Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Đỗ Trung Quân - Hãy tiết kiệm thứ còn lại duy nhất 

Nhà thơ Đỗ Trung Quân

Fan nam khóc khi đón T-Ara

Ngày ấy bọn tôi hai mươi tuổi
Ria lún phún
Mắt cận lòi
Dân Sài Gòn tiểu tư sản, đọc sách triết , tóc hippie
Được phong tặng “thanh niên chậm tiến “
Thôi thì biết thân phận mình, đứa đi làm công nhân , đứa đi làm rẫy. đứa thanh niên xung phong coi như trả món nợ dù chả vay ai thời tiền – hậu - chiến

Ngày Polpot tràn qua An Giang , Ba Chúc thảm sát đồng bào
Tổ quốc lâm nguy
Bọn tôi sôi sục ra biên giới
Ngày Trung Quốc tấn công Việt Nam
Tổ quốc lại lâm nguy
Có thằng em khai gian tuổi
Vác balo lên đường
Gác mọi tranh chấp ý thức hệ
vệ quốc trước đã
Ai không tử sĩ
Ai không phế binh
Thì về
Đứa đạp xich lô. Đứa chạy xe ôm, đứa đi khuân vác
Bình thường.

Nói thật
Bọn tôi đàn ông cũng có khi rơi nước mắt
Khi nhìn xác đồng bào, ôm trong tay đồng đội.
Sắt đá vẫn nghẹn ngào.
Nhưng các em ạ
Chúng tôi không bao giờ rơi lệ
Những chuyện tào lao
Chúng tôi không mất thì giờ nửa đêm run rẩy,gào thét trước cổng sân bay để đón đứa lạ huơ lạ hoắc
đến bố mẹ ở nhà cũng chả biết đi đâu

tôi nghĩ đơn giản thế này
Bố tôi chết tôi mới khóc
Mẹ tôi chết tôi mới khóc
Bạn tôi chết tôi mới khóc
Đồng bào tôi mất tích ngoài biển đông tôi mới khóc
Nước mắt ngày càng quý hiếm lắm các em ạ
Hãy cố mà để dành
Mà nhỏ xuống cho điêu linh đất nước
Mà rưng rưng cho nỗi nhục bị cỡi cổ đè đầu
Làm nô lệ

Tôi bảo các em lần này thôi nhé
Đừng làm xấu hổ thêm xứ sở mình
Nhục
Biển Đông
Qúa
Đủ


Innova gửi hôm Thứ Tư, 28/11/2012          
http://danluan.org/tin-tuc/20121128/do-trung-quan-hay-tiet-kiem-thu-con-lai-duy-nhat
======================================================================
Thư của Fan Kpop gửi nhà thơ Đỗ Trung Quân


A Dở Người
Thời đại mới, chúng tôi cũng đang sống trong cái thời 20 tuổi
Ba mẹ nuôi
Lo cho ăn học bằng người
Cũng biết học, biết chơi, biết chuyện nước ta, nước bạn
Tuổi trẻ thời bình, thích truyện ngắn, phim tình cảm
Nghe nhạc Hàn, thích các ngôi sao
Được phong danh hiệu "Fan cuồng Kpop"
Thôi thì cứ sống là chính mình, đứa thích Suju, đứa mê UKiss, đứa yêu Dong Bang, đứa cả ngày xem Beast, coi như sở thích cho những lúc nhàn rỗi của thời bình...

Chẳng có chiến tranh, chúng tôi vẫn yêu sử nước mình
Chống pháp thực dân, đánh tan đế quốc
Yêu Bác Hồ hơn cả yêu đất nước
Trách nhiệm học hành đôi lúc cũng nặng vai
Internet tràn sang, sự học vẫn miệt mài
Học là chơi, chơi là học
Lên từng Forum, quen toàn "dân vô học", cách gọi anti hay nói đến Fan Hàn ...
Chẳng biết đến đứa nào vứt sách vở để hò hét tràn lan
Có đứa bạn tôi, cả chục năm vẫn là Fan Kpop
Vẫn thành người qua từng trang sách, lịch sử nước nhà cũng đâu dám rẻ khinh
Tôi chẳng nhận mình là cô gái thông minh
Nhưng vẫn nhớ những chiến công của cha ông đi trước
Vẫn yêu nhạc Hàn, và đôi khi đã từng mơ ước, một lần đặt chân đến đất nước xa xôi ...

Thời đại ngày nay cũng đã khác xưa rồi
Nước mắt rơi đi, biết đâu là khóc thật
Nước mắt chúng tôi
Đôi khi rơi vì số phận, vì những hy sinh xưa cũ đã qua rồi

Nước mắt chúng tôi
Đôi lúc cũng rơi
Chỉ vì một trang sách hay, một thước phim hay, hoặc vì hạnh phúc

Đừng lấy chiến tranh để đo lòng nước mắt
Khi tôi cũng từng khóc vì một kiếp lầm than, nhưng cũng từng rơi vì các sao Hàn...
Đã là yêu thương, có gì là ko thể?

Nước mắt ngày càng qúy
Chỉ là vì con người sống giả với nhau
Chẳng có nghĩa khi vui, ko ai khóc lấy 1 lần, nước mắt chưa rơi đã sống đời giả dối?

Chẳng ai nói chúng tôi sẽ ko khóc vì đất nước
Ko rưng rưng cho nỗi nhục bị cưỡi cổ đè đầu
Làm nô lệ!

Tôi cũng chỉ nói 1 lần này thôi nhé!
Không phải cứ Fan Hàn là nỗi nhục của Việt Nam
Không phải cứ đam mê, là bị nói cuồng Hàn
Là làm nhục quê hương, đất nước

Chúng tôi biết ơn những người đi trước
Nhưng những người 20 tuổi bây giờ - còn cha mẹ nuôi, ham chơi điện tử, còn chém gió diễn đàn, share film sex
... đừng có nghĩ mình đang đi trước chúng tôi!
Làm nhục quê hương, tôi thấy cũng nhiều rồi
Đâu fải mới có từ khi Fan Hàn có?

Ở ngoài kia còn có nhiều gian khó, các bạn đã làm gì mà lên án chúng tôi?
Gặp cảnh lầm than, các bạn đã khóc rồi?
Hay chưa khóc?

- A Dở Người -
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20121129/thu-fan-kpop-gui-nha-tho-do-trung-quan
======================================================================
Ly Thuy Nguyen - nước mắt mà là thứ còn lại duy nhất - thì đất nước chúng ta chẳng còn gì


Ly Thuy Nguyen
Bây giờ chúng tôi mới vừa qua hai mươi tuổi
Chẳng phải dân Sài Gòn cũng chẳng phải dân Hà Nội, quan trọng gì thành phố
Đâu chẳng là đất nước mình
Là đất nước mình nhưng biết gì về văn hoá nước mình
Mỗi một lần bật tivi lên là HBO CNN ESPN
Là MTV là hàng trăm những kênh mà nhà đài kí hợp đồng với các “Cường quốc năm châu khác”
Mà tôi vẫn hay gọi đùa là quân cựu thực dân
Hôm nay xem cái ảnh rồi đọc bài thơ muốn hỏi chú Trung Quân
Chú có biết về tiến trình toàn cầu hoá
Xâm lấn của thực dân ngày nay chẳng còn lộ liễu như tên bay đạn nổ
(Đấy là tôi giả vờ không nói đến những cuộc chiến ở Trung Đông
Không muốn vội giải thích về sự nhúng tay của Mỹ tại cuộc chiến ở Israel với Palestine
Trong 4 ngày ở dải Gaza hơn 200 người chết
Hơn 50% là trẻ nhỏ
Tôi sẽ giả vờ không nói về điều này vậy
nó đòi hỏi cả luận văn của tôi)
Chú Quân này chú có biết không
những đứa trẻ chú cười chê là một phần của thế hệ tiếp theo tôi đấy
Là thế hệ sinh sau thời hậu chiến
Nói ngôn ngữ khác rồi, văn hoá cũng khác ngày xưa
Và họ - cũng như tôi – là nạn nhân của cái nền văn hoá tạp nham
Ngẩng đầu nhìn quanh báo đài lăng xê những tuổi tên của những đất nước nào xa lạ
Trước khi chú hỏi tại sao trẻ con khóc vì bọn nào lạ hoắc
Sao chú không hỏi nền giáo dục nào khiến trẻ con phát điên
Sao chú không hỏi xã hội thế nào người lớn đâm sau lưng nhau anh chị em giành nhau cái nhà cho bố mẹ ra ngoài đường ngủ
Sao chú không hỏi truyền thông thế nào toàn du nhập những văn hoá ngoại lai báo chí thì một điều Ngọc Trinh gái ngoan Mai Phương Thuý lộ hàng Hoàng Thuỳ Linh băng sếch
(Đấy là tôi ví dụ một vài - chẳng đổ lỗi cho những cô con gái; mà những kẻ nhân danh nhà báo viết những câu đến ngữ pháp còn sai; tin bài giật tít)
Sao chú không hỏi thế hệ nào đã nuôi dạy bọn trẻ con như thế
Những bài học về tình người ở đâu trong trường học
Khi thầy cô giáo nghèo vật chất đói tâm hồn?
Chú Quân này, tôi bảo, đổ lỗi cho trẻ con thì dễ thôi
Vì chú chẳng đứng trong gót giày của chúng tôi,
Trong mắt bọn trẻ con, thế giới còn cái gì mà mừng vui khám phá?
Cái cơ sở tồi tàn đổ nát, những tham nhũng, những bất công
Mười sáu năm học ra trường chạy chọt đủ đường mà không ai cho đi dạy học
Hơn tám mươi cô giáo ở Yên Bái bị đuổi ra biên chế vì lỗi của một vài ông to
Người dân mất đất lên Hà Nội kêu oan bị công an phường đến đuổi
Đâu đó ở Tiên Lãng Hải Phòng có một trận đánh đẹp,
Giữa quân-và-dân
Thì đồng ý không phải đứa trẻ nào cũng biết những điều tôi vừa chỉ ra
Nhưng tôi biết – và tôi đã từng là một trong bọn chúng
Chú Quân này, ai cũng có những nỗi buồn thế hệ
Thế hệ chúng tôi là cái thế hệ chẳng-còn-gì
Cái nhục của quốc gia này, nếu mà đổ lỗi
Cũng đừng đến lượt lũ trẻ con.
Mà cũng đừng chuyện bé xé ra to
Cái làm tôi xấu hổ chẳng phải mấy thằng bé khóc ở sân bay
Mà là cái nền văn hoá bị lụi tàn mà người lớn hay các nhà chức trách cũng đâu buồn giữ
Mà là cụ Đức Hiền bao nhiêu tuổi rồi vẫn phải cặm cụi ngược xuôi đi bảo vệ người dân mất đất
Mà là những người chỉ thích trách cứ trẻ con.
Tôi chẳng viết bài thơ này để trách chú đâu
Cũng chẳng phân bua vì những cái mà thế hệ trước chúng tôi nhìn chúng tôi mà trách cứ
Nhưng tôi viết điều này để cho chú hiểu
Dạy trẻ con chẳng dễ lắm đâu
Và nếu chỉ đem cái tuổi đời ra để mà nói với nhau
Thì thông điệp của chú dù đúng dù sai, bọn trẻ con sẽ chẳng bao giờ hiểu.

