Chủ Nhật, 7 tháng 10, 2012

An-My Lê – nghệ thuật và chính trị 

Tin nhà nhiếp ảnh An-My Lê, người Mỹ gốc Việt đầu tiên vừa nhận giải thưởng Mc Arthur Fellow Program khiến tôi nhớ: lần đầu sang Mỹ, năm 2003, tôi đã ghi nhận tác giả người Việt duy nhất có mặt trong bảo tàng MOMA (Mỹ thuật Hiện đại) ở New York , đó chính là bà. Sau, lại biết thêm bà qua cuốn sách về Triển lãm vòng quanh nước Mỹ của 10 nữ nghệ sĩ thị giác người Việt do TS Nora Taylor làm curator và viết giới thiệu. Nora Taylor là người bạn rất thân thiết của mỹ thuật VN, chị đã có nhiều năm sống ở Hà Nội, nghiên cứu mỹ thuật VN trước khi thành TS và GS về Lịch sử MT tại Học viện Mỹ thuật Chicago. Tối hôm qua, gặp lại chị trong buổi trình diễn của Bùi Công Khánh và trao đổi vể nghệ thuật trình diễn Việt Nam của ba nữ nghệ sĩ thị giác Ly Hoàng Ly, Thảo Nguyên, Bảo Linh ở Chicago, tôi muốn xin chị cung cấp cho bạn đọc của mình những hiểu biết sâu hơn về An-My Lê. Chị đã nhiệt tình gửi ngay một đoạn viết của bản thân nói tổng quát về tác giả này, kèm một bài viết mà chị xếp vào loại đáng tin cậy nhất của giới chuyên môn ở Mỹ. Tôi xin dịch hầu các bạn (có lược bớt đôi chỗ có thể không cần đi sâu với bạn đọc tiếng Việt).
Hoàng Hưng

