Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

MỸ ĐÌNH - BÁI ĐÍNH: CON ĐƯỜNG DẪN VÀO MỘT NGÔI CHÙA VONG BẢN

MỸ ĐÌNH - BÁI ĐÍNH: CON ĐƯỜNG DẪN VÀO MỘT NGÔI CHÙA VONG BẢN 


Xây đường Mỹ Đình - Bái Đính phục vụ 6,5 triệu dân Hà Nội?


(Tin tức thời sự) - "Đây là một dự án rất cần thiết sẽ đáp ứng nhu cầu du lịch, tâm linh của 6,5 triệu dân Hà Nội. Bên cạnh đó dự án chỉ là nối liền 3 dự án đã có sẵn. Do vậy, sẽ phát huy hiệu quả vốn đầu tư, chi phí thấp, vậy lý do gì mà chúng ta lại không làm?" - Ông Nguyễn Đức Thắng, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định.

Đường du lịch Mỹ Đình-Bái Đính: Nếu làm được sẽ rất tuyệt vời

PV: Vừa qua, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có cuộc họp với các cơ quan thuộc bộ để chuẩn bị cho việc lập dự án xây đường du lịch Mỹ Đình - Bái Đính. Tổng cục đường bộ đã được giao trách nhiệm làm chủ đầu tư. Xin ông cho biết, hiện nay kế hoạch xây dựng tuyến đường này đã được thực hiện đến đâu và cụ thể ra sao?

Ông Nguyễn Đức Thắng: Hiện nay dự án này mới đang làm báo cáo đầu kỳ, vẫn chưa có gì cụ thể để thông tin nhiều cho các bạn. Theo quy định bước chuẩn bị đầu tư một dự án thì có 3 bước thẩm định: đầu kỳ, giữa kỳ, và cuối kỳ. Cuộc họp mới rồi là bước đầu kỳ. 

Xác định hướng tuyến, điểm đầu, điểm cuối, các điểm khống chế, giữa kỳ thì mới so sánh các phương án để chọn ra phương án có lợi về kinh tế và kỹ thuật, rồi đến cuối kỳ mới quyết định đầu tư với quy mô như thế nào, chi phí bao nhiêu, thời gian thi công, nguồn vốn huy động...

Thời gian lập dự án tùy thuộc vào quy mô dự án lớn hay nhỏ, dài hay ngắn là theo quy hoạch đã được duyệt của Thủ tướng Chính phủ, đây không phải là dự án đường cao tốc.

Bộ GTVT đã giao cho Tổng cục đường bộ lập dự án, Tổng cục đang giao cho tư vấn nghiên cứu, mọi việc còn phụ thuộc vào kết quả nghiên cứu của tư vấn.

PV: Theo lập luận của ông, dự án đường du lịch Mỹ Đình - Bái Đính sẽ có những tác động như thế nào đến kinh tế, xã hội, du lịch của những địa phương có tuyến đường này đi qua?

Ông Nguyễn Đức Thắng: Đây là một dự án rất hay. Sở dĩ tôi nói như vậy là bởi 3 lý do sau.

Thứ nhất, tuyến đường này sẽ nối trục kinh tế phía Nam của Hà Tây cũ (đường Cienco 5), mà đường này đã nối vào khu vực Chùa Hương, rồi từ Chùa Hương đến Ba Sao, Bái Đính là một vùng núi non đẹp đẽ, qua hồ Ba Sao như một Hạ Long trên cạn, rồi lại qua khu sinh thái ngập nước Vân Long, phong cảnh rất đẹp.

Với 6,5 triệu dân Hà Nội mà cuối tuần xuống đó nghỉ ngơi du lịch thì rất tuyệt vời. Hơn nữa, hàng năm vào mùa lễ hội, con đường nối chùa Hương đi Bái Đính nhu cầu giao thông càng tăng cao.

Thứ hai là dự án này sẽ rất hiệu quả về mặt kinh tế vì nếu thực hiện thì thực chất là nối các đoạn đã có sẵn. Đoạn ở Hà Nội thì đã có 30km của trục kinh tế phía Nam, còn đoạn Hương Sơn cũng có rồi, đoạn Ba Sao của Hà Nam thì cũng đang thi công. Khúc Vân Long đi đến cầu Trường Yên cũng của Ninh Bình đang thi công rồi, Cầu Trường Yên của Bái Đính cũng đã thi công gần xong. 