NTL 29/11/2012.
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20121129/ly-thuy-nguyen-nuoc-mat-ma-la-thu-con-lai-duy-nhat-thi-dat-nuoc-chung-ta-chang-con
======================================================================
Papa xin con đừng phát rồ vì các 'ồ-pa'
      
Đi xem K- Pop rồi, vui rồi, và từ ngày mai, hãy ngồi vào bàn học, một cách nghiêm túc và tập trung.

Con trai yêu quý!

Ngày hôm nay, bố - tức papa của con, quyết định phải viết thư cho con, để nói về việc con, và những thần tượng ồ-pa của con. Papa phải nói ngay với con rằng, papa chẳng phản đối chuyện con thần tượng các ồ-pa, tức các ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc của con. Papa cũng từng qua cái tuổi của con, tức là trước khi làm một ông bố, thì bố, cũng đã làm một thằng con, và bố rất hiểu, con nghĩ gì, muốn gì, ở cái tuổi của con.

Có một thần tượng là tốt, có một điều tốt đẹp để mà hướng tới là tốt, bố chỉ sợ nhất là, con sống mà không yêu, không ghét, không dám sống, dám yêu và dám ghét một cái gì, không dám cuồng nhiệt hết mình vì cái gì. Bố cũng đã xem cái clip Gangnam Style rồi, ở cơ quan bố, các cô các chú để xả xì-trét cũng đã từng nhảy Gangnam Style, rất vui, và cả bố cũng nhảy đấy. Nói như thế để con hiểu, bố cũng “chơi” lắm, bố chẳng phải người bảo thủ và lạc hậu, con nhé.

Khi con xin tiền bố để đi xem K- Pop, con chỉ dám xin tiền mua mức vé rẻ nhất, và chính vì thế, bố thấy ở con một chàng trai bắt đầu biết nghĩ, và bố cho hẳn con tiền nhiều hơn để mua một tấm vé tốt hơn. Các bạn con đi xem, và con cũng cần có anh em bạn bè, cũng giống như bố. Bố rất lo lắng, rằng những cái đêm nhạc kiểu này, chen chúc, đông kinh khủng, có nhiều người đã ngất, nhưng bố cũng đã đồng ý để con đi cùng các bạn, mà không cần bố đưa đón.

Khi con nói rằng hôm nay con sẽ đèo bạn My, trên con chiến mã chạy bằng cơm của con, con háo hức thế nào, ko chỉ vì mấy ồ-pa của con sang Việt Nam biểu diễn, mà còn vì, hôm nay con sẽ đóng vai trò “xe ôm” kiêm vệ sĩ cho cái cô bé xinh xinh học giỏi mà con vẫn “thầm yêu mến”, khi con xỏ đôi giày Con-vớt mới, khoác cái áo khoác bóng rổ mới mua, bố đã rất là vui. Con trai bố, đã ngày càng trưởng thành hơn rồi.

Papa xin con đừng phát rồ vì các ồpa
Đừng 'điên cuồng' vì các thần tượng như thế này con nhé.

Nhưng con ạ, cùng với những thông tin về các ban nhạc, các ồ-pa của con sang Việt Nam, các cô gái SNSD hay Gơn Gê-nơ-rây-sần xinh đẹp (chả biết bố viết tên thế này đúng chưa) đổ bộ xuống sân bay, là bên cạnh đó, cả loạt những thông tin, mà bố đọc được, bố thấy rùng mình, thấy sợ, con trai ạ. Chẳng biết do tình cờ, trùng hợp ngẫu nhiên hay thế nào, cùng cái ngày mà rất nhiều đứa trẻ phát cuồng lên vì K-Pop, ồn ào kéo ra sân bay, thức cả đêm đứng cả ngày để chờ đợi thần tượng (bố biết, các bạn ấy bằng tuổi con, hôm nay con phải đi học, và các bạn ấy cũng phải đi học, và vì thế, có lẽ đã bỏ cả học), thì có hàng loạt những thông tin liên quan đến giới trẻ.

Nào là có một cặp đôi mới tuổi 9x, vì bị cấm cản yêu đương, đã cùng nhau tự tự tại một nhà nghỉ. Nào là có một cậu trẻ SV Đại học sân khấu điện ảnh đã quỳ xuống dưới trời mưa cả tiếng đồng hồ, để xin lỗi người yêu, dù chỉ giận hờn cỏn con, trong một mối quan hệ cũng cỏn con vớ vẩn. Rồi là những hình ảnh một vài cậu trai trẻ, không còn bé nữa, với gương mặt và những hành động như phát cuồng phát dại khi vừa thấy thần tượng Ta-ra nào đấy của họ.

Không, con trai ạ, đó không thể là những hình ảnh đại diện cho thế hệ trẻ, không thể là những hình ảnh tiêu biểu cho những thành niên biết nghĩ, biết yêu, và biết hành động. Đàn ông, chỉ quỳ gối cho những cái đáng để phải quỳ gối thôi con ạ. Hành động quỳ gối, nó là một hành động nói gì thì nói, cũng rất hèn, chàng trai trẻ ạ.

Dù rằng mẹ con ngày xưa yêu bố, nhiều khi cũng cứ nói “Anh có sẵn sàng quỳ gối vì em không”. Biết rằng yêu là phải lãng mạn, là có lúc phải điên rồ đôi chút, tuổi trẻ thì nông nổi, bốc đồng, nhưng con ạ, phụ nữ yêu sự lãng mạn, nhưng sẽ không bao giờ bị ấn tượng, và yêu được những thằng đàn ông hèn.

Papa xin con đừng phát rồ vì các ồpa
Con ạ, papa xin con, còn đừng phát rồ vì những ồ-pa nữa, nhé.

Ông nội con, ngày xưa đi học, thầy giáo ở làng nghiêm khắc lắm, nếu không chăm học, học kém, còn bị phạt đánh bằng thước kẻ, phạt quỳ gối ở ngay sân gạch trường làng. Ở thời bây giờ, thầy giáo phạt học sinh quỳ gối thì không được, nhưng ở thời đó, tất cả những học sinh như ông nội con đều được giáo dục theo một cách rất nghiêm khắc đó, để nên người.

Ông nội của con, đã xếp bút nghiên lại, vào bộ đội, lên đường đánh giặc cứu nước. Tại sao con không thích lắng nghe những câu chuyện của một người cựu chiến binh là ông nội kể, mà chỉ suốt ngày cắm đầu vào games, vào nhạc Hàn Quốc như thế, rất đáng buồn. Và những thông tin trên, bố tự hỏi, phải chăng nhiều người trẻ 9x ở thế hệ bây giờ, đã chưa được giáo dục đến nơi đến chố
n và nhận thức được đầy đủ, chính từ cái việc cứ cắm đầu vào những thứ giải trí đôi khi rất vô bổ, đâm ra sống rất “sến”, rất thiếu nhận thức và dẫn đến những hành động rất dại dột, từ quì gối, đến cả tự tử vì tình như thế.

Nếu như ở người ở những hình ảnh những cậu trẻ như hóa rồ kia, hình ảnh cậu trẻ quỳ gối kia, hình ảnh những đứa trẻ ngồi vật vạ trong đêm và đứng hàng giờ dưới mưa bên hè đường kia, mà là con, con trai của bố, thì chắc chắn bố sẽ rất đau lòng. Đứa con mà mình sinh ra, bao công chăm bẵm day dỗ, học hành không học, bỏ học đi ra đường để mà hóa rồ như thế, quỳ gối dưới mưa như thế, hỏi có ông bố nào mà không…phát cuồng vì con, hả con?

Rồi cả những đứa con mất dạy dọa cả bố mẹ sinh ra chúng rằng nếu không cho tiền đi xem ồ-pa thì sẽ tự tử nữa, nhưng đứa trẻ cúi xuống hôn cả ghế thần tượng vừa ngồi, những bé gái 9x thậm chí còn tuyên bố sẵn sàng qua đêm với ai cho nó tấm vé xem Su-pơ Ju-ni-ô nữa, quả là các ông bố bà mẹ cũng đến bó tay và nản toàn tập.

