Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

 
 
Nhà văn Tạ Duy Anh bình phẩm: “Có lẽ do quá tự tin mà Nguyễn Khắc Trường thành cả tin! Ông cực kỳ dễ tin người. Có ông quan văn nghệ rất thâm hiểm nhưng khéo đóng kịch, đã qua mắt được Nguyễn Khắc Trường suốt mấy chục năm. Có những lời nói dối một trăm phần trăm, nhưng nó được uốn éo thế nào đó, lại khiến ông tin là thật. Và ông giữ niềm tin ấy rất lâu nếu không muốn nói là suốt đời. Ông trở thành người kể tốt không công, bền bỉ và vô tư cho khối kẻ chả ra gì. Chỉ khi có bằng chứng rõ ràng về sự đểu giả trực tiếp tác động đến ông, hoặc đến người mà ông quan tâm, ông mới thôi không tin nữa. Không tin nhưng vẫn chơi và chỉ chờ cơ hội để chứng tỏ mình nhận định sai”

NGUYỄN KHẮC TRƯỜNG ở với ma, sống với người

TẠ DUY ANH

Từ khi còn chưa bén mảng đến cửa văn đàn, tôi đã quen với cái tên Thao Trường. Trong một tác phẩm của ông hình như có tên là Miền đất mặt trời, tôi còn rất thích cái giọng tếu táo đậm đặc chất dân dã của ông. Ông có lối ví von rất hóm và rất…đĩ! Nhưng ấn tượng của tôi về ông hồi đó chỉ như vậy. Cái tên Thao Trường có vẻ không phải là tên của một nhà văn tầm cỡ, ít ra cũng thuộc loại khiến người ta phải chú ý. Nó quá nhẹ và nhạt, thiếu năng lượng, thiếu sự bí ẩn. Một nhà văn có khả năng thành quan trọng hay không thường báo hiệu trước hết ở cái tên.
Rất cảm tính nhưng phần lớn lại đúng, thế mới lạ. Nguyễn Khắc Trường cũng hoàn toàn đồng ý với điều đó khi có lần thổ lộ là ông 'mất toi nửa đời cầm bút' vì cái tên không phải dành cho mình. Rồi vỗ đùi cười hố hố rất đắc chí. Trên thực tế cái tên Thao Trường còn báo hại tác giả “Mảnh đất lắm người nhiều ma nhiều” hơn thế. Suốt hàng năm trời, khi tiểu thuyết nổi tiếng của ông đã có mặt trên sạp sách, vẫn còn không ít người cười nửa miệng hoài nghi. Giờ thì ông đã xoá được cái hạn 'do nông nổi' đó-sau gần hai mươi năm.

Giữa Nguyễn Khắc Trường và tôi có một mối nhân duyên mà ông không nhớ. Khi còn ở quân đội đóng tại thị xã Lào Cai, tôi có gửi về Tạp chí Văn nghệ quân đội một truyện ngắn (mà tôi không nhớ tên mình đặt) viết về lính tráng. Một anh bộ đội biên giới tranh thủ thời gian công tác muốn về thăm gia đình nhưng anh đứng ở ngã ba thị trấn trung du vẫy xe suốt buổi chiều không được. Chả ông tài xế nào động lòng. Cuối cùng khi trời đã tối, anh mới phát hiện ngoài anh ra có thêm một cô gái bán thuốc lá. Anh không biết là cô gái nấn ná ở lại chưa về cũng vì không nỡ bỏ anh lại một mình. Cuối cùng họ làm quen và anh đồng ý nghỉ tạm tại nhà cô gái mà ngoài cô ra có thêm đứa em trai, theo lời mời của cô. Đêm ấy cả anh và cô chủ nhà đều không ngủ. Họ nghĩ về nhau, về ánh trăng vàng óng bên ngoài cửa sổ và thấy đều cô đơn, cần có nhau…
Đại loại truyện có nội dung như vậy, với âm hưởng ca ngợi vẻ đẹp của anh bộ đội và tình quân dân. Đúng khi tôi nghĩ nó đã vào sọt rác thì nhận được thư của Văn nghệ quân đội, ký tên Thao Trường, biên tập viên văn xuôi. Ông chúc mừng tôi là truyện có nội dung tốt. Ông đổi tên truyện thành “Dọc đường”, chữa qua vài chi tiết và sẽ cho đăng trên tạp chí. Tôi nhớ không lầm thì đó vào khoảng năm 1986. Tôi đã giữ lá thư đó của Thao Trường-lá thư đầu tiên mà tôi nhận được từ một nhà văn trung ương-mãi cho tới khi ra khỏi quân đội và bị thất lạc đâu mất. Khi truyện được đăng, anh em trong đơn vị nhìn tôi rất nể. Với họ, được đăng truyện ở Tạp chí Văn nghệ quân đội phải có đẳng cấp, không còn là vớ vẩn nữa! Tôi được hưởng sái sẩm khá nhiều từ cái truyện có tên rất sái đó! Bởi đúng như thi hào Nguyễn Du đã viết: Kể chi những chuyện dọc đường, tác phẩm đó của tôi không để lại tăm dạng gì.

