Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Cuối tháng Tư, gửi thầy giáo Phạm Toàn – một “Nhà thơ đang sống”

Hoàng Hưng


Tối qua, tình cờ xem HBO, được một phim tuyệt vời lâu lâu mới gặp. Cái tên lạ: “Dead Poets Society” (Hội những Nhà thơ đã chết). Cảnh một tốp học sinh mắt sáng, mặt đầy cá tính, trong một trường nội trú kỷ luật gắt gao giống như trường Đạo. Những vị giáo sư khả kính. Những bữa ăn có cầu kinh. Những buổi tự học có giám thị. Những tối ngủ theo giờ chuông lệnh… Bỗng một thầy giáo xuất hiện, mặt đầy thông minh và nghịch ngợm, có thể nói là láu lỉnh. Thầy dạy Anh văn (tức như thầy Việt Nam dạy môn Tiếng Việt) không giảng bài, không bảo học sinh ghi chép. Thầy vừa huýt sáo một điệu vui, vừa đi vòng quanh lớp rồi ra cửa, nháy mắt, khều tay rủ các trò đi theo, và bảo trò gọi mình bằng câu thơ Walt Whitman: “Oh Captain! My Captain!” (Hỡi thuyền trưởng!). Đám trò như bị thôi miên. Bài đầu tiên thầy thì thầm vào tai các em khi kéo chúng đến ngắm nhìn chân dung những cha anh đã khuất, đó là câu châm ngôn Latin “carpe diem” (hãy sống tận từng ngày).
Tôi bị ông thầy này hấp dẫn không khác đám trò trong phim. Và khi, vào giờ học THƠ, ông cho trò đọc bài mở đầu trong cuốn sách hàn lâm mà nhà trường sử dụng hàng trăm năm làm giáo trình chính thức, dạy: phương pháp đánh giá bài thơ một cách khoa học có thể biểu thị thành đồ thị, rồi ông hét lên: “Việc của các em là XÉ, XÉ TỪNG TRANG, XÉ HẾT…”. Ông gọi một trò nhút nhát nhất, cho em đọc một đoạn thơ, hỏi em cảm thấy thế nào cứ nói. Cậu học trò, với sự kích thích dẫn dụ của thầy, từ chỗ ấp a ấp úng, đã từ từ làm ra một bài bình luận đầy cảm xúc với những cảm nhận rất riêng. Ông kết luận: “Đấy là cách học một bài thơ!”.
Đến đây thì tôi không nín được, phải gọi bà xã: “Em ra xem, anh Phạm Toàn kìa!”.
Chuyện phim ngày càng gay cấn, với sự biến đổi như phép màu những cậu học trò chán nản, thụ động, chỉ lo làm toại ý ông hiệu trưởng và cha mẹ thành những chàng trai sôi nổi, thành những chàng trai biết mình thực sự muốn gì và dám đi theo khát vọng của chính mình. Chúng phát hiện ra thầy giáo là một cựu học sinh xuất sắc của trường, đã từng lập ra một “HỘI NHỮNG NHÀ THƠ ĐÃ CHẾT” bí mật họp nhau trong hang đá để đọc thơ của những nhà thơ xưa, và đọc thơ của chính mình… Và kết cục bi thảm với sự trừng phạt của ông Hiệu trưởng, với sự ra đi của ông thầy giáo xui học trò đứng lên bàn để có một cái nhìn khác lạ (“Điều quan trọng là KHÁC LẠ”), với những giọt nước mắt của đám học trò bị ép phải ký tên buộc tội cho ông thầy mà chúng yêu mến.
Ôi bi đát: trong xã hội hiện đại, chỉ có NHỮNG NHÀ THƠ ĐÃ CHẾT!
Hóa ra đây là một bộ phim nổi tiếng của Mỹ từ năm 1989, đoạt nhiều giải thưởng.
Kịch bản của Tom Schulman, viết dựa trên trải nghiệm của bản thân ở một Học viện danh tiếng. Robin Williams, người đóng vai John Keating – ông thầy giáo bị kết tội “xúi giục trò nổi loạn”, trở nên nổi tiếng từ vai diễn được giải Diễn viên chính xuất sắc nhất này.
Xem xong bộ phim, tôi còn bị kích động đến hết buổi tối. Buồn và vui.
Buồn: những con người tâm huyết, thông minh, sáng tạo ở đâu và bao giờ cũng bị cỗ máy ù lì tìm cách nghiến nát (Mỹ cũng thế!). Vui: ít ra thầy giáo Phạm Toàn không cô độc như John Keating, ông có bao bạn bè, cả người có chức trách, ủng hộ, nhất là ông có cả một tốp thầy cô giáo trẻ thông minh sáng láng giống như tốp học trò trong bộ phim nối nghiệp, chứ không bị chúng “chối” trước sức ép của cỗ máy.
Và cuối cùng, vui vì một cái tin xin thông báo ngay cho nhà giáo Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm: trong cùng buổi tối, tôi nhận được lời xác nhận của một người đã đi nghe thầy giáo già Phạm Toàn và hai cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thanh Hải, Đinh Phương Thảo thuyết trình ở IDECAF: “Xin chuyển 50 triệu đồng để nhóm Cánh Buồm in sách giáo khoa”.
TÚM LẠI: CÓ PHẢI CHÚNG TA THUỘC “HỘI NHỮNG NHÀ THƠ ĐÃ CHẾT”? KHÔNG, CHÚNG TA LÀ “NHỮNG NHÀ THƠ ĐANG SỐNG”!
H.H.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
(nguồn boxitvn)
 

1 nhận xét:

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001