Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

Định Tường - Dân Chủ, Nhân Quyền: Một lời giải cho nhiều vấn đề 

Định Tường
Dân Luận: Xin trân trọng giới thiệu tới độc giả bài dự thi mã số QCN&T000003 của cuộc thi "Quyền Con Người và Tôi" do Con Đường Việt Nam tổ chức. Cuộc thi kéo dài từ ngày 9/9/2012 tới 12/12/2012, với nhiều giải thưởng hấp dẫn như Macbook Air, iPad III và iPhone 4S...Xin độc giả quan tâm đọc thể lệ cuộc thi tại đây!

Dân chủ là điều kiện để thực thi và bảo vệ nhân quyền

Có nhiều định nghĩa khác nhau về quyền con người (Human Rights) hay nhân quyền, từ những định nghĩa hàn lâm nhất thì nhân quyền là “những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến nhân phẩm, tự do cơ bản của con người” [1]. Theo định nghĩa trên thì chính quyền được lập ra để bảo vệ nhân quyền bằng luật pháp chứ không phải ban phát hay hạn chế các quyền ấy.
image001_0.jpg
Tuy nhân quyền và dân chủ là hai khái niệm khác nhau về đối tượng trung tâm hướng tới nhưng chúng có mối quan hệ hỗ tương lẫn nhau. Trong khi dân chủ nhắm tới quyền của mọi người với tư cách là công dân của một quốc gia thì nhân quyền nhắm tới quyền của mọi người với cách hiểu rộng hơn, thoát ly khỏi quan niệm của từng quốc gia, rào cản về chính kiến, tôn giáo, chủng tộc… mang giá trị phổ quát mà bất kỳ đâu trên thế giới người ta đều được hưởng bình đẳng như nhau. Sở dĩ nhân quyền mang ý nghĩa rộng hơn dân chủ bởi do trước khi là công dân của một quốc gia, người ta đã là con người, nghĩa là người ấy đã có những quyền cơ bản như một con người. Anh ta có thể bị cầm tù, bị trục xuất hay bị tước quyền công dân… nhưng quyền làm người thì không ai có thể tước đoạt của anh ta được.
Trong mối tương quan giữa hai khái niệm trên, nhân quyền vừa là nền tảng vừa là lý tưởng mà dân chủ hướng tới hay nói theo cách mà lãnh tụ dân chủ Miến Điện Aung San Suu Sky thì “thể chế dân chủ là cần thiết để đảm bảo thực thi nhân quyền” [2].
Thật vậy, một chính quyền được bầu lên qua các cuộc bầu cử công bằng cùng với các thiết chế quản lý xã hội hữu hiệu sẽ là một công cụ đắc lực để người dân cất lên tiếng nói của họ nhằm thay đổi, cải biến xã hội để các quyền con người được bảo vệ một cách trọn vẹn nhất có thể. Do vậy, đấu tranh cho nhân quyền bao giờ cũng đi đôi với đấu tranh để đòi hỏi có được một nền dân chủ thực sự, một chính quyền “của dân, do dân và vì dân”.

