Về miền Nam
Đời người ngắn ngủi, xa xứ 35 năm, chưa một lần về thăm lại quê hương, là một khoảng thời gian khá dài cho một người như Cỏ May. Thuở nhỏ, sống với cha mẹ ở nhà quê, giữa đồng ruộng, hằng ngày chăn vịt, giữ trâu, cứ tưởng như vậy là yên phận một đời người ở miền đồng chua, nước mặn cách Sài gòn không quá hai mươi km về hướng Tây. Vận nước biến đổi đã đưa đẩy nhiều nông dân phải rời bỏ ruộng nương lên Sài gòn lánh nạn. Nạn Việt Minh ban đêm, nạn Tây bố ban ngày. Sau 1975, dân chúng bình thường, gốc gác Sài gòn hay từ đồng quê tới trước đây, ai có điều kiện, đều lần lượt bỏ nước ra đi lánh nạn. Lần này, chỉ lánh có một thứ nạn, nạn ngày và nạn đêm, đó là nạn cộng sản đến làm giải phóng quê hương.
Vì không về được thăm viếng lại quê hương với đồng ruộng ngày xưa mà Cỏ May, từ nhiều năm nay, cứ mỗi độ Hè về, trời nắng ấm, thường tìm cơ hôi đi về Miền nam. Không phải Miền nam Việt Nam, mà là Miền nam xứ Pháp.
Nơi đây có những cánh đồng ruộng lúa ngập nước không khác đồng lúa miền quê Gia định, Long An, Mỹ Tho. Trước Thế chiến II, những người Việt nam bị cưỡng bách qua Pháp làm lao động không lương cho Nhà nước Bảo hộ đã đem cách canh tác, với giống lúa ở Việt Nam, áp dụng trên những cánh đồng ngập nước vùng Camargue và đã biến những cánh đồng này từ đó trở thành một vùng đồng lúa bát ngát. Mỗi năm thu hoạch đem lại cho nước Pháp gần trăm tấn gạo phụ thêm lương thực cho nước Pháp những năm khó khăn vì chiến tranh.
Lúa cấy ở đồng Camargue ngày nay được Viện nông nghiệp pháp cải tiến, tạo thêm nhiều giống lúa khác nhau. Nông dân mở rộng thêm diện tích canh tác. Trên thị trường pháp, gạo Camargue xuất hiện khá nhiều. Trong siêu thị, gạo Camargue bày bán trong những bao 1kg, với nhiều thứ khác nhau, gạo đen, gạo đỏ, gạo trắng, hột tròn, hột dài, trắng có, lứt có. Giá cả cũng ngang ngửa với các loại gạo quen thuộc khác.
Tại thành phố Arles hãy còn một nhà máy xay lúa kiểu xưa ở Việt Nam nhưng ngày nay chỉ được bảo quản như một di tích lịch sử.
Những người làm ruộng đầu tiên ở đây là một số trong 20 000 người ” lính thợ ” bị bắt đưa qua Pháp vào cuối năm 1929 và đầu năm 1930. Thật ra, họ không phải là lính vì không được huấn luyện để đánh giặc, mà chỉ làm công không chuyên môn trong các xưởng kỷ nghệ phục vụ chiến tranh. Tên gọi chánh thức là ONS (Ouvriers Non Spécialisés ) = Thợ không chuyên môn.
Họ bị bỏ quên nhưng những ai về Mìền nam nên biết ở Miền nam nắng ấm này, hiện nay, còn hơn mươi người sanh sống với tuổi đời ngoài chín mươi .
Hà Nội vẫn bên bờ sông Lot
Tháng Tám Tết Hà Nội là cách nói để đề cặp tới Lễ Hội hằng năm tổ chức vào giữa tháng Tám tại “Trung tâm tiếp quản Những người Pháp Đông dương ” (CAFI = Centre d’Accueil des Français d’Indochine). Trại này tọa lạc bên cạnh nhánh sông Lot, bên ngoài thành phố Sainte Livrade sur Lot thuộc Tỉnh Lot-et-Garonne.
