Phạm Gia Minh - Đã đến lúc cùng ngồi lại để bàn về lối ra
TS Phạm Gia Minh
Các Anh, Chị kính mến.Có một sự thật lịch sử là những khi nào đảng cộng sản Việt Nam giương cao ngọn cờ Dân tộc – Dân chủ, bám sát nguyện vọng của quần chúng nhân dân thì đảng giành thắng lợi to lớn.
Xin chào mừng sự ra đời của Diễn đàn XHDS - một hình thức phù hợp cho giai đoạn hiện nay để tất cả các xu hướng chính trị - xã hội của người Việt yêu nước cùng ngồi lại để bàn về lối ra cho Dân tộc.
Nhân dịp này xin lấy chút ít thời gian vàng ngọc của các anh/chị để tại hạ được giới thiệu lại bài viết đăng trên Viet-studies cách đây nửa năm đề cập tới chủ đề ĐỐI THOẠI DÂN TỘC.
Thế mới biết rằng xã hội chúng ta đang chuyển động nhanh chứ không đáng bi quan như một số người yếm thế trong tháp ngà vẫn nghĩ.
Trân trọng
Phạm Gia Minh
Thời kỳ Cách mạng Tháng 8-1945 Hồ Chí Minh biết mềm dẻo và khôn khéo thành lập mặt trận Việt Minh nhằm tập hợp tất cả các lực lượng có xu hướng chính trị khác nhau để huy động sức mạnh toàn dân tộc đánh đổ phong kiến và thực dân nên đã thành công.
Các cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ có nền tảng vững chắc là tinh thần yêu nước, căm ghét ngoại xâm luôn mãnh liệt trong huyết quản của mỗi con dân nước Việt lại được sự lãnh đạo đúng đắn lúc đó của đảng khi đã đoàn kết được mọi tầng lớp xã hội và tranh thủ được sự ủng hộ mạnh mẽ, toàn diện của quốc tế nên đã thắng lợi vẻ vang.
Chính sách người cày có ruộng thời những năm 1950 hay chủ trương “khoán sản phẩm trong nông nghiệp” xuất phát từ sáng kiến của ông Kim Ngọc đã thực sự tạo nên tinh thần phấn chấn và động lực kinh tế mạnh mẽ đối với hàng chục triệu nông dân. Chủ trương Đổi mới những năm cuối của thập kỷ 80 thế kỷ trước cũng đã khơi dậy sức mạnh thần kỳ như Thánh Gióng của cả dân tộc giúp đất nước khởi sắc để hội nhập quốc tế và cất cánh.
Tuy nhiên trong quá khứ đảng cũng có những sai lầm và thất bại khi đưa ra khẩu hiệu “trí, phú, địa, hào đào tận gốc, trốc tận rễ” chịu ảnh hưởng của lý luận đấu tranh giai cấp, cách mạng vô sản cực đoan, tả khuynh không phù hợp với thực tiễn xã hội Việt Nam khiến cách mạng thoái trào sau sự kiện Xô viết Nghệ Tĩnh.
Cải cách ruộng đất, “nhân văn giai phẩm”, “chủ nghĩa thành phần, lý lịch”, cải tạo tư bản tư doanh ở Miền Bắc năm 1954 và Miền Nam sau năm 1975 là những bài học đau xót vì đã áp dụng cứng nhắc các giáo điều đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản Mác-Lê khi chưa hiểu rõ hiện tình đất nước và khát vọng của dân tộc.
Vẫn biết khát vọng Độc lập dân tộc là trường tồn, mãnh liệt và bao trùm nhưng khi dân tộc đã có Độc lập rồi thì một cách tự nhiên quần chúng đòi hỏi quyền Tự do, Dân chủ và cuộc sống Hạnh phúc không phải chỉ trên khẩu hiệu, lời hứa suông hay những dòng chữ vẫn được in trên tiêu đề của các biểu mẫu văn bản giao dịch.
Nhân dân đã có Tự do chưa khi quyền được phát ngôn, góp ý nêu nguyện vọng về những vấn đề trọng đại qua các cuộc Trưng cầu dân ý vẫn bị “treo” đã 67 năm từ 1946 cho tới nay? Chưa kể những quyền Tự do khác cứ bị “teo” dần trong những bản Hiến pháp ra đời sau này. Những quyết định trọng đại có ảnh hưởng tới đất nước như dự án khai thác Bô Xít Tây Nguyên, sáp nhập Hà Tây vào Hà nội v.v… người dân nào có quyền biểu quyết!
