Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012

Nguyên Lê - Bất ổn tài chính: Từ lỗ hổng chính sách đến “cố ý làm trái” 

Nguyên Lê
Còn theo đánh giá của nguyên chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng thương mại lớn: “Mục tiêu không còn là kinh doanh ngân hàng nữa mà ngân hàng trở thành đối tượng để kinh doanh. Ngân hàng trở thành hàng hoá giống như là những hàng hóa khác. Họ mua rồi thấy được giá thì bán hay dùng ngân hàng để đi thâu tóm ngân hàng khác, doanh nghiệp khác”.
SGTT.VN - Khi những biểu hiện lâm sàng của con bệnh – hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam bộc phát, với bao khó khăn về thanh khoản, nợ xấu… Chính phủ quyết định phải tái cấu trúc nó.

Cho dù vấn đề không ở con số ít hay nhiều, thì khó kiếm ở đâu ra ở ta ngân hàng nhỏ mà mạnh. Ảnh: TL
Quá trình trên chưa đi được tới đâu thì may quá, nhiều vụ án liên quan đến lĩnh vực này lộ ra, hé mở căn nguyên từ vi mô đến vĩ mô, mà ở đó, những “kinh doanh trái phép”, “cố ý làm trái”, “lừa đảo”… đã được bức màn đan từ nhiều sợi chỉ sở hữu chéo chằng chịt che chắn, hoặc đóng vai trò công cụ – phương tiện thực hiện hành vi.
Các quy định bảo đảm an toàn hoạt động đối với ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay ở nước ta gồm vốn pháp định và tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; giới hạn cấp tín dụng; giới hạn đầu tư – góp vốn cổ phần; đảm bảo khả năng chi trả; phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro. Bằng sở hữu chéo, các quy định này dễ dàng bị vô hiệu hoá!
Từ lúc nào và vì sao chúng ta cảm thấy bình thường trước lượng thông tin dày đặc về việc ngân hàng này ra đời, ngân hàng kia mở chi nhánh rộng khắp, rồi thì mua mua bán bán ngân hàng với nhau để đến lúc này mới giật mình, Việt Nam với quy mô nền kinh tế nhỏ bé như thế mà có tới gần 50 ngân hàng thương mại (không kể nước ngoài và liên doanh) với cấu trúc sở hữu như vậy?
Cho dù vấn đề không ở con số ít hay nhiều, thì khó kiếm ở đâu ra ở ta ngân hàng nhỏ mà mạnh. Những ngân hàng nhỏ hiện nay nằm trong số 13 ngân hàng theo mô hình nông thôn được ngân hàng Nhà nước cho phép “nâng cấp” lên thành ngân hàng thành thị. Nguyên thuỷ, chúng chỉ có vốn chừng vài chục đến vài trăm tỉ đồng, sau khi “lột xác” đã phải lao đầu vào cuộc đua tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỉ đồng cùng các đàn anh đàn chị. Một cuộc đua bằng mọi giá nên cái giá phải trả cho việc quản trị, nhất là quản trị rủi ro chưa tương thích, dễ dàng bị bỏ qua.
Nếu như sự tham gia của các ngân hàng thương mại nhà nước vào các ngân hàng thương mại cổ phần những năm đầu thập niên 1990, mang ý nghĩa “tái cơ cấu” các ngân hàng cổ phần này một cách thuần khiết, thì sự ra đời và gia nhập của các tập đoàn kinh tế nhà nước với tấm thẻ bài “kinh doanh đa ngành”, bức tranh sở hữu ngân hàng trở nên đa sắc hơn. Rồi thì doanh nghiệp tư nhân cũng có ngân hàng. Rồi thì ngân hàng này mua cổ phần ở ngân hàng kia. Cái sự chấp nhận không mạnh trong tình thế “phóng lao” như nói trên đã mang màu sắc chủ động vì những động cơ khác.
Việc Việt Nam mở cửa – gia nhập WTO đã mang lại niềm hứng khởi, cho tới lúc này có thể nói là thái quá, đối với tương lai nền kinh tế cũng như khả năng nhập cuộc của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực vốn được cho là nhạy cảm này (vậy nên mới có làn sóng nhà đầu tư trong nước đón đầu cơ hội chuyển nhượng lại). Nhưng nếu không có sự bùng phát của thị trường chứng khoán thì đã không có cánh cửa lớn cùng lực đẩy vô hình đẩy người người đầu tư vào chứng khoán ngân hàng.
