Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

KHẢO VỀ CÁC SÁCH TẠO TƯỢNG TRONG KHO THƯ TỊCH HÁN NÔM 
Thông báo Hán Nôm học 2012

KHẢO VỀ CÁC SÁCH TẠO TƯỢNG TRONG KHO THƯ TỊCH HÁN NÔM
Trang Thanh Hiền -  Nguyễn Xuân Diện

Nghề tạo tác tượng Phật ở Việt Nam, là một trong những nghề có truyền thống lâu đời. Cho đến ngày nay, không ai biết nghề tạc tượng có từ bao giờ nhưng chắc chắn, sự ra đời và phát triển của nó là song hành với tín ngưỡng Phật giáo nói chung. Các sách cổ về tạo tác tượng Phật ngày nay còn sót lại cũng không còn nhiều, chủ yếu là các bản in khắc chữ Hán Nôm, hiện được lưu giữ trong các kho cổ thư như Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, một số những ngôi chùa lớn còn hệ thống ván khắc như chùa Bổ Đà, chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang, chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh - các trung tâm lớn của Phật giáo Việt Nam ở thế kỷ XVII. Tuy nhiên hệ thống các văn bản thư tịch liên quan đến nghề tạo tượng thường được ghi niên đại vào TK XIX đầu TK XX.

