Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

Kết luận một loạt sai phạm trong vụ Tiên Lãng 


Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an thành phố Hải Phòng chuyển toàn bộ hồ sơ, vật chứng và bản kết luận điều tra đề nghị truy tố bị can. Cơ quan cảnh sát điều tra-Công an thành phố Hải Phòng đã có kết luận điều tra vụ án hủy hoại tài sản tại khu đầm nhà ông Đoàn Văn Vươn, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.


Cơ quan Cảnh sát điều tra kết luận các bị can Nguyễn Văn Khanh (sinh ngày 13/6/1961 tại Tiên Lãng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng), Phạm Xuân Hòa (sinh ngày 6/1/1955 tại Thái Bình, nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Tiên Lãng) và Lê Thanh Liêm (sinh ngày 20/7/1963 tại Hải Phòng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng) có hành vi hủy hoại tài sản, quy định tại khoản 3 điều 143 Bộ luật Hình sự 

Phạm Đăng Hoan (sinh ngày 9/2/1960 tại Tiên Lãng, Hải Phòng, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng) có hành vi hủy hoại tài sản, quy định tại khoản 2 điều 143 Bộ luật Hình sự. 

Bị can Nguyễn Văn Khanh bị tạm giam từ ngày 22/10/2012 và các bị can Phạm Xuân Hòa, Lê Thanh Liêm và Phạm Đăng Hoan bị cấm đi khỏi nơi cư trú cũng từ thời điểm trên. 

Căn cứ điều 163 Bộ Luật Tố tụng hình sự, Cơ quan Cảnh sát điều tra-Công an thành phố Hải Phòng quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ, vật chứng và bản kết luận điều tra vụ án đến Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hải Phòng đề nghị truy tố các bị can có lý lịch và hành vi phạm tội nêu trên theo quy định của pháp luật. 

Đối với ông Bùi Thế Nghĩa - Bí thư huyện ủy huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, tài liệu điều tra chưa đủ căn cứ chứng minh có hành vi phạm tội "hủy hoại tài sản" nên Cơ quan cảnh sát điều tra-Công an thành phố Hải Phòng không khởi tố điều tra. 

Đối với ông Lê Văn Hiền - nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng, Hải Phòng có dấu hiệu của hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Cơ quan cảnh sát điều tra-Công an thành phố Hải Phòng tiếp tục điều tra làm rõ và có kết luận xử lý theo quy định của pháp luật. 

Đối với các thành viên tham gia Ban chỉ đạo cưỡng chế gồm các ông Nguyễn Quốc Hiểu, Lê Văn Mải, Hoàng Đăng Chinh, Quyễn Quốc Toản, Ngô Quốc Khánh, Bùi Đăng Nga, Phạm Văn Học, Vũ Văn Hè, Lê Xuân Hữu, Lưu Trọng Hân, Phạm Huy Dũng, Vũ Văn Tuyến, Đoàn Văn Bừng, Đặng Văn Dũng có thiếu sót trong việc điều tra Thông báo số 225/TB-BCĐ ngày 28/12/2011 của Ban chỉ đạo cưỡng chế, không phát hiện ra kế hoạch tháo dỡ lều trông đầm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, nhưng là người thi hành nhiệm vụ, không đủ căn cứ chứng minh có hành vi phạm tội nên Cơ quan cảnh sát điều tra không khởi tố điều tra mà đề nghị xử lý hành chính. 

Đối với những người được trưng dụng tham gia tháo dỡ, có hành vi trực tiếp phá dỡ nhà, lều trông đầm gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng họ thực hiện theo chỉ đạo của Nguyễn Văn Khanh, Phạm Xuân Hoa, Phạm Đăng Hoan và Lê Thanh Liêm nên Cơ quan cảnh sát điều tra không khởi tố. 

