PHẢI CHĂNG LOẠN
“SỨ QUÂN KIỂU MỚI”?
Sử sách còn ghi: Đinh Tiên Hoàng (924-979) là vị
vua sáng lập triều đại nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt. Ông là người có công đánh
dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn và trở thành hoàng đế
đầu tiên của Việt Nam sau 1000 năm dân tộc bị họa lâm vào cảnh Bắc thuộc.
Đại Cồ Việt là nhà nước mở đầu cho thời đại độc lập, tự chủ, do Đinh Bộ Lĩnh mở
nước, lập đô, lấy niên hiệu với tư cách người đứng đầu một vương triều bề
thế…Nay, nước ta có 63 tỉnh, thành phố, với gần 700 quận, huyện. Rồi
còn các bộ, ngành, tập đoàn kinh tế, tổng công ty…Dưới còn có trên
11.000 xã, phường. Nhưng trong những năm gần đây, ở các tỉnh, thành,
quận, huyện và cả cấp xã đã xuất hiện có sự tùy tiện tỏ ra “toàn
quyền”, quan liêu, lộng hành, hống hách với dân, làm sai các Nghị
quyết của Đảng, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước
và Chính phủ.
Như thế, thời nhà Đinh có 12 sứ quân mà dẹp
loạn đã khó, nay ta lại có hàng trăm “sứ quân kiểu mới” hay sao? Có
những thực trạng, những vụ việc mà các cấp lãnh đạo bên
trên có biết, nhưng chậm chỉ đạo khắc phục, nghe báo cáo một chiều,
để cho cấp dưới lộng quyền cưỡng bức mạnh tay vớii nhân dân, gây phản
ứng cho xã hội. Nhưng có những vụ việc cấp ủy, chính quyền hầu như
được “dựa hơi” lãnh đạo cấp trên, bộ, ngành Trung ương nên họ hành
động, ra những quyết định sai trái, tỏ ra không ngán ai, sinh ra dư luận
làm mất uy tín Đảng, Nhà nước. Như thế chỉ nặng về tập trung, kiểu
chế độ tập quyền, độc đoán, vi phạm nghiêm trọng quyền dân chủ.
Cấp ủy Đảng, chính quyền, nơi người dân đặt
niềm tin vào chế độ, nhưng lại không thực hiện đúng nghị quyết Đảng,
làm sai chủ trương, sai chính sách, sai pháp luật, gây mất
dân chủ, làm xói mòn và đi đến mất niềm tin của nhân dân đối với
Đảng và Nhà nước thì loạn quá rồi còn gì!
Hiện nay, các chủ trương, chính sách của Đảng
triển khai thực hiện quá chậm, thiếu đồng bộ, kém hiệu lực, thiếu
tổng lực và không nghiêm minh. Sự độc đoán, chuyên quyền, vi phạm nghiêm
trọng và bất chấp kỷ cương pháp luật ngày càng nhiều, quyền dân chủ
không được tôn trọng, chưa nói đến các mỹ từ như “phát huy, nâng cao
quyền dân chủ”…. Ngay như trong Báo cáo Chính trị Đại hội XI của Đảng
cũng chỉ rõ: Nhân dân bị chặt đi quyền dân chủ, không còn được thực
thi và phát huy vai trò giám sát, hoặc nếu có cũng chỉ là hình
thức. Đối thoại Đảng với dân, chính quyền với dân không thực hiện
thường xuyên, còn mang tính hình thức và không hiệu quả. Những lợi
ích hợp pháp của dân không được coi trọng. Điển hình như vụ Tiên Lãng,
vụ Văn Giang, vụ ở Đắc Nông, và nhiều nơi khác. Tháng 3 mới rồi, hàng
trăm công an ở thành phố Cần Thơ được huy động rần rần đến một nhà
dân chỉ có hai ông bà già ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng, để cưỡng
chế thu hồi đất. Hai ông bà già bị oan ức, kêu gào thảm thiết. Có
những trường hợp đau lòng như ông Đỗ Kim Đễ, cựu chiến binh, cựu Đảng ủy
viên, cựu Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã, hiện đang giữ chức Chủ tịch MTTQ
Việt Nam xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, do nhiều năm kiên
quyết và kiên trì chống tham nhũng mà bị khai trừ Đảng.
