Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

“Ở Cái Nước Đại Cồ Việt…”

“Ở Cái Nước Đại Cồ Việt…” 



Mình có cái thói thi thoảng rút một cuốn đã đọc, trên giá sách ra đọc lại. Cách đây chừng một tháng mình rút cuốn “Tuyển tập Vũ Trọng Phụng” ra đọc lại, thấy sao những chuyện “ông vua phóng sự đất Bắc Kỳ” viết vẫn giống như bây giờ thế. Có phóng sự “Một huyện ăn Tết”, mình định đến gần Tết thì trích lại và post lên. Mới đây VTV có chiếu phim “Trò đời”, kịch bản dựa trên các tác phẩm của nhà văn họ Vũ. Thấy mọi người xem phim và cũng có cảm nhận như mình, và anh Đỗ Đức than: chả nhẽ lạithật thế sao?! Hôm nay mình xin trích và post lên luôn.

Một Huyện Ăn Tết

Câu chuyện tôi tường thuật đây là căn cứ vào những sự tai nghe mắt thấy của tôi trong một cuộc phiếm du, một cuộc điều tra tình cờ - một huyện nọ vào tháng Chạp năm ngoái, nhưng cái đó có hề gì? Nó có thể cứ vẫn là câu chuyện Tết năm nay, lại có thể sẽ là câu chuyện Tết sang năm nữa. Ở cái nước Đại Cồ Việt của chúng ta đây, đến chính những thay đổi rồi,thí dụ như bao nhiêu điều cải cách canh tân của chính phủ chẳng hạn, mà té ra cũng lại là chẳng thay đổi gì cả, thì hỏi rằng vì lẽ gì những ngón xoay tiền giữa một xã hội đã mang nặng trên lưng cuốn quốc sử của nó những hai nghìn năm cái tính chất gà què ăn quẩn, mà lại còn chưa là một vấn đề bất chấp cả thời gian?
Vậy thì, vào hồi năm cùng tháng tận năm Đinh Sửu, tại Huyện…- ấy chết, tôi chẳng nên nói rõ cả ra đây cái tên huyện ấy, dẫu rằng bất cứ chỗ nào, sự đời cũng đến vậy cả! […] Cũng như tôi lấy làm lạ rằng đi tuần là một phận sự khó nhọc vậy mà người ta lại ham mê bổn phận đến bậc phải đút lót để gánh vác lấy sự vất vả vào thân xác cho chóng. […]
- …Nhưng mà, cụ nhỉ, sao họ lại sốt sắng nghĩa vụ đến bậc chạy lễ để được làm bổn phận cho sớm như thế? Cái chỗ ấy thì thật văn minh hơn Tây.
Ông lục sự thoạt đầu đáp bằng cái tặc lưỡi và cái cười nhạt đã. Tuy rằng nếu cần ông cũng “biết đục khoét thành thánh” thật đấy. Nhưng ông rất công bình, đối với cả ông. Ấy ở đời, vẫn có vô số hạng người như thế: biết việc mình làm là bậy nhưng cứ làm, cứ làm mà vẫn cứ có gan nói ra cho ai nấy đều biết chứ không thèm che đậy gì cả. Vả lại, vốn đã có cái thành kiến cho rằng đã làm việc quan mà không ăn hối lộ thì không xong, cho nên ông mới có can đảm để tự do cho ai nấy phê bình việc làm của cả cái giới trong đó có ông. Cái chỗ hơn đời của ông có lẽ là ở đây. “Ta xấu, nhưng nhiều kẻ khác cũng như ta, vậy thì ai cũng xấu hoặc là chẳng ai xấu cả!”. Đó là câu ông hay nói với tôi. Ta nên buồn rằng nạn hối lộ là một cái tai hoạ chung cho cả xã hội ta, vậy mà lại có những nguyên cớ mạnh mẽ bênh vực nó, làm cho nó trở nên một sự không có không được, đến bực chính kẻ ăn tiền cũng không thấy mình xấu nữa. Ta chẳng từng thấy những ông quan hối lộ nức danh công kích nạn nhũng lạm, nạn đútlót, mà lại một cách rất thành thực nữa. Đó là gì? Ở đây, sự mâu thuẫn quái gở thành ra là sự tự nhiên mà thôi.
[…]
- Thế rồi lính tráng vác súng ra đi, giấy má đúng mười một luật hẳn hoi.
- Nếu người giữ đúng luật, mà bọn lính cơ không thể bới lông tìm vết được?
- Chẳng có khi nào! Lưỡi không xương, nó xoay thế nào mà chẳng được. […] Trò đời nó thế, lý thuyết nói trong giấy trắng và luật lệ thì hay, nhưng thực hành thì bao giờ cũng dở. Ừ, thế đấy thì đã làm gì được nhau? […]
- Được rồi, thế nào mỗi lần đi “thanh tra” như thế, lính họ phát tài độ bao nhiêu?
- Cái đó tuỳ […] Nhưng họ nào có được chia tay nhau cả số tiền ấy! Họ phải trích ra một nửa để đem lên… nộp… dùng cái số tiền kia để mua lễ vật biếu các quan trên… Sự thăng chức nhanh hay chậm của cá nhân hoặc cả đoàn thể ảnh hưởng ở cái lễ to hay nhỏ[…]
Nghe thế thôi, tôi đủ hiểu cả rồi, thì ra cách tổ chức xã hội kim thời, thật vậy, kể đã là chu đáo đến tột bậc. Xã hội thì như một bộ máy tinh tế, mà cá nhân là những bánh xe, nếu một cái quay, thì bao nhiêu những cái khác cũng phải quay theo, nếu một cái hỏng thì toàn bộ cũng phải ngừng lại. Chẳng một ai lại có thể đứng ra ngoài công lệ: cá lớn nuốt cá bé, vì cái phận sự nộp của đút, hoạt động từ dưới lên trên, có thế thôi. […]
Nhưng từ khi được biết rõ cái cảnh tượng một huyện ăn Tết ra sao, lòng tôi đã bị ám ảnh bởi một nỗi buồn, buồn cho cái xã hội gà què ăn quẩn cối xay, và ước rằng người ta, bất cứ ai, lúc đứng trước bàn thờ tổ tiên vào lúc tiếng pháo giục lễ tống cựu nghênh tân, cũng nên thực thà mà khấn với tổ tiên, đại để:
- Ấy đấy, các cụ đã thấy chưa? Con cháu có đủ làm rạng rỡ tổ tiên chưa, vì trong năm qua, con cháu đã cướp bóc được như thế.
Trích từ "Tuyển tập Vũ Trọng Phụng", Tập I, Nxb Văn học, Hà Nội, 1996.
Admin gửi hôm Thứ Sáu, 27/09/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130927/o-cai-nuoc-dai-co-viet
========================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001