Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Xu hướng thế giới năm 2013

(12/25/2012 04:05 PM) 
Trong năm mới 2013, thế giới sẽ có nhiều đổi thay. Đáng chú ý nhất phải kể đến chiến lược quân sự mới của Mỹ tập trung vào khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Điều này có tác động không chỉ đối với khu vực mà cả toàn cầu. Trong năm 2012, Mỹ đã đưa ra một chiến lược quân sự mới, được coi là tài liệu chiến lược chi tiết trong thế kỷ 21, sau khi đánh giá các thách thức chiến lược toàn cầu đang nổi lên thách thức vai trò lãnh đạo toàn cầu và siêu cường quân sự của Mỹ. Nó cũng được coi như một chính sách giải thích chiến lược mặc dù Mỹ áp dụng các biện pháp cắt giảm chi phí quân sự và tái cơ cấu lực lượng. Các nhân tố chính để Mỹ đề ra chiến lược quân sự mới là do:
- Trung Quốc và Iran trở thành “mối quan tâm chiến lược” của Mỹ trong năm 2012.
- Môi trường chiến lược đang thay đổi nhanh chóng ở châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông.
- Lực lượng Mỹ rút khỏi Iraq và thành công của Mỹ ở Afghanistan cho phép Mỹ xem xét lại sức mạnh quân sự.
- Một nguyên nhân quan trọng để phải có sự sửa đổi chiến lược là việc tiết giảm ngân sách Mỹ. Ngân sách quốc phòng cho đến tài khóa vừa qua khoảng $700 tỷ hay 19% ngân sách Mỹ và khoảng 28% tiền thuế thu nhập. Ngân sách 2013 đã được Quốc Hội chấp thuận là $662 tỷ.
Tuy nhiên các chiến lược quân sự trong tương lai của Mỹ sẽ lệ thuộc vào việc sử dụng sức mạnh tổng hợp của lực lượng Không quân, Hải quân và Lực lượng đặc nhiệm của quân đội Mỹ. Do đó, các lực lượng này không những không bị cắt giảm mà có thể còn được đầu tư lớn hơn nữa.
Theo phương hướng này, Mỹ bắt đầu thúc đẩy và hoàn thiện “Học thuyết tác chiến trên không-trên biển” để thay thế “Học thuyết tác chiến trên bộ-trên biển” của Mỹ đang được NATO áp dụng. Để thực hiện chiến lược, Mỹ tính toán dựa vào các nước đồng minh khu vực, đồng thời thúc đẩy và xây dựng các mối quan hệ đối tác chiến lược mới để thay thế lực lượng Mỹ trên tất cả các chiến trường. Về những thay đổi chiến lược khu vực, Chiến lược quân sự mới của Mỹ đề ra những ưu tiên chiến lược dưới đây:
- Tăng cường sự hiện diện quân sự, các khả năng nâng cao sức mạnh tác chiến và sức mạnh ngăn chặn ở châu Á-Thái Bình Dương
- Chú trọng duy trì sự hiện diện và các khả năng quân sự của Mỹ ở Trung Đông rộng lớn hơn
- Cắt giảm và bố trí lại lực lượng quân sự ở châu Âu và khẳng định NATO tiếp tục là một “Liên minh hạt nhân” chừng nào các loại vũ khí hạt nhân còn tồn tại trên toàn cầu.
Nhưng chiến lược quân sự của Mỹ còn có những tác động toàn cầu. Trước hết, cắt giảm quy mô lực lượng và những thay đổi chiến lược khu vực dẫn đến tư tưởng cho rằng Mỹ không còn khả năng duy trì vai trò lãnh đạo cũng như sức mạnh quân sự vượt trội trên toàn cầu. Năm cường quốc: Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản và Ấn Độ đều nằm trong mối quan hệ đối tác chiến lược ngày càng phát triển với Mỹ. Do đó, 5 cường quốc này không phải là mối đe dọa chiến lược đối với Mỹ.
Với Nga, mặc dù đang khôi phục chiến lược nhưng Nga không có ý định và cũng chưa có đủ khả năng để thách thức sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ như trong kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh.
Trung Quốc, cường quốc duy nhất có chương trình hiện đại hóa quân sự chiến lược và sức mạnh chiến lược, đang có ý định thách thức vị thế bá chủ thế giới của Mỹ và tìm cách buộc Mỹ rút khỏi Đông Á. Do vậy, Chiến lược quân sự mới của Mỹ không những có tác động toàn cầu mà còn ảnh hưởng đến sự lãnh đạo toàn cầu và sức mạnh quân sự vượt trội của Mỹ.
Bên cạnh đó, Chiến lược quân sự 2012 của Mỹ cũng gây nên những tác động khu vực, trong đó đặc biệt đối với châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông. Chiến lược này thể hiện rõ Mỹ có ý định tăng cường quy mô lực lượng, các khả năng nâng cao sức mạnh tác chiến và ngăn chặn ở châu Á-Thái Bình Dương. Do đó, cuộc đối đầu chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ ngày càng trở nên quyết liệt trong thế kỷ 21.
Mặc dù chưa xuất hiện một cuộc xung đột vũ trang toàn diện, nhưng một cuộc chiến tranh lạnh mang tính chiến lược sẽ xảy ra. Trung Quốc có thể đẩy mạnh chiến lược chính sách bên miệng hố chiến tranh truyền thống ở châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt ở Biển Đông. Nhưng thực tế, Trung Quốc không có nhiều đồng minh tự nhiên ở châu Á-Thái Bình Dương, ngoài Bắc Hàn và Pakistan.
Trong khi đó, Mỹ xem xét lại và tăng thêm sức mạnh mới cho cơ cấu an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương, ngoài việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam và Miến Điện. Tại Trung Đông, mặc dù không tăng cường sức mạnh quân sự như đã khẳng định, nhưng Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì quy mô lực lượng quân sự hiện nay trong khu vực. Nhưng vấn đề cần lưu ý là, các cường quốc khu vực khác ở châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc đối đầu giữa Mỹ với Trung Quốc và Iran. Thực tế, Trung Quốc đã sử dụng Iran như một mũi nhọn phản chiến lược chống Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương và Trung Đông.
Tóm lại, tất cả các đánh giá chiến lược sẽ sai lầm nếu cho rằng cắt giảm ngân sách quốc phòng và quy mô lực lượng sẽ làm giảm vị thế là nước lãnh đạo toàn cầu và làm mất vị thế siêu cường quân sự của Mỹ. Sức mạnh toàn cầu của Mỹ chắc chắn không giảm. Mặc dù không chính thức và thông qua các phương tiện truyền thông, hiện nay Trung Quốc đang đặt câu hỏi làm sao Mỹ có thể duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu bằng một nền kinh tế yếu kém? Câu trả lời nằm trong thực tế ở châu Á-Thái Bình Dương, hiện nay nhiều nước đang hợp tác với Mỹ vì nhận thấy mối đe dọa của Trung Quốc. Trung Quốc không thể bảo đảm chiến lược hoặc kinh tế cho các nước này, trong khi sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực là có thể.
Đó là vệ mặt quân sự, còn về mặt kinh tế, dưới con mắt của các chuyên gia thuộc ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ, năm 2013 sẽ là một năm sáng sủa hơn đối với nền kinh tế toàn cầu so với những năm gần đây.
Trang Financial News dẫn báo cáo 10 xu hướng kinh tế thế giới năm 2013 do hai chuyên gia Dominic Wilson và Kamakshya Trivedi của Goldman Sachs thực hiện cho rằng, cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu được dự báo sẽ tiếp tục gây ra những trở ngại, nhưng bù lại kinh tế Mỹ sẽ phục hồi tốt hơn, còn kinh tế Trung Quốc sẽ dần ổn định. Báo cáo nhấn mạnh, những khó khăn kinh tế toàn cầu sẽ giảm dần trong năm sau, và các nhà đầu tư có thể sẽ cảm thấy yên tâm hơn.