Thứ ba là các điểm mà tuyến đường này đi qua đều là các khu vực du lịch tâm linh, mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa dân tộc.
Xây dựng đường là để phục vụ nhu cầu du lịch của 6,5 triệu dân Hà Nội
Xây dựng đường là để phục vụ nhu cầu du lịch của 6,5 triệu dân Hà Nội

PV: Hiện nay đã có khoảng 3 tuyến đường từ Hà Nội đến Ninh Bình, thậm chí tuyến đường Cầu Giẽ - Ninh Bình còn chưa khai thác hết công suất mà chúng ta vẫn đầu tư xây dựng thêm tuyến đường mới. Theo ông, điều này có hợp lý không?

Ông Nguyễn Đức Thắng: Theo tôi đánh giá thì tuyến đường này rất phù hợp. Bởi vì hiện nay tuyến đường từ Hà Nội đến Ninh Bình có đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và đường Quốc lộ 1A cũ, đều nằm ở bìa phía Đông Hà Nội. Còn một con đường khác là đường Hồ Chí Minh thì nằm ở bìa phía Tây Hà Nội, còn tuyến đường này là nằm ở lõi Hà Nội. 

Khi làm tuyến đường này, người dân sẽ không phải đi vòng qua con đường phía Đông hay phía Tây nữa mà chỉ cần đi thẳng vào đường lõi, sẽ thuận tiện hơn rất nhiều.

Hơn nữa, đường đi Chùa Hương hiện nay lúc nào cũng chật chội, tắc đường, vậy nên đoạn đường hơn 30km từ Hà Nội đi Chùa Hương là cực kỳ quan trọng, và hiện nay Hà Nội đã quyết định làm rồi.

Vậy ta đã có 1 đoạn lõi từ Hà Nội đến Chùa Hương là rất tốt, bây giờ chỉ cần nối thẳng vài chục km xuống thẳng Ba Sao, Bái Đính, đâu cần phải vòng lại phía Đông hay phía Tây để đến các địa điểm du lịch ở Hà Nam hay Ninh Bình. Đó là một cái lợi rất lớn. 

Xây dựng đường là để phục vụ nhu cầu du lịch của 6,5 triệu dân Hà Nội

PV: Tuyến đường này có tên là đường du lịch Mỹ Đình - Bái Đính. Phải chăng mục đích chính để xây dựng tuyến này chỉ là phục vụ du lịch, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Thắng: Đúng vậy, tuyến đường này chủ yếu để phục vụ nhu cầu du lịch và tâm linh. Hiện nay tại Ba Sao cũng đang xây dựng chùa Ba Sao cũng tương tự như chùa Bái Đính, cùng với cảnh quan thiên nhiên tại Vân Long sẽ là những khu du lịch rất tuyệt vời để đáp ứng cho nhu cầu nghỉ ngơi và du lịch cuối tuần của 6,5 triệu dân Hà Nội, nên tuyến đường này là rất cần thiết.

PV: Năm 2012, lượng khách du lịch đến Ninh Bình khoảng 3,7 triệu người, còn lượng khách đến Hà Nam cũng trong khoảng 40.000 - 50.000 lượt người. Bỏ hàng nghìn tỷ để đầu tư xây dựng tuyến đường chỉ phục vụ nhu cầu du lịch của vài triệu người một năm liệu có thỏa đáng không, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Thắng: Thực tế hiện nay vào các ngày nghỉ, dịp lễ tết là con đường nào dẫn đến các khu du lịch cũng chật kín người, giao thông rất vất vả, nguy cơ tai nạn tăng cao.
Khi có con đường thuận tiện thì nhu cầu du lịch và giao thông sẽ tăng cao và tăng đến mức nào con phụ thuộc vào kết quả nghiên cứu của tư vấn lập dự án.