Khi an ninh quốc gia bị diễn giải tùy tiện

Nhóm Quyền dân sự, chính trị bên cạnh nhóm quyền về kinh tế, văn hóa, xã hội là những nhóm quyền cơ bản trong Bộ luật Nhân quyền Quốc tế quy định về quyền tham gia vào việc điều hành các công việc xã hội: quyền bầu cử; ứng cử; tự do tư tưởng; ngôn luận… Đây là những công cụ quan trọng để xây dựng một xã hội dân chủ. Trong những quyền ấy, tôi nhấn mạnh đến quyền tự do tư tưởng, ngôn luận bởi chúng là nền tảng cho việc thụ hưởng một cách đầy đủ nhiều quyền con người khác. Ví dụ, không có tự do ngôn luận thì không thể thụ hưởng các quyền như tự do hội họp, lập hội, thực hành quyền bầu cử…
image003.png
Khi nhắc tới “tự do” thì mặc nhiên nên hiểu không hề có tự do tuyệt đối theo nghĩa ai muốn làm gì cũng được. Tự do của một cá nhân bị giới hạn bởi tự do của người khác hay nói cách khác, người ta được hưởng tự do của mình cho đến khi nào chưa xâm phạm đến quyền của người khác vì thế pháp luật hiện hữu. Quyền tự do ngôn luận cũng không ngoại lệ.
Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền… thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ.” [3] Mặc dù vậy, tự do ngôn luận cũng có giới hạn nhất định nhằm “tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác. Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội.” [4]
Quan điểm của chính quyền Việt Nam về sự giới hạn của tự do ngôn luận bằng việc viện dẫn những điều luật an ninh quốc gia mà thực chất là nhằm giữ vững chế độ chính trị XHCN nhiều khuyết tật. An ninh quốc gia được chính quyền VN hiểu không chỉ là đảm bảo độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước mà còn đặt nhiệm vụ bảo vệ chế độ XHCN lên hàng đầu [5]. Hay nói cách khác, ở Việt Nam, bạn được quyền tự do ngôn luận cho tới khi nào bạn chưa chỉ trích chính quyền hay đòi thay đổi chế độ chính trị.
Đánh đồng an ninh quốc gia với sự tồn vong của chế độ chính trị có phải là cách nhìn nhận đúng đắn? Tất nhiên bất kỳ sự thay đổi chế độ chính trị nào không dựa trên quyền tự quyết, ý chí nguyện vọng của dân đều bất hợp pháp và có nguy cơ phá hoại an ninh quốc gia nhưng vấn đề đặt ra là chế độ chính trị XHCN có phải được xác lập bằng quyền tự quyết của dân VN thông qua trưng cầu dân ý rộng rãi, công bằng, minh bạch hay chưa? Đó là chưa kể luật bảo vệ an ninh quốc gia của VN đi ngược lại với điều 1 của ICCPR “các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình”. Như vậy, quyền “tự quyết” sẽ được thực thi như thế nào nếu quyền tự do ngôn luận bị giới hạn không cho phép bàn tới chuyện thể chế chính trị nào khác hơn là thể chế chính trị hiện hành?
Mặt khác, XHCN là một học thuyết chính trị tuy hiện đang được đảng cầm quyền đơn phương áp đặt là nền tảng chính thức cho chế độ chính trị của Việt Nam nhưng cũng phải tuân thủ đầy đủ diễn giải của LHQ về quyền tự do tư tưởng rằng “một học thuyết chính trị được coi là nền tảng chính thức cho thể chế chính trị ở một quốc gia thành viên cũng không được sử dụng để làm ảnh hưởng đến các quyền tự do nêu ở điều 18 và các quyền khác trong ICCPR, cũng như không được tạo ra sự phân biệt đối xử với những người không chấp nhận hay phản đối học thuyết chính trị đó” [6].
Hơn nữa, ngay cả việc đánh đồng khái niệm quốc gia tương đương với một học thuyết chính trị trong cụm từ “Tổ quốc XHCN” đã là một điều khá lố bịch bởi từ trước khi chủ nghĩa xã hội du nhập vào Việt Nam thì Tổ quốc Việt Nam chẳng lẽ không hề tồn tại? Cũng cần nhắc thêm rằng đã có khá nhiều ý kiến biện minh rằng CNXH là mong mỏi của biết bao xương máu chiến sĩ, đồng bào ngã xuống để giành lấy độc lập cho dân tộc. Quan niệm này bất hợp lý ở chỗ khi phất cao ngọn cờ MTDTGPMN, đoàn kết giai cấp vì mục tiêu độc lập dân tộc (cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân) chứ chưa phải là giai đoạn cách mạng XHCN sau này. Ngay cả chính cố thủ tướng Võ Văn Kiệt từng khẳng định trong lần trả lời phỏng vấn với BBC lúc cuối đời đại ý rằng: Tham gia mặt trận giải phóng có những người không chấp nhận CNXH nhưng họ chiến đấu vì mục tiêu độc lập Tổ quốc.
Tóm lại, việc đặt các điều luật về an ninh quốc gia mơ hồ và mâu thuẫn với chuẩn mực quốc tế thể hiện một chính sách cố tình diễn giải sai lệch dựa vào các ngoại lệ an ninh quốc gia để bảo vệ chế độ hiện hành vốn không được dựng lên bằng ý chí, nguyện vọng của người dân.

