Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2012

Dân Miến Điện bất bình trước sự hiện diện quá đông đảo của Trung Quốc

Mỏ đồng Monywa mà Miến Điện giao cho công ty Trung Quốc khai thác.
Mỏ đồng Monywa mà Miến Điện giao cho công ty Trung Quốc khai thác.
DR

Mai Vân
Cuối tháng 11/2012, cảnh sát Miến Điện đã đàn áp dữ dội dân làng và tu sĩ Phật giáo bám trụ tại vùng đất xung quanh một mỏ đồng ở Monywa miền bắc đất nước. Hàng chục người đã bị thương, trong đó có cả các nhà sư, bị lựu đạn gây cháy làm phỏng nặng. Người biểu tình phản đối tác hại môi trường của mỏ và chống việc đất đai bị chính quyền tịch thu để giao cho công ty điều hành mỏ đồng : Myanmar Vạn Bảo (Wanbao), liên doanh giữa một công ty Trung Quốc và quân đội Miến Điện.

Sự hiện diện kinh tế của Trung Quốc ở Miến Điện, đặc biệt là ở miền Bắc, đã làm cho phần lớn người dân Miến Điện uất ức. Đặc phái viên Arnaud Dubus của RFI hiện đang ở trong khu vực này, chính xác là tại thành phố Mandalay, đã cho biết thêm về sự hiện diện của Trung Quốc tại Miến Điện.

Đặc phái viên Arnaud Dubus tại Mandalay (Miến Điện)
07/12/2012
by Mai Vân
Arnaud : Quan hệ giữa Miến Điện và Trung Quốc luôn luôn tế nhị. Cần phải nhớ rằng trong nhiều thập kỷ, và ngay cả trong những năm 80, Trung Quốc đã hỗ trợ quân du kích của Đảng Cộng sản Miến Điện, vốn là mối đe dọa quân sự ghê gớm nhất chống lại chính quyền quân sự.

Ngoài ra, sau khi đàn áp bằng bạo lực các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm 1988, và bị các nước phương Tây và cả một số nước châu Á như Ấn Độ và Nhật Bản trừng phạt kinh tế, chế độ quân sự Miến Điện đã phải quay sang Trung Quốc để cố gắng duy trì nền kinh tế của mình.

Về phần mình, Bắc Kinh rất muốn có một liên minh chặt chẽ với Miến Điện, một mặt vì tỉnh Vân Nam của Trung Quốc sẽ có một thị trường tăng trưởng mới, nơi mà các công ty không quá quan tâm về tác động đối với môi trường, nhân quyền, và một mặt khác sẽ cho phép Trung Quốc mở đường ra Ấn Độ Dương.
RFI : Về tâm lý phẫn uất của người dân Miến Điện, cụ thể họ bất bình trước những điều gì ?
Arnaud : Các doanh nghiệp Trung Quốc đã tràn vào miền Bắc Miến Điện, khai thác tài nguyên thiên nhiên, mà không quan tâm về những hậu quả đối với môi trường. Họ cũng lợi dụng quan hệ với quân đội để có được nhiều lợi thế hơn các doanh nhân Miến Điện, và đôi khi được hưởng giá đất đai rẻ mạt tịch thu được của các dân làng Miến Điện.

Ngoài ra còn có sự hiện diện quá đông đảo của người Trung Quốc trên đất Miến Điện. Tại một thành phố như Mandalay này, vốn là cố đô của Miến Điện, trung tâm thành phố chủ yếu có cư dân là người Trung Quốc. Họ là người Miến gốc Hoa, người Shan gốc Hoa hoặc là người mới từ Trung Quốc qua Miến Điện trong thời gian gần đây.

