Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Nguyễn Đại - Quan Làm Báo và tôi, chị Từ Huy và anh Đông La

Nguyễn Đại
1. Khoảng tháng 7 vừa rồi, có người hỏi tôi biết Kami là ai không (không!), có liên hệ gì với Kami không (không!), và tại sao Lê Nguyên Hồng viết tôi chính là Kami (không biết!). Tôi thấy lạ nên lên mạng xem thì quả có bài viết như vậy. Bài viết này được quanlambao trích nguồn từ trang blog của anh Lê Nguyên Hồng, theo link
http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:http://quanlambao.blogspot.com/p/canh-bao.html
Đọc cũng thấy vui vui, nhất là thông tin “thuê xe ôm theo dõi hàng ngày”. Anh Hồng quả là chúa hài hước. Nhưng tôi không hề có ý định viết bài tranh luận, vì 2 lý do:
- Cái câu chuyện quá vô lý. Nó vô lý đến độ như một tiểu phẩm hài. Để cười chứ không phải để tranh luận.
- Thời gian đó tôi có rất nhiều chuyện phải làm, vợ thì mới mang thai. Tôi lại bị dính vào nghiện ngập… cờ tướng. Ai nghiện cái này mới biết, nhiều khi đi sai một nước làm thua oan ván cờ mà cả đêm tức không ngủ được.
Thế rồi do chỉ thị 7169, quanlambao trở nên nổi tiếng. Dân Việt Nam mình, cái gì càng cấm càng tò mò. Hết ngày này sang ngày khác, bạn bè, người thân gọi tới tấp. Người thì chửi mình là đồ phản động, người thì lại xuýt xoa “cha, làm an ninh chìm, ghê vậy ta”. Lại tò mò vào thì thấy một loạt bài nội dung “Nguyễn Đại là Kami, là an ninh mạng…” được quanlambao liên tiếp đưa lên, hầu như bài nào cũng có hình của tôi. Có một chút buồn là trang tôi ưa thích - anhbasam - cũng đăng bài này.
http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:http://anhbasam.wordpress.com/2012/09/01/1233-dua-ra-anh-sang-cong-luan-mot-truong-hop-lam-gian-diep-dan-chu-kami/
Tôi vẫn không hề có ý định thanh minh gì chuyện này. Tuy nhiên, nhờ chịu khó đọc lại (thói quen bị mất từ khi mê tướng sĩ tượng), tôi lại có chuyện để viết. Câu chuyện chị Từ Huy và anh Đông La.
2. Tôi “biết” chị Từ Huy từ lâu lắm rồi, hồi báo Thể thao văn hóa phỏng vấn chị. Bẵng một thời gian dài, tôi “gặp” lại chị từ những trang “Nhật ký Từ Huy” đầy ắp tình người, những trang nhật ký khiến nhà giáo Phạm Toàn phải bật khóc. Rồi hình ảnh chị trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc… Về sau, tôi có gặp chị trong hội thảo về giáo dục do nhóm Cánh Buồm tổ chức. Nói thật là tôi yêu quý chị Từ Huy vô cùng. Nếu nói “văn là người” thì chị đẹp từ nhân cách đến ngôn ngữ, từ đạo đức đến tâm hồn. Bài viết gần đây của chị là “trao đổi với Đông La”. Tôi đọc và tò mò không biết Đông La là ai mà lại chửi cả một tập thể các trí thức hàng đầu Việt Nam là “trí thức bầy đàn”, và chửi chị Từ Huy là “ăn cháo đá bát”. Qua blog Đông La để xem. Nổi bật ngay trang chủ là mấy dòng gửi bạn đọc, với câu gây chú ý cho tôi “Còn về tri thức, ai tự tin thấy mình đúng hãy cứ phản bác, viết bài gởi cho tôi, tôi sẽ đăng ngay, còn đăng ở những nơi khác, tôi không coi đâu”. Đã dị ứng với những tay viết “mang dòng máu đỏ”, lại càng dị ứng hơn với sự kiêu ngạo của ông Đông La này, tôi bỏ ra mấy đêm liền để đọc hắn, (đêm nào vợ cũng phải nhắc đi ngủ sớm) và tôi thở dài “gã này giỏi thật chứ không phải đùa”. Tôi biết mình dốt, không phải đối thủ của hắn về học thuật. Ngoài những bài thể hiện quan điểm cá nhân cần xem lại, các bài viết về Mác, về Kant phải công nhận hắn lý luận chặt chẽ, dẫn chứng rõ ràng. Tuy nhiên...