Nhân quyền tại Việt Nam

Hậu quả tai hại của việc xem tồn vong của chế độ là ưu tiên hàng đầu, chính quyền VN đã tự trói buộc mình vào một thế kẹt nhất là khi những yếu kém về thể chế chính trị ngày càng bộc lộ rõ ràng kèm theo đó là những vòng lẩn quẫn không lối loát.
image006.jpg
Nền kinh tế Việt Nam bị tàn phá bởi những núi nợ nghìn tỷ của các tập đoàn quốc doanh vốn được xem là đầu tàu kinh tế hay “đóng vai trò chủ đạo” theo lý luận của học thuyết chính trị trong thời kỳ quá độ lên XHCN bất chấp những khuyến nghị bãi bỏ quan niệm sai lầm này của các kinh tế gia trong nước bởi sự quản lý yếu kém của một bộ máy quan liêu, thiếu minh bạch.
Mặc dù tham nhũng ngày càng trở nên trầm trọng theo đánh giá của cả chính quyền lẫn quốc tế nhưng tham nhũng sẽ không thể bị đẩy lùi chừng nào vẫn không có sự độc lập của tư pháp để xét xử bởi ĐCS vẫn kiên quyết không theo nguyên tắc tam quyền phân lập mà các quyền này hoạt động thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng [7], vẫn kiên quyết chỉnh đốn nội bộ bằng phê và tự phê mà kết quả đạt được rất ít. Mục tiêu chống tham nhũng, chỉnh đảng vẫn đặt sự tồn vong của chế độ lên hàng đầu chứ không phải trao trả cho dân quyền làm chủ.
Mặc dù đã có hơn 700 tờ báo, kênh truyền thông và số lượng phóng viên ngày càng tăng nhưng tuyệt nhiên không có lấy một tờ báo tư nhân nào và không có một tờ báo nào mà không đặt dưới sự kiểm duyệt nghiêm ngặt của tổng biên tập mà hều hết đều là đảng viên ĐCS.
Mặc dù số lượng người sử dụng Internet ngày càng tăng nhưng những trang mạng bất đồng với chính quyền bị đánh phá, ngăn chặn cùng với số blogger bày tỏ quan điểm ôn hòa trên mạng bị bỏ tù bởi các điều luật liên quan đến an ninh quốc gia cũng gia tăng.
Mặc dù luôn khẳng định chế độ bầu cử là tự do, dân chủ nhưng luật bầu cử Quốc hội VN đòi hỏi người tự ứng cử phải được Mặt trận Tổ quốc – một tổ chức ngoại vi của ĐCSVN - thông qua. Ủy ban này kiểm soát và sàng lọc gắt gao các ứng cử viên thông qua các vòng “hiệp thông” – giai đoạn mà ĐCSVN chứ không phải là cử tri là người quyết định ứng viên nào đủ tư cách để được chốt danh sách bầu cử. Sau cùng cử tri chỉ được bỏ phiếu cho những ứng viên nào đã qua sự chọn lọc kỹ càng của ĐCS, điều mà ở VN gọi là “đảng cử, dân bầu”, ngay chính cựu bộ trưởng tư pháp VN cho đó là một thứ “dân chủ hình thức” [8]. Thực trạng này khiến cho cố chủ tịch QHVN Nguyễn Hữu Thọ pháp cay đắng thốt lên vào cuối đời: “Điều đau lòng là trong nhiều năm liền trôi qua, chúng ta vẫn còn duy trì những thứ [dân chủ] hình thức, hữu danh vô thực đó. Khuyết điểm lớn của chúng ta là chưa có dân chủ thật sự” [9].
Mặc dù khẳng định ở VN không có ai bị bỏ tù vì lý do bất đồng chính kiến hay bày tỏ quan điểm; nhưng với cách diễn giải sai lầm về an ninh quốc gia, hàng loạt án tù hình sự đã tuyên với những nhà hoạt động chính trị đối lập chỉ bởi vì họ bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa, đòi hỏi dân chủ hóa đất nước theo con đường dân chủ, đa đảng, tam quyền phân lập,…

Đâu là giải pháp?

