Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Đào Tuấn: “Sinh viên mỳ tôm”
SV
Cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đều đã nhắc đến trường hợp giáo sư Ngô Bảo Châu.

Rất nhiều con số đã được người đứng đầu Chính phủ đưa ra trong buổi đối thoại với đại biểu thanh niên toàn quốc.
“Trong số 60 triệu người độ tuổi lao động, số được qua đào tạo là 46%. Tức là 100 người mới có 46 người được đào tạo qua các cấp học. Trong số 46% đó, chỉ có 8% được đào tạo đại học, cao đẳng. Trong khi đó, các nước phát triển, các lao động trong độ tuổi đều được đào tạo; Tỷ lệ cao đẳng, đại học là khá cao: Malaysia 20,1%, Thái lan 14, 2%,…”. “Đến năm 2011, Việt Nam mới có 250 sinh viên cao đẳng, đại học/ vạn dân. Trong khi tỷ Thái Lan là 374, Hàn quốc 674, Anh 380, Mỹ 576…”. “Cơ cấu đào tạo nước ta hiện nay vẫn còn bất cập, chưa hợp lý. Thế giới đào tạo 1 sinh viên đại học, 4 người trung cấp, 10 công nhân kỹ thuật.. Việt Nam thì tỷ lệ này là 1-1,3 và 0,9”.
“Việt Nam đang thiếu cả thầy cả thợ chứ không phải thừa thầy thiếu thợ”- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định. Thay mặt Chính phủ, ông hoan nghênh, đánh giá cao những bạn trẻ đang có điều kiện, khả năng, học đại học, cao đẳng… Thủ tướng cũng tuyên bố: Con đường lập thân, lập nghiệp, khẳng định mình trong cuộc sống, con đường để bạn trẻ tiến lên rất rộng mở.
Nhân lực chất lượng cao, nhân sự có trình độ đang thiếu hụt nghiêm trọng là một thực tế khiến Việt Nam luôn chỉ được đánh giá với một ưu thế “nguồn nhân lực giá rẻ”, nên buồn nhiều hơn là nên vui.
Hôm qua, cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đều đã nhắc đến trường hợp giáo sư Ngô Bảo Châu như là một tấm gương cho sự học, và việc phụng sự đất nước. Việc khuyến khích, động viên những người tuổi trẻ học tập, vì thế, là một cái nhìn xa, cái nhìn đến tương lai.
Tuy nhiên, nói chính xác thì chúng ta đang vừa thừa, vừa thiếu, cả thầy lẫn thợ.
Trong cuộc tranh luận về nền giáo dục hồi giữa năm, giáo sư nổi tiếng Nguyễn Lân Dũng đã nói về câu chuyện “Không ít sinh viên sau khi tốt nghiệp đã phải đi tiếp thị mì tôm”, thậm chí “Người có 3 tấm bằng nhưng vẫn không dễ xin việc”. Nguyên Bộ trưởng Bộ GD và ĐT Phạm Minh Hạc thì kể lại câu chuyện mà ông chứng kiến tại Hội chợ việc làm ở Hà Nội: Chỉ 5-7 người được tuyển trong số ngót 1000 ứng viên.
Vậy tỷ lệ “sinh viên mì tôm” hiện là bao nhiêu?
GS Phạm Minh Hạc đưa ra ví số liệu tại trường đại học lớn, có lịch sử lâu đời và nổi tiếng nhất miền Bắc: ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn- ĐH Quốc gia. Có 26,2 % cử nhân ĐH ra trường không có việc làm; 70,8 % cử nhân có việc làm nhưng phần lớn là làm trái ngành nghề; chỉ 19% làm đúng ngành nghề được đào tạo. Trên bình diện toàn quốc, thống kê chính thức của Bộ Giáo dục và đào tạo năm 2011 cho thấy có tới 63% sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường. Chính Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã cảnh báo đến câu chuyện “tiếp thị mì tôm cũng đâu có dễ”.
Dù với bất cứ nguyên nhân gì, và sau khi Hà Nội, Đà Nẵng tuyên bố “đóng cửa với bằng tại chức”, phải thêm một ý là dù với bằng cấp gì, thì rõ ràng, một nguồn nhân lực có chất lượng không nhỏ đang bị lãng phí.
Ngày hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định quyết tâm của Chính phủ: Đặt ra mục tiêu không để bạn nào đỗ vào cao đẳng, đại học rồi mà phải bỏ học vì không có tiền để đóng học phí.
Điều này thật đáng trân trọng.
Tuy nhiên, 63% sinh viên thất nghiệp cũng đang chờ một “mục tiêu” tương tự. Chẳng hạn: Không để một sinh viên nào ra trường mà phải thất nghiệp.

nguồn:http://daotuanddk.wordpress.com/2012/12/16/sinh-vien-my-tom/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001