Đàn ông chỉ quỳ gối trước cái gì đáng để quỳ gối thôi con ạ. Và một người trẻ, thì cũng cần biết yêu, biết thần tượng, nhưng phải đúng mực. Bố không muốn nói những thứ giáo điều, đao to búa lớn. Nhưng khi kinh tế khó khăn, mọi mặt đời sống xã hội đều yếu kém, bố đi ra nước ngoài, nhìn người ta, rồi bố thấy Đất nước mình, đời sống nhân dân mình còn kém nhiều lắm con ạ.

Bố đã nói với những người bạn bè cùng thế hệ của bố rằng, một trong những cái mà những người ở thế hệ bố cần làm, là các ông bố bà mẹ cùng nỗ lực cố gắng để nuôi dạy con mình cho tốt, mỗi người cùng chung tay cố gắng, để thế hệ sau đủ tri thức, đủ bản lĩnh sống, và như thế thì góp phần cho một dân tộc lớn mạnh hơn. Nhưng nhìn vào thế hệ trẻ bây giờ, nhiều khi thấy các con đã chưa biết yêu, chưa biết sống thế nào cho đúng, cho đủ, cho vẹn tròn hơn. Lý tưởng sống chẳng thấy đâu, chỉ thấy cả một đám đông giới trẻ cứ phát cuồng vì K- Pop, rồi thì là chạy theo những thứ rất phù phiếm, thiếu chiều sâu.

Bố muốn con của bố trở thành một người trẻ bản lĩnh, biết đau, biết phẫn nộ khi đọc được tin Trường Sa bị đe dọa, xâm lấn, thay vì phát rồ lên khi đọc được cái tin Đông Bang Sin Ki gì đó sắp đặt chân đến sân bay Nội Bài, con hiểu không? Đi xem K- Pop rồi, vui rồi, và từ ngày mai, hãy ngồi vào bàn học, một cách nghiêm túc và tập trung.

Bố không cần, và không muốn con thuộc được hết từ tên tuổi, đến sở thích, biết đến từng cái nhỏ nhặt vớ vẩn của một nhóm nhạc có đến cả chục thằng đàn ông, mà nhìn vào, bố chả biết cái “thằng” đấy là trai hay gái, mà cái bố cần, bố muốn, là con biết, con nhớ được lịch sử của dân tộc Việt, thuộc được tiểu sử của những anh hùng, danh nhân văn hóa Việt. Con ạ, papa xin con, còn đừng phát rồ vì những ồ-pa nữa, nhé.

(Thư của người cha có con trai phát cuồng vì K-pop)
nguồn:http://tiin.vn/chuyen-muc/song/papa-xin-con-dung-phat-ro-vi-cac-o-pa.html
======================================================================
Thư đứa con 'cuồng' Kpop gửi bố mẹ


02/12/2012 09:54
       Tiin.vn - Phải chăng khoảng cách thế hệ đã khiến cho người lớn và chúng con không thể kết nối trong vấn đề này.
Bố mẹ và các cô chú kính mến,
Sau khi đọc được bức thư "Papa xin con đừng phát rồ vì các 'ồ-pa'", con cũng muốn chia sẻ đôi chút cảm xúc của mình. Con hiểu rằng sự quan tâm của những người làm cha mẹ đều là những điều tốt nhất cho chúng con, nhưng đôi khi suy nghĩ khác nhau về một vấn đề lại là rào cản cho sự thấu hiểu giữa con và bố mẹ.
Con vẫn nhớ trước đây khi con còn bé xíu, các anh chị 8x cũng một thời cuồng nhiệt với nhạc US – UK, còn với ca sỹ Việt Nam là Đan Trường, Mỹ Tâm... Trong nhà có đầu băng các anh chị đều bật to và hát theo cả ngày. Con nhớ rằng khi có chương trình ca nhạc của những ca sĩ nổi tiếng Việt Nam, các anh chị ấy đều xin bố mẹ để đi coi, rồi các chị còn ào lên sân khấu để hôn má và tặng hoa thần tượng.
Thư đứa con cuồng Kpop gửi bố mẹ
Yêu thần tượng nhưng chúng con vẫn không quên giới thiệu bản sắc dân tộc đến bạn bè thế giới
Con chắc chắn rằng lúc đó các anh chị đều cảm thấy vui vẻ, được thoả mãn với những cảm xúc của mình. Khi trở về các chị còn hét lên trong phòng và kể với nhau rằng “tớ cầm được tay anh ấy rồi”, “tớ còn thơm được má nữa cơ”… để rồi cứ cười với nhau mãi không chịu ngủ. Lúc đó con đã tự hỏi rằng các chị bị sao vậy? Có cần hâm hâm đến mức ấy không?
Và khi con lớn lên một chút, khi mà thế hệ 9x của con được tiếp xúc với nhiều điều mới lạ, hay ho và hào nhoáng thì những suy nghĩ cũng dần thay đổi. Âm nhạc Hàn Quốc hay còn gọi là Kpop cũng đi theo những bộ phim tình cảm tiến sâu hơn vào cuộc sống của người Việt Nam, đặc biệt là những bạn trẻ như chúng con. DBSK, Bi Rain, Super Junior, Big Bang... là những nhóm nhạc mà thế hệ chúng con biết đến đầu tiên. Con thừa nhận rằng cái sở thích bắt nguồn từ vẻ đẹp trai, sự dễ thương của họ nhưng không phải là chúng con chỉ biết xem mà không biết thưởng thức. Âm nhạc của họ là sự kết hợp hài hoà giữa cả phần nghe và phần nhìn, giai điệu tươi trẻ và vũ đạo cuốn hút. Còn mọi người vẫn thường hỏi con “xem chúng nó xì xồ thế có hiểu gì không?’’ thì cũng giống như nhiều bạn trẻ thích nhạc quốc tế không biết tiếng Anh cũng cần đến lời dịch, ghi nhớ và phần nào cảm nhận được bài hát.
Từ khi Kpop trở thành một trào lưu trong bộ phận giới trẻ, thì phong cách thời trang cũng là điều ảnh hưởng không ít tới chúng con. Bố mẹ có thấy chúng con đáng yêu hơn với những chiếc áo hoạ tiết dễ thương, chiếc áo bóng chày phong cách...? Dù khác biệt nhưng chắc chắn bố mẹ sẽ yên tâm hơn việc con diện áo hai dây, áo hở rốn ra đường phải không ạ?
Việc hâm mộ ca sĩ Kpop của chúng con từ lâu đã bị gắn liền với hai chữ “fan cuồng”, nếu hiểu theo cách tích cực thì là cuồng nhiệt còn ngược lại thì sẽ là điên cuồng. Và vấn đề này trở nên khó khăn bởi chúng con rất nhạy cảm và người lớn cũng quá nhạy cảm. Khi ai đó động chạm đến thần tượng Kpop thì ngay lập tức fan sẽ xù lông phòng vệ bởi chắc chắn ở khắp nơi người lớn sẽ lại chỉ trích vô điều kiện.
Thư đứa con cuồng Kpop gửi bố mẹ
Các FC vẫn có những hoạt động xã hội ý nghĩa đấy chứ ạ!
Trước đây các anh chị hâm mộ nhạc Việt hay được gặp và xem họ biểu diễn nên cảm xúc sẽ khác với chúng con khi mà các sao Hàn chỉ tới nước ta có đôi lần hay thậm chí là một lần duy nhất. Những bạn trẻ sẵn sàng chờ cả ngày để được mua vé đi xem, bạn hôn ghế của anh Bi Rain chỉ là thiểu số, không bao giờ đại diện được cho giới trẻ và nó đang bị thổi phồng quá lớn. Chúng con ra sân bay chỉ là muốn thể hiện sự ủng hộ, muốn tặng quà cho họ và khi chúng con khóc đó là lúc cảm xúc được thoả mãn, được giải toả. Được sống thật với cảm xúc còn hơn là ngồi một chỗ với máy tính và vô cảm với xã hội phải không ạ?
Yêu nhạc Hàn cũng đồng nghĩa với việc chúng con được làm quen với một nền văn hoá mới, ngôn ngữ mới. Chúng con không đánh mất đi bản sắc dân tộc bởi khi họ đến Việt Nam thì nón lá và Phở vẫn được chúng con sử dụng làm quà. Những hình ảnh của họ bên nón lá và sự ngợi khen về Phở đã phần nào quảng bá hình ảnh nước ta đến fan của các nước khác. Con còn biết thêm về một cộng đồng fan Kpop ở Việt Nam, các bạn trẻ nhiệt huyết và năng động. Con được hát, được nhảy theo thần tượng và quan trọng hơn là tham gia các hoạt động xã hội bổ ích như làm sạch bờ Hồ, chuẩn bị các suất cơm cho người nghèo, từ thiện tại chùa… Những việc đó cũng cần được khuyến khích đúng không bố mẹ?
Bố mẹ hãy yên tâm nhé! Chúng con yêu Kpop hay cuồng đi chăng nữa thì vẫn hiểu mình cần gì và muốn gì. Con mong rằng những thiểu số đó sẽ không làm ảnh hưởng đến hình ảnh của chúng con trong mắt mọi người. Con sẽ vẫn yêu Kpop và sống hết mình với những điều mà thế hệ trẻ chúng con sẽ làm vì bản thân, gia đình và đất nước, còn “mọi sự so sánh đều là khập khiễng”.
P/s: Xem xong các oppa con vẫn sẽ chăm chỉ ngồi học và dù có yêu họ bao nhiêu thì gia đình vẫn là số một, bố mẹ nhé!
nguồn:http://tiin.vn/chuyen-muc/song/thu-dua-con-cuong-kpop-gui-bo-me.html
======================================================================
Bút chiến về 'nước mắt K-pop'

Cập nhật lúc :7:36 AM, 01/12/2012
(ĐVO) Xót xa trước hình ảnh hàng loạt bạn trẻ nằm la liệt ở sân bay đợi thần tượng sao ca nhạc Hàn Quốc (K-pop), nhà thơ Đỗ Trung Quân đã làm một bài thơ để nhắn nhủ tới thế hệ trẻ. Tuy nhiên, bài thơ này đang châm ngòi cho một cuộc “bút chiến”.