Nhưng người dân ở Trung tâm và dân địa phương vẫn quen gọi là Trại (Camp) như Trại lính, Trại tù. Dân thành phố Sainte-Livrade có người còn xa lạ, tuy đã hơn nửa thế kỷ qua, nên vẫn gọi đó là “Trại Ba tàu ” (Camp des Chinois) để trả lời người hỏi thăm đường đi tới đó.
Dân trong Trung tâm, nói là “Tây đông dương” (Français d’Indochine) nhưng kỳ thật họ đều là người Việt nam hà nội thuần túy hoặc lai, cha hay mẹ là người Pháp đi lính hoặc làm việc trong chánh quyền pháp thời thực dân.
Năm 1956, trong lúc cả triệu người rời bỏ quê hương, chen nhau xuống tàu há mồm vào Nam tỵ nạn cộng sản, thì có 1600 người phần lớn phụ nữ với bầy con dại, được chánh quyền pháp cho xuống tàu chở tới bến Marseille rồi đưa thẳng về Trại Sainte-Livrade cho ở đó. Có gọi nơi này là “trại” thì cũng đúng thôi vì đó là trại lính bỏ trống từ sau thế chiến II. Những dãy nhà xây cất với vật liệu đơn sơ, thiếu mọi tiện nghi tối thiểu cần thiết cho đời sống. Nước và nhà vệ sinh ở bên ngoài. Thoát nước bằng hệ thống cống lộ thiên. Trợ cấp không đủ. Đi làm việc thì không có việc làm, ngoài làm công trong vài nhà máy, hoặc làm rẩy, hái hoa màu theo mùa, … với đồng lương chết đói. Đời sống trong trại không khác như lúc còn ở Miền Bắc đang chiến tranhnên bị ngăn sông cách chợ. Đi ra vào bị kiểm soát chặt chẽ đề phòng bạo loạn và phá hoại. Ban Quản lý trại là những quân nhân được đào tạo về an ninh nên họ nặng tinh thần đề cao cảnh giác. Trước mắt họ mọi người đều có thể là kẻ địch nguy hiểm. Giống như VC ở Việt Nam, nhìn ở đâu cũng thấy có đầy địch mai phục cả. Qui chế áp dụng cho trại không khác nhà binh. Đôi lúc còn áp dụng “thiết quân lực ” (couve-feu).
Cho tới năm 1961, trong trại mới tổ chức lớp học cho trẻ con đi học, từ vở lòng tới Tiểu học năm 14 tuổi. Sau đó, trẻ con được cưởng bách chuyển nghề. Thường phải học những nghề không phù hợp năng khiều và không được học phổ thông trung học.
Những biện pháp khắc khe vô lý này chỉ nhằm làm cho mọi người không muốn ở lại đây, phải sớm tìm đường đi nơi khác sanh sống . Nhưng phần lớn không dám đi vì không biết chữ, không biết nghề, với đàn con dại bên nách.
Từ năm 1961 cho tới năm 2005, chánh phủ pháp tuần tự có đưa ra 4 Nghị định nhìn nhận những “người Pháp Đông dương” là những công dân của Nhà nước Pháp từ lúc còn ở tại Việt Nam nay có quyền được Nhà nước giúp đở theo tinh thần tiền văn của bản Hiến pháp năm 1946 … Nhưng từ đó cho tới nay, những người này, thế hệ thứ I, Thứ II và thứ III, vẫn chưa được trợ cấp như những người Pháp hồi hương từ Algérie sau năm 1962. Có gì “phân biệt” trong chánh sách đối xử của các Chánh phủ ở Paris?
Qua những năm dài sống chung ở trại, một nếp sống cộng đồng bắt nguồn từ những truyền thống văn hóa việt nam thành hình và lớn mạnh tại Trại Sainte-Livrade. Bà con trồng rau cải Việt Nam như rau thơm, rau muống, ớt, hành ngò, …Có vật liệu, gia vị, bà con làm những món ăn dân tộc cho gia đình, mời bà con láng giềng .