3. Tôi cho rằng, dù có ghét nhau đến mấy chăng nữa thì khi tranh luận, vẫn phải xưng hô hợp đạo. Tuy rất nghi ngờ những gì người ta ca ngợi ông Hồ Chí Minh, tôi không bao giờ đồng ý với những comment chửi ông là “thằng này, thằng nọ”. Cũng rất đáng xấu hổ khi một công dân trẻ tuổi lại gọi (trên mạng) một ông lãnh đạo (dù ông ta có tham, có dốt chăng nữa) bằng “thằng”. Thế mà anh Đông La đã viết “thằng Phạm Toàn”, với lý do là “viết như vậy thì chưa xứng đáng gọi bằng thằng”. Choáng thật! Tôi nghĩ thế này, bác Phạm Toàn có thể sai hoàn toàn (cũng có thể đúng nhưng sai với riêng anh Đông La), có thể trái ý anh Đông La hoàn toàn, nhưng bác Phạm Toàn sinh năm 1932, nhỏ hơn cụ sinh ra anh Đông La 10 tuổi mà chỉ vì bất đồng quan điểm, anh gọi bác ấy bằng thằng thì thật là… Trong khi đó, xuyên suốt bài viết của mình, tôi không hề thấy chị Từ Huy dùng một từ ngữ xúc phạm với anh Đông La cả. Về trình độ, chị Từ Huy và anh Đông La có thể một chín một mười; nhưng về văn hóa là một sự khác biệt rất lớn.
4. Quay lại mấy mấy dòng gửi bạn đọc của anh Đông La, tôi thấy đầy những ngôn từ “chúng mày”, “tao”, “lũ sâu bọ, rắn rết”, “bọn dốt ác”… Sao vậy nhỉ? Viết blog để gửi gắm các suy nghĩ của mình, để tranh luận thì sao lại hằn học, cay nghiệt đến như thế! Xuyên suốt các bài viết của anh về Giáo sư Huệ Chi, về chị Từ Huy, về nhà văn Trần Mạnh Hảo… hình như mục đích tranh luận để cùng sáng ra thì ít, mà mục đích cay cú, miệt thị nhau thì nhiều. Nghe rất máu me, rất “ăn thua đủ”. Như trường hợp giáo sư Huệ Chi nhầm lẫn về chuyện vận tốc con ruồi trong xe chẳng hạn. Thật ra, bác Huệ Chi là giáo sư về văn chương, kiến thức khoa học tự nhiên của bác ấy không thể bằng anh được. Vậy cái tư duy “máu me” đó của anh Đông La ở đâu ra? Tôi cho rằng anh Đông La chưa biết chấp nhận sự khác biệt. Thời đại này, nói như chị Từ Huy, dù muốn dù không thì ta phải chấp nhận sự khác biệt, chấp nhận tính đa nguyên. Vì biết chấp nhận nó, ta thấy phản hồi của chị Từ Huy có văn phong khác hẳn.
5. Nói đến sự khác biệt lại bàn về mấy cái vụ ký tên đề nghị trả tự do người bị bắt. Sau vụ Phương Uyên, gần đây có một vụ án giết người cũng có nhiều người đề nghị trả tự do cho hung thủ (vì em này bảo vệ bạn gái bị nhiều kẻ xấu tấn công). Tôi dám chắc không có ai trong những người này bị công an hỏi “tại sao đề nghị”. Phương Uyên bị tạm giam (chưa bị coi là có tội), hung thủ kia cũng vậy. Vậy tại sao việc bạn đọc ký tên đề nghị trả tự do cho hung thủ là việc bình thường, còn chuyện trí thức đề nghị trả tự do cho Phương Uyên, anh Đông La lại nâng quan điểm lên rất ghê, xúc phạm họ tùm lum. Cô bé Phương Uyên kia còn chưa bị coi là có tội mà anh Đông La đã phán luôn “như vậy là phạm pháp bầy đàn”. Về triết học, về văn chương anh Đông La giỏi bao nhiêu thì về pháp luật anh lại mơ hồ bấy nhiêu. Anh Đông La phải hiểu rằng mai đây nếu hung thủ kia hoặc cô Phương Uyên kia bị tuyên có tội thì việc đề nghị trả tự do cho họ vào lúc này vẫn hợp pháp. Mà thậm chí sau khi tòa tuyên bố có tội, ai đó vẫn tiếp tục đề nghị thả tự do cho hung thủ kia hoặc Phương Uyên thì việc đề nghị đó vẫn hoàn toàn hợp pháp. Nói ngoài lề một chút, như cái bà Liễu đốt chồng, có bà nào dở hơi cho rằng bà Liễu vô tội thì bà ấy vẫn chẳng bị ai “hỏi thăm”, cũng chẳng bị ai bắt cả! Nhưng bà ấy mà đốt chồng thì “lên đường” ngay.
