Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Alan Phan - Sở hữu của toàn dân 


Alan Phan
Theo luật quốc tế, người ta thường qui trách nhiệm pháp luật cho sở hữu chủ. Tôi còn nhớ một bài học đắt giá vào năm 1977 tại California. Một người bạn thân từ Pháp ghé thăm và vì tôi phải đi làm, nên giao chiếc xe Pontiac Bonneville của mình cho anh mượn, lái thăm quan tiểu bang mà anh yêu thích. Anh lái theo kiểu dân Paris chính cống , lượn lách ngay cả trên các xa lộ cao tốc. Qua khỏi Burbank, xe anh đâm vào một chiếc xe khác từ sau, gây tử vong cho một phụ nữ mới 28 tuổi.
Đương nhiên là anh có lỗi và phải chịu toàn trách nhiệm. May là xe tôi có bảo hiểm, nhưng lại bị giới hạn về tiền bồi thường (tối đa 1 triệu đô la). Tòa xử phía bị đơn phải bồi thường tổng cộng khoảng 1.25 triệu đô la cho phiá nạn nhân. Tôi lãnh đủ 250 ngàn tiền sai biệt sau khi hãng bảo hiểm trả phần họ; cộng với chiếc xe Pontiac hư hại hoàn toàn. Anh bạn thì sợ bỏ trốn về Pháp 2 ngày sau khi gây tai nạn và biệt tích giang hồ.

May mà gia đình nạn nhân cũng giàu có nên họ bớt cho tôi 100 ngàn và cho tôi trả 150 ngàn đô còn lại trong 3 năm. Sau đó các bạn tôi thường than phiền là tôi ích kỷ, không thích cho ai mượn xe.
Tuần vừa qua, một quan chức Việt Nam, ông Tường, TGD Công Ty Đường Sắt Viêt Nam, nhắc nhở lại cho chúng ta quy tắc trên về luật sở hữu. Trách nhiệm sau cùng phải thuộc về sở hữu chủ, dù họ có can dự hay không vào “các tai nạn” hay bất cứ “sai phạm, thất thoát, lãng phí” ngay việc “sử dụng” các tài sản này có tạo ra tội ác hay không? Ông hoàn toàn đúng luật.


Về điểm này, tôi phải thành thực mà công nhận chủ nghĩa XH “ưu việt” hơn hẳn chủ nghĩa tư bản. Và các nhà lập pháp hay hành pháp (nôm na là các bác lãnh đạo) thuộc phe XHCN xứng đáng là đỉnh cao trí tuệ của loài người.
Khi để “toàn dân” sở hữu tất cả tài sản quốc gia từ đất đai đến khoáng sản đến các công ty sân sau của phe nhóm, thì ‘toàn dân” phải chịu trách nhiệm cho mọi sự cố từ tốt đến xấu. (Thực ra, theo lịch sử, thì 5 ngàn năm qua chưa bao giờ có sự cố tốt hay xấu cho các tài sản “tập thể”, chì có “tai nạn” và “ thảm họa” do hoàn cảnh khách quan). Ngoài ra, vì “toàn dân” là sở hữu chủ nên họ phải chịu trách nhiệm về mọi nợ nần, hư hỏng hay phá hoại. Tôi đang đợi một phiên tòa quóc tế có 90 triệu dân bị còng tay đưa ra xét xử về tội “xù nợ” hay “tàn phá môi trường”.
Đến ngày hôm nay, tôi mới thông hiểu hết cái thâm thúy tuyệt vời của chủ nghĩa Mác Lê. Một chủ thể gọi là “toàn dân” mới chính là tội đồ cho mọi đổ đốn nơi đây. Tên “toàn dân” này quả là một thế lực thù địch nguy hiểm nhất của xã hội.
Lời khuyên của ông già Alan: Bạn đừng làm “toàn dân”. Coi chừng có ngày phải đi tù vì trong sổ sách của tòa, tội trạng của tên “toàn dân” này sau 67 năm dài hơn 48 cuốn Thư Mục Tham Khảo (encyclopedia) của Britannica… và sắp sửa lấp đầy Thư Viện Quốc Gia.
Alan Phan

Admin gửi hôm Thứ Hai, 03/12/2012          
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20121202/alan-phan-so-huu-cua-toan-dan
======================================================================

Alan Phan - Không còn là dự đoán kinh tế


T/S Alan Phan
Tóm lại, chúng ta sẽ bắt đầu 2013 với một chiếc xe đang kẹt cứng trong bùn.

Khi không biết đích đến là đâu, thì con đường nào cũng đều đến đích.

Thấm thoát đã năm hết Tết đến. Mùa của các dự đoán kinh tế cho 2013 bắt đầu.Các chuyên gia kinh tế kiếm cơm nhờ mùa này. Cá nhân tôi có 12 tờ báo đặt hàng; chưa kể đến những diễn thuyết tham luận tại các diễn đàn và hội thảo. Khi tôi từ chối vì thực ra không còn gì để dự đoán…ai cũng ngạc nhiên. Như Tết mà không có bánh mứt dưa hành, Xuân không có trẩy lộc mai đào…và báo Xuân không có dự đoán.
Các năm trước, những chuyên gia kinh tế kiếm tiền quá dễ. Trừ những anh chị phải lạc quan vì nhận chỉ thị hay tiền thưởng, bất cứ ai vô tư phán xét đều thấy rõ lối đi của chiếc xe kinh tế Việt.

