Từ ngàn xưa, theo quan niệm Á đông trọng nam khinh nữ, thân phận người phụ nữ rất nhỏ nhoi tội nghiệp, luôn hứng chịu những bất công thiệt thòi và lắm khi còn bị xem thường như cỏ rác. Đối với xã hội, người phụ nữ không có một giá trị quyền lợi gì còn trong gia đình thì chỉ là một osin, một Cinderella lọ lem đầu bù tóc rối suốt ngày phải cúc cung phục vụ chồng con và cả gia đình nhà chồng mà chẳng bao giờ nhận được một tiếng cám ơn hay một lời khen thưởng khích lệ từ những người thân chung quanh. Nhưng thời bây giờ thì đã đảo ngược hòan tòan, totally up side down, nhứt là ở những xứ theo văn minh Âu Mỹ thì lady là first, là một đóa hồng rực rỡ sắc hương phải được nâng niu chiêm ngưỡng cho dù có gai góc đến đâu. Vì thế cho nên giờ đây, từ báo chí sách vở cho đến internet, bất cứ chuyện gì có dính dáng đến phụ nữ đều được đề cao, tôn vinh, ca ngợi, đặc biệt là khi đề cập đến người vợ, thậm chí nếu có ai hỏi thương vợ để ở đâu thì trả lời là thương vợ để trên đầu. Nhứt vợ nhì trời, thứ ba là bồ nhí.
Khi muốn nói về vợ mình với ai, mỗi người có một danh từ riêng để ám chỉ bà vợ như là: nhà tôi (theo người bắc), vợ tôi, bà nhà tôi, bà xã tôi, bà boss tôi vv… Riêng tôi thì nghĩ chỉ có danh từ “bà nội tướng” là thích hợp nhứt. Không biết có ai đồng ý với tôi không chớ tôi thấy một người vợ đảm đang quán xuyến gia đình, tận tụy chăm sóc chồng con từ miếng ăn giấc ngủ, cho đến manh quần tấm áo, thuốc men lúc ốm đau bệnh tật thì cũng chẳng khác gì một vị tướng trong thành, lo an ninh no ấm cho thần dân, có khác chăng là vị tướng này không cần nhung y cẩm bào, không cần lương bổng hay mề đay huân chương mà chỉ một lòng hy sinh miễn sao con dân của mình ăn no ngủ kỹ thì đã thấy sung sướng mãn nguyện.
Ai thì không biết sao chớ bà nôi tướng của tôi thì rất mảnh mai ốm yếu, “nhỏ xíu nhỏ xíu anh thương”. Vậy mà nàng làm tối ngày không hở tay, buông cái này bắt cái kia như chuyền bóng rổ nhiều khi thấy chóng mặt giùm nàng. Tánh tôi thì hay dị ứng với đồ ăn nấu sẵn bên ngòai cho nên một năm mười hai tháng là nàng phải nấu ăn đủ ba trăm sáu mươi lăm ngày. Nếu chỉ nấu cho hai vợ chông ăn thôi thì cũng không đáng nói gì, có thể nấu một lần ăn hai ba ngày. Đàng này nàng còn nấu giùm cho con cháu, cha mẹ già và cả em út nữa. Bởi vì ai trong gia đình đã từng ăn qua đồ nàng nấu rồi thì cứ tấm tắc khen hòai và muốn ăn mãi. Do đó nàng không nỡ bớt phần ai cho được, cộng thêm cái tánh thảo ăn, nấu cái gì cũng chia tam chia tứ, nhà này vài hộp nhà kia vài hộp như nấu cơm tuần. Ngay cả thằng em dù đã có vợ ở riêng nhưng cũng không chịu ăn cơm nhà với vợ mà chiều nào cũng kéo vợ chạy qua nhà bà chị ăn ké, còn take away đi làm cho bữa sau nữa. Có lần nàng làm cơm chiên “dã chịến” để ăn với soup, chỉ có dầu tỏi, trứng và hành lá. Ấy thế mà khi thằng em đem vào hảng heat up ăn trưa, nghe thơm phứt, mấy người đồng nghiệp xúm lại hỏi bữa nay ăn món gì hình như là cơm chiên mà sao không giống cơm chiên ngòai shop vậy. Cậu ta phịa ra đây là món cơm chiên “Dương quý phi” (chị em nàng họ Dương) đặc biệt ăn chung với soup măng tây làm cả đám tròm trèm đòi ăn thử. Thằng em “cá sấu” rất khôn khéo dụ khị bà chị. Cậu ta nói rằng cậu ta đi ăn giáp vòng ở ngòai rồi mà không có chỗ nào nấu hợp khẩu, vệ sinh và lành mạnh như nàng. Nàng cũng biết nó tán tụng dỗ ngọt mình nhưng vì nó là em, bỏ không đành nên mới ráng chịu cực nấu cho nó ăn luôn.
