Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Tầm Xuân - PGS, TS Hà Nguyên Cát muốn gì?!

Tầm Xuân
Lời nói đầu:

Đã từ khá lâu, báo QĐND mở chuyên mục "Chính luận" công khai, với mục đích chủ đạo là "làm thất bại chiến lược "Diễn biến hòa bình"". Đã công khai thì tức là chấp nhận, thậm chí hoan nghênh sự phê phán. Trước hành động đó, tôi cố gắng xét lại từng bài viết có tính chiến đấu trong chuyên mục này, để những ai quan tâm có thêm một cứ liệu giúp củng cố tri thức của mình về thời cuộc.
Ngày 16/12/2012, PGS, TS Hà Nguyên Cát có bài "Tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của ĐCSVN":
Sau khi liệt kê một số cáo buộc của "các thế lực thù địch", ông Cát hứa hẹn đưa ra "những căn cứ lịch sử, chính trị và pháp lý không thể phủ nhận" để bác bỏ.
Căn cứ đầu tiên là tính chính đáng cầm quyền của đảng. Logic của ông Cát là thế này: quá khứ đã cầm quyền, hiện tại cũng cầm quyền, thế thì tương lai vẫn sẽ cầm quyền. Ông Cát lặp lại cái logic của các nhà kinh tế học mà Marx đã phê phán: CNTB đã xuất hiện và thống trị, đang tồn tại và thống trị, thì sẽ mãi tồn tại và thống trị. Vậy là từ bây giờ không còn lịch sử nữa! (Marx).
Ông bảo tính chính đáng cầm quyền của đảng "là sự lựa chọn lịch sử, được nhân dân thừa nhận". Nhưng lịch sử chính lại bao gồm cả cái mà các ông gọi là "diễn biến hòa bình", "các thế lực thù địch", "các phần tử và tổ chức phản động", và bộ phận không nhỏ người Việt trong và ngoài nước đã chán ngấy các ông, chứ lịch sử không chỉ có một mình "đảng ta". Theo quan điểm duy vật-lịch sử của Marx thì hiến pháp chỉ là sự thừa nhận hiện thực lịch sử, tức là hiện thực lịch sử vận động không ngừng thì hiến pháp cũng phải thay đổi không ngừng cho phù hợp. Nhưng ông Cát muốn điều ngược lại, muốn đóng đinh hiện thực lịch sử, muốn hiện thực lịch sử phải thừa nhận, tuân theo hiến pháp của các ông.
Căn cứ thứ hai là tính giai cấp của đảng và của hiến pháp. Ông đả kích người khác chỉ nhìn vào hiện tượng mà phớt lờ bản chất. Hiện thực là các ông suốt ngày kêu gọi "đoàn kết dân tộc", quên đi sự phân chia giai cấp trong xã hội. Hiện thực là các ông e sợ, ngại ngùng, né tránh đấu tranh giai cấp, muốn điều hòa quan hệ giai cấp. Hiện thực là giai cấp công nhân nói riêng, và liên minh công-nông nói chung, dưới sự lãnh đạo của các ông thì đều mờ nhạt, yếu ớt, cùng khổ. Nếu ông Cát không biết hoặc đã quên thì xin nhắc ông là mới đây, Bí thư TP Hồ Chí Minh - ông Lê Thanh Hải - "bước đầu" bàn chuyện đưa công nhân lên làm lãnh đạo, quản lý; không những thế còn coi chuyện tưởng như là hiển nhiên, là nghĩa vụ xuất phát từ "tính giai cấp" của "đảng ta" ấy là chuyện "chưa có tiền lệ"! Marx và Engels đã không ít lần khẳng định rằng sự nghiệp giải phóng công nhân phải do công nhân tự giành lấy, không ít lần đòi hỏi "đảng viên" phải học tập chính công nhân. Bây giờ các ông đảo lộn tất cả. Quần chúng của các ông đại đa số là vô sản-lưu manh, như quần chúng của Louis Bonaparte trong "Ngày 18 tháng Sương mù", chứ không phải vô sản-cách mạng. Đó chính là bản chất, là thực tế, còn cái Điều 4 hiến pháp nói riêng và những lời tự phong của các ông nói chung mới là hiện tượng.
