Trần Việt Trình (Danlambao) - Ông
đã sắp đi hết một hành trình của kiếp người, cái còn lại an ủi ông phải
chăng là những bài hát, những người yêu nhạc ông. “Không có thứ gì cả.
Một đống tài liệu, các bài hát này với thời gian sẽ mất đi. Giờ ít người
hát nhạc của tôi lắm, họ tội gì hát mãi những bài ca cũ. Những bài hát
này chỉ là những dư âm còn lại”. Ông đã chọn và đổi hướng đi theo con
đường sáng tác theo chỉ đạo, nên đã không cống hiến được cho đời những bản
nhạc để đời về sau, cũng như không lưu danh với đời tiếng bất khuất,
khẳng khái, như những người bạn văn nghệ đồng thời của ông lúc trước như
Hữu Loan, Phùng Quán, Hoàng Cầm...
*
Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ
Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ
Mái tóc nhẹ rung, trăng vờn làn gió
Yêu ai anh nắn cung đàn đầy vơi đôi mắt xa vời
Trên đây là 4 câu mở đầu của một bài hát mà chỉ cần chớm hát lên ai cũng
biết đó là bài Dư Âm. Bài hát do nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác vào năm
1950.
Nhắc đến nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, ai cũng nhớ ngay đến ca khúc Dư Âm nổi tiếng đã in đậm trong lòng nhiều thế hệ yêu nhạc Việt Nam.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sanh ngày 5 tháng 3 năm 1925. Là một nhạc sĩ nổi
tiếng của Việt Nam, ông có nhiều sáng tác từ dòng nhạc tiền chiến đến
dân ca, đến những ca khúc nhạc đỏ.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh tại Vinh, Nghệ An, quê gốc ở xã Phú Cường,
huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ông đến với âm nhạc không ngẫu nhiên mà nhờ chút
năng khiếu bẩm sinh cùng với sự dìu dắt của nhiều người. Người đầu tiên
mà ông chịu nhiều ảnh hưởng là cha của ông. Cha ông là một nghệ sĩ khá
nổi tiếng thời bấy giờ, cầm đầu một phường bát âm ở miền quê Vĩnh Phú,
thông thạo nhiều thứ như bát âm, chèo, chầu văn và hát ả đào. Người thứ
hai là một ông đội kèn khố xanh dạy nhạc lý cho ông. Người thứ ba là một
bà giáo người Pháp tên Nigon dạy cho ông những bài hát của Tino Rossi
đang thịnh hành thời đó. Người thứ tư là một ông cha cố người Tây Ban
Nha tên Bresson, cho ông vào dàn nhạc nhà thờ hát thánh ca, ở đó ông
được dạy hòa âm và hát bè. Người thứ năm là một thầy dạy nhạc người Hoa
tên Mạnh Hinh dạy cho ông chơi đàn guitar. Năm người này là những vị
thày đã tạo dựng cho ông vốn âm nhạc lúc ban đầu.
Kể từ năm 1944, ông đi hát trong phòng trà ở Vinh để kiếm sống. Năm
1945, cùng với những người bạn thanh niên đầy nhiệt huyết cùng thời, ông
tham gia phong trào Việt Minh. Ông sáng lập và xây dựng đoàn kịch thơ,
kịch nói của Thanh niên Cứu quốc Nghệ An. Ông bắt đầu sáng tác vào năm
1947 khi là Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền huyện Thanh Chương.
Năm 1948, Nguyễn Văn Tý sinh hoạt ở đoàn văn hóa tiền tuyến thuộc cục
Quân huấn. Năm 1950, ông nhận nhiệm vụ đi xây dựng Đoàn Văn công của Sư
đoàn 304 và được cử làm trưởng đoàn.