1/ Lời giới thiệu của Nora Taylor
Sinh tại Sài Gòn năm 1960, gia đình An-My Lê sang Hoa Kỳ năm 1975. Luôn quan tâm đến chuyện nhiếp ảnh làm sao bắt được “hiện thực”, sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ tại Đại học Yale, chị qua Việt Nam nhiều lần trong thập niên 1990 để xem liệu mình có thể chụp những tấm hình phù hợp với ký ức về nơi mà mình đã bỏ đi khi còn ít tuổi. Có lần chị giải thích rằng ký ức thường làm bằng những cảm giác, mùi, vị hơn là những tấm hình rõ ràng.
Không bằng lòng chỉ bắt được hình ảnh VN, chị tiếp tục dùng nhiếp ảnh như một công cụ để vấn hỏi bộ máy chiến tranh. Chị bắt đầu bằng việc chụp hình những cuộc diễn lại chiến tranh VN ở West Virginia. Và chị được người ta bảo rằng muốn được phép chụp hình các diễn viên thì chị phải tham gia. Chị được phân vai một cô Việt Cộng. Chị đồng ý tuy khá khó chịu, điều cho thấy chị quyết tâm đến thế nào thử thách những cảm nhận về chiến tranh trong nhiếp ảnh. Kết quả thật kinh ngạc. Những tấm hình bắt được “vẻ” mỏi mệt của những người lính như thể họ đang ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng khi nhìn gần hơn, ta thấy rõ là họ đang ngồi trong vùng rừng tùng ở dãy Appalache.
Năm 2003 khi Hoa Kỳ lâm chiến với Iraq, An-My quyết định rằng đây là một cơ hội để chụp cuộc chiến tranh đang diễn ra, nhưng chị không được phép đi theo quân đội, và thay vì thế, được phép chụp địa điểm mà quân đội huấn luyện ở vùng 29 Palms (29 Cây Cọ) tại California. Kết quả là những tấm hình phong cảnh hoang mạc kỳ lạ, giống như loạt ảnh đóng lại cuộc chiến VN trước đó, trông giống chiến tranh nhưng chỉ là những bản sao chụp chiến tranh. Từ ngày đó, chị đã du hành tới Úc và Nam Cực, có những thời gian dài sống trên các con tàu của hải quân Mỹ, vẫn sử dụng ống kính cỡ lớn để chụp tư liệu về đời sống lính thủy đánh bộ trong những phong cảnh biển khơi bất tận và khi họ đoàn tụ với người thân trên bờ. Chị cũng là chứng nhân chuyến dừng chân đầu tiên Hạm đội Mỹ tại Việt Nam kể từ sau chiến tranh.
2/ Dưới những đám mây chiến tranh
Triển lãm này (năm 2006 – HH) gồm hai loạt ảnh của An-My Lê khai thác đề tài những cuộc xung đột quân sự đã đóng khung nửa sau thế kỷ của lịch sử Hoa Kỳ: chiến tranh VN và chiến tranh đang diễn ra ở Iraq và Afghanistan. Nghệ sĩ tiếp cận những sự kiện ấy với góc nhìn xiên. Thay vì sáng tạo những hình ảnh phóng sự của các sự kiện đương gây sốc, bà chụp hình những nơi chốn mà chiến tranh được tiên liệu, xử lý và sống lại về mặt tâm lý.
Loạt ảnh Những cuộc chiến nhỏ (1999 – 2002) miêu tả những người đàn ông vào cuối tuần diễn lại những trận đánh trong chiến tranh VN giữa rừng Virginia. Loạt ảnh hiện thời của Lê, 29 Palms (2003 – bây giờ), những tư liệu về một căn cứ quân sự cùng tên đóng trên hoang mạc California, nơi những người lính tập luyện trước khi được tung sang Iraq hay Afghanistan. Những sự sân khấu hóa chiến tranh (đóng lại hay diễn tập) cho phép bà tạo ra một loại hình ảnh chiến tranh độc nhất mang tính bất ngờ và phát lộ. An-My Lê bảo loạt ảnh Những cuộc chiến nhỏ là “VN của tâm trí”… qua đó bà khảo sát cái hiệu quả tích chứa mà những thông tin, tư liệu đa dạng của chiến tranh tác động lên ký ức, cả cá nhân lẫn tập thể, và cuối cùng vấn hỏi rằng chúng ta nhớ lại, tôn vinh và hình dung chiến tranh như thế nào sau khi nó đã chấm dứt.
Loạt ảnh của Lê không cho ta cảm tưởng mạo lại cuộc chiến trong quá khứ, vì phong cảnh rõ ràng là điển hình Bắc Mỹ với rừng phong và rừng sồi. Bản thân bà được yêu cầu thủ các vai từ người phiên dịch đến một Việt Cộng, nhưng bà không nhại lại các hành động của họ, và một số hình chụp bộc lộ tính kịch quá đáng đã bị bà loại bỏ. Chiến lược tránh nhại này cho phép người xem hình thành ý kiến riêng của mình.
Từ đó, tính mơ hồ của tác phẩm còn dấy lên những câu hỏi về sự đáng tin cậy của những thông tin tư liệu lịch sử có vẻ khách quan như là các bản báo cáo và ảnh chụp vốn có ảnh hưởng lớn đến việc chiến tranh được truyền thông và nhớ đến như thế nào. Lê sử dụng một máy ảnh cỡ lớn từ thời xa xưa mà các nhà nhiếp ảnh dùng trong Nội chiến Bắc-Nam. Thời đó, vì thời gian rửa ảnh kéo rất dài và quy trình phức tạp nên máy ảnh không thể bắt được cảnh hỗn mang và sự vận động của trận đánh, do đó có nhiều bức hình là về những hậu quả trầm lặng của chiến tranh. Các nhà nhiếp ảnh cũng chăm chú nhiều đến kỹ xảo, dàn dựng các cảnh cho giàu tính kịch và hiệu quả thảm mỹ. Tác phẩm của họ đánh dấu sự mở đầu của lịch sử nhiếp ảnh chiến tranh trộn sự thực với sự nhân tạo.
Với sự phát triển của phim bắt nhanh và máy ảnh cầm tay 35 mm, chiến tranh đã được đưa trực tiếp hàng ngày vào tận mỗi nhà, cuộc chiến tranh VN còn là cuộc chiến đầu tiên được truyền hình. Những hình ảnh ấy đã đóng một vai trò then chốt cho phong trào phản chiến và một số trở thành hình tượng mẫu mực cắm sâu vĩnh cửu trong tâm trí chúng ta.
Trái lại, cuộc chiến đang diễn ra ở Iraq về nhiều mặt lại không được nhìn thấy. Tương đối ít nhà nhiếp ảnh được nằm tại chỗ, và nhiều hình ảnh được đưa lên truyền thông đã bị chính phủ kiểm duyệt và lọc sạch.
Những bức hình của Lê trong 29 Palms về nhiều mặt đã phản chiếu một cách phê phán cái nhìn bị lọc sạch của truyền thông. Không có máu, không có sự tàn bạo, đó chỉ là sự hư cấu và trình diễn về chiến tranh. Các lính thủy đánh bộ diễn tập vai trò của họ và đóng vai đối thủ. Lê cảm thấy sự hiện diện của chiếc máy ảnh cũng nuôi dưỡng sự giả tạo, nó tạo hứng cho những người đàn ông lấy dáng cho đúng vẻ “Lính thủy đánh bộ”.
Lê bày tỏ sự hiến mình cho kỹ thuật, tạo những bố cục làm nổi bật phong cảnh trên đó màn kịch diễn ra, khiến con người trở thành khá vô nghĩa. Núi non và hoang mạc ngự trị, hùng vĩ, cao cả, rộng lớn, biến các yếu tố chiến tranh thành nhỏ bé giống như đồ chơi.


Ảnh: Tác phẩm Hành quân đêm số 7, 2003-2004
Ảnh: Tác phẩm Hành quân đêm số 7, 2003-2004

Những bức hình của Lê thú vị chính là ở sự mơ hồ và chúng làm nản lòng những kết luận tiền định, vấn hỏi chúng ta thực sự biết được bao nhiêu từ những bức ảnh tài liệu. Lê yêu cầu chúng ta đánh giá lại những hư cấu như mây che những con đường mà chiến tranh được trải nghiệm, nhớ lại và trình bày.
Karen Irvine, Curator (Bảo tàng Nhiếp ảnh Đương đại MOCP)
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/41791
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001