Bài viết này hệ thống lại các bản sách này từ kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm nhằm góp phần đưa lại một cái nhìn xuyên suốt về nghề tạo tác tượng Phật và những nguyên tắc tạo tượng trong quá khứ. Dưới đây là danh sách các văn bản:
1.  Tân Biên Tam Muội Tạo Tượng Kinh (AC.646) Sách chữ Hán không có minh họa. Nhà sư Thi Hộ dịch, nhà sư Quán Viên chú giải. Bản in tại chùa Bảo Phúc, Hà Đông, niên hiệu Minh Mệnh 20 (1839). Sách 116 trang 32cm x 21cm: cách thức tạo tượng và nghi lễ sau khi hoàn thành một pho tượng.
2.  Phật Tượng Lượng Đạc Kinh (AC 136) sách chữ Hán, có 12 bản khắc tranh minh họa.
3.  Phật Thuyết Tạo Tượng Lượng Đạc Kinh, hay còn gọi là Phật Tượng Lượng Đạc Kinh. Sách này do Công Bố Tra Bố (người trong nội các triều Thanh) dịch ra chữ Hán và viết lời tựa năm Càn Long 7 (1742). Sách in tại chùa Xiển Pháp, thôn An Trạch, ở phía bên phải Văn Miếu, Hà Nội. Sách dày 168 trang khổ 30,2 cm x 21,2 cm hiện nay có 3 bản lưu tại Pháp. Nội dung nói về việc tạc tượng, 12 bức tranh tượng và các bài Phật Thuyết Tạo Tượng Lượng Đạc Kinh Giải, Tạo Tượng Lượng Đạc Kinh Tục Bổ, Tạo Tượng Lượng Đạc Kinh Trích Yếu
4.   Tạo Tượng Lượng Đạc Kinh (AC123) bản in tại chùa Xiển Pháp, thôn An Thạch, Hà Nội, 138 tr khổ 31 cm x 22 cm. Ngoài phần chữ Hán sách có thêm phần diễn Nôm và có 12 hình vẽ minh họa.
5.  Tạo Tượng Lượng Đạc Đồ Dạng (A 3104/g) sách tranh khắc minh họa gồm có 52 trang, không ghi rõ niên đại, chỉ có những chú thích bằng chữ Hán mà không có kinh văn như các cuốn khác.
6.   Diên Quang Tam Muội Tạo Tượng (A3134) Sách chữ Hán, có 72 minh họa các thế tay. Trong các phần viết của sách, đôi chỗ có chú thích bằng hình vẽ nhỏ như các mô tả về việc tạo hình chân dung tượng với các chi tiết như mắt, mũi, miệng. Sách do tổ sư chùa Bích Động soạn, chép lại năm Bảo Đại Quí Mùi (1943). Sách dày 244 trang khổ 28 cm x 16 cm. Nội dung chia làm 5 phần gồm: 1. Tân Biên Tam Muội Tạo Tượng Nghi Quĩ: nói về cách dựng tượng và hủy tượng. Bài tựa của phần này có chép thêm về niên đại như sau: Thi Hộ, đại sư Thiên trúc phụng chiếu biên soạn. Quốc sư Huệ, chùa Tường Quang núi Đông Sơn cuối đời Lý biên tập chú giải. Thiền sư Chân Nghiêm am Thụy Quang chùa Phúc Lâm ở Đại An tu hành, nay khắc in Tam Muội Nghi Quĩ, xin làm bài tựa truyền rộng khắp muôn đời sau. Ngày 16 tháng 5 Tự Đức thứ 8 Bính Thìn (1856) nhà sư Chân Thông ở huyện Đại An tổng Quy Nhuế xã Quy Nhuế sao lại nguyên văn… 2. Diên Quang Tập: nói về cách điểm nhãn. 3. An Tâm Phù Thức: nói về cách thức làm bùa an thần. 4. Thỉnh Phật An Tâm Khoa: nói về các nghi thức trong việc thỉnh Phật an tâm. 5. Thỉnh Phật An Tọa Khai Quang Khánh Tán Nghi: nói về các nghi thức tụng niệm Phật.
7.   Cổ Kim Phật Tích Lục (VHv.2360) bản viết 84 trang, 27cm x 16cm. Đây là một cuốn sách có tính chất ghi chép tổng hợp gồm các phần như văn thơ đề vịnh cảnh chùa, chú giải một số thuật ngữ Phật giáo, giới thiệu một số chùa tháp nổi tiếng ở Việt Nam, chuyện các vị cao tăng, và bài dẫn sách Tạo Tượng Lượng Đạc Kinh