Năm 1949, lúc ông ở vào tuổi 26, trong một chuyến đi công tác về Quỳnh
Lưu, qua sự giới thiệu của một người bạn, ông ghé thăm một gia đình có
hai người con gái. Cô chị lúc ấy 22 tuổi, còn cô em 16 tuổi. Ông quen
với cô chị. Trong một lần ngồi nói chuyện với cô chị, bất ngờ ông bắt
gặp đôi mắt lay láy của cô em đứng tì tay lên vai chị nhìn ông không
chớp mắt. Đôi mắt ấy đã làm cho ông rung động. Cảm nhận được ông thích
em mình mà không thích mình, cô chị đã cấm không cho ông lui tới nhà
nữa. Một đêm trăng sáng, lần ghé lại thăm nhà của họ lần cuối cùng, đang
ngồi nói chuyện với cô chị ở ngoài sân thì cô em với mái tóc xõa ngang
vai, vừa ngồi hong tóc, vừa ôm đàn guitar, hát khe khẽ ở phía xa. Cô bé
hát những gì ông không nghe thấy, nhưng hình ảnh của cô gái đó đã theo
ông về đơn vị. Ông không còn gặp lại họ nữa, sau lần cuối cùng vào cái
đêm trăng sáng ấy.
Cảm xúc trào dâng. Một câu nhạc chợt vang lên trong đầu người nhạc sĩ.
Ngay đêm đó, người nhạc sĩ ôm cây guitar, thì thầm hát lên những lời đầu
tiên về tình yêu trong mộng ước. “Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ…”
phát xuất từ hình ảnh ấy. Ông có cảm giác như có ai đó đang đọc cho ông
chép ra những dòng nhạc dạt dào tuôn chảy. Bản nhạc Dư Âm ra đời trong
hoàn cảnh đó. Đó là những cảm xúc thật từ một câu chuyện có thật.
Anh yêu tiếng hát êm như lời nguyền đẹp bao ước mơ
Anh như lầu vắng em như ánh trăng reo muôn ý thơ
Muốn nói cùng em đôi lời trìu mến....
Tim anh băng giá đang ngại ngùng câu năm tháng mong chờ
Hẹn em từ muôn kiếp trước
Nhớ em mấy thuở bạc đầu
Anh đã âu sầu vì đường tơ vương vấn
Em để cung đàn đưa anh về đâu?
Dư âm tiếng hát reo lên trong lòng anh bao nhớ nhung
Đê mê lòng nhớ đêm qua giấc mơ môi em hé rung
Anh muốn thành mây nương nhờ làn gió
Đưa anh tới cõi mơ hồ nào đây muôn kiếp bên nàng.
Tuy tình không tới, nhưng người nghệ sĩ lại để lại cho đời một tác phẩm
để đời, và rồi ca khúc Dư Âm đã làm nổi danh cái tên Nguyễn Văn Tý từ
đó.
Cái “vô duyên đối diện bất tương phùng” ấy lại là một tai họa cho người
nhạc sĩ trẻ này. Ba năm sau trong một cuộc chỉnh huấn, Dư Âm được xem là
một “dị phẩm”, bị đưa ra kiểm điểm.
Nắm giữ cương vị văn hóa tuyên truyền quan trọng như vậy mà ông lại sáng
tác bài hát Dư Âm nổi tiếng quá, nhiều người biết quá, và ủy mị quá.
Thế là ông bị phê bình, bị kiểm điểm và bị kỷ luật. Không chỉ bị kỷ
luật, kiểm thảo mà ông còn phải đi khắp nơi để chỉ trích chính bài hát
mà ông đã sáng tác. Ông thổ lộ “Tôi có đi, nhưng nói không được, vì nói tới đâu người ta lại cười đến đó”.
Sự kiện bị kiểm thảo này làm cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý choáng váng, bởi
nó xảy ra không bao lâu sau lễ thành hôn của ông với ca sĩ Bạch Lê, em
gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Niềm vui tân hôn chưa kịp thỏa thì một
không khí u ám bao trùm với những câu hỏi dồn ép người nhạc sĩ, rằng vì
sao bài hát Dư Âm lại được phổ biến ở “vùng bị địch tạm chiếm”, rằng
nhạc sĩ đã nhận được gì của kẻ địch trả công cho?