Trong thực tế, mặc dù Chính phủ và các bộ,
ngành ở Trung ương đã chỉ đạo, nhưng cấp địa phương vẫn giải quyết chưa
kịp thời, hiệu quả thấp và chậm những vấn đề mới phát sinh; chưa tạo được
sự đổi mới về chất lượng hoạt động của Quốc hội và các cơ quan dân cử; sự điều
hành của Chính phủ có những mặt vẫn bỏ qua sự kiện, vụ việc và những
vấn đề phát sinh, những “điểm nóng”. Chính quyền các cấp và các đoàn thể
nhân dân, nhất là cán bộ đảng viên, người đứng đầu chưa thực sự gắn
nhiệm vụ, chức trách với những hoạt động thực thi dân chủ.
Đã nhiều khóa, nhiều nhiệm
kỳ qua, có cái lạ là việc gì cũng chờ Thủ tướng giải quyết. Nhưng
Thủ tướng giải quyết rồi, giao cụ thể cho địa phương, thì địa phương
lại tìm cách “hoãn binh”, tìm lý do kêu khó, kéo trì chậm hoặc không
làm theo, có khi làm ngược lại (như vụ Tiên Lãng, Hải Phòng). Bộ máy
Đảng, chính quyền và các bộ, ngành được xây dựng và trao quyền đầy
đủ, tại sao không làm mà cái gì cũng phải đợi quyết định và sự
trực tiếp giải quyết của Bộ Chính trị, Ban bí thư, Thủ tướng?
Theo thể chế chính trị: Đảng lãnh đạo trực
tiếp, tuyệt đối, toàn diện. Vai trò và chức năng điều hành của Chính
phủ cũng rất quan trọng đối với địa phương, bộ, ngành. Có một số vụ
việc, các quan địa phương hầu như được dựa dẫm,”chống lưng”, hay được
động tác “bật đèn xanh” của cấp cao hơn, cho nên từ Bí thư Tỉnh ủy,
Thành ủy, Chủ tịch UBND, cả Ban Thường vụ lại rất nghênh ngang đến
mức “làm liều, làm tới, coi dân như cỏ rác”. Vì vậy, dễ gì tự nhiên có
nạn “sứ quân” mà còn là nạn kiêu binh, hống hách...cường hào đối với người nông
dân do có vấn đề chia đất, ăn phần...của lãnh đạo nhiều cấp từ dưới lên
trên.
Đây là sự thực trạng biểu hiện trên dưới đã cùng
nhóm lợi ích để hợp sức bảo vệ quyền lợi cho cá nhân. Chỉ có lô gích này
mới giải thích được sự kiện Tiên Lãng, Văn Giang hay nhiều nơi khác, dẫn
tới người dân bị cướp đất đến mức trắng tay, bị đàn áp oan khốc. Họ
còn đưa CA tham gia vào cưỡng chế cũng nằm trong mục đích này, hay nói khác đi
lực lượng "vì dân phục vụ" nay đã biến thành lực lượng đàn áp cưỡng chế bằng
bạo lực góp tay với người đi cướp đất của bà con nông dân và trở thành nạn kiêu
binh, đánh đập, bắt người tàn bạo đến mức hung ác trắng trợn. Chính
sách đàn áp như thế là nguyên nhân gây mất ổn định trong xã hội, đánh mất bản
chất, ý nghĩa của một chính quyền cách mạng "do dân vì dân và của dân". Đó là
sự “tự diễn biến” ngay trong nội bộ Đảng, chính quyền của ta, không
nên đổ cho “thế lực thù địch” nào khác.
Luật hành chính, quy định lãnh đạo và phục
tùng, tập thể lãnh đạo - cá nhân phụ trách, quy định cấp dưới phải
phục tùng cấp trên đều có đủ, nhưng “trên bảo dưới không nghe, dưới tỏ
ra khinh nhờn, không nể trọng trên”. Nếu không có một quyền lực mạnh
đứng ra bảo bọc, che chắn, thậm chí chỉ đạo thì cũng chưa chắc đã
xảy ra tình trạng lạm quyền, tùy tiện, bất chấp của các cấp chính
quyền địa phương, cơ sở.