Ngòai chuyện bếp núc việc nhà, nàng còn babysit hai thằng cháu từ lúc mới sinh. Khi hai thằng cháu tới giai đọan toddler bắt đầu quậy phá thì tôi cũng tới tuổi hưu trí cho nên tôi có thể ở nhà làm tùy viên cho bà tướng, giúp nàng bất cứ chuyện gì khi nàng cần đến. Nhưng nàng có cái tật độc lập tự… lo, bất cần ai, lại chê tôi chỉ biết có cầm cây viết thôi chớ đụng tới đâu là hư tới đó không vừa ý nàng khiến tôi nhiều lúc nổi dóa muốn bỏ mặc để nàng tự xoay sở làm sao đó thì làm mà trong bụng thầm phục sao nàng hay quá, tay thì làm, miệng thì la chừng hết thằng này tới thằng nọ, đứng trong bếp chớ nàng vẫn để ý nghe ngóng coi bọn nhỏ đang làm gì, đòi cái gì là nàng chạy lại đáp ứng ngay. Cứ như vậy rồi tới chiều khi ba má bọn nhỏ đi làm về thì nàng đã chuẩn bị xong cơm nước với ba món ăn ngon, còn nhà cửa thì sạch sẽ trắng bóng ngăn nắp gọn gàng. Lúc xưa đi làm, tôi nào đâu biết công việc nội trợ nhiều ngập đầu đến như vậy. Vô sở, boss giao việc gì thì chỉ làm việc đó thôi chớ có đâu mà đánh đông dẹp bắc, trăm dâu đổ đầu tằm như những bà nội trợ ở nhà. Tôi cứ tưởng đâu ngồi nhà là “hưởng phước”. Bây giờ gác bút về hưu mới biết việc nhà chẳng “ngon ăn” chút nào và nhứt là không có giờ giấc nghỉ ngơi hay giải lao gì cả.
Nghề nào cũng có ngày hưu
Chỉ nghề nội trợ không hưu làm hòai
Cũng không cả ho-li-day
Quanh năm suốt tháng ngày ngày như nhau
Nấu ăn giặt ủi chùi lau
Một ngày ngưng nghỉ biết bao là phiền
Ai người đứng bếp thay phiên
Ai lo cháu nhỏ ai kiêm việc nhà?!
Và cũng vì ngày tối cứ quanh quẩn trong nhà riết thành quen cho nên bà nội tướng của tôi không thiết se sua đua đòi như đa số chị em phụ nữ khác. Cả đời nàng không hề bước chân vào mỹ viện, cũng không theo thời trang ăn mặc và cũng rất dửng dưng với đồ trang sức. Đó là một đặc tính rất hiếm hoi ở phụ nữ mà nàng đã làm tôi mừng hết già. Vòng vàng, chuỗi ngọc bông tai gì nàng cũng không tỏ ra ước muốn hay nhắc tới mỗi khi sinh nhựt nàng hay Valentine’s day. Hồi đám cưới, tôi có tặng nàng một chiếc nhẩn hột xòan nho nhỏ nhưng khi vượt biên ở đảo chúng tôi đã bán đi để tiêu xài chờ định cư. Cho tới bây giờ đã ba chục năm sau, nàng cũng không đòi tôi sắm lại cho nàng chiếc nhẫn khác dù là để làm của hay để đeo cho có với mọi người. Nàng quan niệm sự đời là vô thường theo triết lý nhà Phật, có là không, không là có, có cũng vậy, không có cũng vậy, cũng vẫn là mình với thân xác và bản chất trời sinh. Đối với nàng, vật chất xa hoa phù phiếm không quan trọng bằng đời sống tinh thần và tâm linh hướng thượng. Nàng cũng như tôi không có ai là bạn thân thiết để tâm tình mà chỉ biết dâng mình phó thác ở đấng thiêng liêng.
