Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình hôm 7/10 đã có cuộc trả lời phỏng vấn dài trên Truyền hình Việt Nam về cải tổ hệ thống ngân hàng.
Thống đốc Bình nói ngành ngân hàng đã phát triển ‘quá nóng’
Ông thừa nhận tình trạng “lợi ích nhóm” nhưng nói rằng không có tình trạng này ở Ngân hàng Nhà nước.
Ông Bình nói sự phát triển của ngành ngân hàng trong những năm vừa qua “quá nóng” và đã xảy ra tình trạng “buông lỏng thanh tra giám sát”.
Theo vị Thống đốc, có những ngân hàng chỉ do một nhóm cổ đông chi phối và 70-90% dư nợ ngân hàng là phục vụ cho chính nhóm cổ đông, vốn “sử dụng vốn ngân hàng không hiệu quả”.
Đây là lý do, ông Bình nói, các ngân hàng như vậy phải tái cơ cấu.
Mặc dù ông Bình khẳng định không có lợi ích nhóm ở Ngân hàng Nhà nước, một chuyên gia ở Hà Nội, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nói dư luận vẫn đặt dấu hỏi về các quyết định hành chính của vị Thống đốc liên quan tới chuyện sát nhập các ngân hàng.
“Hiện nay trong dư luận xã hội đang còn có điều phân vân. Người ta không biết rõ tại sao ngân hàng này lại phải sát nhập với ngân hàng kia mà lại không phải sát nhập với ngân hàng khác.
“Hiện nay, tôi nghĩ vấn đề khó có thể giải quyết được nếu không có sự công khai minh bạc và thảo luận rõ ràng hơn về quá trình cải cách này.
“Cái quá trình này muốn được thực hiện một cách dân chủ thì phải đưa ra thảo luận”.
‘Tần suất quá nhiều’
Tiến sỹ Doanh nói cứ khoảng 10 ngày lại có một quyết định hành chính của Ngân hàng Nhà nước và tần suất này là “quá nhiều”.
“Các doanh nghiệp và các ngân hàng rất khó nắm bắt, theo kịp để thực hiện các quyết định thay đổi nhiều và nhanh như vậy”.
Theo ông Doanh, việc sát nhập các ngân hàng trong thời gian vừa qua đã giúp các ngân hàng vượt qua khó khăn nhưng chưa thể biết được tác động của nó về mặt lâu dài.
Ông cũng nói Ngân hàng Nhà nước nên để các ngân hàng thương mại “tự nguyện” tìm đến với nhau qua cơ chế thị trường.
“Nếu như không làm rõ được vấn đề nợ xấu, vấn đề sở hữu chéo và các vấn đề khác thì tôi nghĩ rằng việc sát nhập một ngân hàng này vào một ngân hàng khác không có ý nghĩa gì nhiều lắm”.Đề cập tới các tín hiệu mới đây về sự ổn định trở lại của kinh tế Việt Nam, vị Tiến sỹ nói:
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh
“Tôi nghĩ rằng các cải thiện của kinh tế vĩ mô của Việt Nam như lạm phát giảm xuống, tỷ giá tương đối ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng lên và cán cân thương mại thậm chí có thặng dư thì hiện vẫn đang còn mong manh.
“Lạm phát giảm xuống là do có sự điều chỉnh trong chính sách tiền tệ và tín dụng, đồng thời cũng do sức mua cạn kiệt.
“Dự trữ ngoại tệ tăng lên thì do xuất khẩu tăng lên nhưng cũng do nhập khẩu giảm đi rõ rệt và vì vậy tốc độ tăng trưởng cũng giảm đi
“Điều này không có nghĩa là Việt Nam sẽ tiếp tục giữ được mức ổn định nếu sắp tới đây lại muốn tăng trưởng cao hơn và lại đưa ra một chính sách đầu tư mạnh mẽ hơn và nới lỏng chính sách tín dụng và tiền tệ”.
‘Sự thật đắng cay’
Tiến sỹ Doanh, người từng đứng đầu Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, nói ông chưa nhìn thấy đường hướng cụ thể về việc giải quyết các vấn đề trong ngành ngân hàng.
Ông nói: “Vấn đề quan trọng hơn là phải có các yêu cầu về sự công khai minh bạch, về sự quản trị ngân hàng và về sự lành mạnh của ngân hàng.
“Nếu như không làm rõ được vấn đề nợ xấu, vấn đề sở hữu chéo và các vấn đề khác thì tôi nghĩ rằng việc sát nhập một ngân hàng này vào một ngân hàng khác không có ý nghĩa gì nhiều lắm.
“Tôi thấy rằng trước hết vấn đề nợ xấu ở Việt Nam phải làm rõ quy mô nợ xấu là bao nhiêu, nợ xấu ở đâu, ở ngân hàng nào và nợ xấu đấy thì nó ở doanh nghiệp nhà nước hay ở lĩnh vực bất động sản hay lĩnh vực khác.
Tiến sỹ Doanh nói hiện đang có các con số khác nhau về nợ xấu ở Việt Nam. Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra con số 10% trước Quốc hội, quyền thanh tra Ngân hàng lại dẫn con số 8,6% trong khi hãng đánh giá tín dụng Fitch Ratings đưa ra mức 13%.
Chỉ với mức khiêm tốn nhất 8,6%, số nợ xấu cũng đã lên tới 10 tỷ đô la.
Câu hỏi Tiến sỹ Doanh đặt ra là liệu mức nợ xấu được đưa ra đã bao gồm các khoản cho vay giữa các ngân hàng với nhau hay không vì theo ông các ngân hàng “cho nhau vay cũng nhiều lắm”.
Ông cũng nói Việt Nam nên có công ty mua bán nợ để giải quyết tình hình nợ xấu nhưng nhấn mạnh sự cần thiết phải công khai con số nợ xấu chính xác:
“Tôi nghĩ rằng sự thật cần được nói lên, cần được công bố ra. Càng không công bố sự thật người ta càng nghi ngờ và càng có nhiều đồn đoán hơn.
“Tôi nghĩ rằng dẫu sự thật có đắng cay đến bao nhiêu chăng nữa thì vẫn nên nói ra đi.
“Không công bố chỉ làm cho tình hình phức tạp thêm”.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/business/2012/10/121008_bank_reform.shtml
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/41824
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001