8.  Như Lai An Tượng Tam Muội Nghi Quĩ: một bản viết 124 trang 31,5cm x 22cm không có tranh khắc minh họa (ký hiệu AC.127). Truyền pháp Đại sư Thi Hộ dịch ra chữ Hán, sa môn Quán Viên chú giải. In tại chùa Xiển Pháp, Hà Nội. Sách viết về việc tô tượng Phật Như Lai Kim Cương, các nghi thức rước tượng lên đàn Phật, cách trình bày đàn Phật, các câu châm ngôn và các bài ca tán tụng công đức của Phật. 2 bản sơ đồ đàn cúng Phật
9.  Như Lai Ứng Hiện Đồ: (2561) 4 bản in 2 tựa 1 chí. Ký hiệu (A.1709) Chùa Bảo Quang, huyện Quế Dương in năm Minh Mệnh 13 (1832), 90 trang 38,5cm x 19cm có 40 hình vẽ. Gồm các sách: (VHt.34) 90 trang, 41cm x 20cm, có 39 hình vẽ (có cùng ván khắc ký hiệu A. 1709). Ký hiệu (A. 2779): in năm Tự Đức 13 (1860) 74 trang 39cm x 29cm có 37 hình vẽ. Ký hiệu (A.1035): chùa Phúc Long in năm Tự Đức 10 (1857) 88 trang, 36cm x 29cm có 41 hình vẽ. Nội dung: có các bức vẽ về sự ứng hiện của Phật Như Lai từ lúc mới giáng sinh cho đến lúc thành Phật, dưới mỗi bức vẽ đều có nói về sự tích Phật.
10. Phật Thuyết Nhất Thiết Như Lai An Tượng Tam Muội Nghi Quĩ Kinh, bản in tại chùa Xiển Pháp, Hà Nội, hiện lưu tại Pháp. Sách này gồm có 3 phần: 1. Phật Thuyết Nhất Thiết Như Lai An Tượng Tam Muội Nghi Quĩ Kinh 18 trang, viết về 10 điều cần biết khi tô khắc tượng và nghi lễ rước tượng Phật lên tòa. (sách lưu tại Thư viện Hán Nôm 1 bản ký hiệu AC. 127) 2. Diên Quang Tam Muội An Tượng Nghi Khoa, gồm 10 trang viết về cách bày biện đàn cúng Phật, chủng loại, số lượng, vị trí các đồ cúng. 3. Diên Quang Tập Khai Quang An Tượng Điểm Nhãn Khánh Tán Lược Nghi Khoa gồm 86 trang có nội dung về nghi thức rước tượng lên bệ và điểm nhãn tượng Phật.
Sau khi liệt kê vài điểm nội dung chính, nhìn vào tên đề mục ta có thể thấy rằng các sách trên thường được sao chép từ cuốn này sang cuốn khác. Tuy nhiên tựu trung các sách thường đề cập đến ba loại nội dung gồm:
1. Cách thức họa và tạc các pho tượng Phật theo qui cách tỷ lệ chung cho một số tượng như Thích Ca, Adiđà, Quan Âm, Kim Cương, Hộ Pháp. Đối với mỗi loại tượng thì lại có những qui định riêng, thường dựa trên 32 diệu tướng và 80 vẻ đẹp của Phật để thực hành họa tượng hay tạc khắc. Việc họa và tạc đều phải tôn trọng nguyên tắc tung hoành cân xứng. Các đơn vị dùng để đo thường là: 4 túc = 1 chỉ = 1 ngón; 12 ngón = 1 kiệt = mặt = đầu (hiện đại); 2 kiệt = 24 ngón = 1 trửu; 5 trửu = 1 tầm = 1 thỏa (thác); 1 tầm = 120 ngón chiều cao của cơ thể và cũng bằng chiều ngang của cơ thể khi dang hết hai cánh tay. Trong số những đơn vị đo này thì đơn vị đo bằng ngón là thông dụng nhất, sau đó đến kiệt (đầu hoặc mặt).
2. Cách thức bài trí đàn cúng Phật, có sơ đồ cụ thể cho các đàn cúng.
3. Các nghi thức an tượng, điểm nhãn, các bài kinh tán tụng dùng trong nghi thức này.
Ở một số bản sách ngoài phần chữ Hán được khắc in theo nguyên bản, còn có phần được diễn Nôm bổ sung, có lẽ là để dễ nhớ và phổ biến.
Trong 10 cuốn được liệt kê kể trên có hai cuốn đáng chú ý. Đó là cuốn Phật Thuyết Tạo Tượng Tượng Đạc Kinh và cuốn Diên Quang Tam Muội Tạo Tượng. Dưới đây chúng tôi trình bày kỹ hơn về hai cuốn này.