Đối với ông Vũ Văn Kết (sinh năm 1972, ở xã Tiên Hưng, huyện Tiên Lãng), tài liệu điều tra thể hiện ông Kết gọi điện thoại và trực tiếp nói với ông Thái thuê máy xúc phá nhà trông đầm 2 tầng của ông Đoàn Văn Quý nhưng ông Kết không thừa nhận, không có tài liệu khác nên không đủ căn cứ khởi tố điều tra. 

Đối với ông Vũ Văn Đoàn - chủ máy xúc và ông Đặng Văn Tài - lái máy xúc phá hủy tài sản nhưng thực hiện theo hợp đồng và chỉ đạo của Phạm Đăng Hoan và Lê Thanh Liêm nên không khởi tố điều tra. 

Đối với tài sản Ban chỉ đạo cưỡng chế, bảo quản, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã có công văn yêu cầu Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng giao lại cho gia đình Đoàn Văn Quý./. 

Theo TTXVN


*

Kết luận vụ phá nhà ông Vươn

BBC - Công an thành phố Hải Phòng đã có kết luận điều tra vụ án hủy hoại tài sản tại khu đầm nhà ông Đoàn Văn Vươn, cáo buộc Phó Chủ tịch huyện Tiên Lãng tội “đứng đầu”. 

Nhưng một người theo dõi vụ việc cho rằng kết luận “không khách quan và bỏ lọt tội phạm”

Theo công an Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên Phó Chủ tịch huyện Tiên Lãng, có vai trò đứng đầu, như làm trưởng ban chỉ đạo, trực tiếp có mặt tại hiên trường, chỉ đạo phá nhà ông Vươn, trực tiếp gọi máy xúc phá nhà. 

Truyền thông nhà nước Việt Nam cho biết ông Khanh, đang bị tạm giam, không thừa nhận việc ra lệnh, chỉ đạo cho lực lượng cưỡng chế phá nhà. 

Nhưng những người liên quan như ông Lê Văn Hiền (Chủ tịch huyện Tiên Lãng), Bùi Thế Nghĩa (Bí thư huyện ủy huyện Tiên Lãng), cùng 19 người trực tiếp tham gia phá nhà khẳng định ông Khanh trực tiếp chỉ đạo phá nhà. 

Cơ quan công an Hải Phòng nói ông Khanh “biết rõ nhà của ông Quý nằm ngoài khu vực cưỡng chế” nhưng vẫn ra lệnh phá, nên “phải chịu trách nhiệm toàn bộ về hành vi tổ chức và thực hiện việc huỷ hoại tài sản”. 

Ngoài ra, công an nói hai người khác, Phạm Xuân Hòa (nguyên Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Tiên Lãng) và Lê Thanh Liêm (nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng) có hành vi hủy hoại tài sản, quy định tại khoản 3 điều 143 Bộ luật Hình sự. 

Người thứ tư, Phạm Đăng Hoan (nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Vinh Quang) có hành vi hủy hoại tài sản, quy định tại khoản 2 điều 143 Bộ luật Hình sự. 

Ông Bùi Thế Nghĩa, Bí thư huyện ủy huyện Tiên Lãng, không bị khởi tố vì “chưa đủ căn cứ chứng minh có hành vi phạm tội hủy hoại tài sản”. 

Ông Lê Văn Hiền, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Lãng, bị cho là có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, và sẽ bị tiếp tục điều tra. 

‘Không khách quan’ 

Tuy vậy, một người theo sát vụ việc, ông Vũ Văn Luận, Thư ký Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng, nói với BBC rằng kết luận điều tra “đùa giỡn với pháp luật”

Vụ cưỡng chế có sự tham gia rầm rộ của công an, quân đội 

“Nó không khách quan và cố tình bỏ lọt tội phạm,” theo ông Luận. 

Trước đó, ngày 25/10/2012, Liên chi hội của ông Luận gửi Đơn kiến nghị tới Thủ tướng đề nghị xem xét lại số lượng bị can trong vụ án hủy hoại tài sản. 

Ông Luận đặt vấn đề vì sao không khởi tố cựu chủ tịch huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền, người sau đó được chuyển sang làm chuyên viên Sở Nội vụ Hải Phòng. 