PV: Bộ GTVT đưa ra kế hoạch thực hiện dự án xây dựng đường du lịch và giao cho Tổng cục đường bộ thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn, ngân sách hạn hẹp, còn rất nhiều ngành nghề cũng cần được quan tâm, đầu tư, đã khiến dư luận không khỏi đặt ra câu hỏi về tính bức thiết. Ông đánh giá sao về vấn đề này?

Ông Nguyễn Đức Thắng: Cũng như tôi đã nói, dự án này vẫn còn đang nghiên cứu. Tuy nhiên tuyến đường này chỉ nối một số đoạn đã có sẵn rồi nên rất rẻ. Chính vì vậy lý do gì mà chúng ta lại không làm.

PV: Ông đã nói rất nhiều đến những tiện lợi của tuyến đường mới này. Với những sự tiện lợi đó hứa hẹn sẽ thu hút được một lưu lượng xe cộ lớn để tham gia giao thông. Vậy, Tổng cục đường bộ đã tính đến bài toán ách tắc, và thay vì chuyển hướng đi đường Cầu Giẽ - Ninh Bình hay đường Hồ Chí Minh, người dân sẽ đồng loạt chuyển sang đi tuyến đường mới và 2 tuyến đường phía Đông, phía Tây vốn vẫn chưa khai thác hết lại càng vắng bóng và lãng phí hơn?

Ông Nguyễn Đức Thắng: Tư vấn lập dự án sẽ tính toán với quy mô như thế nào thì sẽ đáp ứng nhu cầu giao thông đến khi nào và khi nào sẽ phải đầu tư để nâng cao khả năng thông xe khi đó sẽ trình Bộ quy định lựa chọn các phương án phù hợp về kinh tế và kỹ thuật.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Duyên Duyên
Nguồn: Đất Việt

Ý kiến của cư dân mạng:
Này ông Thắng, Hay, hay là hay với nhà ông thôi nhé! Tâm linh gì cái chỗ kệch cỡm, nô lệ Tàu Khựa, mất gốc ấy!

Vậy đừơng này đang phục vụ ai nhỉ? Ai kiếm được tiền từ con đường này?.

Năm 2012, lượng khách du lịch đến Ninh Bình khoảng 3,7 triệu người, còn lượng khách đến Hà Nam cũng trong khoảng 40.000 - 50.000 lượt người. Bỏ hàng nghìn tỷ để đầu tư xây dựng tuyến đường chỉ phục vụ nhu cầu du lịch của vài triệu người một năm liệu có thỏa đáng không? Hỏi thế này là vả vào mặt ku Thắng và ku Thăng....

Sao nó có thể chạy đc dự án ngang ngược như thế đc nhi?  

Vẽ ra dự án để kiếm tiền thôi... Việt nam là vậy chứ tâm linh sử dụng để kinh doanh thì khác gì lũ "buôn thần bán thánh"

Đang lúc đói kém mà đi làm những con đg như vậy cho nhanh đi với ông bà.

Bái đính mới 100% tàu,chả có gì là tâm linh !

Để phục vụ kinh doanh thần thánh siêu lợi nhuận, tiền ngân sách bỏ ra để phục vụ công ty kinh doanh chùa bái đính.

Các bác đừng ầm ỹ làm gì. Công ty Cổ phần dịch vụ thương mại tâm linh Bái Đính sẽ lên sàn nhanh nhất có thể nhờ con đường này.

Năm nào 6,5 triệu dân HN cũng đi chùa Bái Đính à ?

Hỗi ơi một đất nước, một dân tộc và một ... lũ người tham. Đến cảnh thanh tịnh của nhà Phật cũng chẳng còn chốn dung. Ngẫm mà buồn, mà đau quá!

Chùa Bái Đính cũ do Lý Quốc Sư Minh Không dựng, chùa linh thiêng vì đạo hạnh của ngài. Chùa nào dựng lên để kiếm tiền thì chỉ là chùa phò phạch, bất chấp xây to kiểu gì.

...................         
 


Được đăng bởi Tễu vào lúc 10:30
nguồn:http://xuandienhannom.blogspot.com/2013/09/mot-con-uong-dan-vao-mot-ngoi-chua-vong.html
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001