1. Giai đoạn cam go của kinh tế toàn cầu sẽ kết thúc, chặng đường mới sẽ bớt chông gai hơn
Theo chuyên gia của Goldman Sachs, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ còn yếu trong đầu năm 2013, nhưng một khi đã vượt qua được giai đoạn này, sự phục hồi bền vững có thể sẽ được thiết lập một khi nền kinh tế thế giới khắc phục được những rủi ro tăng trưởng liên quan tới vấn đề tài khóa. Goldman Sachs dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức 3.3% trong năm 2013, nhìn chung ngang với mức tăng trưởng dự báo cho năm 2012. Tổng sản lượng quốc nội (GDP) của Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng yếu quanh ngưỡng 2%, kinh tế khối Eurozone ở ngưỡng gần như suy thoái, trong khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể giảm dưới mức trung bình của 5-10 năm qua.
Tuy vậy, các nhà phân tích của Goldman Sachs cho rằng, đằng sau những con số dự báo trên là những khác biệt lớn so với năm 2012.  “Thị trường nhà đất và việc làm Mỹ sẽ có thêm những bước hồi phục, căng thẳng về nguồn cung năng lượng toàn cầu sẽ được giải tỏa, và các nền kinh tế, nhất là các nền kinh tế phát triển, sẽ có cơ hội để tăng trưởng mạnh hơn”, báo cáo viết. Theo báo cáo, nếu vượt qua được giai đoạn cam go hiện nay, kinh tế toàn cầu sẽ đạt được sự phục hồi tăng trưởng bền vững từ năm 2014 và những năm sau đó.