Đặc biệt, gần đây các nhân sĩ trí thức tiêu biểu, các cán bộ Cách mạng lão thành cùng hàng ngàn người dân đủ mọi thành phần trong và ngoài nước tham gia góp ý sửa đổi Hiến Pháp 1992 lại lập tức bị quy kết là “suy thoái tư tưởng, tác phong và đạo đức” hoặc “lợi dụng tự do dân chủ để chống phá chế độ”, “làm đảo chính mềm” v.v.... Hỏi rằng dân chủ XHCN là như vậy thì còn thu phục được ai đi theo đây? Hồ Chí Minh có sống lại chắc Người cũng phải nhỏ lệ trước hiện thực tê tái này.
Nếu như chính sách “người cày có ruộng” ngày nào đã tạo nên động lực to lớn cho Cách mạng thì giờ đây vì sao lại để xảy ra tình trạng biểu tình, khiếu kiện trên cả nước vì mất đất và đi liền với đó là nạn tham nhũng của đội ngũ hùng hậu các quan tham có quyền phân đất hay đúng với sự thật hơn là cướp đất của nông dân? Những “hậu sinh khả úy” của nghị Quế, nghị Hách năm xưa giờ đây lại ra rả nói rất hay về “học tập tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh” và lòng trung thành với đảng cộng sản Việt Nam khiến những người còn chút lương tri trong và ngoài đảng vô cùng ngao ngán và phẫn uất.
Phải chăng chính sách về ruộng đất gần đây trong Hiến Pháp đã thể hiện sự xa rời quần chúng khi mà nhà nước thâu tóm lại toàn bộ quyền sở hữu về đất đai?
Sự xa rời đã tới mức nguy hiểm khi nhiều cơ quan công quyền không đánh giá đúng tâm trạng người dân bức xúc trước hành động xâm lấn Biển Đông của những lực lượng diều hâu ở Bắc Kinh, xuống đường hoặc có những hành động phong phú khác biểu thị lòng yêu nước, thì lại bị ngăn chặn, đàn áp thô bạo. Những lập luận cho rằng có các thế lực thù địch sẽ lợi dụng biểu tình để chống đối nhà nước rõ ràng không thể đứng vững nếu nhớ lại thời chống Mỹ trên cả nước đã có biết bao cuộc tuần hành khổng lồ của quần chúng để tỏ rõ ý chí quật cường của dân tộc Việt trước giặc ngoại xâm. Phải chăng chính quyền thời nay đã rất khác thời đó nên mối quan hệ trong một số lĩnh vực với nhân dân cũng khác xưa, thay vì đồng thuận lại trở nên đối kháng?
Hay là vì phải giữ “hòa hiếu” và tôn trọng các “cam kết cấp cao ở Thành đô” với thế lực bành trướng Đại Hán đang muốn nuốt chửng Biển Đông bằng cái lưỡi bò bất chấp luật pháp quốc tế thì chính quyền phải “hèn với giặc và ác với dân” như trước đây Tự Đức đã hành xử khi Pháp xâm lược đầu thế kỷ XIX và Trần Nhật Hiệu với lời tấu “Nhập Tống” hèn nhát bên thềm cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ nhất?
Mọi sự nhân nhượng hay “động tác khéo léo” dù mang tính chiến thuật với quân xâm lược nếu thiếu đi sự thông cảm và hậu thuẫn mạnh mẽ của nhân dân yêu nước xưa nay đều thất bại. Chẳng lẽ trong lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc còn thiếu các bài học đắng cay hay sao?
Vả chăng có người còn thành tâm nâng niu cái “tài sản vô giá là ý thức hệ chung giữa hai ĐCS Trung Quốc và Việt Nam” khi biết rõ rằng đối với Bắc Kinh không có đồng minh theo ý thức hệ mà chỉ có quyền lợi thực dụng theo kiểu “Mèo trắng hay mèo đen miễn bắt được chuột …” là trên hết.
Không biết cái ý thức hệ của “bạn” nó cao cả và phù hợp với Việt Nam tới đâu mà Tổng bí thư kiêm Chủ Tịch Trung Hoa Tập Cận Bình gần đây trong một phát biểu với cán bộ ở Bắc Kinh đã tỏ ra lo ngại về 2 mối đe dọa lớn nhất hiện nay là sự suy yếu lòng tin của dân chúng và sự gặm nhấm của tham nhũng có thể khiến ĐCS Trung Quốc chỉ đón nhận sinh nhật đến lần thứ 100, tức là chỉ còn 8 năm … . Chẳng lẽ chúng ta cũng quyết cùng chung ý thức hệ với “bạn 16 chữ vàng và 4 tốt ” để rồi cùng tiêu vong sau mấy năm nữa?
Chẳng ai nói dối hay lừa mị nhân dân được mãi, thử hỏi những cán bộ mũ cao, áo dài thường lên lớp về chủ nghĩa Mác- Lê, về liên minh giai cấp công–nông và cách mạng vô sản hay định hướng XHCN có ai còn là vô sản hay người nào cũng có của chìm, của nổi ở cả trong và ngoài nước trị giá nhiều tỷ rồi?