Đặc biệt là giới thuộc thành phần thứ ba này đã phô trương một cách xấc xược sự giàu có của họ. Họ sống trong những biệt thự xinh đẹp nằm trong những khu phố được dành riêng, nơi có rất ít người Miến Điện cư ngụ. Thành phố Mandalay chẳng hạn, đang ngày càng giống các thành phố ở miền nam Trung Quốc, với giao thông hỗn loạn và các tòa nhà không theo phong cách nào.

Trong những cuộc trò chuyện, người Miến Điện thường xuyên đề cập đến thái độ bất bình của họ đối với những người Trung Quốc mới nhập cư đó, cho dù hiện nay, các cuộc biểu tình công khai chống lại họ rất hiếm.
RFI : Kể từ khi Miến Điện bắt đầu mở cửa cách đây hai năm, sự hiện diện của Trung Quốc gia tăng hay là giảm bớt ?
Arnaud : Trong thực tế, sự hiện diện này có phần giảm bớt đi. Từ năm 1988 đến năm 2011, Trung Quốc đã vươn lên thành đối tác thương mại lớn nhất của Miến Điện và một trong các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu. Nhưng đã có một sự thay đổi trong xu hướng đó kể từ khi Tổng thống Thein Sein lên cầm quyền vào tháng Tư năm 2011.

Sự kiện nổi bật là việc hủy bỏ dự án đập khổng lồ Myitsone tại Bang Kachin ở phía đông của đất nước - một dự án được một công ty Trung Quốc tài trợ đến mức 3 tỷ euro. Về mặt chính thức, chính phủ Miến Điện đã hủy bỏ dự án vì các cuộc biểu tình của người dân vốn lo ngại về tác động của đập đối với môi trường.

Căng thẳng xung quanh mỏ đồng Monywa hiện nay đã nêu bật trở lại phong trào chống lại sự hiện diện kinh tế của Trung Quốc. Nhưng lần này, chính phủ Thein Sein có vẻ đứng về phía các nhà đầu tư chú không phải là về phía người dân địa phương, có lẽ bởi vì có một tập đoàn quân đội Miến Điện tham gia vào dự án này.
RFI : Chính quyền Trung Quốc phản ứng như thế nào trước những sự kiện và những thay đổi đó ?
Arnaud : Việc hủy bỏ dự án đập Myitsone đã làm cho chính quyền Trung Quốc bất ngờ. Họ rõ ràng là đã không hiểu được tầm quan trọng của sự thay đổi chính trị ở trên thượng tâng chính phủ Miến Điện. Họ không hề nghĩ rằng chính quyền Miến Điện lại có thể không báo trước cho họ biết về một quyết định quan trọng như vậy.

Bức xúc sau vụ Myitsone, Bắc Kinh lần này đã tỏ ngay thái độ quan ngại về các cuộc biểu tình chống lại dự án mở rộng mỏ đồng Monywa. Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng tất cả các khía cạnh xã hội và môi trường của dự án đã được đàm phán với chính quyền Miến Điện, và các công ty Trung Quốc đã trả tiền bồi thường đất đai bị trưng thu cho các dân làng địa phương Miến Điện thông qua chính phủ Miến Điện.

Bắc Kinh thậm chí còn hàm ý đe dọa, nói rằng nếu dự án mỏ đồng bị hủy bỏ, điều đó sẽ gây ra một tình hình bất lợi cho cả Trung Quốc lẫn Miến Điện.

Về phần mình, chính quyền Miến Điện đang phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan : Làm Trung Quốc bất bình thêm hay sử dụng biện pháp mạnh chống lại người biểu tình, bất chấp luật lệ mới cho phép loại hoạt động này, và qua đó làm sứt mẻ hình ảnh cải cách của họ.

Việc dùng sức mạnh đàn áp người biểu tình ở Monywa cuối tháng 11/2012 dường như cho thấy là chính phủ Miến Điện đã chọn giải pháp bạo lực.
nguồn:http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121207-dan-mien-dien-bat-binh-truoc-su-hien-dien-qua-dong-dao-cua-trung-quoc
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001