Xướng: 'Đừng làm xấu hổ thêm xứ sở mình'
Trong bài thơ "Hãy tiết kiệm thứ còn lại duy nhất", Đỗ Trung Quân nhắc lại thế hệ trẻ một thời sẵn sàng quên mình khi tổ quốc lâm nguy, sẵn sàng quên mình vì nghĩa lớn, rồi sẵn sàng làm những việc vô cùng gian khổ như đạp xích lô, chạy xe ôm, khuôn vác sau khi trở về khi chẳng còn lành lặn từ chiến trường mà không hối tiếc. Nhưng “Nói thật/Bọn tôi đàn ông cũng có khi rơi nước mắt/Khi nhìn xác đồng bào, ôm trong tay đồng đội”.

Tuy nhiên, “Chúng tôi không bao giờ rơi lệ/Những chuyện tào lao/Chúng tôi không mất thì giờ nửa đêm run rẩy,gào thét trước cổng sân bay để đón đứa lạ hươ lạ hoắc/đến bố mẹ ở nhà cũng chả biết đi đâu”.

Nhà thơ cũng gửi một lời nhắn nhủ vô cùng xót xa khi thấy nước mắt của các bạn trẻ rơi quá dễ dàng và không đúng chỗ: “Nước mắt ngày càng quý hiếm lắm các em ạ/Hãy cố mà để dành/Mà nhỏ xuống cho điêu linh đất nước/Mà rưng rưng cho nỗi nhục bị cỡi cổ đè đầu/Làm nô lệ/Tôi bảo các em lần này thôi nhé/Đừng làm xấu hổ thêm xứ sở mình/Nhục/Biển Đông/Quá/Đủ/Rồi”.



Họa 1: 'Cứ sống là chính mình'
Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình, bài thơ vấp phải sự phản đối của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là sự phản kháng bằng bài thơ của một cô gái trẻ với lý lẽ để nói lên tiếng nói của thế hệ mình.

Bài thơ của Đỗ Trung Quân trên facebook
Bài thơ của cô gái được đăng tải trên mạng nhấn mạnh tới sự khác biệt thế hệ, tới hoàn cảnh mà giới trẻ ngày nay đang sống: 
"Thời đại mới, chúng tôi cũng đang sống trong cái thời 20 tuổi/Ba mẹ nuôi/Lo cho ăn học bằng người/ Cũng biết học, biết chơi, biết chuyện nước ta, nước bạn/Tuổi trẻ thời bình, thích truyện ngắn, phim tình cảm/Nghe nhạc Hàn, thích các ngôi sao/Được phong danh hiệu "Fan cuồng Kpop/ Thôi thì cứ sống là chính mình, đứa thích SuJu, đứa mê UKiss, đứa yêu Dong Bang, đứa cả ngày xem Beast, coi như sở thích cho những lúc nhàn rỗi của thời bình."...
Tuy nhiên, theo quan điểm của cô gái đại diện cho một bộ phận thế hệ trẻ ngày nay thì tình yêu mãnh liệt mà họ dành cho các ngôi sao Hàn Quốc không ảnh hưởng gì tới tình yêu đối với đất nước, gia đình và tự hào dân tộc: "Chẳng có chiến tranh, chúng tôi vẫn yêu sử nước mình/Chống pháp thực dân, đánh tan đế quốc/.../Trách nhiệm học hành đôi lúc cũng nặng vai/Internet tràn sang, sự học vẫn miệt mài/Học là chơi, chơi là học"...
Bài thơ cũng khẳng định thế hệ trẻ không chỉ biết rơi nước mắt vì thần tượng của mình. "Nước mắt chúng tôi/Đôi khi rơi vì số phận, vì những hy sinh xưa cũ đã qua rồi/Nước mắt chúng tôi/Đôi lúc cũng rơi/Chỉ vì một trang sách hay, một thước phim hay, hoặc vì hạnh phúc/Đừng lấy chiến tranh để đo lòng nước mắt/Khi tôi cũng từng khóc vì một kiếp lầm than, nhưng cũng từng rơi vì các sao Hàn...".
Một bạn nữ ngất xỉu trong đêm biểu diễn của sao Kpop. (Nguồn: LĐTĐ)

Họa 2: 'Như những con zombie'
Bức xúc trước bài thơ “phản pháo” nói trên, một người có nickname là Bapcai8x đối lại bằng bài thơ với lời lẽ lên án gay gắt, rằng những fan cuồng K-pop không chỉ quên lịch sử, mà còn “hỗn” khi được người già dạy bảo.

“Chúng ngụy biện rằng tao vẫn giỏi, tao vẫn thông/Sử sách nước nhà/Chúng thông đến đâu?/Về 300.000 lính Pak Chung Hy/Với súng, với đạn, với dao/Tàn sát đồng bào chúng nó/Chém chết mẹ ngay trước mắt con thơ/Ờ thì 36 năm đã qua/Gác lại quá khứ bắt tay làm bạn…”

Bài thơ cũng lên án mạnh mẽ những người trẻ gần như phát điên vì thần tượng một cách mù quáng: “Những đứa chúng coi như thánh thần/Đứng trên tầng cao/Vạch rèm cười khinh bỉ/Rồi đóng lại/Mặc chúng ngoài kia/Bò lết/Dưới mưa/Đuổi theo ô tô/Như những con zombie không não/Hay nằm la liệt/Trong đêm/Tại sân bay/Dưới con mắt hàng nghìn bạn bè quốc tế/Quốc thể/Còn đâu/Khi đập vào mắt họ/Là lớp trẻ Việt Nam bạc nhược…”

“…Bố mẹ chúng nuôi ăn học hai mươi năm/Nhưng nào cần quan tâm/Lăn lóc bon chen/Giành giật/Xâu xé/Bán thân/Ngất lịm/Bị khênh đi như lợn/Chỉ để nhìn/Những khuôn mặt/Vô hồn/Chứa đầy Silicon/Chưa dành tới một giây để quan tâm đến chúng…”

Ngoài ra, một bạn có nickname Lifelover nhắn nhủ với lời lẽ nhẹ nhàng hơn: “Chẳng hiểu đây có phải là một cuộc chiến?/Khi hai bên đều có lẽ đúng lẽ sai/Fan kpop ơi chưa ai nói bạn là nỗi nhục đất nước/Chỉ số ít những kẻ cuồng xoã đã làm hỏng hình ảnh mà thôi/Trong tâm tôi luôn có một suy nghĩ/Đã là fan ai cũng sẽ như nhau/Thích mê man một điều gì đó/Nhưng xin đừng đánh mất chính bản thân!”

Trúc Quỳnh
nguồn:http://baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/But-chien-ve-nuoc-mat-Kpop/201212/245764.datviet
======================================================================
N. Đ. Hải Di - Nhục biển Đông quá đủ [*]

N. Đ. Hải Di
Con người bị ảnh hưởng bởi xã hội nhưng không thể vì thế mà đổ hết cho xã hội. Xã hội có thể thối nát, đạo đức xuống dốc, luật pháp không công bằng, nhưng nếu bạn có 1 hệ thống nguyên tắc và đạo đức và sống dựa theo đó, bạn vẫn có thể sống tốt. Có thể hệ thống giáo dục và truyền thông không dạy gì về lòng yêu nước, lịch sử Việt Nam, văn hóa Việt Nam... nhưng tất cả những điều đó, nếu muốn, bạn có thể tìm thấy trong sách, trên internet...

Trả lời bạn Ly Thuy Nguyen

Có lẽ nhà thơ Đỗ Trung Quân sẽ không trả lời bài viết "nước mắt mà là thứ còn lại duy nhất - thì đất nước chúng ta chẳng còn gì" của bạn Ly Thuy Nguyen, nhưng tôi sẽ trả lời, với tư cách 1 người 'đứng trong gót giày' của các bạn- 19 tuổi, sinh ra và có gần 16 năm lớn lên ở Việt Nam.
Trong bài "Hãy tiết kiệm thứ còn lại duy nhất" của nhà thơ Đỗ Trung Quân có đoạn:
"...Nói thật
Bọn tôi đàn ông cũng có khi rơi nước mắt
Khi nhìn xác đồng bào, ôm trong tay đồng đội.
Sắt đá vẫn nghẹn ngào.
Nhưng các em ạ
Chúng tôi không bao giờ rơi lệ
Những chuyện tào lao
Chúng tôi không mất thì giờ nửa đêm run rẩy,gào thét trước cổng sân bay để đón đứa lạ huơ lạ hoắc
đến bố mẹ ở nhà cũng chả biết đi đâu

tôi nghĩ đơn giản thế này
Bố tôi chết tôi mới khóc
Mẹ tôi chết tôi mới khóc
Bạn tôi chết tôi mới khóc
Đồng bào tôi mất tích ngoài biển đông tôi mới khóc
Nước mắt ngày càng quý hiếm lắm các em ạ
Hãy cố mà để dành
Mà nhỏ xuống cho điêu linh đất nước
Mà rưng rưng cho nỗi nhục bị cỡi cổ đè đầu
Làm nô lệ...
"