Tâm tính nàng do đó rất hiền hậu dễ thương, không bon chen, không ganh tị. Ai hơn thì nàng mừng cho, ai thua thì nàng tội nghiệp giùm. Đối với ai, nàng cũng nhiệt tình tốt bụng, thà mình chịu thiệt thòi một chút chớ không để người ta phiền lòng dù vẫn biết rằng ở rộng sẽ bị người cười. Có một lần đi chợ trời, trông thấy một hình tượng thiếu nữ sống động gợi cảm được bày bán, nàng hỏi giá người chủ bán bao nhiêu. Ông này là một người Hoa, tướng người cần cù khắc khổ, tuổi khỏang sáu mươi, không rành tiếng Anh mấy trả lời là 65 đồng. Bà vợ không hiểu tưởng ông chồng ra giá rẻ hơn nên trừng mắt la ông chồng là “líu xử ù” (tiếng quan thọai là 65). Nàng mới phân trần với bà ta rằng ông xã bà nói giá như bà vậy, nhưng nàng muốn trả xuống 55 đồng, hỏi bà ta chịu không. Rốt cuộc thì bà ta đồng ý bán với giá 60 và bảo ông chồng mang cái tượng ra xe cho chúng tôi.
Khi ra tới chỗ đậu, thấy ông này hì hục bê cái tượng đặt vào cốp xe rồi cẩn thận lót giẻ chêm carton cho khỏi bể, nàng bỗng chạnh lòng bèn mở bóp rút tờ 10 đồng đưa thêm cho ông ta và dặn ông ta nhớ nói lại với vợ. Lên xe, nàng hỏi tôi:
- Biết tại sao em cho ông ta thêm 10 đồng không?
Tôi đang lái xe nên ơ hờ hỏi trỏng:
- Sao?
Nàng cười cười đáp:
- Tại vì nghĩ tới công sức của người ta, muốn bán một cái tượng không phải dễ, từ nhà phải chở ra chợ, khiêng lên khiêng xuống nặng nề mấy bận rồi ngồi phơi nắng cả ngày chờ người tới mua. Mình mua đựơc món hàng ưng ý là mình đã mua được niềm vui, nhứt là đã trả được giá rẻ. Vậy thì mình cũng nên cho lại người ta một chút gì coi như đền ơn, như thế thì cái vui của mình sẽ hơn gấp bội. Và biết đâu nhờ vậy mà bà vợ ông ta hôm nay sẽ vui vẻ bớt cằn nhằn chồng một ngày.
Bà nội tướng của tôi là vậy đó. Kèo nài bớt một thêm hai cho tới được, cho hả dạ mát lòng rồi cuối cùng lại biếu thêm. Ai nói nàng dại nàng ngu thì chịu chớ không làm vậy thì nàng không thấy vui. Sẵn dịp nàng đang vui tôi xỏ xiên nàng:
- Bộ em tưởng ai cũng có tật cằn nhằn chồng như em hết hả?
Nàng tỉnh bơ đáp:
- Vậy chớ sao. Một trăm bà là hết chín mươi chín bà như vậy rồi. Chỉ còn người thứ một trăm không cằn nhằn chắc là vì… bất bình thường hoặc vì quá chán nãn muốn bỏ mặc xác ông chồng, không thèm đếm xỉa tới nữa. Bởi vậy ông nào còn được vợ cằn nhằn là phải nên mừng chớ đừng có nổi xung thiên đổ quạu. Một mai bà vợ chết rồi muốn nghe lại điệp khúc trường thiên của nàng cũng không còn đâu nữa mà nghe.
Tôi lắc đầu chịu thua lo lái xe chớ không dám đôi co gi thêm nữa để mặc nàng thích chí cười một mình. Chỉ cần làm được chút gì nho nhỏ cho người khác vui là nàng đã thấy lòng hân hoan phơi phới còn hơn được ai mời đi party tiệc tùng. Nàng không thích những nơi ồn ào náo nhiệt đông người vì ở những nơi đó nàng cảm thấy bỡ ngỡ lạc lõng làm sao. Bởi vậy, chỗ nào có “sơn đông mải võ”, chỗ nào có hội chợ, có họp hành hoặc chen lấn giành giựt là chỗ đó không có nàng đúng theo quan niệm nhàn của trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn người đến chốn lao xao”. Ở những chỗ lao xao thì trước sau gì cũng sẽ có xào xáo bởi vì cái miệng người đời khó tránh được những chuyện thị phi lời qua tiếng lại và những đố kỵ dèm pha. Thôi thà cứ núp trong vỏ sò vỏ ốc của mình sống với nội tâm và niềm vui riêng do mình tự tạo. Nàng với tôi hợp nhau ở điểm đó. Có vài người quen thấy chúng tôi cứ quanh quẩn trong nhà hòai khuyên chúng tôi thỉnh thỏang nên đi nghe nhạc giải trí hoặc đi coi đại nhạc hội cho vui thì nàng nói vô đó ngồi rủi gặp tiết mục nào không thích thì làm sao fast forward được khiến người ta cũng á khẩu làm thinh luôn.
