Câu chuyện “Quân xanh quân đỏ”, không đơn thuần chỉ là lợi ích giữa cá nhân với cá nhân, giữa nhóm này với nhóm khác
Vốn là người xứ Quảng, từng là một vị tướng hai sao, song Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng đã phải rào đón “tôi chỉ phản ánh chứ không kết luận”, khi ông nói về chuyện mồi, mớm vấn đề trong các phiên chất vấn tại Quốc hội.
Chuyện này không được đào sâu thêm nữa, nhưng rõ ràng, nó là lời cảnh báo về một sự thể không ít nghiêm trọng. Bởi đó là câu chuyện “quân xanh quân đỏ”, một dạng thức của vấn đề nhóm lợi ích. Bởi sự mồi, mớm diễn ra công khai trước sự theo dõi của hơn 480 vị ĐBQH và hàng triệu cử tri, nhân dân. Và đã nói, thì phải nó đến tận cùng, rằng đó là sự thỏa hiệp giữa những người đang thực hiện giám sát tối cao, và người được giám sát.
Từ kỳ họp thứ 5 tới đây, câu chuyện quân xanh quân đỏ rất có thể lại sẽ diễn ra khi lần đầu tiên sau 68 năm, Quốc hội sẽ lần đầu tiên thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm. Nhưng phân định trách nhiệm thế nào, hóa ra không dễ, bởi có chương trình hành động của các chức danh là thứ chưa có trong tiền lệ. Trong buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói ông cũng “đau đầu” trước câu chuyện mà cử tri nêu: Bộ trưởng nhận lỗi nhưng giải pháp lại là “cả hệ thống chính trị vào cuộc”.
Còn nhớ, trong phiên họp của Ủy ban TVQH, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã nói tới chuyện “Không thể đưa những vấn đề cá nhân vào việc bỏ phiếu”, thậm chí ông lo ngại “Quốc hội mà bỏ phiếu không đúng ý dân thì chết”. Còn Chủ tịch nước thì cảnh báo câu chuyện “không lành mạnh”: “Bỏ phiếu là đi chạy, đi vận động, sẽ có tình trạng chạy phiếu tức là vận động phiếu, mà vận động ở đây là vận động nháy nháy, móc ngoặc với nhau, được anh được tôi”.
Mỗi ĐBQH đại diện cho khoảng 200 ngàn cử tri. 200 ngàn cử tri nhưng lại chỉ có một đại diện bỏ phiếu, mà đại diện đó vẫn cứ một là con người bằng xương bằng thịt với đầy đủ ái, ố, hỉ nộ. Thật khó nói lương tâm và trách nhiệm sẽ là thứ bảo bối để tránh nổi câu chuyện nhóm lợi ích hay “vận động nháy nháy”, nhất là khi hình thức lấy phiếu tín nhiệm là “bỏ phiếu kín”, nói như Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, là để đảm bảo dân chủ.
Không ngẫu nhiên, có vị ĐBQH nói đến chuyện cần công khai lá phiếu của các vị ĐBQH, bởi “Cử tri đã bỏ phiếu cho ĐB của mình, họ phải được quyền biết người đại diện cho họ thể hiện sự uỷ quyền của mình như thế nào”, có đúng với tâm tư nguyện vọng của họ không.
Bỏ phiếu kín, để đảm bảo dân chủ là một nhẽ. Nhưng công khai lá phiếu kín đó với cử tri cũng là một nhẽ khác để tránh câu chuyện “quân xanh quân đỏ” rất có thể cũng sẽ xảy ra.
Nhưng câu chuyện “Quân xanh quân đỏ”, không đơn thuần chỉ là lợi ích giữa cá nhân với cá nhân, giữa nhóm này với nhóm khác.
Nguyên ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết từng nói về câu chuyện “quán triệt” hồi Quốc hội quyết định việc mở rộng thủ đô: Lúc bỏ phiếu thăm dò thì kết quả là 226 phiếu thuận, 226 phiếu chống. Nhưng sau khi đưa về “quán triệt” thì kết quả bỏ phiếu chính thức có tới 92,9% phiếu thuận”.
Thật khó khi 92% ĐBQH là đảng viên.
“Để các quy định của pháp luật không chỉ tồn tại trên giấy, trước hết phải đảm bảo điều kiện để ĐBQH thể hiện được chính kiến của mình. Chứ trước mỗi lần bỏ phiếu mà đoàn ĐBQH hoặc tổ đảng lại “làm công tác tư tưởng” và “định hướng” thì rất khó để ĐBQH thực hiện quy định của pháp luật và thể hiện ý chí của cử tri”- ông nói.
Có lẽ cái nút thắt cuối cùng của câu chuyện, nói như Chủ tịch QH: ““Bây giờ đại biểu làm việc (lấy phiếu) tín nhiệm thay dân. Dân chủ là phải tiến tới dân tự làm”.
nguồn:http://daotuanddk.wordpress.com/2012/12/17/van-dong-nhay-nhay/#more-1536
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001