Thực trạng này đã và đang rung lên tiếng chuông
cảnh báo về hiện tượng những “sứ quân kiểu mới”. Sự tùy tiện và
lộng quyền của một số chính quyền ở địa phương như biểu hiện “cát
cứ ngầm” ngay trong nội tại thể chế chính trị-xã hội. Có vụ việc
phức tạp cần Trung ương, bộ, ngành cấp trên về giải quyết, nhưng khi
Trung ương về rồi thì người dân không được giải quyết theo chỉ đạo của
trên, mà lại bị trả thù, trù dập. Thế nên có câu ca: “Bộ đến rồi
bộ lại về / Dân đen như vẫn nằm kề vực sâu…”. Như thế, khác nào
cấp Trung ương, cấp bộ, ngành thuộc Trung ương chỉ giải quyết một cách
đại khái, nửa vời, còn lại vẫn giao quyền cho địa phương “tự giải
quyết”. Họ đã làm sai, nhưng được giao quyền và tiếp tục sai
trái.
Vụ Văn Giang (Hưng Yên) thì lại có hiện tượng
rất khác thường, không riêng huyện mà tỉnh, cả bộ cũng có can dự
vào. Lãnh đạo cấp tỉnh, huyện và hàng nghìn chiến sĩ, nhân viên cánh
sát, dân phòng tham gia cưỡng chế chớp nhoáng bằng vũ lưc như vậy, phải chăng
là có sự rút kinh nghiệm từ vụ Tiên Lãng, tránh để dây dưa, kéo dài, vì sao?
Dự án Ecopark là một dự án dân sự mà lại có sự can thiệp tích cực của Đảng bộ,
Chính quyền (chấp hành mệnh lệnh của ai, ở cương vị nào mà đến mức như
vậy?). Trong vụ đau lòng và trắng trợn này, vai trò của MTTQ, Hội Nông
dân, Đoàn Đại biểu QH ở tỉnh Hưng Yên đi vắng hết hay lặn đi đâu mất tăm rồi?
Sao không giải quyết khiếu nại, tố cáo bảo vệ quyền lợi chính đáng
cho người dân? Nếu cần sao đưa ra tòa án để tranh tụng và chấp hành theo kết
luận của tòa, thực hiện nhà nước pháp quyền ?
Qua đó, thấy có những vụ việc mà địa phương
tùy ý làm, cố ý làm trái, ép dân, tiến hành các biện pháp quá mạnh
tay, nóng vội để đạt mục đích riêng của người đứng đầu, của phe
nhóm. Vậy mà khi Trung ương chỉ đạo cũng không thực hiện nghiêm, thậm
chí còn báo cáo sai sự thật. Trong vụ cưỡng chế thu hồi đất ở xã
Xuân Quan, huyện Văn Giang (Hưng Yên), theo bài do Chánh văn phòng UBND Bùi
Huy Thanh đứng tên, đăng trên trang Cổng thông tin điện tử tỉnh Hưng Yên:
“Dự án được Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan chức
năng của Trung ương và địa phương đều thống nhất cao về chủ trương, biện pháp
giải quyết…Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp
tại hiện trường của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ và đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân
tỉnh, các cơ quan chức năng của tỉnh, các lực lượng thực hiện hỗ trợ thi công và
cưỡng chế của huyện Văn Giang, sự hỗ trợ của Bộ Công an và Công an tỉnh, đã thực
hiện tốt phương án đề ra, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, tài sản của nhân
dân và các lực lượng tham gia hỗ trợ thi công, cưỡng chế. Nhưng bài viết này
trên trang “lề Đảng” cũng nêu: “đảm bảo
tuyệt đối an toàn về người và phương tiện; được đông đảo cán bộ, đảng viên và
nhân dân huyện Văn Giang nói chung, xã Xuân Quan nói riêng đồng tình ủng hộ”.
Có đánh đập, xô xát, có đổ máu mà gọi là an toàn, lại được nhân dân
đồng tình thì cũng lạ…(đọc
bài tại đây) .