Đã thế một chị bạn nhà thơ, sau mấy năm gặp lại tôi, cười cười bảo: 'Ngần ấy năm anh đi lính xem ra cũng chả khá hơn tí nào so với lúc còn ở Hoà Bình. Truyện chán chết đi được'. Tôi đành chỉ im lặng. Biết làm thế nào được khi cái gì cũng phải đến số. Tôi nói vậy vì nó rất ám vào trường hợp của Nguyễn Khắc Trường. Có lẽ cái số ông phải đeo sự nhạt nhoà suốt hàng chục năm, trước khi trở thành một tên tuổi mà văn học sử sẽ còn phải nhắc tới.
Tôi nhớ hồi năm 1989, sau khi đã về học tại trường viết văn Nguyễn Du, một lần tôi được mời tụ tập uống bia cỏ với mấy nhà văn đàn anh. Nghe ai đó bảo Thao Trường sắp có tiểu thuyết và lấy lại tên cúng cơm là Nguyễn Khắc Trường, một anh bạn nhà thơ quân đội cười rất 'hiểu biết' nhưng cũng rất 'đểu', bảo: 'Thao hay Khắc thì cũng vẫn chỉ là nước ốc thôi, hay thế chó nào được!' Quả nhiên ông nhà thơ này sau đó không đọc ngay “Mảnh đất lắm người nhiều ma”. Phải vài tháng sau tôi mới thấy ông ta có bài viết khen Nguyễn Khắc Trường hết lời và nhân tiện bày tỏ nỗi ân hận vì đã trót coi thường cuốn sách chỉ vì cái tên cũ của tác giả! Mà nói đâu xa. Chính giáo sư Hoàng Ngọc Hiến cũng có ứng xử tương tự. Tức là cụ Hiến cũng bị ấn tượng bởi cái tên Thao Trường đến mức xuýt thì oan cho Nguyễn Khắc Trường!

Sau khi “Mảnh đất lắm người nhiều ma” được giải thưởng Hội nhà văn rồi trở thành hiện tượng văn học, tác giả của nó mới hoàn toàn thoát khỏi cái 'dớp' Thao Trường. Từ đó ông mới chính là ông. Nhưng từ khi chính là ông thì ngoài vẻ hồn hậu, mộc mạc, nông dân cố hữu, ông cũng nhiễm thêm một số bệnh của đám trí thức nổi tiếng. Thực ra đó là căn bệnh chung của nhà văn xứ ta. Cứ nổi tiếng là ăn nói như ông kễnh bằng thái độ xưng xưng rất đáng ghét! Nhưng với người khác có vẻ là chuyện bình thường, còn với Nguyễn Khắc Trường thì điều đó gây nên mối 'nguy hiểm tiềm tàng' cho bọn viết trẻ máu phá phách, vì ông có uy tín với mọi người. Mọi người tin vào thẩm định của ông, tự nguyện coi ông như người 'cầm cân nảy mực'. Tác phẩm nào đó vào tay ông mà ông bảo 'vứt', sẽ không bao giờ có cơ hội được ông nghĩ lại! Ngay cả khi nó được dư luận nồng nhiệt tán thưởng, ông vẫn bảo lưu quan điểm một cách ngoan cố!
Nói khác đi, với ông không có sự nhầm lẫn để ân hận. Trên thực tế ông khen đúng nhiều hơn là chê. Nghĩa là tác phẩm nào đó được ông khen, hoàn toàn có thể tin nó hay. Nhưng với những tác phẩm bị ông chê thì chưa chắc đã dở. Chỉ có điều, khi đã chê là ông bỏ ngoài tai mọi lời bênh vực. Đó là nguyên nhân nhiều người có đầu óc cách tân tìm thấy lý do lánh xa ông. Mặt khác, ông tiếp tục đà hưng phấn của người thành danh để dạy bảo bọn trẻ và làm rộng thêm khoảng cách với những kẻ vừa nứt mắt, chưa học được bao nhiêu, còn thiếu thốn đủ đường nhưng lại thừa máu tự phụ-trong đó có tôi. Nhưng tôi không thích ông lại chủ yếu ở chuyện khác: Ông chơi với nhiều người mà tôi không ưa và hơn thế, ông lại luôn dễ dãi với họ! Nhiều người thuộc loại lưu manh một trăm phần trăm, lưu manh chuyên nghiệp nhưng Nguyễn Khắc Trường vẫn hồn nhiên tin họ là người tốt, chỉ vì họ khéo thủ vai. Đã vậy ông lại sẵn sàng tặng cho họ những phẩm chất mà có sống và tu thêm vài kiếp họ cũng không có. Đơn giản vì tính ông xuề xoà, ít khi nghĩ xấu về bạn bè. Ông là cậu bé vĩnh cửu với sự hồn nhiên, ngơ ngác, trong sáng…khi nhìn cuộc đời.