Khi nhìn các fan nam ở Việt Nam ôm nhau khóc khi đón T-ara, tôi chỉ muốn hỏi họ: Các bạn có khóc không, khi đồng bào bị bắt ngoài biển Đông? Các bạn có khóc không, khi ta mất thác Bản Giốc, ải Nam Quan, Hoàng Sa, Trường Sa...? Các bạn có khóc không, khi phía Trung Quốc gây hấn nhưng phía Việt Nam vẫn thụ động? Các bạn có khóc không, khi người yêu nước tham gia biểu tình chống Trung Quốc lại bị công an Việt Nam bắt, đạp vào mặt? Các bạn có khóc không, khi người nông dân mất đất? Các bạn có khóc không, khi hàng năm lũ lụt bao nhiêu người chết nhà nước không có chính sách gì? Các bạn có khóc không, khi hàng chục phụ nữ Việt xếp hàng cho vài gã đàn ông Hàn Quốc chọn làm vợ? Các bạn có khóc không, khi vẫn còn rất nhiều người Việt Nam khổ cực, chiến tranh đã qua 37 năm nhưng người Việt Nam vẫn tìm mọi cách để rời nước- làm giấy tờ kết hôn giả, bán nhà đi lao động xuất khẩu, kết hôn với mấy người đàn ông Đài Loan hoặc Hàn Quốc không quen biết, du học và tìm cách ở lại nước khác...? Các bạn có khóc không, khi chiến tranh đã qua 37 năm nhưng với thế giới Việt Nam không phải là 1 quốc gia mà chỉ là tên 1 cuộc chiến? Các bạn có khóc không, khi Việt Nam luôn nằm gần chót trong các bảng xếp hạng về tự do báo chí, tự do internet, dân chủ, điều kiện, chất lượng sống, hệ thống giáo dục...? Các bạn có khóc không, khi nghĩ đến các thế hệ tương lai sẽ phải trả nợ và gánh chịu hậu quả của sự tham lam vô trách nhiệm của các ông lãnh đạo hiện nay, của bauxite, điện hạt nhân và nhiều thứ khác?
Có lẽ không. [**]
Cùng 1 cảnh khóc lóc vì thần tượng diễn ra ở nơi khác, chẳng hạn như Pháp, Anh, New Zealand, Nhật, Thụy Điển... có lẽ không ai cần phải lên án quá nặng nề. Ừ thì cũng lố bịch, cũng dở hơi, nhưng trong những xã hội đó nhìn chung không có nhiều vấn đề nặng nề và nghiêm trọng, còn ở Việt Nam thì khác, có khối chuyện để quan tâm, có khối chuyện đáng để khóc.
Bạn Ly Thuy Nguyen thân mến ạ, bài viết của bạn làm tôi nhớ tới phản ứng của rất nhiều người Việt với bài "Reasons to hate Vietnam" của 1 người Mỹ đã đến Việt Nam (và không muốn trở lại). Khi đọc bài viết đó tôi thấy nhiều cái đúng, và cảm thấy xấu hổ, thực sự xấu hổ. Lòng tự trọng của người Việt ở đâu khi hét giá cao với người nước ngoài? Khi lừa du khách? Khi vứt rác, bóp còi ầm ĩ, cư xử ồn ào ngoài đường? Rồi đến khi du khách ngoại quốc nói thì tự ái và phản ứng gay gắt, không biết mình càng phản ứng mạnh ấn tượng về Việt Nam càng xấu hơn. Thế trước đó lòng tự hào dân tộc ở đâu? Lòng tự trọng ở đâu?
Tôi nhìn thấy thái độ đó trong chính bài viết của bạn. Bài viết của bạn không hoàn toàn vô lý, có vài điểm đúng, nhưng toàn bài tôi chỉ thấy bạn đang tự ái, đang cảm thấy bị xúc phạm, và muốn đổ lỗi cho xã hội, cho văn hóa, cho giáo dục. Bạn viết:
"Chú Quân này, tôi bảo, đổ lỗi cho trẻ con thì dễ thôi
Vì chú chẳng đứng trong gót giày của chúng tôi
"

Có lẽ bạn cho rằng bây giờ nhà thơ Đỗ Trung Quân nói bất kỳ điều gì, bạn cũng có thể nói "chú chẳng đứng trong gót giày của chúng tôi". Nhưng bạn Ly Thuy Nguyen thân mến ạ, tôi đứng trong gót giày của bạn. Tôi 19 tuổi, sinh ra và lớn lên trong xã hội Việt Nam, tiếp thu nền giáo dục Việt Nam, sống với người Việt Nam... Tôi không thích K-pop, không cuồng thần tượng nào, không gào khóc khi thấy ai đó, tôi cũng biết rất nhiều người khác hoàn toàn không hiểu được và không chấp nhận được việc làm của các bạn nam kia.
Tất nhiên, tôi chỉ là tôi, không ai cả, cũng chẳng đại diện cho cái gì, nhưng tôi không thấy bất kỳ lý do nào để đổ thừa tất cả cho xã hội và giáo dục. Những điều nhà thơ Đỗ Trung Quân viết ra, bạn, cũng như nhiều người khác, không thực sự quan tâm, chỉ phủi tay "Do xã hội" và cứ thế những chuyện thế này sẽ tiếp tục xảy ra.
Xã hội chỉ là 1 phần, giáo dục chỉ là 1 phần, môi trường xung quanh chỉ là 1 phần. Bạn quên mất 2 yếu tố khác. 1 là gia đình - đấy là vấn đề nền tảng, nếu cha mẹ ngay từ đầu đã dạy về lòng tự trọng, tự hào, sự độc lập, dạy không sùng bái cá nhân... thì con cái cũng không phát cuồng như các fan nam của T-ara trên kia. Và 2 là cá nhân. Nếu mọi người xung quanh vứt rác đầy đường, việc bạn cũng vứt rác đầy đường như mọi người khác hay vứt đúng vào thùng rác là lựa chọn của cá nhân bạn. Nếu mọi người xung quanh sống không trung thực, hối lộ, chạy chọt, mua bằng cấp giả, có việc làm từ chỗ quen biết, nịnh bợ cấp trên..., bạn sống như họ hay quyết định sống trung thực, đường thẳng mà đi, là lựa chọn của cá nhân bạn. Nếu mọi người Việt đánh mất lòng tự trọng, làm nhiều điều khiến người nước ngoài có cái nhìn xấu về Việt Nam và khiến bạn xấu hổ, lựa chọn cũng hoàn toàn của bạn- làm như họ hay sống tốt, để khi ai đó có ấn tượng xấu về Việt Nam ít ra họ nghĩ vẫn còn có ngoại lệ.
Con người bị ảnh hưởng bởi xã hội nhưng không thể vì thế mà đổ hết cho xã hội. Xã hội có thể thối nát, đạo đức xuống dốc, luật pháp không công bằng, nhưng nếu bạn có 1 hệ thống nguyên tắc và đạo đức và sống dựa theo đó, bạn vẫn có thể sống tốt. Có thể hệ thống giáo dục và truyền thông không dạy gì về lòng yêu nước, lịch sử Việt Nam, văn hóa Việt Nam... nhưng tất cả những điều đó, nếu muốn, bạn có thể tìm thấy trong sách, trên internet...
Nói như bạn, có lẽ bạn không bao giờ có thể nói ai đó vô cảm, không yêu nước - họ sẽ nói nhà nước có đưa thông tin gì đâu, mọi người cũng đều bảo để nhà nước lo mà, do xã hội cả. Nói như bạn, có lẽ mọi tội ác gây ra đều không phải do cá nhân, mà tất cả cứ đổ cho môi trường sống. Nói như bạn, có lẽ sẽ không bao giờ có thay đổi. Như tôi đã nói, bài viết của bạn có vài điểm có lý - bạn nói đúng về cái văn hóa tạp nham, về hệ thống giáo dục, về truyền thông... nhưng ngay cả như thế, mỗi con người cũng đều có free will, có cách sống, lựa chọn của chính mình.

tumblr_m1z6gdt1r71r402awo1_400.jpg

Đến bao giờ chúng ta ngừng đổ lỗi cho nhau? Đến bao giờ chúng ta thừa nhận cái sai của mình? Đến bao giờ chúng ta bắt đầu thay đổi?
N. Đ. Hải Di
_____________________

[*] Tiêu đề lấy từ bài "Hãy tiết kiệm thứ còn lại duy nhất".
[**] Có thể có người cũng biết lịch sử nước nhà, cũng khóc vì đất nước, như trong bài viết "Thư của Fan Kpop gửi nhà thơ Đỗ Trung Quân" của bạn A Dở Người. Và tất nhiên, không phải thích K-pop nghĩa là không biết gì về lịch sử, không quan tâm đến vận mệnh đất nước..., không phải thích K-pop là vọng ngoại, là làm nhục Tổ quốc mình, nhưng ngưỡng mộ và mê muội thần tượng là 2 chuyện khác nhau. Vì sao người ta vẫn thường gộp chung fan K-pop là fan cuồng, và cứ nói tới fan cuồng là nghĩ đến fan K-pop? Vì có 1 số lượng rất lớn fan K-pop có nhiều phát ngôn và hành động thái quá - ôm nhau khóc lóc, gào thét, bỏ thi đại học vì nghĩ đề thi xúc phạm đến thần tượng, quỳ xuống hôn ghế, làm mình làm mẩy để cha mẹ bỏ tiền mua vé hoặc thậm chí sẵn sàng qua đêm với ai đó để có tiền mua vé xem liveshow của thần tượng... Giá trị của K-pop bàn sau, tất cả những cách hành động đó không chỉ lố bịch, dở hơi, mà thực sự đáng xấu hổ. Chuyện mê muội nói chung và khóc lóc khi đón thần tượng nói riêng, đặt trong bối cảnh Việt Nam như đã nói ở trên, càng trở nên phản cảm. Và trong số các fan K-pop, đặc biệt các fan cuồng, có bao nhiêu người đã thực sự có lần rơi nước mắt vì đồng bào và quê hương?
Admin gửi hôm Thứ Bảy, 01/12/2012          
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20121130/n-d-hai-di-nhuc-bien-dong-qua-du
======================================================================
Lavie - Viết về bài thơ "cảnh tỉnh" của Đỗ Trung Quân