2. Thị trường địa ốc Mỹ ổn định và hồi phục
Thị trường bất động sản của Mỹ được xem là một trong những thước đo quan trọng về sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Năm nay, thị trường này đã khởi sắc hơn, và sự khởi sắc này được Goldman Sachs dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong năm sau.
Các chuyên gia nhận định, hoạt động trên thị trường địa ốc Mỹ năm tới sẽ mở rộng thêm nhờ lãi suất thế chấp vẫn duy trì ở mức thấp kỷ lục và các điều kiện cho vay tương đối dễ dàng. Trong đó, số nhà mới khởi công có thể tăng 20%, trong khi giá nhà sẽ tăng 2-3%.

3. Kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng ổn định, nhưng không còn giống như trước
Báo cáo của Goldman Sachs cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, sẽ ổn định ở mức trên 8% một chút trong năm sau. Phân tích rủi ro của tổ chức dự báo này về thị trường Trung Quốc cho rằng, những tài sản chủ chốt, chẳng hạn chứng khoán Trung Quốc, đã phản ánh sự giảm sút mạnh trong dự báo về tăng trưởng của nền kinh tế này. “Mặc dù trong 3 tháng trở lại đây, rủi ro trên thị trường Trung Quốc đã được phản ánh mạnh vào giá trị tài sản, triển vọng ổn định trong năm sau có thể đem đến tâm trạng khuây khỏa cho các nhà đầu tư,” báo cáo viết.

4. Khác biệt tăng trưởng giữa các quốc gia chủ chốt của khối Eurozone và những nước ngập trong khủng hoảng nợ sẽ càng trở nên sâu sắc
Theo Goldman Sachs, sự khác biệt về tăng trưởng kinh tế giữa các quốc gia là thành viên chủ chốt trong khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu, Eurozone, chẳng hạn Đức, với những nước đang bị cuộc khủng hoảng nợ công siết chặt, chẳng hạn Tây Ban Nha, sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn trong năm sau. Trong đó, kinh tế Đức được dự báo có thể rơi vào trạng thái tăng trưởng nóng, trong khi Tây Ban Nha sẽ còn vật lộn với suy thoái.