Tiếp theo, một cửa hàng mở cửa ngay tại phòng khách của căn nhà bày bán các thứ thực phẩm tươi và bánh trái, xôi, bắp, khoai luộc, … Rau quả do bà con địa phương cung cấp. Cửa hàng còn bán thêm vài món vào cuối tuần như bún riêu, bún thang, phở, …Nhu cầu sanh hoạt tinh thần không thể thiếu vắng. Ban Quản trị trại cung cấp hai đơn vị gia cư cho cư dân trại lập nhà thờ và chùa . Sanh hoạt tôn giáo hoạt động. Hai nơi này, ngày nay vẫn còn và được giữ gìn cẩn thận.
Bà con ở đây, không có ai muốn trở về Hà Nội trong những ngày cuối đời mà muốn yên nghỉ ở đây vì ở đây là Hà Nội, là quê hương thật sự của họ. Bà con đã gói ghém mang theo trọn vẹn lúc ra đi. Chỉ bỏ lại ở bên kia bờ đại dương vùng đất hoang dại mà thôi.
Lễ Tết Hà nội tháng Tám
Năm nay, từ hôm 14 tới 17 tháng 8 / 2013, Lễ Hội Tết thường niên của “Làng Việt Nam Sainte-Livrade được” Hội Cư dân và Bạn của CAFI ” (ARAC = Association des Résidents et Amis de CAFI) tổ chức thật long trọng . Sau nhiều ngày Ban Tổ chức phải làm việc cật lực, Lễ Hội diển ra với nhiều tiết mục hấp dẫn, qui tụ cả ngàn người, vừa bà con cư dân và gia đình, vừa dân chúng địa phương, tham dự suốt cuộc lễ.
Với bà con, đây quả thật là lễ Tết tuy không tổ chức được vào những ngày đầu năm. Chỉ Tết trong ý nghĩa. Ở Pháp, tháng 8, người đi làm việc, trẻ con đi học, đều đưọc nghỉ hè.
Lễ Hội tổ chức vào dịp này dễ qui tụ đông người và thời tiết cũng thích hợp. Đây là dịp bà con đi làm xa tụ về nghỉ ngơi với ông bà cha mẹ. Cũng nhân dịp này, những người của thế hệ thứ II, thứ III gặp nhau, quen biết nhau, kết tình thân người làng kẻ nước với nhau. Họ sống lại tình cảm họ hàng xa gần, thể hiện nét văn hóa xã thôn Việt Nam.
Ông Patrick Fernand, Chủ tịch Hội ARAC, nhắc lại Lễ Hội Tết bắt đầu mở rộng trong 3 ngày liên tiếp từ năm 2006, năm kỷ niệm 50 năm những người Pháp Đông dương tới và định cư ở Sainte-Livrade.
Lễ Hội đón tiếp mọi người. Ở đây, mọi người đều cảm thấy vui vẻ, nói chuyện với nhau, cười giỡn với nhau. Năm nay, còn là dịp để mọi người nhìn thấy Trại CAFI đổi mới, với những dãy nhà kiến trúc mới, đầy đủ tiện nghi. Tuy nhiên, chánh quyền vẫn đáp ứng nguyện vọng của bà con cư dân giữ lại trong nguyên trạng 6 căn nhà để dùng làm chứng tích của thời “hồi hương” năm 1956 do chánh phủ Pháp tổ chức. Đồng thời, một vài căn sẽ dùng làm Bảo tàng viện lưu trữ tài liệu về cuộc “hồi hương” này, với đầy đủ ý nghĩa của nó, đau khổ, nước mắt, nhục nhã…của lớp phụ huynh trong 1600 người về với nhà nước bảo hộ ở đây. Tường vôi, ngói đỏ là màu sắc của những dảy nhà mới gợi nhớ lại ở những người lớn tuổi, năm nay còn lại lối 20 người trên dưới 90 tuổi, những ngôi nhà thuộc địa ngày xưa ở Hà Nội mà sau đó, nhà nước cộng sản trưng dụng cho nhân viên đảng và chánh phủ ở. Ông Võ Nguyên Giáp hiện đang chờ thở hơi cuối cùng cũng tại một trong những căn nhà này.
