đêm.”
“Thực vậy, một nhà đã mở cửa cho tôi vào dù chỉ một đêm. Tôi leo lên thềm, còn họ thì mang hành lý cho tôi. Thế là tôi như một người bán khai giữa những người văn minh. Tôi không biết một từ Jrai nào, tôi không biết người nào và chẳng ai nói được tiếng của tôi!”
“Những người Jrai ấy sẽ biết về Chúa Giêsu chỉ qua những gì tôi nói với họ và qua tôi… Thử nghĩ xem trách nhiệm của vị thừa sai đầu tiên tới, mang đến cho dân tộc mới này hình ảnh về Thiên Chúa thật nặng nề kinh khủng làm sao? Đó là bức họa trên một bức phông còn mới mà người ta không thể sửa lại được. Giả như thái độ của tôi gây nên một sự mâu thuẫn hay một Kitô hữu nào đó để lại một gương mù gương xấu khi đi ngang qua, thì tác phẩm coi như hỏng, hết giá trị. Có thể đó là nỗi đau lớn nhất của vị thừa sai!”
Đây là những dòng tâm sự tả lại giây phút đầu tiên cha đặt chân đến vùng đất này. Trong số nhiều sách cha viết về người Thượng, đây là cuốn duy nhất cha đề cập đến những cảm giác riêng tư của cha, nhưng điều này cũng chỉ rải rác trong vài trang đầu. Những thắc mắc về đời sống nội tâm, thao thức của cha luôn là câu hỏi với bất cứ ai muốn tìm hiểu về cha. Và chính cha đã luôn là câu hỏi ngược lại cho tất cả những vị thừa sai phục vụ trên Tây Nguyên này: “Đã dấn thân đủ chưa?”
Tôi may mắn được ở nhà ami H’siu, và càng may mắn hơn nữa khi bố của ami H’siu, Ơi Hiam (tức là ông của Hiam), là một trong ba người đầu tiên được cha Dournes rửa tội. Nhà Ơi Hiam ở giữa nhà hai người con gái là ami H’hiam và ami H’siu. Năm nay cụ đã xấp xỉ 90 tuổi rồi, cái tuổi ít người Jrai sống tới. Hằng ngày, cụ vẫn có thể tự chăm sóc cho mình, thường ngồi ở trước cửa nhà nhìn qua trung tâm, nơi có nhà của cha Dournes. Khi tôi nói “Ơi kể cho con nghe về cha Dournes đi” thì mặt cụ se lại như người vừa bị chạm vào vết thương. Cụ im lặng hồi lâu rồi cuối cùng nói ngắt quãng bằng một thứ tiếng Kinh lơ lớ: “Đêm qua, tôi mơ thấy Dournes. Nó đi cầu thang lên nhà (vừa nói cụ vừa đưa tay chỉ qua căn nhà cũ của cha Dournes), nó gọi tôi lên cùng, tôi leo mãi mà không lên được.” Cụ gọi cha Dournes là “nó” vì hai người xít xoát bằng tuổi nhau, và còn vì hai người thân thiết với nhau như anh em ruột thịt. Chắc hẳn, sự ra đi của cha Dournes đã để lại một nỗi trống trải vô tận trong lòng cụ để đến nỗi, sau bao nhiêu năm cụ vẫn còn gặp cha Dournes trong những giấc mơ. Và rồi, cụ bắt đầu kể cho tôi nghe về cha Dournes.
“Dournes cũng trồng ớt, trồng cà rồi đem ra chợ ngồi bán như người Jrai, nhưng không ai dám mua hết. Người ta nói ông cha sao lại đi bán cà như thế. Nếu đưa cho tôi đi bán dùm thì họ mua.”
“Dournes không cho chúng tôi ngồi thế này đâu (cụ gù lưng xuống). Nó bắt ngồi thế này nè (cụ ngồi thẳng lưng lên).”
“Mấy bà trong làng cài mấy thứ của người Kinh lên đầu đi lễ chúa nhật, nó đuổi về không cho lễ. Nó bảo vậy không phải là người Jrai.”
“Dournes giỏi và siêng năng lắm. Nó làm việc suốt để thâu akhan của người Jrai.”