Theo ông Luận, ông Khanh từng phản đối việc cưỡng chế hồi năm 2010. 

“Ông Khanh bị chỉ đạo từ ông Hiền và huyện ủy, tại sao lại đổ cho ông Khanh,” theo lời ông Luận. 

Trong khi đó, vẫn chưa biết khi nào vụ xử tội danh "giết người và chống người thi hành công vụ” với gia đình ông Đoàn Văn Vươn sẽ diễn ra. 

Ông Vươn, cùng ba người khác bị khởi tố tội giết người, còn bà Phạm Thị Báu (vợ ông Đoàn Văn Quý) và bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Đoàn Văn Vươn) bị khởi tố tội chống người thi hành công vụ.


*

'Điểm mờ' trong kết luận điều tra vụ Đoàn Văn Vươn

Thiên Minh (Petrotimes) - Vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng công bố bản kết luận điều tra vụ án huỷ hoại tài sản nhà ông Đoàn Văn Vươn (ở khu đầm Cống Rộc, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng). 

Kết luận cho thấy bị can Nguyễn Văn Khanh, nguyên PCT UBND huyện, Phạm Xuân Hoa, trưởng phòng TNMT huyện, Phạm Đăng Hoan – Bí thư xã Vinh Quang và Lê Thanh Liêm, chủ tịch xã Vinh Quang đều có hành vi huỷ hoại tài sản. 

Thế nhưng, trong bản kết luận lại xuất hiện những chi tiết lạ chưa được làm rõ. 

Theo kết luận điều tra, để thực hiện Quyết định cưỡng chế thu hồi đất giao nuôi trồng thuỷ sản đã hết thời hạn đối với ông Đoàn Văn Vươn trên diện tích 19,3 ha tại khu Cống Rộc, ngày 5/1/2012, UBND huyện Tiên Lãng đã tổ chức lực lượng cưỡng chế gồm 102 người do ông Nguyễn Văn Khanh, PCT UBND huyện làm trưởng đoàn. 

8h cùng ngày, anh em ông Vươn dùng súng chống lại đoàn cưỡng chế, khiến 6 cán bộ chiến sỹ công an, quân đội bị thương. 

Đến 14h, ông Khanh phát lệnh cho lực lượng cưỡng chế tiếp tục triển khai kế hoạch bằng việc phá nhà trông đầm và đốt lều ở giữa đầm của ông Vươn tại khu vực 19,3 ha. 

Sau khi xảy ra việc, anh em ông Vươn dùng súng chống lại, ông Khanh ra lệnh lực lượng cưỡng chế tạm dừng chờ quyết định. Sau đó, ông Bùi Thế Nghĩa – Bí thư và ông Lê Văn Hiền đã hội ý và gọi ông Khanh đến, yêu cầu phá nhà hai tầng và thu hồi luôn 21 ha để bàn giao cho xã. 

Ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên Phó chủ tịch huyện Tiên Lãng. 

Đến 15h30, ông Khanh yêu cầu kê biên tài sản trong nhà trông đầm hai tầng và nhà một tầng liền kề của ông Đoàn Văn Quý (không nằm trong diện tích bị cưỡng chế), mang về trụ sở UBND xã Vinh Quang bảo quản. Sau đó, ông Khanh đã ra lệnh cho lực lượng cưỡng chế tháo dỡ nhà trông đầm của ông Quý, đồng thời yêu cầu ông Phạm Đăng Hoan thuê máy xúc đến phá dỡ nhà 2 tầng. Ông Hoan gọi cho Vũ Văn Kết (ở xã Tiên Hưng) nhờ đưa máy xúc đến hiện trường. 

Ông Khanh đã trực tiếp nhờ Kết thuê máy xúc để giải phóng mặt bằng. Kết đồng ý và gọi điện thoại thuê máy xúc của ông Trần Nam Thái (ở xã Hùng Thắng, huyện Tiên Lãng). Nhận được điện thoại, ông Thái đã nhận lời và đi xe máy tới khu vực gặp ông Kết để nhận công việc. Gặp chủ máy xúc, ông Khanh nói rằng thuê máy xúc để phá ngôi nhà hai tầng. 