Quá dễ để tiên đoán

Doanh nghiệp nhà nước làm chủ thể lãnh đạo? Tất cả kinh nghiệm từ OPM (tiền người khác) qua 5 ngàn năm lịch sử cho thấy sự lãng phí tham ô là hệ quả tất yếu (và người chủ thực sự của đồng tiền phải cày lưng trả nợ trong một thời gian dài).
67% tiền đầu tư của quốc gia cho vào bất động sản ư? Bong bóng phải phình căng và ngày bể bụng là chuyện thời gian. Rồi 82% phần trăm nợ ngân hàng xuất xứ từ thế chấp BDS? Khi bong bong BDS vỡ, thì các mùi hôi thối chôn vùi trong đống rác phải xì theo. Không thể có kết luận nào khác.
Trong khi đó, nguồn vốn thực của các ngân hàng bị méo mó vì sở hữu chéo, vì công ty sân sau của các chủ ngân hàng, vì “quan hệ” quan trọng hơn tính khả thi của dự án… Ngày mà mọi người liên quan phải chốt sổ kết toán phải là ngày của chuông báo tử.
Còn thị trường chứng khoán? Khi giá cả tùy thuộc vào đội lái tàu và tin đồn hay hỏa mù, thì sớm hay muộn, các nhà đầu tư chính thống phải chào thua và bỏ chạy. Trên nguyên tắc, một canh bạc bịp không thể kéo dài vì số lượng người ngu thường có giới hạn.
Lạm phát, lãi suất và tỷ giá? Khi chánh phủ qua Ngân Hàng Nhà Nước quyết định các con số và được Cục Thống Kê hổ trợ đắc lực, xa rời mọi can thiệp của thị trường, thì hoang tưởng xâm nhập cơ thể và cả quốc gia phải “lên đồng” và mọi người thi nhau ca múa.

Thị trường là một thế lực cứng đầu

Tôi về Việt Nam vào 2007 với tất cả háo hức của một đứa con vừa tìm về nhà. Chỉ 6 tháng sau, tôi bắt đầu thấy rõ những thủ thuật qua những con số thống kê thoa nắn, những chiêu tiếp thị vô trách nhiệm và những lòng tham cá nhân không kiểm soát. Tôi viết về những dự đoán không lấy gì làm sáng sủa và những quyền lực đang cầm lái cho chiếc xe kinh tế phản bác với những lạc quan hồ hởi kiểu viết biểu ngữ. Dù tôi sai về thời điểm (tôi nghĩ 2010 là năm bản lề) nhưng trận bão năm Thìn 2012 cũng đã đến với một cường độ Việt Nam chưa hề trải nghiệm.
Tôi kể lại chuyện cũ không phải để khoe vì thực ra mọi chuyên gia kinh tế có chút hiểu biết đều đi đến kết luận như tôi (tuy có vài người không tiện nói). Tôi nói ra để mọi người hiểu là chuyện dự đoán cái vũng lầy mà chúng ta đang mắc cạn ở đây không gì là khó khăn. Một sinh viên mới ra trường cũng có thể luận giải được điều này.
Tóm lại, chúng ta sẽ bắt đầu 2013 với một chiếc xe đang kẹt cứng trong bùn.

Định hướng nào đây, bác Mao ơi?

Dĩ nhiên có rất nhiều giải pháp để kéo chiếc xe ra khỏi đầm lầy. Chúng ta có thể kêu mấy cha tư bản ở xa (Âu Mỹ Nhật IMF..) đem chiếc xe câu tối tân đến kéo thoát. Chúng ta có thể chạy qua nhờ anh hàng xóm (TQ) dùng chiếc bán tải. Nhưng dĩ nhiên, ông Alan đã nói là “không gì là miễn phí”. Chúng ta phải cân nhắc so sánh giá cả phải trả, kể cả bổng lộc chức quyền của mọi người trong phe nhóm . Chúng ta cũng có thể về nhà, bắt mẹ đĩ phải lấy “vàng” hay “đô la” cho phe ta đem bán? Hay chúng ta có thể quyết định tử thủ vì lý tưởng vĩ đại, sống trên xe và chơi giữa đầm lầy như Bắc Triều Tiên.
Dĩ nhiên, tôi đoan chắc là không chuyên gia kinh tế nào có thể…dự đoán nổi cái giải pháp sẽ được chọn lựa. Vì tình hình hiện nay đã không còn là …kinh tế, mà là chánh trị. Chánh trị ở xứ này thì không ai có dự đoán chính xác, ngoài 5, 10 người sẽ “đóng cửa bảo nhau”.
Vì thế, khi các báo yêu cầu tôi viết một bài về… ”dự đoán kinh tế cho 2013” thì tôi chỉ mỉm cười. Sau 5 năm đi về thường xuyên ở đây, nhân vật quyền lực nhất mà tôi quen biết là ..ông bảo vệ trong khu chung cư tôi sống. Tôi nghĩ ông cũng như 99.99% các người Việt hoàn toàn không can dự và hay biết gì về quyết định ảnh hưởng đến đời sống của ông và kinh tế Việt năm 2013 và 5, 10 năm sau đó.
Tôi quen làm khán thính giả cho rất nhiều vở kịch suốt 67 năm qua tại rất nhiều hí viện. Có nhiều vở kịch nồng hơn mắm ruốc…nhưng tôi bị cấm không được bỏ về sớm. Phần lớn đạo diễn và diễn viên đều ghét nhà phê bình. Nhưng mọi thứ rồi cũng thành thói quen. Mizaru, Kikazaru, Iwazaru… (a)
Alan Phan
Admin gửi hôm Thứ Hai, 03/12/2012          
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20121203/alan-phan-khong-con-la-du-doan-kinh-te
======================================================================
Chú ý:  Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001