Dư Âm tuy bị cấm ở miền Bắc trong những năm chiến tranh, trong vùng
kháng chiến, nhưng lại rất nổi tiếng và được phổ biến nhiều ở miền Nam
trước năm 1975. Trong những năm tháng ấy, nó được sử dụng sâu rộng trong
đời sống và nhất là tầng lớp “tiểu tư sản” và học sinh sinh viên miền
Nam. Bài hát này cũng đã được lồng trong phim “Kiếp hoa” chiếu ở vùng tự
do. Về sau, ca khúc được lưu hành rộng rãi, trở thành một trong những
bản tình ca được nhiều người yêu thích. Sau này, năm 1988, ông có viết
thêm bài “Dư âm 2” mang tên “Một ánh sao trời” nhưng không được đón nhận
nồng nhiệt như bài trước, không để lại chút dư âm nào.
Sau nhiều lần làm kiểm thảo, mọi chuyện vẫn cứ giằng co, rồi bị đào bới
mãi làm cho người nhạc sĩ mệt mỏi, tuyệt vọng. Ông đành phó mặc cho số
phận dun rủi, và xác quyết sẵn sàng chịu bị trừng phạt nếu có chứng cứ
xác đáng. Một thời gian sau, có lẻ do không tìm ra bằng cớ gì rõ ràng để
xử kỷ luật, cấp lãnh đạo thông qua bản kiểm điểm thành khẩn của ông.
Nhưng rắc rối đến đó vẫn chưa kết thúc.
Năm 1955-1956, phong trào văn nghệ sĩ miền Bắc bùng lên với sự xuất hiện
của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Dư Âm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý không còn
là dư âm nữa mà lại một lần nữa gặp rắc rối. Đứa con tinh thần mang tên
Dư Âm của ông lại bị đưa lên bàn mổ khi có người đưa tin cha của nó là
một thành viên của Nhân Văn Giai Phẩm.
Số là tên ông xuất hiện trong ban biên tập của tạp chí Nhân Văn. Ông cãi
chày cãi cối là do nhà thơ Đặng Đình Hưng vì quen biết và yêu mến nhau
từ trước tự đưa tên ông vào mà không cho ông biết. Tình ngay ý gian hay
tình gian ý gian không ai biết. Chỉ biết một điều là tên ông nằm chình
ình ra đó, trên giấy trắng mực đen, làm sao giải thích? Người cộng sản
đa nghi, không có còn buộc thành có, huống hồ là có! Ông cãi không lại.
Rồi ông bị đưa ra kiểm điểm ở đình Ngọc Hà trước hàng trăm người. Lẽ dĩ
nhiên, đó là sức ép buộc ông phải tự nguyện rút chân ra khỏi ban chấp
hành Hội Nhạc sĩ ngay từ khóa đầu tiên.
Một điều đáng chú ý là lúc đó, năm 1957, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đang là
một trong 5 người (Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu
Phước và Văn Cao) được cử ra thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Lẽ tất
nhiên là họ không hề quan tâm đến những thành tựu mà người nhạc sĩ đạt
được, sau 4 năm phấn đấu, và sau lần chỉnh đốn tư tưởng trước đó.
Sau đó, dầu cho những người có trách nhiệm về chuyện oan trái này lên
tiếng biện bạch cho ông, ông vẫn bị cho là có lập trường tư tưởng sai
lầm.
Nguyễn Văn Tý không can trường như Hữu Loan “Tôi bỏ đảng, bỏ cơ quan,
về nhà để đi cày. Họ không cho bỏ, bắt tôi phải làm đơn xin. Tôi không
xin, tôi muốn bỏ là bỏ, không ai bắt được!”. Ông cũng không được khẳng khái như Phùng Quán “Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét”.
Ông chấp nhận chỉnh đốn bằng chuyến “đi thực tế”, thực chất là đi đày,
lên Điện Biên Phủ 6 tháng liền, năm 1958. Bài “Tiếng hát bản Mèo” ra đời
vào năm đó, nó đã mở đầu cho một cung cách sáng tác về đề tài xây dựng
xã hội mới của ông.
Tuy vậy, sau đó ông vẫn gần như bị vô hiệu hóa, phải ngồi một chỗ làm
những chuyện không đâu vào đâu như dịch sách âm nhạc. Mãi tới bốn năm
sau ông mới được thoát khỏi bốn bức tường. Đế đánh đổi sự kềm kẹp ấy ông
phải chịu đi đày ở Hưng Yên thêm một thời gian nữa dưới mỹ từ “đi thực
tế”, theo chủ trương của cấp trên.