Biết công việc là phá nhà, ông Thái đã nói với ông Khanh rằng ông sợ và từ chối nhận việc. Sau đó, ông Khanh phải huy động máy xúc của ban chỉ đạo cưỡng chế do Phạm Văn Tài điều khiển và đồng thời giao cho hai ông Hoan và Liêm hôm sau đôn đốc máy xúc phá nốt nhà 2 tầng của ông Quý. 

Bên cạnh đó, trong kết luận điều tra của công an Hải Phòng cũng ghi rõ chi tiết rằng: “Ngày 28/1/2011, UBND huyện Tiên Lãng đã họp công bố quyết định thành lập ban chỉ đạo cưỡng chế, do Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Hiển chủ trì”. Mặc dù ông Khanh vắng mặt nhưng vẫn được bầu làm trưởng ban chỉ đạo cưỡng chế. 

Sau khi bị ông Vươn chống đối, ban cưỡng chế đã huy động công an, quân đội đến hiện trường. 

Trong kết luận ghi rõ: “Khoảng 14h cũng ngày, lực lượng cưỡng chế đang ở nhà Tổng đội thanh niên xung phong thì ông Bùi Thế Nghĩa và ông Lê Văn Hiển đã gọi ông Khanh tới để hội ý. Khi ông Khanh tới, ông Nghĩa nói với ông Khanh rằng: Nhân đà này, ta phá luôn cái nhà hai tầng đấy đi và thu luôn cả 21 ha bàn giao cho xã luôn. Ông Hiển nói: phá bay đi”. 

Tại thời điểm ông Nghĩa và ông Hiển nói với ông Khanh có rất nhiều cán bộ huyện và xã chứng kiến. Sau khi nói xong, ông Nghĩa ra về. 

Thấy vậy, ông Khanh nói với ông Hiển rằng: “Ngôi nhà của ông Quý không được phá dỡ vì không nằm trong khu vực cưỡng chế, nếu ông ra lệnh phá dỡ thì phải ra quyết định bằng văn bản”. Thấy ông Khanh nói vậy, ông Hiển đáp lời rằng: “Ông quá máy móc, làm sao phải bằng văn bản”

Ông Hiền không đồng ý ra văn bản nên ông Khanh cùng một số người trong ban chỉ đạo cưỡng chế chỉ cắm mốc giới và bàn giao 19,3 ha đất cưỡng chế cho UBND xã quản lý cùng tài sản nhà ông Vươn, hoàn thành biên bản cưỡng chế. 

Còn về việc gọi điện thoại để đôn đốc máy xúc, ông Khanh khai là do trước đó UBND xã Vinh Quang có chủ trương và đề nghị được thuê máy xúc để phục vụ cho việc ngăn vùng đầm sau cưỡng chế. 

Sau đó, tại UBND xã Vinh Quang, ông Lê Văn Hiền có chủ trì cuộc họp cán bộ chủ chốt của huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang. Tại đây, ông Hiền đã phê bình ông Khanh không chấp hành lệnh của bí thư và chủ tịch huyện trong việc phá căn nhà 2 tầng, đồng thời giao lực lượng công an và xã Vinh Quang hôm sau phá căn nhà này đi. 

Ông Khanh không thừa nhận việc ra lệnh, chỉ đạo cho lực lượng cưỡng chế phá nhà ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý. Tuy nhiên, tất cả những lời khai của Khanh đều bị các ông Lê Văn Hiền, Bùi Thế Nghĩa và các lãnh đạo xã phủ nhận. 19 người trực tiếp tham gia phá nhà đều khẳng định ông Khanh trực tiếp chỉ đạo phá nhà. 

Ngôi nhà hai tầng của ông Quý chỉ còn là đống gạch vụn. 