Trong suốt thời gian dài, cổ phiếu các ngân hàng đứng ở hàng topten và cơn sốt đó đã làm một bộ phận “thức thời” trở nên giàu có. Nếu như sự huy động vốn dễ dàng dưới danh nghĩa ngân hàng trên thị trường chứng khoán khiến các doanh nghiệp mua cổ phiếu ngân hàng như một hoạt động đầu tư tài chính, thì sự tăng trưởng gần như liên tục của tổng lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng trong những năm qua, cùng với sự tăng trưởng nóng của thị trường bất động sản khiến doanh nghiệp có động cơ sở hữu và sở hữu nhiều ngân hàng nhằm tận dụng quyền uy ông chủ rút vốn huy động trong dân để phục vụ cho hoạt động đầu tư nóng của chính mình. Như nghiên cứu “Cải cách cơ cấu vì mục tiêu tăng trưởng, công bằng và chủ quyền quốc gia” của các tác giả thuộc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đã chỉ ra, “Thoạt nhìn sở hữu chéo hiện nay không có bất kỳ một lý do chiến lược rõ ràng nào, nhưng nhìn vào cấu trúc sở hữu và báo cáo tài chính của các ngân hàng thì có thể thấy việc sở hữu chéo là để tạo điều kiện cho vay theo quan hệ, cũng như lách các giới hạn cho vay của ngân hàng Nhà nước”. Còn theo đánh giá của nguyên chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng thương mại lớn: “Mục tiêu không còn là kinh doanh ngân hàng nữa mà ngân hàng trở thành đối tượng để kinh doanh. Ngân hàng trở thành hàng hoá giống như là những hàng hóa khác. Họ mua rồi thấy được giá thì bán hay dùng ngân hàng để đi thâu tóm ngân hàng khác, doanh nghiệp khác”.
Ông Nguyễn Quang A, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị VP Bank, người đứng mũi chịu sào cứu ngân hàng này khi nó trên bờ vực phá sản do nợ xấu thời kỳ 1994 – 1995 kể hồi ấy những người sáng lập VP Bank – vốn là những ông chủ doanh nghiệp, chỉ coi, lấy ngân hàng làm “công cụ” để hỗ trợ cho việc kinh doanh của doanh nghiệp mình, nên cho nhau vay rất lớn, rồi không thu hồi được. Giả như ông A và bạn bè, những tay nghiệp dư liều mạng, tự mình dám vận hành VP Bank nên mới hành động sai lầm như vậy thì đến nay, lỗ hổng nhân lực không còn quá lớn khi các ngân hàng đã có thể thuê CEO nước ngoài. Lỗ hổng đang đến từ những động cơ trục lợi, với sự hỗ trợ của thực tế bất cân xứng thông tin giữa người uỷ quyền và người thừa hành gây ra rủi ro đạo đức. Trước đây, VP Bank là một vấn đề riêng lẻ, thì giờ đây, vấn đề đã mang tính hệ thống mà cấu trúc sở hữu càng làm cho tình hình phức tạp. Nguy hiểm hơn, hệ thống thanh tra kiểm soát trong thời gian dài tỏ ra bất lực trong việc phát hiện vi phạm hay lách luật (mà các vi phạm liên quan đến sở hữu chéo là điển hình), như thừa nhận của chính thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khi trả lời chất vấn của đại biểu tại Uỷ ban thường vụ Quốc hội vừa rồi.
Nếu lợi nhuận và lợi ích “đen” từ ngân hàng thúc đẩy việc sở hữu, sở hữu chéo ngân hàng thì điều gì tạo ra lợi nhuận và lợi ích ấy? Chúng ta đang dán mình dính chặt vào một mô hình tăng trưởng “kiểu Việt Nam” – theo bề rộng, mà ở đó tăng trưởng chủ yếu dựa vào sự gia tăng các nguồn lực đầu vào, đặc biệt là sự thâm dụng vốn đầu tư nhưng hiệu quả sử dụng vốn lại thấp. Một mô hình kinh tế như vậy làm lợi cho hệ thống ngân hàng, thúc đẩy sự bành trướng một cách không có động cơ tự kiểm soát vì hệ thống này đang cấp tới khoảng 90% vốn cho toàn nền kinh tế. Đồng thời, nó cũng tạo gánh nặng quá tải cho hệ thống. Vì vậy mà rủi ro sẽ tăng cao khi chạy theo cái lợi và khả năng quản trị không đuổi kịp, bằng chứng rõ nhất là tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Đồng tiền có được dễ dãi thì dễ bị sử dụng thiếu cẩn trọng.
Dọn dẹp lại hệ thống ngân hàng từ “tử huyệt” sở hữu chéo hay những “yếu huyệt” khác cần phải được đặt trong tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Ở đó, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại cần phải đặt trong mối liên hệ với tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Nếu không, nếu vẫn đổ xô vào đầu tư, nhất là khu vực doanh nghiệp nhà nước, trong khi không tăng được hiệu quả sử dụng vốn, chính áp lực chính trị sẽ tạo áp lực tiếp tục bơm vốn và vô hiệu hoá nỗ lực phân bố nguồn lực cẩn trọng, công bằng.
Tăng trưởng lệ thuộc vào đầu tư, giải cơn khát đầu tư bắt đầu từ việc giải phóng mình khỏi cơn say tăng trưởng bằng mọi giá, nhất là khi sự tăng trưởng đó bị đánh giá là không bền vững, phải đánh đổi với lạm phát, tổn hại về môi trường.
NGUYÊN LÊ
Khách gửi hôm Thứ Ba, 02/10/2012 
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20121002/nguyen-le-bat-on-tai-chinh-tu-lo-hong-chinh-sach-toi-co-y-lam-trai
=================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001