Lavie


Kính gởi bác Đỗ Trung Quân!
Vì tới nay cháu mới đọc được bài thơ "cảnh tỉnh" của bác, và vì không thể addfriend cùng bác được nên cháu xin mạn phép post những dòng chia sẻ này ở đây, hi vọng là bác sẽ đọc được...
Thưa bác! Cháu không biết các em bây giờ có được học bài thơ "Quê Hương" của bác hay không, nhưng từ thế hệ của cháu trở về trước thì có lẽ không có đứa trẻ nào lớn lên mà không biết câu thơ giản dị nhưng đầy ý nghĩa "Quê Hương là chùm khế ngọt" của bác...Thậm chí từ thuở còn nằm nôi, trong những câu hát ru của mẹ đối với cháu cũng không bao giờ thiếu câu hát "Quê Hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nỗi thành người..." Và theo năm tháng, bài thơ bất hủ của bác đã theo chúng cháu lớn lên từng ngày. Có thể nói bác cũng là một trong những thần tượng đầu tiên của cháu! Chắc bác không thể biết rằng lần đầu tiên thấy "nhà thơ Đỗ Trung Quân" mình yêu mến trên tivi, khi bác tham gia làm giám khảo cho một gameshow, cháu đã vui mừng và hạnh phúc đến rơi nước mắt...Thế mà gần 30 năm sống trên đời, cháu chưa bao giờ nghĩ lần đầu tiên được trao đổi với thần tượng của mình lại vì vấn đề này...
Bác ạ! Bác nói rất đúng, nước mắt thật sự rất hiếm hoi, khi con người ngày càng vô tâm với đồng loại hơn. Nhưng không phải ai cũng thế! Chúng cháu may mắn được sinh ra trong thời bình, nên có lẽ chúng cháu không hiểu hết được những cơ cực, lầm than mà thế hệ cha, chú phải trải qua. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng cháu không biết khóc khi thấy đồng bào gặp nạn, không biết xót thương cho những mảnh đời bất hạnh, không biết tức giận khi thấy nước khác lấn chiếm lãnh thổ quê hương...Thế mà giờ đây, chỉ vì thể hiện niềm vui trong một cung bậc cảm xúc cá nhân - niềm yêu mến thần tượng thì chúng cháu lại phải nhận lấy những danh xưng khó nghe như "fan cuồng", "sính ngoại", "không có não" hay thậm chí là "không yêu nước"...Chúng cháu sai vì đã rơi nước mắt vì hạnh phúc ư? Hay sai vì không khóc vì những điều to lớn, vĩ đại, mà lại khóc vì "những chuyện tào lao" thế này??? Tại sao fans bóng đá có thể khóc khi có được chiếc áo của thần tượng, òa khóc khi đội nhà ghi bàn hay vô địch thì được cho là "hình ảnh đẹp thể thao" còn fans Kpop khóc thì bị cho là cuồng??? Tại sao fans của các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới khác có thể gào khóc, thậm chí ngất xíu khi gặp thần tượng mà không bị chỉ trích??? Không tính về đẳng cấp, mà tính theo cảm xúc của con người, thì những giọt nước mắt đó khác với nước mắt của chúng cháu ở điểm nào??? Hay chỉ đơn giản chỉ vì thế hệ trước chưa từng có chuyện như thế xảy ra, nên với định kiến của thế hệ đi trước cho rằng điều đó là không chấp nhận được???
Thưa bác! Ở đâu cũng có người này người khác, cộng đồng fans Kpop cũng thế. Có thể một số bạn đã từng có những hành động không đẹp, cư xử không tốt hay quá khich, nhưng chỉ vì một số người mà qui chụp cho tất cả fans Kpop là rất không công bằng với chúng cháu! Đa số các fans đều ở độ tuổi teen, nên có thể các em không biết cách thể hiện cho đúng chừng mực. Làm người lớn, thay vì khuyên bảo thì mọi người lại chỉ trích bằng những câu nói quá nặng nề, và cả lăng nhục, thóa mạ chúng cháu, trong khi chúng cháu chẳng làm hại gì đến ai, đó là cách xử sự của người lớn sao??? Người có quyền lên tiếng trách mắng không phải chỉ có gia đình chúng cháu thôi sao? (Trên thực tế thì có nhiều bạn vẫn được gia đình ủng hộ việc yêu mến thần tượng thế này nữa đấy ạ!). Hầu hết mọi người không hề biết rằng, gặp mặt thần tượng cũng là một động lực giúp chúng cháu cố gắng ở một số lĩnh vực như học tập thật tốt, tập tính tự lập khi đi làm thêm, tự ý thức về văn hóa cư xử...chứ không phải suốt ngày chúng cháu chỉ biết "chạy theo thần tượng" mà mặc kệ tất cả như một số báo đài viết. Đọc những dòng trên, cháu hi vọng bác sẽ không nghĩ giống những người khác rằng "tụi nghệ sĩ đó thì có gì hay mà phải hâm mộ" hay "có đáng đế làm đến thế không". Cháu xin được đại diện trả lời là RẤT XỨNG ĐÁNG! Một nghệ sĩ nói với fans "nếu không học hành đàng hoàng thì đừng nhận là fan của tôi" thì có đáng để hâm mộ không? Một nghệ sĩ hàng năm đều trích tiền ủng hộ từ thiện, không chỉ ở quốc gia mình mà còn cho cả các nước khác, được một làng ở một nước tôn vinh và đặt tên làng theo tên người nghệ sĩ đó thì có đáng yêu mến không ạ???? Dù có người cho rằng họ chỉ "diễn xuất" thôi thì ít ra đối với chúng cháu điều đó cũng phần nào nói lên nhân cách của người nghệ sĩ, bên cạnh tài năng! Còn nếu cho rằng nghệ sĩ Việt cũng làm được như thế thì cháu cũng không phản bác. Chỉ là đối với showbiz Việt bây giờ thì dùng scandals hay chiêu trò để nổi tiếng nhiều hơn là vì tài năng thật sự và những việc làm có ý nghĩa (tất nhiên cũng trừ một trường hợp gần đây các nghệ sĩ đã chung tay giúp đỡ một nam ca sĩ có điều kiện chữa trị bệnh tật - đây là điểm sáng hiếm hoi trong thời buổi này của giới showbiz Việt). Cháu nghĩ chính bác cũng đã từng trải nghiệm sự khắc nghiệt thế nào của giới showbiz khi làm giám khảo một show truyền hình, vậy nên cháu xin phép được hỏi bác chúng cháu có nên thần tượng những nghệ sĩ như thế không???
Mỗi thế hệ, mỗi con người đều có cách suy nghĩ cũng như khái niệm về hạnh phúc khác nhau: một đứa trẻ được cho kẹo cũng có thể tươi cười rạng rỡ - đó là hạnh phúc; được chia sẻ một bữa cơm lúc đói lòng, một manh áo ấm khi trời đông giá rét ta cũng cảm thấy hạnh phúc...còn đối với fans chúng cháu, được gặp thần tượng cũng là một dạng của hạnh phúc! Khi hạnh phúc, người ta có thể cười, có thể rơi lệ, thì chuyện chúng cháu khóc khi gặp thần tượng cũng đâu có gì lạ hay thái quá đúng không ạ??? Hơn nữa, cháu nghĩ nam hay nữ gì cũng có quyền bộc lộ cảm xúc của bản thân mình, không có qui định nào bắt buộc là nam nhi thì không thể khóc hay chỉ khóc vì những điều vĩ đại, to lớn cả - điều đó mới là "diễn xuất" thật sự đấy ạ!
Thật sự khi viết những dòng này, cháu cũng đang khóc...khóc vì chưa bao giờ cháu nghĩ sẽ có lúc mình lại dám "đối đáp" với bác - thần tượng từ thuở ấu thơ của mình trong tình huống như thế này...Khóc vì cháu đã không biết kiềm chế bản thân để dừng lại, xem như chưa từng đọc bài thơ "cảnh tỉnh" của bác đối với chúng cháu - cộng đồng fans Kpop...Nhưng lời nói ra thì không thể rút lại được, chúng cháu vẫn rất cám ơn vì bác vẫn quan tâm đến thế hệ trẻ ngày nay. Và dù thế nào đi nữa, thì trong tâm trí của cháu vẫn nhớ mãi hình ảnh "nhà thơ Đỗ Trung Quân" mà cháu từng hình dung khi đọc "Quê Hương"!!!
Cuối cùng cháu xin gởi lời chúc sức khỏe đến bác và gia đình ạ!!!
Hồ Gươm gửi hôm Chủ Nhật, 02/12/2012          
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20121202/lavie-thu-gui-bac-do-trung-quan
======================================================================
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?


|

NKTA (trái) và Nhà thơ Đỗ Trung Quân trong Công viên Golden Gate Park, San Francisco
LTG. Tình cờ đọc hai bài thơ hay của Đỗ Trung Quân và Lý Thụy Nguyên về chuyện của hai thế hệ (thiển nghĩ Lý Thụy Nguyên/NTL cũng là người trong nước), tôi, một người hải ngoại xin đáp lại bằng một bài con cóc của mình. Xin ghi lại dưới đây hai bài thơ tâm huyết của hai người, được biết thuộc hai thế hệ tuổi đời chênh nhau đến gần nửa thế kỷ. Cả hai bài trên đã xuất hiện trên Facebook. Xin quý vị đọc từ dưới lên trên.
Bài thơ thứ nhất “Hãy tiết kiệm thứ còn lại duy nhất” của nhà thơ Đỗ Trung Quân viết như một lời nhắn nhủ tuổi trẻ khi ông thấy cảnh các Fan tuổi teen cuồng nhiệt của K-pop đón một nhóm nhạc pop hoành tráng đến Việt Nam ở phi trường hôm 28/11 vừa qua. Bài thứ hai là “Nước mắt mà là thứ còn lại duy nhất – thì chúng ta chẳng còn gì.”
***** 
Vì Ai Gây Dựng Cho Nên Nỗi Này?
Thái Anh

Đọc (2 bài) thơ các anh sao lòng đau quặn thắt
Có phải nước Việt độc lập rồi
Hà cớ gì thằng Mỹ-Việt này phải hoang mang?
Có đúng chúng tôi, người hải ngoại vong bản,
tìm bơ thừa sữa cặn
Các anh làm đếch gì cầu cạnh một lũ ra đi!
***
Có phải thế giới đại đồng là gương của Bác?
Bốn bể là nhà, người Việt nay đã sang sông
Làm con dân thiên hạ, chuyện nước non bao đồng
Công lao của các anh bộ đội
Vượt trường sơn giải thoát lấy sơn hà
Khỏi tay Mỹ và Ngụy?
Xin các anh cũng đừng quên người miền Nam Việt Cộng
Lỡ dại
Cùng Đảng ta tóm lấy quê nhà
Sửa sang hay tàn phá
Là công các anh đấy tôi chẳng dự phần!