Nếu thật sự là trung thành với ý thức hệ của giai cấp vô sản thì các vị có dám dũng cảm tổ chức những “Tuần lễ Vàng” để quyên góp phần lớn khối tài sản khổng lồ của mình vào công quỹ giúp đỡ người nghèo và phát triển đất nước theo tinh thần “hữu ái vô sản” hay không?. Và nếu mai mốt những người nông dân bị mất đất, hết kế sinh nhai, những công nhân bị thất nghiệp do nhà máy bị phá sản bởi quan tham đục khoét như đã xảy ra với Vinashin, Vinalines v.v…và đám thị dân cùng sinh viên ra trường thiếu việc làm tụ họp nhau lại để hô những khẩu hiệu cách mạng vô sản cướp lại của cải từ tay người giàu một lần nữa thì các vị có ủng hộ như cách đây gần 70 năm nữa không?
Xem ra thì ngọn cờ ý thức hệ mà đảng đang giương cao không tập hợp được quần chúng yêu nước hiện nay vì những người cầm cờ đang thiếu chính danh và lòng tin của quần chúng.
Và nếu không làm được như thế thì hãy một lần trung thực với bản thân và nhân dân để cùng ngồi lại với các tầng lớp xã hội không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, tôn giáo hay dân tộc và chính kiến để bàn về một lối ra khả dĩ nhất cho tương lai dân tộc.
Tại thời điểm này của thế kỷ XXI lịch sử đã sang trang, thế giới đã khác trước khi không còn sự đối kháng ý thức hệ giữa hai phe Cộng sản và Tư bản suốt thời kỳ “chiến tranh lạnh” và dân Việt Nam ta cũng khác trước. Đúng như lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu, đại ý “người ở nhà tranh thì suy nghĩ khác người ở nhà ngói…”, giờ đây khi cơm đã no, áo đã ấm và TV, tủ lạnh, xe cộ và các tiện nghi sinh hoạt vật chất khác đã tạm gọi là đầy đủ đối với số đông quần chúng thì nhu cầu có nhiều hơn tự do tinh thần, tư tưởng và hoạt động cộng đồng đa dạng theo sở thích và sở trường riêng đã trở nên ngày một phổ biến và cấp thiết.
Thế giới vốn đa nguyên và xã hội loài người cũng vậy. Một chính đảng có thể giành thắng lợi trong những giai đoạn lịch sử nhất định nhưng nếu không trau dồi sức chiến đấu, gần gũi với quần chúng thì sẽ dần tha hóa và bị chính quần chúng đào thải để cho những lực lượng chính trị hay đảng phái khác có sức sống hơn tiến lên vũ đài. Bằng cách hiến định quyền lãnh đạo mọi mặt xã hội Xô Viết tại điều 6 trong Hiến Pháp năm 1977 ĐCS Liên Xô tại sao vẫn sụp đổ ? Ấy là vì lý tưởng của đảng đã bị nhạt phai và đảng đã tự mình xa rời quần chúng để trở nên một tổ chức suy thoái,mất sức chiến đấu do ở trên đỉnh cao quyền lực độc tôn quá lâu mà không bị cạnh tranh để phải luôn tự mài sắc vũ khí.
Theo tinh thần đó bản Kiến nghị về sửa đổi Hiến Pháp 1992 do 72 nhân sĩ, trí thức và các vị lão thành Cách mạng khởi xướng cần được nhìn nhận như một hành động yêu nước và có trách nhiệm với dân tộc khi họ dũng cảm đề đạt đường hướng giúp đất nước thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng sâu sắc, toàn diện trong khi giặc ngoại xâm đang xâm nhập sâu vào các mặt chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội v.v…và lăm le ngoài Biển Đông như hiện nay.
Có điều, đó mới chỉ là những đường hướng đúng đắn và đã đến lúc đảng, nhà nước và tất cả các lực lượng xã hội trong và ngoài nước cần ngồi lại với nhau để tìm ra những con đường đi cụ thể theo tinh thần Diên Hồng, không bạo lực, quên đi quá khứ và không hồi tố . Hy vọng rằng lãnh đạo ĐCS Việt Nam sẽ thể hiện thiện chí và chủ động nắm bắt lấy cơ hội quý báu này để một lần nữa đảng vẫn giương cao thắng lợi ngọn cờ Dân tộc – Dân chủ và tiếp tục xứng đáng là một đảng cầm quyền như Hồ Chí Minh trong Di chúc đã căn dặn.
Thăng long - Hà nội 6/3/2013
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 6-3-13
Khách gửi hôm Thứ Năm, 26/09/2013
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20130926/pham-gia-minh-da-den-luc-cung-ngoi-lai-de-ban-ve-loi-ra
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001