Những mẩu chuyện rời rạc của Ơi Hiam càng làm sinh động thêm về một con người đã gắn bó với người Thượng như máu thịt của mình, để rồi khi trở về Pháp, cha nhớ người Thượng quay quắt đến khủng hoảng trầm trọng. Cha đã đến với người Jrai không trong tư thế của một người đi truyền giáo, tức là đến thay thế tôn giáo tự nhiên của người Jrai bằng Kitô giáo, mà đến với tư cách một chứng tá tình yêu để chỉ cho họ thấy rằng, có một Đấng Cao Trọng luôn yêu thương họ.
Nhưng người Jrai làm sao có thể chấp nhận một ông tây mũi lõ, tóc vàng, da trắng, nói một thứ tiếng khác về những điều khác lạ. Cha không thể làm chứng khi cha chưa là một người như họ. Vì thế, “nếu không có chỗ cho người ngoại quốc, thì tôi phải thôi làm người ngoại quốc. Là người ngoại quốc ở ngưỡng cửa nhà sàn người Jrai, là người Kitô hữu duy nhất trong bán kính cả trăm cây số, đơn độc trong hiu quạnh … Tôi chỉ còn một cách là dấn mình sâu hơn vào đường hầm, đi sâu vào bên trong nhà sàn, nói bập bẹ như một đứa bé bắt chước bố mẹ làm người lớn và nói chuyện với họ.”
Thật vậy, cha đã cởi bỏ tất cả những gì của người ngoại quốc để trở nên một người Jrai thực sự. (Tất nhiên mắt mũi miệng thì đành chịu). Cha ăn mặc như họ, làm lụng như họ, nói năng như họ, sống như họ để hiểu họ trước đã. Muốn làm gì trên mảnh đất này mà không hiểu về người bản địa thì thật là sai lầm, nhất là khi cha đến để làm chứng về tình yêu. Nhưng “nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì lại phải yêu để mà có thể hiểu. Phải yêu cuộc sống gian khó và bình dị, phải yêu thiên nhiên trinh khôi và say mê vẻ đẹp của nó, phải yêu cái không khí đầm ấm của căn nhà sàn và hơi nóng tỏa ra từ bếp lửa của nó, phải yêu khu rừng ngô và đêm đầy trăng.” Cũng từ tình yêu đó mà cha khám phá ra người Jrai đã được chuẩn bị để đón nhận Tin Mừng. Cha chỉ cho họ thấy Thiên Chúa trong cuộc sống của họ và dẫn họ đến với Thiên Chúa qua ngả đường văn hóa. Chính cha làm sáng tỏ điều mà gần nửa thế kỷ sau người ta gọi là rao giảng tin mừng có hội nhập văn hóa.
Đóng góp lớn nhất của cha Dournes chính là cha đã sưu tầm gần như trọn vẹn các akhan, các biểu tượng, phương ngữ của người Jrai để đưa ra một cái nhìn toàn diện và chân xác nhất về sắc tộc này. Cha như tảng đá góc tường sẽ làm nền cho tất cả những viên đá khác để xây lên cộng đoàn Jrai. Ai nghiên cứu về Tây Nguyên mà không đi qua cửa ngõ Jacques Dournes thì mới đi lòng vòng mà thôi. Ngày nay, dấu ấn của cha vẫn còn thể hiện rõ nơi thánh lễ. Từ ngôn ngữ phụng vụ, đến lễ nghi, kể cả cách trang trí đều bàng bạc tinh thần Jacques Dournes. Lần đầu tiên dự lễ chúa nhật ở Ayunpa, tôi thật sự ngỡ ngàng về cách thức phụng vụ của người Jrai. Với họ, thánh lễ không chỉ là việc tưởng niệm cuộc khổ nạn và phục sinh của chúa Giêsu, mà còn là lễ hội, là một cuộc trình diễn văn hóa. Giáo dân đi lễ mặc y phục truyền thống rực rỡ, điều ngày thường không có dịp mặc. Ca đoàn hát trên nền nhạc cồng chiêng thánh thót, trong khi đó một nhóm thiếu nữ nhún nhảy những điệu suang nhịp nhàng. Đặc biệt, tiếng trống nổi lên giục giã càng làm cho người ta hồ hởi. Thánh lễ ngập tràn niềm vui nhưng không vì thế mà mất đi sự trang nghiêm. Tham dự một thánh lễ như thế này, bạn không thể nào buồn ngủ được.