Cuốn Phật Thuyết Tạo Tượng Lượng Đạc Kinh (AC123 -VCNHN) là một tập hợp gồm 138 trang gồm 2 bài tựa 1 bài dẫn và 12 hình vẽ. Trong cuốn sách này có bài: Phật Thuyết Tạo Tượng Độ Lượng Kinh, Phật Thuyết Lượng Độ Kinh Giải và bài Tạo Tượng Độ Lượng Kinh Tục Bổ. Cuối văn bản này còn có Tạo Tượng Lượng Độ Kinh Trích Yếu Phật Tượng Diễn Âm và bài viết tay Tạo Tượng Độ Lượng Kinh Hậu Dẫn. Cuốn Phật Thuyết Tạo Tượng Lượng Đạc Kinh có thể xem là cuốn sách đầy đủ nhất về cách thức tạo tác tượng Phật. Bên cạnh các tỉ lệ được đưa ra, các cuốn sách này cũng được xem như một thứ kinh truyền bởi ở một số cuốn sách có thêm phần kinh tụng khi an tượng, hay các đàn cúng Phật. Các nghi lễ này chủ yếu do các nhà sư thực hành chứ không phải các thợ tạo tượng. Điều này giải thích cho việc các cuốn sách này được in, sao, tàng bản trong các chùa.
Điều đáng chú ý là các chuẩn tắc tỷ lệ được nhắc đến trong các sách không chỉ đơn thuần dùng riêng cho việc tạc tượng, mà còn dùng để nói về việc vẽ họa tượng Phật nói chung (tranh vẽ Phật). Do đó trong từng đoạn kinh mới có sự phân biệt giữa họa tượng và ngẫu tượng (thai ngẫu), mặc dầu nguyên tắc, số đo thì là một. Riêng thai ngẫu tức là làm tượng tròn có khối, có không gian thì luôn luôn các tỷ lệ đều được cộng thêm vào nửa ngón. Trong các chỉ dẫn, phân tích các chi tiết từ mặt tượng, đến thân thể, chân tay, nếu đạc họa thì theo một lối, thì tượng đều được tính đến cả độ lồi lõm. Ngoài ra với họa tượng người ta còn nhấn mạnh đến màu sắc, sắc thái của Phật tướng. Các phép tắc đó cũng có thể dùng để nhuận sắc của tượng Phật. Đối với các tượng Phật Việt Nam điều này ít được ứng dụng hơn.
Trong số những vấn đề được đưa ra, tỷ lệ tạo tượng có thể xem là vấn đề cốt tử trong việc tạo hình. Từ việc khảo sát các sách kể trên, ta có thể thấy rằng các tỷ lệ được sử dụng trong các sách tạo tượng, chủ yếu là sử dụng đơn vị đo của Đông Y. Các đơn vị đo như ngón, thốn, túc, cũng là tỷ lệ đo đạc trong thực hành Đông Y, tuy có thêm rất nhiều các thuật ngữ mới, nhưng cơ bản cách đo là giống nhau. Có lẽ do vậy nên, ngay trong bài dẫn sách Tạo Tượng Lượng Đạc Kinh, khi nói về ông tổ của nghề tạc tượng người ta lại nhắc đến việc tu sửa lại bức tượng châm cứu, như một sự chứng tỏ tay nghề cao của việc tạc tượng.
Khi khảo về tỷ lệ được đưa ra trong các sách, chúng tôi nhận thấy dường như có hai hệ thống thuật ngữ đơn vị tạo tác tượng Phật. Một là những thuật ngữ: túc, ngón, kiệt, tầm, thỏa, thác có mặt ở cuốn Tạo Tượng Lượng Đạc Kinh và hầu hết các cuốn sách khác sao chép theo nó. Một hệ thống thuật ngữ khác lại được sử dụng trong sách chép tay Diên Quang Tam Muội Tạo Tượng với thuật ngữ là thốn, diện, xích. Cuốn sách này cũng lại là sách tổng hợp từ rất nhiều các cuốn sách tạo tượng và thể hiện đầy đủ cả ba nội dung kể trên. Đồng thời, một số chỗ xác định tỷ lệ tượng cũng khác hẳn. Đây là một vấn đề rất đáng lưu ý.
Để chi tiết các số đo tượng Phật trong các sách cho dễ so sánh tìm hiểu, chúng tôi thiết lập 2 bảng sau (R: rộng, D: dài):
BẢNG TỶ LỆ TẠO TƯỢNG SÁCH PHẬT THUYẾT TẠO TƯỢNG LƯỢNG ĐẠC KINH
Các phần của sách
Phật Thuyết Lượng Độ Kinh Giải
Tạo Tượng Lượng Độ Kinh Tục Bổ
Tạo Tượng Lượng Độ Kinh Trích Yếu
Thể loại tượng
Tượng Phật
Tượng Bồ Tát
Tượng Phật
Cao
120 ngón = 10 kiệt = 1 tầm
120 ngón (thứ nhân 84 ngón)
120 ngón
Dọc mặt
12,5 ngón
12,5 ngón