Thủ tướng và bộ chủ quản chỉ đạo Hưng Yên nhanh
chóng giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho chủ đầu tư để bảo đảm
kế hoạch, tiến độ. Còn quy trình, kế hoạch, biện pháp phải do địa
phương, do những cán bộ và người chỉ huy trực tiếp làm nhiệm vụ thực
hiện. Khi có hàng trăm hộ dân chưa bằng lòng giao đất, phải nghĩ đến
việc bồi hoàn chưa thỏa đáng, người dân quá bị thiệt thòi mới đấu
tranh. Hoặc là công tác dân vận, giải thích cho dân chưa được tiến hành
đủ độ, còn kém, bị dân phản ứng, khiếu kiện đông người. Đúng ra, từ
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến Huyện ủy, UBND huyện Văn Giang và xã Xuân Quan
phải bình tĩnh, khách quan điều tra, phân tích vấn đề, thực hiện đúng
quy chế dân chủ cơ sở, thực hiện công tác tuyên truyền, giải thích,
kèm theo chính sách hợp lý, bồi hoàn thỏa đáng, đúng pháp luật,
không để dân bị thiệt thòi, thì việc hàng trăm người dân chống đối
quyết liệt đâu có xảy ra? Nếu phần tử xấu kích động thì làm sao mà
có số lượng hàng trăm người dân nghe theo kích động? Dư luận vẫn đánh
giá bản chất vấn đề: Theo Luật đất đai 2003, “đối với dự án sản
xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt thì nhà đầu
tư được nhận chuyển nhượng, mua hoặc thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng
quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân mà không phải
thực hiện thủ tục thu hồi đất”. Do vậy, Ecopark ở Văn Giang, với nội dung đã
công bố và quảng cáo rộng rãi, hiển nhiên là dự án kinh doanh, chủ đầu tư chỉ
được phép nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử
dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân; chính quyền không được
phép thực hiện thủ tục thu hồi đất.
Việc cho lực lượng công an rầm rộ, có vũ trang
cưỡng chế đất cho các dự án kinh doanh, các khu đô thị mới… trong những năm gần
đây gây nhiều bức xúc, làm người dân giảm sút lòng tin. Vụ cưỡng chế thu hồi
đất ở Văn Giang lại nhằm vào nông dân nghèo khó chất phác, lấy đi mảnh đất mồ
hôi nước mắt và cả máu xương họ mới có được, kế sinh nhai duy nhất của
họ, để giao cho dự án kinh doanh của một vài người giàu. Nhưng việc bồi hoàn,
giải tỏa còn nhiều khuất tất, thiếu công bằng sòng phẳng, để cho dân
bị nhiều thiệt thòi thì hoàn toàn không nên. Dân thì vẫn là dân, muốn
được thực hiện quyền dân chủ do Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý,
đâu phải địch mà vạch phương án, điều động lực lượng, xử lý tình
huống, mạnh tay trấn áp như vậy? Trong bàì viết tựa đề “Phải thay
đổi tư duy thu hồi đất”, tác giả Võ Văn Tạo đã viết: Bất cứ vụ cưỡng
chế nào tương tự Tiên Lãng hay Văn Giang, cũng đi ngược với tuyên bố mới đây của
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực
thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ
không phải chỉ cho một thiểu số giàu có… Pháp quyền dưới chế độ XHCN là công cụ
thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ lợi ích của đại đa số
nhân dân… Nguy cơ đối với đảng cầm quyền là tham nhũng, quan liêu, thoái
hoá…”
Chắc chắn trong vụ này cả Chính phủ và bộ chủ
quản không ai chỉ đạo phải bắt dân, đánh đập dân, kéo lôi dân như băt
lợn, bắt bò, coi dân không bằng con vật. Sự phẫn uất của dân cũng do
cách làm nóng vội, mất dân chủ, mất tình người của các “sứ quân”.
Chính phủ chỉ đạo nội dung công việc, quy mô dự án, còn cách thức
làm, quy trình tổ chức thực hiện, bồi hoàn cho dân ra sao, phân công,
điều động lực lượng thế nào là do địa phương. Nhưng khi có chuyện thì
địa phương thường tung tin là vụ này do “Chính phủ chỉ đạo”. Họ cứ
đưa Chính phủ ra để ngụy biện cho việc làm sai trái, gây hậu họa mất
dân chủ, gây bất bình nghiêm trọng. Việc này, cần kiểm điểm và thi
hành kỷ luật nghiêm khắc đối với những cán bộ, chiến sĩ công an khi
tiếp xúc, giải quyết các vụ tranh chấp dân sự với người dân. Theo ông
Nguyễn Trung, cựu thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ (khóa
trước) và Viện Nghiên cứu Phát triển IDS: “Nhà nước của dân, do dân…không
được phép trấn áp dân. Việc huy động một lực lượng lớn (có người nói khoảng
500, có người nói khoảng 1000) cảnh sát cơ động có vũ trang, các lực lượng
không quân phục khác, một khối lượng lớn xe cộ, sử dụng cả vũ khí dù không gây
sát thương để trấn áp dân cho mục đích cưỡng chế, lại xảy ra ngay sát thủ đô Hà
Nội, báo động một chiều hướng phát triển vô cùng nguy hiểm cho đất nước, nhất
thiết phải tìm cách ngăn chặn”.