Tôi là dân Mẽo chưa xong
Lo gì chuyện hy sinh các anh lầm hiến dâng cho Đảng!
***
Thuở “giải phóng” đầu chít khăn tang
Nhỏ lệ bàng hoàng tôi coi như nước mất nhà tan
Cơn ác mộng hãi hùng nay đã thành sự thật
“Hoà giải hoà hợp” tanh bành thôi
Thanh bình rồi
Sao cả nước vẫn đi hoang?
Sao đầy dẫy những nhà giam học tập
Tù tội gì sao hãm hại anh em?
Nam Bắc một nhà các anh đừng hôi của
Nhà chúng em rồi cũng thuộc các anh thôi!
Sổ đỏ sổ đen lòng người bạc thếch
Người nhận họ, kẻ nhận hàng
Nhiều người trắng tay vì xã hội đại đồng nay đã đến!
***
Cả triệu người xô nhau xuống biển làm mồi cho hải tặc kình ngư
Thôi đành mộng tưởng tang thương
Chính thể miền Nam tiêu tán rồi
Cộng sản mại bản phải từ đây Thiên đường?
Hay vẫn “mưa sa trên màu cờ đỏ”?
***
Cột đèn điện đứng trơ vơ
Nay làm bạn với cái loa bắt đầy phường xóm
Chứng nhân đó cho 1 cuộc đổi đời
biết đi nên vượt biên lưu vong nơi hải ngoại
Người ‘sống còn’ ở lại, “chết cũng dở, sống cũng dở”
“Phải đâu thơ”!
Tuổi trẻ chúng tôi tồi dở phải du sinh
Chẳng ‘hiến thân’ cho chính nghĩa hoang đường
Cũng chẳng vì Dân chủ Cộng hoà mà nồi da sáo thịt!
Ngày miền Nam thất thủ
Đến nay hơn phần tư thế kỷ
Đã trọn trăm năm ngày Bác xuống tàu (1)
Từ ‘cứu nước’ đến bán nước chủ nghĩa này có hiến trọn giang san
Cho Đảng hay tom góp xương máu của dân làm tài sản
Củng cố ngai vàng Bộ Chính trị
Hay hiến dâng cho phương Bắc?
Đến bao giờ Việt Nam thành thuộc địa của Tàu
Thành Bắc thuộc lần cuối cùng
Các bác X có màng không?
Hay vẫn bình chân như vại
Ngồi tại ngai vàng thái thú, thích hèn với giặc ác với dân?
Trong khi các anh làm gì đó ngoài chuyện rơi nước mắt?
Than khóc làm gì cho thối ruột thối gan!
Mưu cầu hạnh phúc như tôi và trẻ Việt nước ngoài
Vài trăm năm nữa như người Do Thái trở về
Quê nhà Việt Nam có Tàu hóa chưa?
NKTA
_________________________________________
(1) Latouche Tréville năm 1911 chứ không phải Tàu cộng.

Phải sang trái: Chị Thủy chủ nhân tiệm ăn Tao Café ở San Francisco, Đỗ Trung Quân, Lê Minh Quốc- Tổng thư ký toà soạn Báo Phụ nữ

Hãy tiết kiệm thứ còn lại duy nhất
Đỗ Trung Quân 28/11/2012

Ngày ấy bọn tôi hai mươi tuổi
Ria lún phún
Mắt cận lòi
Dân Sài Gòn tiểu tư sản, đọc sách triết, tóc hippie
Được phong tặng “thanh niên chậm tiến”
Thôi thì biết thân phận mình, đứa đi làm công nhân, đứa đi làm rẫy, đứa thanh niên xung phong coi như trả món nợ dù chả vay ai thời tiền – hậu – chiến
Ngày Polpot tràn qua An Giang, Ba Chúc thảm sát đồng bào
Tổ quốc lâm nguy
Bọn tôi sôi sục ra biên giới
Ngày Trung Quốc tấn công Việt Nam
Tổ quốc lại lâm nguy
Có thằng em khai gian tuổi
Vác balo lên đường
Gác mọi tranh chấp ý thức hệ
vệ quốc trước đã
Ai không tử sĩ
Ai không phế binh
Thì về
Đứa đạp xích lô.
Đứa chạy xe ôm, đứa đi khuân vác
Bình thường.
Nói thật
Bọn tôi đàn ông cũng có khi rơi nước mắt
Khi nhìn xác đồng bào, ôm trong tay đồng đội.
Sắt đá vẫn nghẹn ngào.
Nhưng các em ạ
Chúng tôi không bao giờ rơi lệ
Những chuyện tào lao
Chúng tôi không mất thì giờ nửa đêm run rẩy, gào thét trước cổng sân bay để đón đứa lạ hươ lạ hoắc
đến bố mẹ ở nhà cũng chả biết đi đâu
tôi nghĩ đơn giản thế này
Bố tôi chết tôi mới khóc
Mẹ tôi chết tôi mới khóc
Bạn tôi chết tôi mới khóc
Đồng bào tôi mất tích ngoài biển Đông tôi mới khóc
Nước mắt ngày càng quý hiếm lắm các em ạ
Hãy cố mà để dành
Mà nhỏ xuống cho điêu linh đất nước
Mà rưng rưng cho nỗi nhục bị cỡi cổ đè đầu
Làm nô lệ
Tôi bảo các em lần này thôi nhé
Đừng làm xấu hổ thêm xứ sở mình
Nhục
Biển Đông
Quá
Đủ


ĐTQ
28/11/2012
*****
Nước mắt mà là thứ còn lại duy nhất – thì đất nước chúng ta chẳng còn gì
Ly Thuy Nguyen 29/11/2012

Bây giờ chúng tôi mới vừa qua hai mươi tuổi
Chẳng phải dân Sài Gòn cũng chẳng phải dân Hà Nội, quan trọng gì thành phố
Đâu chẳng là đất nước mình
Là đất nước mình nhưng biết gì về văn hoá nước mình
Mỗi một lần bật tivi lên là HBO CNN ESPN
Là MTV là hàng trăm những kênh mà nhà đài kí hợp đồng với các “Cường quốc năm châu khác”
Mà tôi vẫn hay gọi đùa là quân cựu thực dân
Hôm nay xem cái ảnh rồi đọc bài thơ muốn hỏi chú Trung Quân
Chú có biết về tiến trình toàn cầu hoá
Xâm lấn của thực dân ngày nay chẳng còn lộ liễu như tên bay đạn nổ
(Đấy là tôi giả vờ không nói đến những cuộc chiến ở Trung Đông
Không muốn vội giải thích về sự nhúng tay của Mỹ tại cuộc chiến ở Israel với Palestine
Trong 4 ngày ở dải Gaza hơn 200 người chết
Hơn 50% là trẻ nhỏ
Tôi sẽ giả vờ không nói về điều này vậy
nó đòi hỏi cả luận văn của tôi)
Chú Quân này chú có biết không
những đứa trẻ chú cười chê là một phần của thế hệ tiếp theo tôi đấy
Là thế hệ sinh sau thời hậu chiến
Nói ngôn ngữ khác rồi, văn hoá cũng khác ngày xưa
Và họ – cũng như tôi – là nạn nhân của cái nền văn hoá tạp nham
Ngẩng đầu nhìn quanh báo đài lăng xê những tuổi tên của những đất nước nào xa lạ
Trước khi chú hỏi tại sao trẻ con khóc vì bọn nào lạ hoắc
Sao chú không hỏi nền giáo dục nào khiến trẻ con phát điên
Sao chú không hỏi xã hội thế nào người lớn đâm sau lưng nhau, anh chị em giành nhau cái nhà cho bố mẹ ra ngoài đường ngủ
Sao chú không hỏi truyền thông thế nào toàn du nhập những văn hoá ngoại lai báo chí thì một điều Ngọc Trinh gái ngoan, Mai Phương Thúy lộ hàng, Hoàng Thùy Linh băng sếch
(Đấy là tôi ví dụ một vài – chẳng đổ lỗi cho những cô con gái; mà những kẻ nhân danh nhà báo viết những câu đến ngữ pháp còn sai; tin bài giật tít)
Sao chú không hỏi thế hệ nào đã nuôi dạy bọn trẻ con như thế
Những bài học về tình người ở đâu trong trường học
Khi thầy cô giáo nghèo vật chất đói tâm hồn?
Chú Quân này, tôi bảo, đổ lỗi cho trẻ con thì dễ thôi
Vì chú chẳng đứng trong gót giày của chúng tôi,
Trong mắt bọn trẻ con, thế giới còn cái gì mà mừng vui khám phá?
Cái cơ sở tồi tàn đổ nát, những tham nhũng, những bất công
Mười sáu năm học ra trường chạy chọt đủ đường mà không ai cho đi dạy học
Hơn tám mươi cô giáo ở Yên Bái bị đuổi ra biên chế vì lỗi của một vài ông to
Người dân mất đất lên Hà Nội kêu oan bị công an phường đến đuổi
Đâu đó ở Tiên Lãng Hải Phòng có một trận đánh đẹp,
Giữa quân-và-dân
Thì đồng ý không phải đứa trẻ nào cũng biết những điều tôi vừa chỉ ra
Nhưng tôi biết – và tôi đã từng là một trong bọn chúng
Chú Quân này, ai cũng có những nỗi buồn thế hệ
Thế hệ chúng tôi là cái thế hệ chẳng-còn-gì
Cái nhục của quốc gia này, nếu mà đổ lỗi
Cũng đừng đến lượt lũ trẻ con.
Mà cũng đừng chuyện bé xé ra to
Cái làm tôi xấu hổ chẳng phải mấy thằng bé khóc ở sân bay
Mà là cái nền văn hoá bị lụi tàn mà người lớn hay các nhà chức trách cũng đâu buồn giữ
Mà là cụ Hiền Đức bao nhiêu tuổi rồi vẫn phải cặm cụi ngược xuôi đi bảo vệ người dân mất đất
Mà là những người chỉ thích trách cứ trẻ con.
Tôi chẳng viết bài thơ này để trách chú đâu
Cũng chẳng phân bua vì những cái mà thế hệ trước chúng tôi nhìn chúng tôi mà trách cứ
Nhưng tôi viết điều này để cho chú hiểu
Dạy trẻ con chẳng dễ lắm đâu
Và nếu chỉ đem cái tuổi đời ra để mà nói với nhau
Thì thông điệp của chú dù đúng dù sai, bọn trẻ con sẽ chẳng bao giờ hiểu.
NTL
29/11/2012
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/69843
======================================================================
Đối thoại thơ hay Đỗ Trung Quân và Ly Thuy Nguyen (I)