Ngang mặt

10 ngón

Nhục kế
4 ngón
Búi tóc = 8 ngón

Nhục kế - chân tóc
4 ngón


Trán/ mũi/ cằm
4 ngón

4 ngón
Miệng
R: 4 ngón


Mũi
R: 2 ngón
R: 2 ngón

Mắt

D: 3 ngón, R: 1 ngón

Tai


D: 4,5 ngón + Thùy châu 5 ngón; R: 2 ngón
Bạch ngọc hào


1,5 ngón
Cằm – Vai


4 ngón
Ngang thân
2 kiệt = 24 ngón


Dày thân
1 kiệt = 12 ngón
10 ngón

Vai – Vú
1 kiệt nửa ngón = 12,5 ngón

12 ngón
Vú – Rốn
1 kiệt nửa ngón = 12,5 ngón

12 ngón
Rốn – Âm nang


12 ngón
Âm nang – bẹn


4 ngón
Bẹn – bánh chè (đùi)
2 kiệt = 24 ngón
2 kiệt = 24 ngón
24 ngón
Bánh chè


4 ngón
Bánh chè - mắt cá (cẳng chân)
2 kiệt = 24 ngón
2 kiệt = 24 ngón
24 ngón
Mắt cá – bàn chân


4 ngón
Cánh tay trên
20 ngón
18 ngón
20 ngón
Cánh tay dưới
16 ngón
14 ngón
16 ngón
Bàn tay

12 ngón


BẢNG TỶ LỆ TẠO TƯỢNG SÁCH DIÊN QUANG TAM MUỘI TẠO TƯỢNG KINH

Cao Ngồi
1 Xích 4 thốn (trừ 2 thốn còn 4 diện)
Cao Đứng
7 diện
Mặt
3 thốn
Ngang vai
2 diện
Dày thân
1 diện
Cẳng chân
2 diện
Bành chân (đầu gối này sang đầu gối kia tượng ngồi)
3 diện
Ngang gối ngồi Hiền Tọa
1,5 diện