Về phương diện nhân nghĩa, tình người thì nàng nhân nhượng thua thiệt vậy đó nhưng đụng tới đời sống thực tế họặc những gì có liên quan tới khoa học thì phải có chứng cớ, lý lẻ rành mạch hẳn hoi thì mới mong thuyết phục được nàng. Nếu không nàng sẽ cãi lý tới cùng. Cũng rắc rối khó chịu lắm chớ chẳng vừa gì. Chẳng hạn như tôi nói với nàng là có người mách cho một bài thuốc rất đơn giản, chỉ cần gạo đem rang rồi nấu nước uống hằng ngày như uống trà thì có công hiệu rất tốt cho cơ thể như ngủ ngon, giảm huyết áp, giảm mỡ vv… thì nàng hỏi lại tôi bộ miracle hả? Gạo rang hay không rang cũng là gạo, tại sao nấu cơm ăn hằng ngày thì chỉ chữa bệnh đói còn đem đi rang, cho qua lửa luyện tội lại trở thành “dược phẩm” là sao, vô lý quá vậy. Ấy vậy mà tôi cũng đòi nàng phải rang gạo nấu nước “thánh” cho tôi hết một thời gian hai ba tháng. Nàng bực mình lắm, tuy chìu ý tôi nhưng trong lòng không phục cho là what a silly vớ vẩn!
Có một thời gian, người ta đua nhau đi kiếm mua rau má đỏ con mắt, nói là rau này chữa được bệnh thấp khớp làm tôi cũng rán đi tìm cho được (vì là mùa đông nên khó kiếm chớ mùa hè thì lọai rau này mọc đầy dãy trong vườn nhổ không kịp) thì nàng bảo rau cỏ nào mà không có dược tính . Theo nàng biết thì rau má có tác dụng giải nhiệt, khi nào nóng trong người uống vô sẽ hạ hỏa nhưng nếu lạm dụng nó thì sẽ sinh hàn. Mà thấp khớp thì kỵ hàn. Uống riết chắc đi không nổi phải bò luôn. Rồi còn nhiều phương thuốc khác nữa như Lô hội, trái Nhào, đậu nành, canh dưỡng sinh gì đó lung tung, thứ nào cũng chữa bá bệnh như là thần dược. Tôi thì thứ nào cũng muốn thử coi có hiệu nghiệm không chớ nàng thì nhứt định giữ vững lập trường không là không. Nàng nói thời buổi y học tân tiến này, có biết bao là thuốc hay thầy giỏi, bệnh gì thuốc đó, chữa còn không được, ở đó mà nghe người ta bày. Muốn bào chế một viên thuốc, người ta phải nghiên cứu dung hòa bao nhiêu chất trong đó chớ đâu phải đơn giản một thứ một mà được. Phàm cái gì cũng vậy, phải có chừng mức, cứ một thứ mà tống vào cho cố xác thì có hại chớ sao. Có thể nó chữa được bệnh này nhưng lại phản ứng sinh bệnh khác, hễ có hợp thì có khắc, có lành tính thì cũng có ác tính. Vì vậy trung dung là thượng sách hơn cả, rủi ai phát giác ra là có hại thế nào đó thì mình cũng không đến đổi nào, còn trở tay kịp.
Cụ thể như một lọai cải có tên là Phi Long (English spinach) mà tất cả các giống dân âu, á, trung đông gì cũng rất ưa chuộng (nhứt là Lebanese, mua một lần cả trolley) vì nó có rất nhiều chất sắt làm tăng cường sinh lực đến đổi có một phim cartoon muốn khuyến khích trẻ con ăn vegies đã bịa ra chuyện một nhân vật tên Popye. Anh Popye này nhờ ăn thật nhiều spinach nên mới có đủ sức mạnh để đấu lại mấy thằng baddies. Đó là nói về mặt lợi ích của lọai cải này, nhưng đồng thời nó cũng có tác hại gây bệnh gout (thống phong) nếu ăn nhiều (không biết nhiều là bao nhiêu) vì nó cũng chứa hàm lượng uric acid rất cao. Như vậy thì tốt nhứt là đừng nghe ai cả mà hãy nghe chính mình. Mỗi tuần nấu canh họặc xào ăn hai ba lần là đủ liều rồi, cứ coi đó là thức ăn thôi, còn muốn làm thuốc thì để cho pharmacist họ làm, đâu có tới phiên mình. Cũng như rượu, mỗi ngày một ly nhỏ cho máu lưu thông điều hòa thì có ích cho tim mạch nhưng nếu cứ uống cạn ly đầy, rót đầy ly cạn thì sơ gan đứng tim luôn là cái chắc.