Căn cứ thứ ba là quyền tự quyết của một dân tộc về chế độ chính trị. Căn cứ này trở thành vô nghĩa bởi ở Việt Nam, tiếng nói của dùi cui và họng súng lên tiếng chứ không phải tiếng nói của dân tộc. Cái gọi là chế độ hay nhà nước "kiểu mới" của các ông là hoàn toàn xa lạ với Marx. Bởi vì khi cổ súy, bồi dưỡng các đảng cộng sản thì tất nhiên Marx thừa nhận hình thức tổ chức "đảng" đã có ở Anh, Pháp, Mỹ,... lúc bấy giờ; tức là Marx thừa nhận chế độ đa đảng. Từ "đảng" chỉ có ý nghĩa trong chế độ đa đảng, cũng như từ "giai cấp" chỉ có ý nghĩa trong xã hội còn phân chia giai cấp hay đa giai cấp. Cái chế độ độc đảng của các ông xứng đáng với lời than thở của Marx: "Tôi gieo nhân rồng, nhưng toàn thu về bọ chét!".
Tất nhiên, ông Cát có thể bỏ ngoài tai mọi "lời mách bảo của cuộc sống" để mà hô hào "chúng ta cần thống nhất cao, tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của ĐCSVN đối với Nhà nước và toàn xã hội". Lời hô hào ấy chính là lời thú nhận rằng các ông đang không thống nhất, rằng các ông không thể sang-trọng-hùng-dũng mà bước đều bước, cũng như thầy phủ thủy mang tên "độc đảng" không thể trị nổi đội âm binh gồm đảng viên và vô sản-lưu manh mà mình triệu lên.
Mọi người đều biết cái gọi là "CNTB-nhà nước" của Lenin, cái mà mong muốn lợi dụng lòng tham của chủ tư bản, mong muốn đổi tài nguyên lấy công nghệ. Nhưng sự thật là lòng tham của đảng viên cộng sản đã bị lợi dụng, sự thật là tài nguyên đã mất còn công nghệ không tiếp thu được.
Vậy thưa PGS, TS Hà Nguyên Cát, với những lời lẽ "thét ra lửa" nhưng sáo rỗng như thế, ông thực sự muốn gì?!
Hà Nội, 17/12/2012
Tầm Xuân
PS: Tôi biết có nhiều đảng viên lão thành, cựu chiến binh chỉ vì nuối tiếc quá khứ mà mong muốn duy trì sự lãnh đạo của ĐCSVN một cách duy ý chí. Nếu các ông còn là người cộng sản, thì các ông phải nhớ câu này của Marx: Một cái kết đau buồn còn hơn là một sự đau buồn không có hồi kết!
(Innova thêm vào theo ý tác giả, qua comment).
_____________________________________
Phụ lục
Chính luận
Làm thất bại chiến lược "Diễn biến hòa bình": Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992

Tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

QĐND - Chủ Nhật, 16/12/2012, 22:55 (GMT+7)
QĐND - Mưu đồ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đối với Nhà nước CHXHCN Việt Nam và toàn xã hội luôn được các thế lực thù địch đặt lên hàng đầu trong thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, nhằm xóa bỏ thành quả cách mạng, hướng lái Việt Nam theo con đường của chủ nghĩa tư bản. Đặc biệt hiện nay, các thế lực thù địch đang ráo riết lợi dụng đợt sinh hoạt dân chủ lấy ý kiến đóng góp của nhân dân sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 được tiến hành vào quý I năm 2013, để tung ra nhiều luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ Đảng ta. Mưu đồ của họ là tạo sự nghi ngờ, mất lòng tin, dẫn đến đối lập với Đảng, đòi bỏ Điều 4 trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, quy định về vai trò lãnh đạo của ĐCSVN đối với Nhà nước CHXHCN Việt Nam và toàn xã hội.