Đó thực ra cũng đáng là một nét tính cách quý giá. Nhưng tôi thì muốn mọi thứ phải rạch ròi, yêu ghét, trọng khinh rất rõ ràng và rứt khoát. Đành rằng sống là phải bao dung. Nhưng kẻ nào tầm thường thì họ chỉ nên được hưởng sự chiếu cố vừa phải. Có lẽ do quá tự tin mà Nguyễn Khắc Trường thành cả tin! Ông cực kỳ dễ tin người. Có ông quan văn nghệ rất thâm hiểm nhưng khéo đóng kịch, đã qua mắt được Nguyễn Khắc Trường suốt mấy chục năm. Có những lời nói dối một trăm phần trăm, nhưng nó được uốn éo thế nào đó, lại khiến ông tin là thật. Và ông giữ niềm tin ấy rất lâu nếu không muốn nói là suốt đời. Ông trở thành người kể tốt không công, bền bỉ và vô tư cho khối kẻ chả ra gì. Chỉ khi có bằng chứng rõ ràng về sự đểu giả trực tiếp tác động đến ông, hoặc đến người mà ông quan tâm, ông mới thôi không tin nữa. Không tin nhưng vẫn chơi và chỉ chờ cơ hội để chứng tỏ mình nhận định sai.

Hàng chục năm trời ông không ưa tôi và biết là tôi cũng không ưa ông, không thực sự tâm phục khẩu phục ông. Trong những lý do đã kể, còn có thêm lý do là ông nghĩ tôi hay làm to chuyện liên quan đến vấn đề xuất bản sách của mình. Rồi số phận lại xô đẩy thế nào để ông và tôi cùng làm việc với nhau ngày ngày. Khi làm xuất bản, Nguyễn Khắc Trường dần dần thừa nhận nhiều thực tế mà ông không biết nhưng lại cứ làm như mình biết hết. Lần đầu tiên Nguyễn Khắc Trường trực tiếp chứng kiến cảnh Lão Khổ bị ngăn cản tái bản để ông thấy tôi không hề làm nghiêm trọng hóa vấn đề.
Và ông quyết định ra tay giúp tôi. Sau sự việc đó, Nguyễn Khắc Trường và tôi có thêm mối thân tình tự nhiên. Nhưng có lẽ chúng tôi thực sự gắn bó với nhau do bắt đầu nhận ra ở nhau nhiều nét tương hợp. Đầu tiên tôi nhận ra ở ông một sự chân thành rất hiếm và rất quý trong thời buổi bây giờ.
Hầu như ông không biết nói dối. Mọi suy nghĩ của ông đều được thổ lộ bằng thứ giọng nói cho cả tổng nghe rõ. Ngồi đàm thoại với ông phải tránh đi những chuyện bí mật riêng tư, nếu không muốn xung quanh nghe thấy. Với vấn đề nào đó ông tin mình đúng, ông thường đưa ra những kết luận chắc như đinh và vỗ đùi cười sảng khoái, thây kệ người khác nghe rất tức. Sau đó ông mỉm cười nghe cãi lại và nếu anh cãi hay thì lại khiến ông vỗ đùi tán thưởng rầm rầm nhưng nhất định không thay đổi quan điểm. Vì ngay thẳng nên ông không e ngại bị hiểu lầm, ngay cả khi ông nói sai bét vấn đề.