Đây là cảm nhận của một bạn còn rất trẻ. Bên cạnh những trăn trở về sự "hèn" của Võ Trung Hiếu trong bài "Chết" thì những suy nghĩ của hai nhà thơ và một khán giả là bạn trẻ này cũng khiến cho nhiều người "trăn trở" theo. Từ một hiện tượng trong xã hội, người viết hay người nghe đều gửi gắm tâm tư và có nhiều sự liên tưởng đến những vấn đề khác trong cuộc sống. Xin được chia sẻ cùng khách đến thăm nhà.

Gần đây, xuất hiện cuộc đối thoại/tranh luận bằng thơ về hiện tình văn hóa-xã hội đất nước, ban đầu diễn ra giữa Đỗ Trung Quân (ĐTQ) và Ly Thuy Nguyen (LTN), về sau có sự tham gia của một số người khác. Mọi chuyện bắt đầu từ bức ảnh một người hâm mộ K-pop được cho là đã khóc lóc ở sân bay khi đón thần tượng ( xem bên dưới), đã nhanh chóng trở thành đối tượng cho bài thơ “Hãy tiết kiệm thứ còn lại duy nhất” của ĐTQ (xem bên dưới) và sau đó, như một lời đối thoại thế hệ, LTN viết “nước mắt là thứ còn lại duy nhất – thì đất nước chúng ta chẳng còn gì” (xem bên dưới).
Thơ ca có đặc trưng là tính đa nghĩa, do đó, không phải là một hình thức phù hợp để biểu đạt một cách tường minh các quan điểm chính trị hoặc đạo đức, nhất là trong các tình huống đối thoại. Bài viết này là một cố gắng nắm bắt các ý tưởng của hai nhà thơ cho bản thân cùng một số người vốn không có năng khiếu cảm thụ thơ ca. May mắn thay, trong trường hợp này, vì hai bài thơ tương đối hiển ngôn nên không khó để rút ra những vấn đề chính mà cuộc đối thoại này bàn đến, như sau :

(1)               Khóc lóc khi đón thần tượng, có xấu không ?
(2)               Nếu xấu thì tại sao?
(3)               Ai gây nên cơ sự này?

Đỗ Trung Quân và thuyết công lợi
Với câu hỏi (1), dễ thấy ĐTQ trả lời là “Có” bằng cách diễn đạt :
“Tôi bảo các em lần này thôi nhé
Đừng làm xấu hổ thêm xứ sở mình”

Câu hỏi (2) khó trả lời hơn, “Tại sao việc khóc lóc ở sân bay đón thần tượng lại là xấu?”
ĐTQ đưa ra hai lý do, (i) thần tượng chỉ là “mấy đứa lạ hươ lạ hoắc”,  và (ii) các bạn không quan tâm đến đất nước lâm nguy nhưng lại đi quan tâm đến thần tượng, ("nước mắt ngày càng quý hiếm" sao lại đi khóc "những chuyện tào lao"  như thần tượng, nên để dành cho "điêu linh đất nước" )

Lý do (i) rõ ràng là không xác đáng. Thần tượng có thể “lạ huơ lạ hoắc” với ĐTQ nhưng dĩ nhiên không lạ với các bạn đã ra sân bay đón. Còn giả sử nếu nói các ca sĩ K-pop là người ngoại quốc nên xa lạ thì lại càng không phải. Cảm giác xa lạ hay thân quen không thể chỉ căn cứ trên khoảng cách địa lý. Những giáo dân Thiên Chúa giáo và Phật giáo Việt Nam đầu tiên ắt hẳn không bao giờ cảm thấy Jesus và Tất Đạt Đa là xa lạ với mình chỉ vì họ đều là người ngoại quốc.

Có lẽ lý do (ii) mới thực là điều ĐTQ muốn nói. Bởi lẽ, ngay từ đầu bài thơ, ĐTQ đã xác lập tư cách phê phán của mình bằng việc viện dẫn quá khứ chiến tranh của ông và bè bạn. Theo ông, đất nước (mà ông gọi là tổ quốc), gia đình và bè bạn là đáng khóc, còn thần tượng thì không. Ngay cả khi ông lờ đi khả năng người hâm mộ kia có thể vừa khóc cho thần tượng vừa đổ lệ cho đất nước, gia đình, bè bạn, thì  lập luận này của ông vẫn tiềm ẩn những nguy hiểm.

Nguy hiểm với tự do.

Trong ĐTQ có một tổ quốc, mà theo ông, đứng trên tất thảy các cá nhân. Chuyện thần tượng một ai đó thuộc về sở thích và tự do cá nhân, bởi vậy, có thể và cần phải được hy sinh lúc tổ quốc cần. Nói gọn hơn, tổ quốc là Chung, cá nhân là Riêng; Riêng bắt buộc phải hy sinh cho Chung lúc cần thiết. Chính lúc này, chúng ta  tìm thấy nơi ĐTQ  một người công lợi (utilitarian) nho nhỏ, hay đúng hơn, một người công lợi có hơi hướng dân tộc chủ nghĩa.

Chưa bàn đến việc khái niệm “tổ quốc” có thực hay không, chỉ riêng việc những phát ngôn “tổ quốc lâm nguy”, “tổ quốc trên hết” luôn đến từ các lực lượng chính trị cầm quyền và cũng chính họ thường xuyên nhân danh tổ quốc để hành động, cũng đã cho thấy nguy cơ to lớn từ việc lạm dụng khái niệm này.

Người ta đã nhân danh gì nếu không phải tổ quốc khi quy kết Hữu Loan là phản động lúc làm bài thơ khóc vợ “Màu tím hoa sim”.
Người ta đã nhân danh gì nếu không phải là tổ quốc khi kết án những thanh niên Hà Nội hát nhạc vàng năm 1971 từ 04 đến 15 năm tù giam.(vụ án Phan Thắng Toán và đồng bọn, 1971)
“Tổ quốc”, ít nhất trong trường hợp Việt Nam, luôn là tấm bùa của các lực lượng chính trị mỗi khi muốn tranh thủ đám đông quần chúng. Đám đông ấy, nói văn hoa là có “tình tự dân tộc”, mà nói thẳng ra là những tín đồ nhiệt thành của chủ nghĩa dân tộc.

Hiện tình quốc gia quả thực đang và sẽ còn đòi hỏi lòng yêu nước. Nhưng người ta chỉ yêu nước thực sự trong tự do – yêu nước như một hình thức của yêu tự do. Còn một khi bị ép buộc, dù là bởi chính quyền hay khái niệm “tổ quốc”, lòng yêu nước sẽ biến mất, và chỉ còn lại duy nhất sự phục tùng.

Và cũng từ đó, thần dân sẽ thế chỗ công dân.

*Lưu ý rằng bài viết này chỉ là một cách hiểu bài thơ trên của ĐTQ, đương nhiên không phủ nhận những cách hiểu khác – như đã nói, thơ ca luôn đa nghĩa. Bài viết tiếp theo sẽ là một nỗ lực nắm bắt quan điểm của Ly Thuy Nguyen, dự kiến có tựa đề là “Ly Thuy Nguyen và xu hướng mặt trận-hóa văn hóa”. Bên cạnh đó, bài viết cũng sẽ cố gắng phân tích những nhận xét mới đây của GS Cù Trọng Xoay về vấn đề này và tìm kiếm một vài kết luận khả dĩ hậu kỳ.
..........
(lược bỏ vì phần trên trang này đã đăng rồi - thinhoi001)
..........
bởi Nam Mô vào 3 tháng 12 2012 lúc 3:06 ·

http://www.facebook.com/notes/nam-m%C3%B4/%C4%91%E1%BB%91i-tho%E1%BA%A1i-th%C6%A1-hay-%C4%91%E1%BB%97-trung-qu%C3%A2n-v%C3%A0-ly-thuy-nguyen-i/445647372158120
Chú ý:  Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001