Có thể dẫn ra nhiều luận điệu mà các thế lực thù địch đang hằng ngày, hằng giờ tung ra trên các diễn đàn, nhất là trên mạng internet, để tuyên truyền chống phá, nhằm mục tiêu xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp nước ta. Chẳng hạn họ cho rằng, Điều 4 Hiến pháp năm 1992 là “phá hỏng nền tảng của chính bản thân hiến pháp”. Để bảo vệ luận điệu này, họ đã viện dẫn Điều 2 và Điều 83 để xuyên tạc một cách ngụy biện và cho rằng, Điều 4 của Hiến pháp nước ta “khẳng định ĐCSVN lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội, tức là theo chế độ đảng trị = đảng chủ...”. Hơn thế, họ còn cho rằng, “thể chế Việt Nam hiện nay là không phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, chế độ một đảng lãnh đạo, cầm quyền là trái với nguyên tắc nhà nước pháp quyền...”; và “Điều 4 biểu hiện sự toàn trị, chứ không phải lãnh đạo”; “Thực chất là ĐCS muốn bám lấy quyền lực để bảo vệ đặc quyền, đặc lợi kinh tế của cá nhân hay những nhóm tư bản đỏ”... Họ còn lớn tiếng cho rằng, “Hiến pháp Việt Nam là không chính danh, chỉ là điều lệ ĐCSVN độc tài, toàn trị, do một số đảng viên nắm quyền soạn thảo, sửa đổi, áp đặt lên 3 triệu đảng viên khác và toàn dân Việt Nam!”… Từ đó, họ trắng trợn phát ngôn rằng, “Việt Nam cần một bản hiến pháp mới, trong đó quyền làm chủ đất nước, quyền quyết định tương lai chính trị cho đất nước phải do nhân dân tự quyết”...
Tuy nhiên, lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam cho thấy, việc quy định vai trò lãnh đạo của ĐCSVN tại Điều 4, Hiến pháp 1992 cần tiếp tục được khẳng định trong nội dung sửa đổi, bổ sung hiến pháp lần này, dựa trên những căn cứ lịch sử, chính trị và pháp lý không thể phủ nhận.
Trước hết, việc này xuất phát từ tính chính đáng cầm quyền của Đảng. Đảng ta là đảng duy nhất cầm quyền. Tính chính đáng cầm quyền của Đảng là sự lựa chọn lịch sử, được nhân dân thừa nhận. Quyền lực chính trị đó của Đảng bắt nguồn từ quyền lực nhân dân, là sự ủy quyền, tín nhiệm của nhân dân đối với Đảng. Vì vậy, trải qua hơn 80 năm phấn đấu, xây dựng, trưởng thành, với bản lĩnh của một đảng chính trị dày dạn, có lãnh tụ sáng suốt, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, ĐCSVN đã vượt qua muốn vàn khó khăn, thử thách, động viên và phát huy sức mạnh to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giành được những thắng lợi vĩ đại. Đó là điều không thể phủ nhận. ĐCSVN là lực lượng chính trị duy nhất lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc cách mạng Tháng Tám thắng lợi, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tiếp đó, ĐCSVN là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhân dân tiến hành các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH. Hiện nay, ĐCSVN vẫn là lực lượng chính trị duy nhất khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Vì vậy, vai trò lãnh đạo của ĐCSVN được quy định tại Điều 4, Hiến pháp năm 1992 là hoàn toàn chính đáng, cần tiếp tục được khẳng định trong nội dung sửa đổi, bổ sung hiến pháp lần này.
Hai là, từ bản chất giai cấp và lập trường tính đảng của hiến pháp. Lý luận và thực tiễn đều không thể phủ nhận bản chất hiến pháp là sự thể hiện tập trung ý chí của giai cấp thống trị, bản chất giai cấp của Nhà nước.
Đối với hiến pháp của nhiều nước tư bản chủ nghĩa (TBCN) hầu như không có quy định nào nói về đảng cầm quyền. Đây là hành vi của giai cấp tư sản cố tình che giấu tính đảng, tính giai cấp của hiến pháp để dễ dàng hơn trong việc nhân danh quyền lực chung (Nhà nước) để duy trì địa vị thống trị của giai cấp tư sản đối với toàn xã hội. Việc hiến pháp của Nhà nước tư sản không có quy định nào về đảng cầm quyền, không có nghĩa là phủ nhận vai trò của đảng cầm quyền đối với Nhà nước và toàn xã hội. Bởi nội hàm chủ yếu của sự cầm quyền (hay lãnh đạo) được hiểu là phương thức đạt được các mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... thông qua việc biến cương lĩnh, đường lối, chính sách của đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đối với các quốc gia theo chế độ TBCN thực hiện chế độ dân chủ đa nguyên, đa đảng thì các đảng chính trị tư sản đều có quan điểm giống nhau trên các vấn đề căn bản, nhất là quan điểm về thiết kế hệ thống chính trị và lập hiến.