6. Cái chuyện vì sự khác biệt quan điểm mà anh Đông La chửi cả bậc cha chú bằng “thằng” thật ra là một chuyện nhức nhối của xã hội Việt Nam. Chúng ta được dạy chửi “thằng Mỹ”, “thằng Diệm”, “thằng Thiệu”. Chúng ta được dạy chửi “thằng địa chủ”, còn cậu bé con nông dân được gọi bằng ông/bà. Dần dần, chúng ta hình thành thói quen ai bất đồng quan điểm với ta là “kẻ địch” hết. Mà đã là kẻ địch thì cái gì cũng xấu, cũng đáng xóa bỏ. May mắn là tôi không bị nhiễm cái thói xấu đó. Hồi tôi tham gia diễn đàn x-café, tôi thích cái tiêu chí của diễn đàn này là “tôn trọng sự khác biệt”. Có nghĩa là nó không chống cộng cũng không chống “chống cộng”. Nó “phản động” (trong ngoặc kép) thì rõ rồi, nhưng nó lại cho phép ai đó bày tỏ sự yêu thích chế độ. Việc có một blog của anh Đông La cũng là một điều rất đáng mừng. Nó là dấu hiện cho thấy các bên chấp nhận cuộc chơi đa nguyên. Trước đến nay, để phản lại các trang phản biện, thường chỉ có một số comment lẻ tẻ mà đa số rất nhảm nhí. Nếu không thì là các bài viết trên các báo CAND, QĐND mà chúng ta cũng rất ít đọc. Bây giờ thì sao, chúng ta hình dung một bài viết của anh Đông La, một phản hồi của chị Từ Huy… các bậc cao nhân thi thố nhau và chúng ta đứng dưới ngước lên học hỏi. Thật thú vị phải không? Nhưng điều này chỉ có được nếu anh Đông La dẹp bỏ cái “cay cú, cái máu me ăn thua” thì mới được. Không thì chắc chị Từ Huy chẳng thèm tranh luận với anh.
7. Quay lại chuyện quanlambao (QLB), phải nói thật là các thông tin đưa ra hết sức lộn xộn, thiếu logic. Tôi đang ở Việt Nam lại sang “cù bơ cù bất ở Thái Lan”. Ngày hôm nay Nguyễn Đại chính là Kami thì hôm sau Kami là Dương Đắc Giu. Rồi phân công QLB đánh thủ tướng, Kami (Nguyễn Đại) đánh… Tư Sang. Cái chỗ này QLB trật mất rồi. Trước đây, ông Trương Tấn Sang là một trong 4 người tôi thích nhất trong nhóm lãnh đạo Việt Nam. Ngoài Trương Tấn Sang, còn 3 người là Hồ Đức Việt, Nguyễn Bá Thanh và Nguyễn Chí Vịnh. Quan điểm này tôi cũng nói thẳng trước cuộc bầu cử năm ngoái. Thích là thích vậy thôi, hoàn toàn theo cảm tính. Trương Tấn Sang thì trông vẫn còn chất “nhà quê”, có nét chân phương, đáng tin cậy. Nguyễn Chí Vịnh thì có mái tóc hoa râm đẹp, trông sang trông và uy nghi. Hồ Đức Việt thì dòng dõi thế gia (cháu nội ông Hồ Tùng Mậu) trình độ cao, tiến sỹ toán – cơ. Riêng Nguyễn Bá Thanh thì thích cái máu võ biền của ông ấy. Trong 4 người thì rốt cuộc còn một mình Trương Tấn Sang ở trong Bộ Chính Trị đợt này… Tuy nhiên, để kết thúc bài viết, tôi vẫn cần cám ơn QLB đã tạo cho tôi thói quen đọc lại. Đồng thời, cám ơn chị Từ Huy và anh Đông La “máu me” tạo cảm hứng để tôi viết bài báo này.
Nguyễn Đại (11h30 ngày 16/12/2012)
Admin gửi hôm Thứ Hai, 17/12/2012          
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20121216/nguyen-dai-quan-lam-bao-va-toi-chi-tu-huy-va-anh-dong-la
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001