Hầu như tỉnh, thành nào cũng có những vụ việc
phức tạp, mất dân chủ mà căn nguyên vấn đề là do chính quyền địa
phương công khai móc nối, kết giao, thông đồng với đại gia, chủ doanh
nghiệp, mượn thế lực công an để cưỡng chế, thu hồi đất của dân. Họ
là công an nhân dân, nhưng thực chất trong những trường hợp cưỡng chế,
truy dẹp người dân một cách hùng hổ như vậy, công an cách mạng là của
nhân dân ở chỗ nào, nhân dân được nhờ ở họ những gì? Câu khẩu hiệu
“Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” nay họ thực hiện được những gì?
Những hành động “quá tả”, hùng hổ, mạnh tay trấn áp mà bỏ qua công
tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, có đúng với bản chất và
nhiệm vụ của công an trong chế độ ta. Họ chỉ quen hành động theo mệnh
lệnh một cách mù quáng, làm sai quan điểm, đường lối, chính sách của
Đảng và Nhà nước, phục vụ cho quyền lợi của một số cá nhân có chức
có quyền, các nhóm lợi ích, phục vụ cho các đại gia có lắm tiền
sẵn sàng thuê mướn. Đã có không ít vụ công an nghe lệnh chính quyền
và phục vụ chỉ đạo của chính quyền, của chỉ huy đi cưỡng chế thu
hồi đất trái pháp luật đã đánh đập, hành hạ nhân dân
(xem videoclip và một số tin
cùng nội dung trong trang youtube.com).
Trong “6 điều Bác Hồ dạy công an” có ghi rõ:
“Đối với tự mình phải cần-kiệm-liêm-chính. Đối với nhân dân phải
kính trọng, lễ phép” Vậy kiểm điểm lại, công an của ta nay thực hiện
6 điều dạy của Bác Hồ đến đâu? Được bao nhiêu? Công an là “thanh bảo
kiếm trung thành bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân”, nhưng khi dính vào
những vụ như thế thì đã thực sự dùng “thanh bảo kiếm” đó để bảo vệ
uy tín Đảng lãnh đạo, bảo vệ nhân dân như thế nào? Sao không nghe lời
Đảng như nghị quyết, sao lại quên lời Bác dạy, sao không bảo vệ nhân
dân? Thật là đau lòng khi thấy công an vì “giúp” chính quyền và đại
gia lấy đất của dân mà đã hành xử người dân thảm thương như vậy (xem
tin, ảnh tại đây).
Thế nên, cần phải nghiêm túc nhìn nhận, đánh
giá đúng thực trang, thực chất xã hội, cần phải xem lại có hay không
trong thể chế xã hội VN đã xuất hiện loạn nhiều “sứ quân
kiểu mới”? Nếu có, đã đến mức nguy hại gì? Hậu họa sẽ dẫn tới thế
nào? Thực trạng nguy hại này cần được nhận diện cho rõ, làm sao để
thực hiện đứng như phương hướng Đại hội XI đã đề ra cho nhiệm lỳ
2011-2016: “Thực hiện tốt hơn Quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh thực hiện dân
chủ ở xã, phường, thị trấn. Phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm công dân, kỷ
luật, kỷ cương xã hội; phê phán và nghiêm trị những hành vi vi phạm quyền làm
chủ của nhân dân…Chống tập trung quan liêu, khắc phục dân chủ hình thức. Quan
tâm hơn nữa việc chăm lo hạnh phúc và sự phát triển tự do, toàn diện của con
người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người, tôn trọng và thực hiện
các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam ký kết”.
Bùi Văn
Bồng
4/2012
(bản gốc của tác
giả)
(nguồn blog người lót gạch)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001