Khác với quan điểm tư sản, sự khẳng định vai trò lãnh đạo của ĐCSVN được quy định trong hiến pháp nước ta chính là công khai tính đảng, khẳng định hiến pháp nước ta là sự thể hiện ý chí, lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân, mang bản chất của giai cấp công nhân. Ý chí, lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân thống nhất với lợi ích cơ bản của nhân dân lao động và cả dân tộc, đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Việc hiến định vai trò lãnh đạo của ĐCSVN thành quy định trong hiến pháp chính là thể hiện ý chí của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam.
Đây là điểm khác nhau căn bản giữa hiến pháp nước ta với hiến pháp của các nước TBCN. Các thế lực thù địch đã cố tình lờ đi bản chất, chỉ lấy hiện tượng và vin vào đó để công kích, xuyên tạc, bôi nhọ, hòng xóa bỏ Điều 4 trong hiến pháp nước ta. Và như vậy, vấn đề vai trò lãnh đạo của đảng cầm quyền được ghi trong hiến pháp, không chỉ đơn giản là “văn bản hóa” mà còn thể hiện thái độ công khai tuyên bố tính đảng, tính giai cấp trong hiến pháp của nước ta.
Ba là, từ truyền thống lập hiến và công ước quốc tế. Sự ra đời hiến pháp là kết quả tất yếu của sự phát triển lịch sử, của quá trình đấu tranh giai cấp và quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, gắn liền với sự ra đời, tồn tại của thể chế chính trị. Hệ thống chính trị và hiến pháp của các nước tư bản phương Tây, ngay từ đầu được xây dựng theo nguyên tắc pháp quyền tư sản, mà nguồn gốc là từ lý thuyết tam quyền phân lập + sở hữu tư bản tư nhân. Đó là nguyên tắc bất di, bất dịch và đã trở thành truyền thống trong thiết kế hệ thống chính trị và lập hiến của họ.
Dựa vào điểm này, các thế lực thù địch cho rằng, hiến pháp của các nước tư bản phương Tây là “chuẩn mực quốc tế”, từ đó cố tình cho rằng, Điều 4 trong hiến pháp nước ta là “trái với “chuẩn mực hiến pháp”, cần phải hủy bỏ”. Trên phương diện pháp lý, chúng ta hoàn toàn có căn cứ để bác bỏ luận điệu này, bởi tại Điều 1, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (năm 1966), ghi rõ: “Tất cả các quốc gia có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình, tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa”. Quy định này có nghĩa là việc lựa chọn thể chế chính trị, việc có quy định hay không trong hiến pháp của quốc gia về vai trò lãnh đạo của đảng cầm quyền, đó là quyền bất khả xâm phạm của mỗi quốc gia, mà không có và không thể có sự can thiệp từ bên ngoài. Vai trò lãnh đạo của ĐCSVN được thể chế hóa tại Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 và cần tiếp tục được khẳng định trong sửa đổi, bổ sung hiến pháp lần này, đó là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm, là ý chí của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Trong đợt sinh hoạt chính trị lớn, quan trọng trong quý I năm 2013, tổ chức lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi bổ sung Hiến pháp năm 1992, chúng ta cần thống nhất cao, tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của ĐCSVN đối với Nhà nước và toàn xã hội. Điều 4 Hiến pháp năm 1992 cần được tiếp tục hiến định trong sửa đổi, bổ sung hiến pháp lần này. Đó là lương tâm, trách nhiệm, bản lĩnh chính trị đối với tương lai phát triển của dân tộc và cách mạng Việt Nam theo mục tiêu, con đường XHCN mà Bác Hồ, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn.
PGS, TS HÀ NGUYÊN CÁT - Học viện Quốc phòng
Khách gửi hôm Thứ Hai, 17/12/2012          
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20121217/pgs-ts-ha-nguyen-cat-muon-gi
=====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001