Bề ngoài ồn ào, thô mộc như vậy nhưng chớ ai nghĩ ông sốc nổi. Ông là người nhiều ưu tư, luôn sẵn mối quan tâm thường trực, nhất là trước những vấn đề tiêu cực ảnh hưởng tới xã hội. Khi đó nét mặt ông trở nên trầm buồn, chán nản và có phần thất vọng. Cũng khi đó tính cách khí khái, ngang tàng của ông được thể hiện rõ ràng nhất. Nó khác hẳn với một Nguyễn Khắc Trường khề khà, dễ dãi khi nhận lời đi đánh chén thịt chó, dùng tay bốc bải một cách tự nhiên rất thô nhưng cũng rất ngon mắt! Mặt ông rạng rỡ trước những miếng thịt bóng nhoáng mỡ. Với ông, trên đời này chỉ có hai món thuộc hàng cao lương mỹ vị, ấy là thịt chó lá mơ kèm mắm tôm và thịt lợn cắp nách chấm hạt dổi. Mà phải là thịt nửa nạc nửa mỡ, có dính bì thui rơm. Còn hai thứ đó tức là cuộc đời này còn đáng sống để làm việc hết mình và tận hưởng!

Có Nguyễn Khắc Trường về, giám đốc giao cho ông phó phần văn xuôi trong nước, cũng là phần khó gặm nhất. Ông tận dụng triệt để cái uy của mình để bênh vực những tác phẩm thuộc loại 'có vấn đề'. Khi bị cấp trên căn vặn, ông tỏ ra điềm tĩnh hơn cả mức cần thiết. Đôi khi câu trả lời của ông chỉ là: 'Không có vấn đề gì, tôi đọc kỹ rồi, hoàn toàn yên tâm', bằng ngữ điệu của một ông nông dân biết rõ từng thửa ruộng. Nguyễn Khắc Trường có khả năng nhớ hầu hết tên tuổi cũng như tác phẩm của những nhà văn đàn anh và lớp cùng thời. Ai có tác phẩm nào đáng nhớ, ai đang ở đâu, làm gì, tử tế hay không, đang viết gì, mới in gì, con cái ra sao, phát ngôn nào ấn tượng, nếu tuyển chọn thì lấy tác phẩm nào…ông đều nhớ và có thể nói vanh vách. Vì thế nếu phải làm tuyển mà có ông thì rất nhàn.

Sở dĩ có được điều đó vì Nguyễn Khắc Trường đã đọc của ai thì đọc rất kỹ, rất cẩn thận, có nhận xét, thậm chí nhớ cả những tình tiết đặc sắc và nhớ rất dai. Trong công việc duyệt tác phẩm cũng thế. Nhiều bản thảo biên tập đọc qua loa, nhưng đến ông thì nó được xăm soi từng từ, chữa cả dấu chấm, phảy theo ngữ pháp mà ông ưa thích. Ông là người công bằng khi đối xử với bản thảo và tác giả, đành rằng không tránh khỏi có lúc rất cảm tính và nhiều khi gây sốc. Nhưng nó đều có chung điểm xuất phát là rất chân thành và thẳng thắn. Ông không bao giờ nghĩ thế này lại nói thế khác, kể cả nói ra những điều không thật thuyết phục.
Khi đã đặt bút ký duyệt in, Nguyễn Khắc Trường cũng sẵn sàng chịu trách nhiệm đến cùng mà không đổ lỗi cho ai. Ông sẵn sàng đối chất với các cấp quản lý để bảo vệ tác phẩm và tác giả. Thậm chí, thay vì nói chung chung để xí xoá như cách quen thuộc, Nguyễn Khắc Trường lại dùng những lời lẽ mạnh hơn mức cần thiết để khẳng định là ông đúng, tác giả đúng, việc cuốn sách ra đời là đúng. Khi đó mới thấy cái uy của sự chân thành. Phải là người có trách nhiệm với nghề, với bạn đọc và với đồng nghiệp mới có thể làm như vậy. Bởi vì, để có một ấn phẩm thực sự tốt đến tay bạn đọc, là cả một nghệ thuật leo dây của biên tập viên. Nhưng cho dù biên tập viên có giỏi đến mấy, bản lĩnh đến mấy cũng không phải là người quyết định cuối cùng số phận bản thảo nào đó. Chính vì thế có một lãnh đạo uy tín cao, có lương tâm nghề nghiệp và có bản lĩnh, là vô cùng quan trọng. Và trong gần 10 năm làm biên tập, tôi đã có một lãnh đạo xuất bản như vậy để cùng nhau làm việc, đó chính là nhà văn Nguyễn Khắc Trường.