Theo lời khuyên của Lưu Hữu Phước, để khỏi bị chiếu cố, Nguyễn Văn Tý
tránh né nhạc vàng, nhạc “ủy mị” để đổi hẳn sang lãnh vực nhạc dân ca,
nhạc đỏ.
Trong 5 năm, từ 1962 đến 1967, ông đã lăn lộn với thực tế trên đồng ruộng để rồi cho ra đời những ca khúc đỏ như: “Chim hót trên cánh đồng đay”(1963), “Tiễn anh lên đường” (1964), “Múa hát mừng chiến công” (1966), “Bài ca năm tấn” (1967), …
Có thể nói, ông đã bỏ lại sau lưng dư âm một thời vang bóng và tạo nên
một loạt những dấu ấn khác. Nguyễn Văn Tý đã lột xác, ông đã vẽ lên một
chân dung âm nhạc mới, một gắn bó với cuộc sống đồng quê, một sức mạnh
âm nhạc lạc quan cho quê hương đất nước.
Sau này trở về Hà Nội, ông vẫn sáng tác những ca khúc thấm đẫm chất dân ca với những giai điệu ngọt ngào như “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” (1973) hay “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”
(1974). Thời điểm này, cái tên Nguyễn Văn Tý nổi lên như một ngôi sao
tiên phong trong việc sáng tác âm nhạc dân gian, với những đề tài mới.
Sự nghiệp của ông sau đó được tôn vinh bởi Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học và nghệ thuật năm 2000 với những ca khúc “Mẹ yêu con”, “Vượt trùng dương”, “Bài ca năm tấn”, “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”, “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” và “Dáng đứng Bến Tre”. Trong cuộc đời hoạt động âm nhạc của ông sau đó, ông còn giành được một số giải thưởng khác.
Cuối cùng rồi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng xuôi Nam. Vào Sài Gòn năm 1976 và định cư ở đó từ đó đến nay.
Phong cách sáng tác của ông vẫn vậy. Những ca khúc của ông hậu 75 chuyên
viết về quê hương, toàn là thể loại dân ca, nhạc đỏ và có tính tuyên
truyền gồm những ca khúc như: “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” (1976), “Dáng đứng Bến Tre” (1980), “Về Thuận Hải” (1984), “Hát về thành phố biển dầu” (1984), …
Sài Gòn mê hoặc bước chân người nhạc sĩ. Nhưng khi nắng chiều của đời
người đã chênh vênh, ông như bị bật ra khỏi chốn phồn hoa đô hội ồn ào
náo nhiệt ấy. Cha mất, mẹ mất, vợ mất rồi con mất. Nỗi đau chồng chất
khiến ông gần muốn ngã quỵ. Hai lần bị tai biến đã khiến ông bị liệt nửa
người, gần như chỉ nằm một chỗ. Ngày ông phải uống hai liều thuốc hạ
huyết áp và đủ loại thuốc men cho tuổi già.
Căn nhà của người nhạc sĩ về chiều nằm trên đường Trần Khắc Chân, quận
1, trong một con hẻm ồn ào. Căn nhà giờ lẻ bóng, lạnh lẽo. Ngoài kia
song cửa là thế giới ồn ào, đông đúc, trong này là bốn bức tường cô độc,
u hoài. Cho nên ông thèm lắm, ông thèm tiếng người. Trong lúc nhà ai
lúc nào cũng cửa đóng then cài để tránh những âm thanh chát chúa xô bồ
thì các cánh cửa nhà ông đều mở toang như để đón nó. Trong nhà, cái tivi
lúc nào cũng mở. Dù rằng âm thanh ấy không dành cho riêng ông, ông vẫn
dựa vào nó như một niềm an ủi, để bớt lẻ loi. Ông tâm tình: “Hết nằm lại
ngồi. Hết xem tivi lại đọc báo để giết thời gian. Nhưng rồi ngày nào
cũng thế nên chán lắm, buồn lắm”.