Nhìn vào các bảng tỷ lệ này thì thấy rằng tỷ lệ được ghi chép trong cuốn Phật Thuyết Tạo Tượng Lượng Đạc Kinh là hết sức tỷ mỉ. Trong khi đó tỷ lệ ở cuốn Diên Quang Tam Muội Tạo Tượng lại hết sức khái quát, chỉ có vài tỷ lệ căn bản.
Trở lại với vấn đề về sự khác biệt của các thuật ngữ đơn vị đo. Theo ghi chép niên đại ở sách Diên Quang Tam Muội Tạo Tượng Kinh, thì đây là bản sao chép lại qua rất nhiều đời khác nhau muộn nhất là thời Bảo Đại Quí Mùi (1943) và năm Bính Thìn thời Tự Đức (1856) nhưng chép nguyên văn từ một bản tạo tượng đời Lý. Đối chiếu lại các văn bản ghi về tượng Phật như văn bia đời Lý nói về tượng Adiđà chùa Phật Tích “pho tượng mình vàng cao 6 xích”. Chữ xích ở văn bia này và thuật ngữ đơn vị xích trong sách trên có thể xem là tương đồng. Ngoài ra, hiện nay ở các làng nghề, ta vẫn thấy các nghệ nhân dùng thuật ngữ đo là diệnthốn, không thấy họ nhắc đến các thuật ngữ như kiệt, tầm, thỏa, thác… Thuật ngữ xích có phần ít dùng hơn. Chi tiết khác ở cuốn Phật Thuyết Tạo Tượng Lượng Đạc Kinh mà chúng tôi đọc được có một đoạn nhỏ dịch chú thích từ đơn vị trượng, xích, thốn sang tầm, ngón.
Từ các chi tiết, ghi chép này, chúng tôi đưa ra giả thiết rằng cuốn sách này là sách của người Việt, chép lại từ lối làm tượng của người Việt, do đó có phần khác biệt với các cuốn khác. Chi tiết sách ghi là chép lại nguyên văn từ một cuốn tạo tượng đời Lý, cũng có phần đáng tin. Sách này mặc dầu không có phần minh họa các tượng Phật, nhưng lại có thêm các minh họa 72 thế tay làm phép, ấn quyết, trình độ vẽ cũng khá sảo hoạt. Trước phần vẽ các thế tay, sách còn chép thêm một đoạn kinh Đà La Ni, tức kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn thuộc phái Mật Tông. Như vậy, nhìn vào phần kinh văn và phần hình vẽ, có thể đây là cuốn sách của người Việt được chép lại và lưu truyền. Còn các cuốn sách khác như Phật Thuyết Tạo Tượng Lượng Đạc Kinh trên đây, có thể là sách người Việt chép lại từ sách của Trung Quốc.
Từ việc nghiên cứu các tỷ lệ được nhắc đến trong các sách, chúng tôi có đôi chiếu với các tỷ lệ hiện nay đang được sử dụng trong các làng nghề điêu khắc Phật giáo ở Việt Nam như các làng: Sơn Đồng, Chàng Sơn (Hà Tây cũ), Bảo Hà (Hà Cầu, Đồng Minh, Hải Phòng) thì thấy rằng, các công thức được thành ngữ hóa như: “Tọa Tứ, Lập Thất” (tượng ngồi có tỷ lệ bằng bốn đầu, tượng đứng có tỷ lệ bằng bảy đầu), “nhất diện phân lưỡng kiên” (một mặt bằng chia đôi của hai vai), “trường diện tam trùng” (tỷ lệ mặt chia làm ba phần chính) hầu như cũng được tìm thấy trong sách Diên Quang Tam Muội tạo tượng kinh. Thậm chí công thức dạng thành ngữ “Tọa Tứ Lập Thất” có được ghi trong sách này. Về mặt đại thể công thức giữa các sách là như nhau, sự khác nhau chỉ là tiểu tiết. Điều quan trọng hơn là thuật ngữ đơn vị đo hiện nay được sử dụng trong các làng nghề phần nhiều lại là đơn vị trùng với đơn vị ở Diên Quang Tam Muội Tạo Tượng  như: Diện, Thốn. Thuật ngữ Xích không thấy dùng, nhưng cũng không dùng các dạng đơn vị đo như kiệt, tầm, thỏa, thác.
Theo các khảo sát gần đây của chúng tôi cũng như khảo sát từ năm 2000 của PGS. Chu Quang Trứ ở làng nghề Sơn Đồng, các cụ đều cho biết các công thức này được rút ra từ cuốn Diên Quang Tam Muội Tạo Tượng, mặc dầu cho đến ngày nay các làng nghề tạo tượng Phật không còn lưu giữ bất cứ cuốn sách nào về tạo tượng. Họ cũng cho biết, để có được một pho tượng hay, đẹp thì công thức tỷ lệ chỉ là một phần, cái tâm, cái tài của người thợ khắc còn có ý nghĩa quyết định hơn. Do đó ở các làng nghề điêu khắc Phật giáo Việt Nam, ngoài các công thức trên còn lưu truyền câu thành ngữ: “Dĩ tâm định vi cốt tượng”, tức lấy cái tâm của mình để tạo tác. Đồng thời học dùng sự quan sát của mình để làm tượng. Đặc biệt là trong việc tạo tác chân dung tượng. Các tượng Phật Việt, dường như không cố để đạt đến tính lý tưởng hóa trong tạo hình chân dung, mà tìm đến sự gần gũi thân cận. Do đó rất nhiều chân dung các vị Phật ở các chùa Việt được các nhà nghiên cứu nhận xét là như thoáng gặp đâu đó trong cuộc sống đời thường.
Trở lại với hệ thống các sách tạo tượng kể trên, chúng tôi cho rằng trong lịch sử tạo tượng Phật ở Việt Nam đã có sự tiếp nhận các nguồn sách khác nhau. Các sách Phật thuyết tạo tượng lượng độ kinh và các bản sao của chúng là sách được nhập vào Việt Nam rất muộn (theo như niên đại tàng bản tức khoảng cuối TK XVIII – đầu TK XIX). Đây cũng chỉ là một nguồn sách tham khảo chủ yếu về mặt hình ảnh. Cũng có một số sách được diễn Nôm, dịch ra đối chiếu với các nguyên tắc tỷ lệ của sách Diên Quang. Việc tham khảo hình ảnh này là điều cần thiết để các nghệ nhân có thể nắm bắt được hình thái pho tượng. Do đó mới có cuốn Tạo tượng lượng đạc đồ dạng là sách chỉ có hình vẽ mà không có kinh văn. Việc nhập vào muộn và không hẳn trở thành cẩm nang của các làng nghề còn một bằng chứng nữa là: trong các sách Phật Thuyết, người ta nhìn thấy cả các bản minh họa tượng Minh Vương. Tượng này là tượng của Tây Tạng, không có mặt trong các điện thờ của người Việt.
Sách tồn tại và cũng là sách đóng góp chủ yếu vào nghệ thuật tạo tác tượng của người Việt có lẽ chính là sách Diên Quang Tam Muội tạo tượng. Mặc dầu niên đại Lý mà cuốn sách chép lại dù khá xa trong các lớp niên đại được đưa ra, nhưng ít ra cũng cho thấy cuốn sách này đã được lưu truyền rất nhiều đời. Do đó cuốn sách này theo chúng tôi chính là sách của người Việt chép và lưu truyền công thức tạc tượng của người Việt. Khi nguồn sách trên được du nhập, người Việt đã bổ sung chúng vào việc tạo tác tượng Phật như một nguồn tham khảo, trong khi đó vẫn bảo lưu các công thức đã được thực hành từ trước đó./.
T.T.H & N.X.D

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001