Những khu nhà mới và đường phố ở đây mang tên Việt Nam để nhắc lại quê hương làm ấm lòng chút nào cho những người rời bỏ vỉnh viển sinh quán. Như Tonkin, Delta, …
Gian hàng ăn là cả thế giới mùi vị để mọi người thưởng thức suốt 3 ngày Lễ Hội. Vừa xem múa lân, pháo bông, diển kịch, võ thuật, nghe ca nhạc và khiêu vũ , …
Cả ngàn người đang vui chơi Lễ Hội, bỗng vào lúc gần nửa đêm ngày khai mạc, có 4 người, chắc là dân thành phố Sainte-Livrade nhưng không phải dân trong Trại CAFI, xuất hiện, say rượu, với gậy gộc, với cả chai rượu cầm theo. Một người trong nhóm xin một người tham dự lễ, lối sáu mươi tuổi, một điếu thuốc. Người này từ chối. Thế là cuộc ấu đả xảy ra gây thương tích cho 6 người. Riêng người từ chối thuốc bị thương nặng phải đưa đi qua Bordeaux cứu cấp. Báo tin, sen-đầm tới can thiệp ngay.
Ban tổ chức tuyên bố năm tới sẽ đặc biệt quan tâm tới vấn đề an ninh hơn vi chuyện này mới xảy ra lần đầu từ khi có Lễ Hội này.
Ba Tàu tới Sainte-Livrade
Cuộc vui bị phá rối bởi một người say rượu và ít nhiều bệnh tâm thần không quan trọng bằng “Ba Tàu” âm thầm xâm nhập vùng này bằng cách ẩn mình trong kiện hàng hóa do một nông dân vùng này đặt mua những cái ấm trà bằng gốm. Đúng vậy. Nhóm Ba Tàu, trước tiên tới vùng Lot-et-Garonne, sau đó rải mỏng tới gần khắp Âu châu và tiến lên tận miền Bắc Âu nữa. Dân chúng trong giới nông nghiệp lo sợ cuống cuồng vì thứ này không có loại vũ khí gì có thể tiêu diệt được. Chỉ chờ thiên tai mà thôi. Tức chờ Ông Trời động lòng ngó xuống và ra tay mà thôi.
Đúng là “Khi anh Ba Tàu ngồi dậy dụi mắt, nhẳm xà là thiên hạ bắt đầu chao đảo”.
Ba Tàu tới vùng Lot không phải là những anh Ba Tàu thiệt, mà là những con Ong Bầu đi lậu từ xứ Tàu theo đường hàng hải tới đây không giấy tờ gì cả.
Những con vật này không thuộc giống vật ở Âu châu. Có người nói chúng chích 3 phát vào một ông Tây to lớn, người đầy rượu đi nữa, chỉ vài phút sau là ngã lăn ra tắt thở. Nhưng giới khoa học thì bảo phải cả trăm mũi mới gây tử vong cho người được.
Loại Ong Bầu này rất mê tìm ong mật tấn công. Nhiều nhà nuôi ong ở vùng này bị mất tới 70% bày ong của mình. Có không ít người đã phải di dời tới những vùng khác lánh nạn.
Thuốc sâu rầy không làm gì được với loài ong Ba Tàu ác ôn gốc Quảng đông này.
Báo chí Pháp trong gần đây loan tin và phân tích để tìm hiểu “Với cách nào Ba Tàu xâm nhập vào nước Pháp hiện nay”. Ba Tàu mua những ngôi nhà lớn ở khắp nơi, từ Paris tới các tỉnh thành lớn, với giá từ 4 triệu euros trở lên. Họ liên tục đầu tư vào nhiều ngành nghề, nhứt là nghề trồng nho và làm rượu. Khi gặp khó khăn trong bước tiến, người Ba Tàu bèn dở cẩm nang đối ngoại ra đọc “Chỉ khi nào túi áo của người ta trút xuống đất thì ta mới hết đường tiến thủ”.
Đảng cộng sản Hà Nội học rất kỹ nguyên lý này và đang áp dụng ngày càng thành công trên khắp đất nước Việt Nam.
© Nguyễn thị Cỏ May
© Đàn Chim Việt
Đọc bài liên quan:
Hà Nội bên bờ sông Lot
Tây bắt đầu sợ ba Tầu
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/79170/ve-mien-nam/2013/09
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001