Trong suốt hơn ba mươi năm chung sống, có rất nhiều vấn đề khi bàn bạc với nhau, nàng phân tích, đưa ra những lý lẽ vững chắc hợp lý nhưng vì tự ái, tôi đã không nghe theo nàng (bụt nhà vốn không linh) đưa đến những hậu quả tai hại, nhẹ thì hư đường hư bột, cơm không lành canh không ngọt sơ sơ, còn nặng thì bếp tắt lò nguội, chiến tranh lạnh kéo dài triền miên bởi vì đã không cùng nhau nhìn về một hướng và không cùng quan điểm như nhau. Điển hình là chuyện nuôi chó. Không biết có phải vì chúng tôi có nợ dòng họ “tuất” hay sao. Sau hai lần nuôi chó, chó cha và chó con lần lượt già chết đi, cả nhà chúng tôi khóc thương hai ba tuần lễ, nhớ nhung đau khổ y như mất người thân. Bà nội tướng của tôi tuyên bố hạ lệnh là từ rày về sau không được nuôi chó nữa. Vừa tốn công tốn của lại còn hao tổn tinh thẩn, động mối thương tâm.
Lúc đó tôi và đứa con gái cũng đồng ý với nàng nhưng rồi sau một thời gian nguôi ngoai tôi lại lờn, quên hết kinh nghiệm đau thương vừa qua. Nhà hàng xóm kế bên có một con chó to đầu như con bò con mà hiền khô, mỗi lần đứng bên này ngó qua thấy nó, tôi lên tiếng kêu tên nó DJ là nó dáo dác ngó qua ngó lại kiếm coi ai kêu mình, bộ điệu thấy mà thương. Tôi nói dèm con chó của ông Paul dễ thương quá. Nghe vậy nàng chận đầu tôi nói
thôi nghe, nuôi chó cũng như nuôi con vậy, cực biết bao nhiêu, nuôi hết hai con rồi chưa tởn hay sao. Bây giờ ông đã mấp mé sáu chục, cái thân già bệnh họan tự lo còn chưa xong, lại đèo bồng thêm chó. Rồi đây ai tắm rửa, ai dẫn nó đi dạo, chở đi ty thú y khi nó bệnh họan. Chưa kể hằng ngày, ngày nào như ngày nấy nàng đều phải lo đồ ăn cho nó, rồi hốt dọn vệ sinh tẩy uế, sát trùng. Đâu phải chó không cần lo, bỏ liều bỏ lún được đâu. Thêm vào đó, kẹt với nó một đời mười mấy năm, muốn đi đâu vài ngày cũng đi không được, bất tiện phiền phức vô cùng. Bây giờ đang thong thả tự do, tội gì lại ràng buộc cho tàn đời.
Vậy mà một ngày đẹp trời, đi ngang một nhà thấy để bảng free puppies, tôi lại ghé vào và lại bồng về một con. Nàng giận lắm, lầm lầm lì lì mấy ngày nhưng thấy hai cha con tôi yêu thích quá thì nàng cũng miễn cưởng xuôi theo, ngày ngày chăm sóc nó chu đáo như những con chó trước kia mặc dầu thỉnh thỏang vẫn than thở rằng chắc kiếp trước thiếu nợ chó. Một vài năm sau, quả nhiên những gì nàng tiên đóan đều trúng phóc. Có những lần nàng bệnh, đi nhà thương cả tuần lễ, không ai nấu ăn, tôi cho nó ăn dog food, nó không chịu ăn, hoặc chỉ nhơi nhơi ăn cầm hơi. Còn tôi mỗi ngày một già, mỗi lần phải tắm nó, tôi rất ngán ngẩm, đứng lên ngồi xuống xoay trở mệt mỏi làm sao. Lúc đầu mỗi tháng tôi tắm cho nó một lần. Lần hồi thì dồn hai ba tháng, riết rồi ỏai quá thành ra chỉ còn xuân thu nhị kỳ. Lúc đó tôi ước sao có ai xin nó thì cho phứt cho rồi. Có lần nó tự làm bị thương khá nặng phải chở tới chở lui đi ty thú y mấy lần, tôi đã nảy ý định sẵn dịp này chích thuốc cho nó đi luôn nhưng bị nàng la quá trời nói rằng đã cản trước mà không nghe, tự rước nợ vào thân. Lỡ nuôi rồi thì phải nuôi cho trót. Con chó cũng có số trời định như con người, mình đâu có quyền sinh sát nó theo ý mình bất nhân như vậy được. Dẫu sao nó cũng như con cái trong nhà thì phải chạy chữa cho nó tới cùng. Chừng nào nó tới số hẳng hay. Thế là chúng tôi lại phải “phụng dưỡng” nó thêm bảy năm nữa.
