Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Giáo dục phải đưa hạnh phúc đến từng gia đình

 

Trò chuyện giữa
một phóng viên giả tưởng
với nhà giáo của Cánh Buồm
Phóng viên – Chào nhà giáo của Cánh Buồm. Em nghe nói sau cuộc hội thảo ở thành phố Hồ Chí Minh ngày 14-4 năm 2012, có cuộc dừng Nam tiến và ra Bắc vì…?
Phạm Toàn – … Vì sưng khớp và viêm họng. Cánh Buồm thì cũng thịt da ấy thôi mà! (cười) Ngày xưa các cụ mang gươm và cày cuốc đi mở cõi, nói ít và đi từ từ, bây giờ ngày nào cũng phải có cuộc chiến tranh cổ họng, và đi rất nhiều nhảy từ cuộc gặp này sang cuộc khác. Phải gặp từng giáo sư, gặp từng người cần gặp trước ngày hội thảo. Cuộc hội thảo như một chuyến du lịch: đi chơi có một hôm thôi, nhưng chuẩn bị cả năm, và sau “chuyến viễn du một ngày” là biết bao ngày tháng làm những công việc hậu kỳ. Mệt, nhưng rất vui!
Phóng viên – Nhà giáo của Cánh Buồm vui lòng kể lại vài ấn tượng…? Hay là nói dần dần từ ấn tượng đầu tiên vậy…?
Phạm Toàn – Ấn tượng thứ nhất: trước đây mình cứ sợ một bộ sách giáo khoa tiểu học nhảy bổ vào một thành phố… xa lạ ấy, liệu có ai thèm chú ý? Tháng 11 năm ngoái (2011), trong một cuộc trù bị, tôi gặp ông Tổng biên tập một tờ báo có máu mặt. Ông ấy có đâu đó chừng một hai đứa con đang học trung học ở nước ngoài. Ông ấy bảo tôi “bác cứ mạnh dạn giới thiệu chương trình và sách Cánh Buồm đi. Tôi sẽ phản biện. Tôi sẽ tổ chức phản biện”… Sau chuyến đi trù bị đó và sau cuộc gặp gỡ đó, tôi định bỏ cuộc khôngNam tiến nữa. Nhưng các bạn trong nhóm Cánh Buồm đã ra lệnh cho tôi tiếp tục hành trình…
Phóng viên He he he he he … Trong mười lăm buổi huấn luyện sư phạm của thầy mà em được tham dự tháng 3-2012 tại công ty Brighture, em thấy thầy không… con nít đến thế… Xin lỗi thầy… Hóa ra thầy xa thực tế quá đấy! Người ta vẫn tuồn con cái ra nước ngoài học hành, và người ta vẫn ở trong nước liên tục phát triển… Thầy cứ làm, người ta cứ nói. Đã làm gì nhau!
Phạm Toàn – Các em trong nhóm Cánh Buồm cũng hay gọi tôi là con nít như nhà báo vừa gọi. Các em nói đó là danh hiệu cao quý nhất dành cho tôi… Ờ biết vậy, nhưng dẫu sao trong đợt vừa rồi tôi cũng vẫn né tránh không gặp ông Tổng biên tập kia… Nhưng thay vào ông ấy là vô số người khác giúp tôi tổ chức cuộc Hội thảo ngày 14 tháng 4 vừa rồi. Người tôi muốn ngỏ lời cảm ơn đầu tiên là ông Đậu Nhật Quang, Viện trưởng Viện IDECAF, nơi đứng ra tổ chức hội thảo cho Cánh Buồm… Ông Quang này rất hồn nhiên, con người thực bụng, tôi thích ông này lắm, ông cho biết Viện của ông phải tự cân đối chi tiêu, nên không bao giờ cho mượn hội trường – trường hợp Cánh Buồm là ngoại lệ đầu tiên.
Phóng viên – Thầy là người thực dụng, cứ ai giúp cụ thể thì thích…?
Phạm Toàn – Thật à? Mình thực dụng à?
Phóng viên – Chứ còn gì nữa ạ?
Phạm Toàn – Thì kể chuyện thực dụng cho mà nghe… Ông Đậu Nhật Quang lý giải “tôi thấy thời bây giờ mà có một nhóm thiện nguyện chung nhau làm sách giáo khoa thì tôi giúp, thế thôi… Mà hàng ngày tôi cũng thích dạy con học ở nhà cho vui mà chẳng có cách gì… Bây giờ có sách Cánh Buồm thì tôi cũng thích…”. Người ta giúp mình cũng vì “nghĩa lớn” đấy chứ? Hội thảo đông vui… Ngồi gần kín hội trường… Trước khi hội thảo ông Viện trưởng IDECAF còn mời cả nhóm Cánh Buồm ăn sáng cho chắc dạ (cười vui rõ to)…
Phóng viên – … Ấn tượng tiếp theo là gì ạ?
Phạm Toàn – Ấn tượng thứ hai, là các nhà khoa học ở thành phố này cũng rất chi là hồn nhiên. Họ nghĩ gì nói nấy, không rào đón như ở chỗ khác… Người nào cũng hoan hô công việc và sản phẩm của Cánh Buồm, nhưng người nào cũng muốn Cánh Buồm phải sửa sách cho… trúng ý của người góp ý… Thành ra cũng có lúc gây khó cho chúng mình…
Phóng viên – Vui đấy nhỉ! Thầy cho một vài thí dụ?