5. Vai trò của Eurozone với tư cách đầu tàu rủi ro của thế giới sẽ suy giảm
Dù tăng trưởng ở Eurozone được cho là sẽ còn yếu trong năm sau, các nhà phân tích của Goldman Sachs dự báo, các vấn đề liên quan tới khu vực này sẽ không còn đóng vai trò quyết định bức tranh rủi ro toàn cầu như trước.  “Đó là một phần do các biện pháp chính sách và những đổi mới về thế chế làm giảm bớt những rủi ro sâu sắc mang tính hệ thống vốn có khả năng truyền dẫn trên phạm vi toàn cầu. Ngoài ra, cũng còn bởi chúng tôi kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ tiếp tục nỗ lực để giảm bớt nguy cơ gia tăng của các rủi ro trong khu vực.”
Tuy nhiên, Goldman Sachs cảnh báo, các nhà đầu tư trên toàn cầu nên chuẩn bị sẵn sàng cho những rủi ro có nguy cơ cao, chẳng hạn áo lực kinh tế ở Tây Ban Nha có thể dẫn tới rủi ro chính trị leo thang trừ phi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) can thiệp, hay bất ổn chính trị ở Tây Ban Nha có thể dẫn tới những lo ngại mới về tiến trình cải cách ở quốc gia này.

6. Các thị trường mới nổi tiếp tục tăng trưởng khả quan
Theo báo cáo của Goldman Sachs, tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục tăng tốc đáng kể tại các nền kinh tế mới nổi trong năm tới, nhưng tốc độ tăng trưởng tại những nền kinh tế mới nổi lớn như Trung Quốc hay Nam Hàn có thể giảm xuống trong dài hạn.
Các nhà phân tích thực hiện báo cáo cho rằng, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong tam cá nguyệt thứ 4 của năm 2012 và tam cá nguyệt đầu tiên của năm 2013 sẽ giảm nhẹ, sau đó tăng hạn chế trong thời gian còn lại của năm 2013 và 2014.

7. Nhưng các thị trường mới nổi vẫn sẽ phải đối mặt với không ít thách thức
Goldman Sachs cho rằng, các thị trường mới nổi sẽ có cách phản ứng khác nhau trước áp lực lạm phát, đồng thời những mất cân đối trong cán cân vãng lai sẽ vẫn là một vấn đề đáng lo ngại đối với các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Ukraine. Một số quốc gia sẽ hướng tới mục tiêu đồng tiền yếu, chẳng hạn như Cộng hòa Czech, trong khi một số nước khác như Nga hiện đã thắt chặt chính sách tiền tệ để hạn chế dòng tiền nóng chảy vào.
“Các các ngân hàng trung ương phản ứng trước lạm phát có thể sẽ rất khác nhau. Bởi vậy, cho dù áp lực lạm phát có tăng, thì chính sách của một số ngân hàng trung ương sẽ không nhất thiết là thắt chặt, hoặc thắt chặt theo những cách sẽ không dễ được phản ánh vào giá cả trên thị trường.”

8. Các ngân hàng trung ương lớn sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ lỏng lẻo để kích thích tăng trưởng
Nhóm 4 ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới bao gồm Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ECB, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) được Goldman Sachs dự báo sẽ tiếp tục duy trì lãi suất thấp trong năm 2013. Thậm chí, ECB có thể sẽ mua vào tài sản của khu vực tư nhân để hỗ trợ hoạt động tín dụng doanh nghiệp và ngân hàng trong khu vực, tiến tới phá băng tín dụng ở các quốc gia lâm khủng hoảng nợ như Tây Ban Nha.

9.  “Phần thưởng” cho những nhà đầu tư ham thích rủi ro sẽ không còn lớn như trước
Cuộc tìm kiếm lợi suất của các nhà đầu tư vẫn sẽ tiếp tục diễn ra, nhưng Goldman Sachs nhận định, trong năm 2013, mức lợi nhuận mà các khoản đầu tư rủi ro đem lại cho các nhà đầu tư trên toàn cầu sẽ không còn hấp dẫn như trước.

10. Những căng thẳng trên thị trường nhiên liệu sẽ giảm bớt
Các nhà phân tích của Goldman Sachs dự báo, những căng thẳng về nguồn cung nhiên liệu sẽ bắt đầu giảm trong năm 2013 nhờ Mỹ tăng cường sản xuất dầu lửa, cũng như việc khơi thông ách tắc trong hệ thống đường ống dẫn dầu của thế giới. Thị trường dầu lửa nhờ thế sẽ ổn định ở mức giá từ $80-90 /thùng. (H.N)
nguồn:http://tuanbaosongonline.com/D_1-2_2-211_4-363_15-2/xu-huong-the-gioi-nam-2013.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001