Còn rất nhiều, nhiều chuyện lớn chuyện nhỏ mà nàng đã thấy trước là không ổn khuyên ngăn tôi hoặc đề nghị thế này thế nọ nhưng tôi đều gạt phăng ra để làm theo ý mình, vì nghĩ mình là gia trưởng thì có quyền định đọat dù đôi khi tôi cũng tự biết mình độc đóan độc tài không đúng. Do đó chúng tôi thường hay bất hòa tranh cãi với nhau ngay cả những chuyện tào lao không đáng gì như chuyện dạy bảo con cháu, chuyện lợi hại trong đồ ăn thức uống hay chuyện mua sắm này nọ vv.. . Hình như chúng tôi có số khắc khẩu đúng như thầy tử vi khi xưa đã phán nên nhứt nhứt chuyện nào cũng bất đồng ý kiến, hễ ông nói gà thì bà nói vịt, vừa nhập đề đã cãi lai rai.
Kẻ sinh năm thìn, người cầm tinh hổ
Khi đề huề như long hổ phong vân
Như gió mây luôn quấn quít ân cần
Khi bất đồng thành long tranh hổ đấu
Chẳng ai nhường ai, long hổ quyết đấu
Là nước lã người dưng, nàng với tôi
Công bằng lẽ phải quyết cãi tay đôi
Ai chịu nhịn khi đối phương vô lý
Tuy thường xuyên cắn đắng nhau nhưng không vì thế mà nàng thờ ơ bổn phận của nàng. Nàng vẫn lo cho tôi chu tòan từ chén cơm cái áo tới sức khỏe thậm chí cả chuyện giao tế bạn bè. Biết tôi không có nhiều bạn nên cứ vài tuần là nàng nhắc tôi gọi phone họặc gởi email thăm bạn bè để giữ liên lạc. Hôm nào đề huề vui vẻ, thấy tôi cứ mãi cắm đầu vào tờ báo, nàng còn trổi giọng Điêu Thuyền ngọt lịm “Anh à, đi nằm nghỉ một chút đi để lát nữa còn đi rước hai thằng cháu” . Có lẽ đó là chữ “tùng” trong bổn phận người vợ còn sót lại ở thế hệ nàng.
Người xưa có nói vợ chồng là nợ là oan gia cũng có phần đúng. Nhìn đi nhìn lại chung quanh mình thì đâu có bao nhiêu gia đình được ấm êm hạnh phúc trọn vẹn một lèo. Vợ hay chồng nếu không tật xấu này thì cũng chứng nọ thói kia đưa đến tình trạng gây gổ chì chiết nhau bởi con người đâu có ai hòan mỹ vẹn tòan. Không đổ vỡ là đã may mắn. Phần tôi, nếu nói hạnh phúc là dối lòng, nhưng nói không hạnh phúc thì cũng không hẳn. Thôi thì cứ cộng trừ nhơn chia rồi lấy điểm trung bình để tự an ủi. Bản thân mình đâu có hòan hảo mà muốn người khác thập tòan. Nếu biết châm chước, chấp nhận những gì xảy đến với mình trong cuộc sống hằng ngày thì sẽ thấy mình tu chín kiếp mới gặp được nàng. Rồi một đời cũng sẽ qua. Một trong hai sẽ có người đi trước để người còn lại phải ngậm ngùi tiếc thương…
Dẫu sao phu thê một ngày cũng nghĩa
Trẻ mặn nồng, già làm bạn đỡ nâng
Biết bao người khao khát một tình thân
Để chia sẻ những tháng ngày sau cuối…
© Kim Nguyên (Người Phương Nam)
© Đàn Chim Việt
nguồn:http://www.danchimviet.info/17/12/2012/ba-noi-tuong-cua-toi/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001