Từ khi có Nguyễn Khắc Trường, thì ông và tôi luôn tìm cách 'minh oan' cho những tác giả và những tác phẩm bị thời cuộc hiểu lầm. Thực ra là chúng tôi chỉ đòi mọi người phải thực hiện nghiêm túc những gì hiến pháp quy định cho quyền được công bố tác phẩm của công dân. Hàng loạt tác phẩm của Bùi Ngọc Tấn, Tạ Duy Anh, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Trần Bạt, Trần Đức Tiến, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Trọng Thắng…và hàng loạt tác phẩm một thời bị coi là có vấn đề như của Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Nguyễn Quang Lập, Tạ Duy Anh, Bảo Ninh, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương….đều phải nhờ đến Nguyễn Khắc Trường mới được tái bản. Không có Nguyễn Khắc trường trong khoảng gần 10 năm ở nhà xuất bản, thì uy tín của nhà xuất bản sẽ không bao giờ có được như hiện nay.
Nếu không nhờ Nguyễn Khắc Trường, ít nhất có hai chục cuốn sách làm vẻ vang cho Nhà xuất bản, vẻ vang cho Hội nhà văn trong đó có những cuốn sách làm thay đổi hình ảnh đất nước theo chiều hướng đẹp lên trong con mắt người ngoài, sẽ vĩnh viễn cứ chỉ là bản thảo hoặc quá lắm thì lang thang trên mạng với sự tiếp nhận không trọn vẹn, không thể hiệu quả như họ đã đọc trên bản in với danh nghĩa Nhà xuất bản hội nhà văn.

Không ít lần, vì nhiều chuyện mà tôi thấy mệt mỏi, chỉ muốn bỏ cuộc nếu không có sự trợ sức mạnh mẽ từ Nguyễn Khắc Trường. Mà ông chả cần nói gì nhiều. Ông chỉ cần ngồi sờ cằm, gật gù, ề à, miệng mủm mỉm hoặc vỗ đùi cười ngất ngú…đã đủ khiến người khác an lòng. Nếu lại rủ được ông đi thịt chó lá mơ thì kể như mọi bức bách được giải toả. Ông có cái uy của một nhà văn nổi tiếng, điều đó khỏi phải bàn. Nhưng Nguyễn Khắc Trường còn có cái uy của một người không bao giờ lèo lá mà chỉ biết nói thẳng. Rất ít người sống thẳng thắn như ông mà không bị nhiều người khác ghét bỏ. Họ ngại ông, bị ông át vía nhưng lại thích gần gụi để nghe ông nói và cười một cách hào sảng, hào sảng theo kiểu của anh nông dân dư dật, hơi tự mãn nhưng tốt bụng.

Nguyễn Khắc Trường cũng là người có nguyên tắc sống đáng nể. Ông rất biết mình là ai, có thể làm gì. Mặc dù có nhiều điều bất mãn với thời cuộc, như bất cứ ai yêu cái cuộc đời này, nhưng ông chấp nhận luật của cuộc chơi rất sòng phẳng và nghiêm túc. Không chơi thì thôi, khỏi bàn. Đã chơi thì không phá bĩnh, không miệt thị theo kiểu hàng tôm hàng cá, không đánh lén, không ném đá giấu tay. Ông muốn mọi sự phải minh bạch. Ông là người có khả năng điều chỉnh rất giỏi gianh giới giữa kẻ nghệ sỹ tự do và con người của công việc vốn không thể hành xử chỉ vì cá nhân mình. Nhưng đó cũng lại là bi kịch lớn nhất của ông, thứ duy nhất ông không thể chia sẻ và rất ít người hiểu được.

Ông cũng là số ít người khiến cho tôi cảm thấy thiếu vắng khi không gặp ngày ngày sau khi ông về hưu. Sống một thời gian với Nguyễn Khắc Trường, tôi nhận ra, ông thuộc số không nhiều những người đàn ông đáng chơi nhất và khi đã chơi có thể hoàn toàn tin tưởng nếu cần phải nói ra bất cứ chuyện gì.
(nguồn blog Lê Thiếu Nhơn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001