Đã lâu rồi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý không còn sáng tác nữa. Nốt nhạc thỉnh
thoảng vẫn bật ra trong đầu nhưng bệnh tật tuổi già khiến ông chỉ còn
luyến tiếc. Bên góc giường, cây đàn organ cũ kỹ vẫn nằm im ỉm. Trên vách
tường, cây đàn tì bà pha màu thời gian vẫn nằm im ỉm. Cũng trên vách
tường, bản nhạc Dư Âm được đóng khung treo trang trọng.
Ngày nay, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, người nhạc sĩ với tuyệt phẩm Dư Âm làm
mê đắm nhân gian, đã ở vào tuổi 87. Một đời làm nên tác phẩm đi vào lòng
người, lúc cuối chiều, ông muốn neo mình giữa cuộc đời này. Thế nên, cứ
chiều chiều, bên cạnh cái tivi không ngừng tiếng, người ta thấy có một
nhạc sĩ già ngồi lặng lẽ trên bộ ghế cũ kỹ, đôi mắt vẫn ngóng qua song
cửa như chờ đợi, nhớ nhung một điều gì. Có cái gì đó bẽ bàng, đắng ngắt
đằng sau sự cô đơn, lẻ loi, buồn chán....
Trong thời gian thập niên 1990 ông vẫn sáng tác, khoảng hơn 20 bài, nhưng không có ca khúc nào nổi tiếng.
Đôi lúc chợt nghĩ lại những gian truân, trải qua trong những chuyến đi
thực tế, ông tự rèn luyện ông trên con đường nghệ thuật, ông thay đổi
phong cách sáng tác để hòa nhập, không ai biết được ông nghĩ gì về số
phận đã đẩy ông dấn thân vào con đường sáng tác đó. Đó là sự dâng hiến
cho sự nghiệp âm nhạc cách mạng của ông.
Như vậy ông đã sống gần nửa đời ông ở đất Sài Gòn. Sống giữa thành phố
ồn ào náo nhiệt nhưng người nhạc sĩ thố lộ ông cảm thấy mình chưa hề hòa
nhập với nó. “Với một người luôn giữ những cái cũ như tôi, ở thành phố này có nhiều khoảng trống lắm”, giọng ông buồn bã.
Giờ đây, ở vào cái tuổi gần cửu thập cổ lai hy, sau mười năm cam chịu
với bệnh tật và nỗi buồn chia xa sau khi người vợ yêu quý của ông qua
đời, ông sống lẻ loi một mình trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ. Hằng đêm, ông
đếm từng canh giờ, lắng nghe những chuyển động trong tâm hồn ông với bao
ký ức tràn về. Canh một, canh hai, canh ba,... Những dư âm cuộc đời
bỗng ngân vang trong tâm tưởng ông. Ông thầm hát lại bài ca cũ, với âm
thanh trầm buồn, sưởi ấm những đêm buồn bã, cô đơn.
Ông đã sắp đi hết một hành trình của kiếp người, cái còn lại an ủi ông
phải chăng là những bài hát, những người yêu nhạc ông. Những tưởng đối
với nghệ sĩ, đó là điều quý nhất. Nhưng không. Ông buồn bã tâm sự: “Không
có thứ gì cả. Một đống tài liệu, các bài hát này với thời gian sẽ mất
đi. Giờ ít người hát nhạc của tôi lắm, họ tội gì hát mãi những bài ca
cũ. Những bài hát này chỉ là những dư âm còn lại”.
Đúng vậy. Những bài hát chỉ là những dư âm còn lại. Tiếc rằng Nguyễn Văn
Tý ngày trước đã “lầm đường lạc lối”, ông đã chọn và đổi hướng đi theo
con đường sáng tác theo chỉ đạo, nên đã không cống hiến được cho đời những bản
nhạc để đời về sau, cũng như không lưu danh với đời tiếng bất khuất,
khẳng khái, như những người bạn văn nghệ đồng thời của ông lúc trước như
Hữu Loan, Phùng Quán, Hoàng Cầm,...
Dư Âm chỉ còn là dư âm. Tiếc thay!
9 tháng 10 năm 2012
nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2012/10/chi-con-la-du-am.html#more
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để
xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001