Nhân quyền chỉ có thể được bảo vệ trong một xã hội tự do, dân chủ; muốn bảo vệ nhân quyền thì không thể không dân chủ hóa đất nước bằng cách sử dụng chính cách các quyền tự do căn bản.
image008.jpg
Các nhiều cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược hồi hè 2011 đã gây chú ý của quốc tế vì sự hiếm có trong một xã hội mà trước nay vẫn chỉ thường diễn ra các cuộc mít-tinh, tuần hành ủng hộ, tung hô. Biểu tình, viết blog, hội họp… đều là những hình thức lên tiếng, đấu tranh để giành có được dân chủ. Giản đơn hơn hết, nhân quyền là khi người dân có quyền nói và dân chủ là khi chính quyền biết lắng nghe. Nhưng “Đừng có ảo tưởng rằng những người quan liêu, bảo thủ sẽ tự giác trao nhân dân quyền dân chủ… vấn đề tùy thuộc rất nhiều vào sự đấu tranh.” [10] Do vậy nói đến dân chủ trước hết phải nói đến cơ chế, cách thức tổ chức của chính quyền phải được bầu lên tự do và công bằng. Cơ chế ấy chỉ được bảo đảm khi hội đủ các điều kiện như: quyền phổ thông đầu phiếu; quyền được sử dụng mọi phương tiện để tuyên truyền cho quan điểm, vận động tranh cử. Các điều kiện này chỉ được bảo đảm khi sinh hoạt chính trị đặt trên nền tảng đa nguyên, đa đảng – điều tuyệt đối cấm kỵ tại VN trước nay. Bầu cử đa đảng cũng sẽ vô nghĩa như ở Nga nếu thiếu đi các yếu tố công bằng, minh bạch, tôn trọng kết quả bầu cử, ngăn ngừa chi sự chi phối của nước ngoài…
Tuy nhiên trước khi đạt được những điều kiện lý tưởng như trên, phải từng bước hướng tới dân chủ bằng sự tham gia tích cực và sự quan tâm ngày càng nhiều của từng cá nhân vào các vấn đề chung của xã hội. Chỉ có thể bằng sự hiểu biết, trao đổi thông tin công khai dưới nhiều hình thức, người ta mới ý thức được quyền lợi của mình, của đất nước để sẵn sàng trả một cái giá (cũng có thể là rất đắt) để có được dân chủ.
Tình thế buộc ĐCSVN phải dân chủ hóa đất nước, phải ôn lại bài học lòng dân mà họ đã vận dụng thành thạo trong quá khứ để giải quyết hàng loạt vấn đề từ đối nội lẫn đối ngoại. Để Việt Nam đủ sức giữ vững chủ quyền quốc gia; ổn định, phát triển kinh tế, xã hội để vươn lên thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, chạy đua trở thành một nước tiên tiến để bù lấp những sai lầm do ý thức hệ bó buộc trong nhiều chục năm qua, cách duy nhất chỉ có thể là dân chủ hóa đất nước; bảo vệ quyền con người.
Định Tường
________________________
[1] Định nghĩa quyền con người của Cao ủy nhân quyền LHQ.
[2] Aung San Suu Kyi phát biểu tại lễ nhận giải Nobel hòa bình 1991 tại Oslo, Nauy năm 2012.
[3] Khoản 1,2 Điều 19 của ICCPR.
[4] Khoản 3, Điều 19 của ICCPR.
[5] Điều 14 luật an ninh quốc gia Việt Nam thông qua ngày 03 tháng 12 năm 2004 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2005.
[6] Bình luận chung số 22 về điều 19 của ICCPR thông qua tại phiên họp lần thứ 48 năm 1993 của Ủy ban nhân quyền LHQ.
[7] Cựu TBT Nông Đức Mạnh
http://baodientu.chinhphu.vn/Home/Tong-Bi-thu-Nong-Duc-Manh-tiep-xuc-cu-tri-tai-Thai-Nguyen/20106/32910.vgp

[8] Cựu bộ trưởng tư pháp TS.Nguyễn Đình Lộc trả lời phỏng vấn Vietnamnet
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-08-29-cuu-bo-truong-tu-phap-ban-ve-dan-chu-va-phap-quyen

[9] Cố phó chủ tịch QHVN Nguyễn Hữu Thọ http://phapluattp.vn/20111224010410576p0c1013/khong-the-song-chung-voi-dan-chu-hinh-thuc.htm
[10] Cố phó chủ tịch Quốc hội, LS Nguyễn Hữu Thọ
http://www.donghuonglongan.vn/ngi-long-an/182-nguyn-hu-th-va-lch-s-v-vang-ca-mt-trn-dan-tc-thng-nht-vit-nam-.html
Admin gửi hôm Thứ Sáu, 05/10/2012 
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20121004/bai-du-thi-quyen-con-nguoi-va-toi-qcnt000003-dan-chu-nhan-quyen-mot-loi-giai-cho
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001