Phạm Toàn – Sách ngữ âm tiếng Việt dạy trẻ em ghi từng tiếng theo tinh thần tiếng Việt là tiếng đơn lập, đơn âm tiết. Có vị cứ nêu vấn đề rằng tiếng Việt không hẳn là đơn âm tiết, rằng nhiều công trình khoa học đã cho thấy… vân vân… nhiều dẫn chứng nghe rất hay… Nhưng thật khó cho chúng mình, vì một là, từ thời các cụ cố đạo ghi âm tiếng Việt, các cụ đã xóa bỏ sai lầm ban đầu ghi tiếng Việt thành đa âm tiết, ríu rít như tơ, bây giờ mình “làm lại” bộ chữ ghi tiếng Việt à? Mà cho dù làm lại được, thì phải xin Quốc hội cho ý kiến, thì đến khi nào trẻ em có sách học đây?
Phóng viên – Nhưng nên tôn trọng ý kiến các chuyên gia…
Phạm Toàn – Thì vưỡn! Đến lớp 11 hoặc 12 học lại ngữ âm tiếng Việt, các em ở bậc học này có nhiệm vụ tập nghiên cứu sẽ học những vấn đề ngữ âm tiếng Việt sâu hơn, sẽ xem xét chuyện “có nhà khoa học đã cho rằng…” lúc đó hãy hay, chứ đưa nội dung ấy vào lớp Một này có e rằng quá sớm?
Phóng viên – Chuyện ngữ âm tiếng Việt này, em nghĩ là em đồng ý với thầy… Thầy kể nữa đi, đang vui…
Phạm Toàn – Thí dụ nữa, sách Văn lớp Bốn, chúng mình coi luật thơ Đường (đề – thực – luận – kết) là mẫu mực (classic, classique), giản dị và trong sáng, nên chúng mình dùng để dạy trẻ em, và lấy bài Qua đèo Ngang của bà Thanh Quan làm mẫu. Nhưng có chuyên gia cứ “khuyên” chúng mình dùng bài thơ “Thằng Bờm” làm mẫu. Thế là Cánh Buồm lại gặp khó rồi! Đã là Luật, thì phải tổng quát được mọi trường hợp riêng. Nếu dùng thằng Bờm làm luật, thì làm cách gì nhét bà Thanh Quan. Nguyễn Khuyến, Hồ Chí Minh cùng với những Trương Kế, Lý Bạch, Đỗ Phủ… vào cho lọt? Nhưng với luật đề – thực – luận – kết, chúng ta có thể dùng cho cả thơ haiku (có trong sách Cánh Buồm) và cả thơ Hữu Loan nữa, và cả Thằng Bờm cũng cho chui vô tuốt tuột.
Phóng viên – Công nhận là chuyếnNam tiến của thầy và Cánh Buồm vừa rồi quả thực rất là…?
Phạm Toàn – …rất là phong phú. Bản thân tôi và nhóm Cánh Buồm học hỏi được nhiều điều. Thấy được cuộc sống muôn mặt…
Phóng viên – Thưa thầy em muốn thầy nói thêm điều này, em chắc cũng là một ấn tượng: cả nhóm lấy tiền đâu mà điNam tiến hoành tráng vậy?
Phạm Toàn – Một đại gia ở 24 Tràng Tiền mới cho 12 (mười hai) triệu… Từ năm ngoái, giáo sư Hoàng Tụy cho 5 triệu, nhà văn Phạm Lưu Vũ cho 30 triệu và nhà báo GiángVân cho 10 hay 20 triệu gì đó… đủ chưa? Vào đến Sài Gòn, nhà thơ Hoàng Hưng, thành viên mới của nhóm lại lấy sáu tháng lương hưu cho luôn 20 triệu… Quá ư thừa thãi với những người quen sống tằn tiện. Muốn Cải cách giáo dục không cần nhiều tiền, cần đầu óc.
Nhà thơ Dương Tường "ma mới"  của nhóm Cánh Buồm, được mấy "ma cũ" chào đón đầu xuân 2012
Nhà thơ Dương Tường "ma mới" của nhóm Cánh Buồm, được mấy "ma cũ" chào đón đầu xuân 2012
Phóng viên – Em mở sách của nhóm Cánh Buồm, em thích nhất là những bài tập về nhà làm cùng cha mẹ…
Phạm Toàn – Cô Minh Nguyệt, trợ lý giám đốc Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội lâu nay đêm nào cũng dùng sách Cánh Buồm “chơi” với con. Có hôm hết vở, cô gọi điện cho các cô giáo nhà này, “còn gì cho chị thêm đi…”. Sở dĩ có thể làm như vậy là vì đường lối giáo dục hiện đại của Cánh Buồm không phải là những thiết bị “hiện đại” và đắt tiền, mà là việc tìm ra thao tác tự học của con trẻ. Những chuyện khó tày trời, nhưng biết cách tổ chức các thao tác học, thì khó mấy mẹ con cũng “chơi” được với nhau, không đi học thêm nữa, ở nhà chơi với mẹ. Chuyện này giản đơn có vậy thôi. Hiểu biết thao tác học của trẻ em sẽ dẫn đến kỹ thuật tổ chức việc học của các em, để Giáo dục phổ thông đưa hạnh phúc được tới từng gia đình.
Phóng viên – Em xin phép thầy lấy ý tưởng đó làm tít bài trò chuyện này được không ạ?
Phạm Toàn – (cười)
Châu Diên ghi
(nguồn boxitvn)
 

1 nhận xét:

  1. Nhà giáo Phạm Toàn này đến lạ ?
    Kiên trì suốt nhiều năm nay, chưa biết kết quả thế nào ?

    Trả lờiXóa

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001