Tôi đứng trước ngôi nhà sàn nhỏ bé và đơn sơ của cha, lẩm cẩm nghĩ về ngày xưa, khi cha mới tới đây. Ngày ấy không có nhà cửa xung quanh như bây giờ, vùng này khi ấy còn hoang vu, cọp beo còn rình rập quanh làng, nhà cửa thưa thớt, dân tình đói khổ, khí hậu khắc nghiệt. Cha đã bỏ quê hương, xứ sở, gia đình, cha mẹ, anh em, bạn bè, cuộc sống tiện nghi và những tình cảm riêng tư của mình để đến đây. Đến với những người không hề muốn chào đón cha. Đến với những người bán khai thuộc về một thế giới khác, một thời đại khác. Làm sao cha có thể chịu được cuộc sống nơi đây? Những khi cô đơn giày xéo, bất đồng ngôn ngữ, khác biệt món ăn, những lúc ốm đau bệnh tật, khi mọi cố gắng chẳng thấy chút kết quả nào, lại còn chiến tranh bom đạn và thiếu thốn trăm bề. Nhưng cha đã ở đây suốt 15 năm, điều mà chưa một người thừa sai nào trước đó làm được. Tôi cảm tưởng như cha Dournes được sinh ra để dành cho người Jrai, cho người Tây Nguyên. Có điều gì cuốn hút cha khiến cha say mê như vậy? Và nếu người Jrai có sức hấp dẫn mãnh liệt như thế chắc hẳn người Jrai phải có cái gì đó rất đặc biệt? Điều đặc biệt đó không thuộc về lĩnh vực vật chất vì làm sao nơi đây có thể vượt qua nước Pháp văn minh. Vậy thì là cái gì nếu không phải là tinh thần, là tâm linh, là thế giới siêu nhiên vô cùng sâu sắc và bí nhiệm, khiến cha mê đắm. Tôi ngồi dưới nhà sàn nghĩ ngợi miên man, lòng đầy xúc động. Gió lại nổi lên từng chập. Tiếng chuông gió hòa vào tiếng lá xôn xao. Hôm nay là rằm, khi còn ở đây, trăng rằm cha làm gì?
Tiếc rằng cha không còn ở đây để chứng kiến ngày đoàn chiên Jrai từ khắp nơi trở về. Đoàn chiên do cha chăm bẵm, nay đã đông đảo rộng khắp. Ở nước Pháp xa xôi, cha có biết tin này hay không? Nhưng có hề gì vì cha mãi trong tâm trí của người Jrai. Phía đằng hiên ngôi nhà của cha, người ta còn giữ lại một cái cột do chính tay cha làm, trên cây cột có khắc dòng chữ “Vườn hoa tôi đã trồng”. Đúng thế, vườn hoa đức tin cha trồng bằng tất cả lòng kính trọng và tình yêu nay đã nảy nở trong lòng người Jrai. Dòng chữ như lời mời gọi những thợ gặt hãy đến mà thu, hãy đến mà tiếp nối công cuộc thừa sai cha đã tạo dựng và hãy yêu thương người Jrai như cách cha đã yêu thương.
Jacques Dournes. 1963. Dieu aime les paiens. (Thiên Chúa yêu thương muôn dân). nxb Aubier, tr.11-17.
2 Jacques Dournes. 1963, sđd.
3 Dam Bo (Jacques Dournes). 1950/2003. Les Populations montagnardes du Sud-Indochinois (Miền đất huyền ảo), Nguyên Ngọc dịch. Hà Nội: nxb Hội Nhà Văn.
4 Tuyên ngôn của Liên hiệp Hội đồng Giám mục Á Châu 1999 – 2000.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2012/12/amai-blan-sinh-ra-vi-nguoi-jrai.html?utm_source=BP_recent
======================================================================
Chú ý: Nhấn
vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001