Ông Phạm Xuân Hoa, nguyên trưởng phòng TNMT huyện, phó trưởng ban chỉ đạo cưỡng chế được xác định là người trực tiếp tham gia tất cả các cuộc họp, ra thông báo cưỡng chế, trực tiếp tham gia chỉ đạo phá nhà trông đầm của ông Vươn. Dù biết nhà ông Quý không nằm trong diện tích cưỡng chế, ông Hoa vẫn vẫn thực hiện tháo dỡ theo lệnh của ông Khanh

Ông Phạm Đăng Hoan không là thành viên ban chỉ đạo, nhưng được mời tham gia phá dỡ. ông Hoan biết căn nhà 2 tầng không nằm trong khu vực khu vực cưỡng chế nhưng nghĩ đây là nơi chứa chấp, tàng trữ vũ khí trái phép, chống người thi hành công vụ nên đã thực hiện ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Khanh, chỉ đạo Đặng Văn Tài cho máy xúc phá nhà 2 tầng. 

Riêng chủ tịch UBND huyện Lê Văn Hiền, cơ quan CSĐT xác định, với trách nhiệm là chủ tịch UBND huyện, có mặt trực tiếp tại hiện trường, nhưng không kiểm tra, phát hiện, kịp thời ngăn chặn việc phá dỡ nhà trông đầm của lực lượng cưỡng chế. Hành vi của ông Lê Văn Hiền có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Cơ quan CSĐT sẽ tiếp tục điều tra làm rõ và có kết luận xử lý theo quy định của pháp luật. 



*

Kết luận vụ phá nhà ông Đoàn Văn Vươn 


2012-12-18 

Truyền thông loan tin Cơ quan Điều tra Tp. Hải Phòng đã có kết luận điều tra vụ án hủy hoại tài sản gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. 

VNexpress - Ngôi nhà cấp 4 của ông Đoàn Văn Vươn bị đập phá hồi tháng 2, 2012

Một bản án thiếu tình lẫn lý 

Theo kết luận của cơ quan điều tra, ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên Phó Chủ tịch huyện Tiên Lãng là trưởng đoàn cưỡng chế khu đầm nhà ông Đoàn Văn Vươn. Đồng thời, cơ quan điều tra cũng nói ông Khanh đã ra lệnh phá nhà trông đầm và đốt lều nhà ông Vươn. Ông Khanh cũng bị cáo buộc đã ra lệnh tháo dỡ nhà trông đầm ông Đoàn Văn Quý. 

Kết luận điều tra được đưa ra hơn 11 tháng sau khi sự việc xảy ra và đây cũng là kết luận sau khi cơ quan điều tra có lệnh tạm giam ông Khanh hồi hạ tuần tháng 10. Gia đình ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý cho biết chưa nhận được kết luận điều tra chính thức nhưng đã nghe thông tin. Chị Phạm Thị Báu, vợ ông Quý chia sẻ suy nghĩ của mình: 

“Gia đình chúng tôi thấy như thế là chưa thỏa mãn bởi theo chúng tôi thì ông Khanh và ba người kia không thể nào phá nổi ngôi nhà của chúng tôi được. Trên ông Khanh là ai? Dưới ông Khanh là ai? Không thể chỉ có bốn người đó”.

Hôm 22 tháng 10, cơ quan điều tra phát lệnh tạm giam bốn tháng đối với ông Nguyễn Văn Khanh, ba người khác cũng bị truy tố nhưng được tại ngoại hầu tra bao gồm Phạm Xuân Hoa (57 tuổi), Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiên Lãng, ông Phạm Đăng Hoan (52 tuổi) Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang và ông Lê Thanh Liêm (49 tuổi) Chủ tịch UBND xã Vinh Quang. 

Tin từ cơ quan điều tra công an Hải Phòng nói ông Khanh không thừa nhận đã ra lệnh phá nhà ông Vươn và ông Quý mà chỉ nhận lệnh của cấp trên là ông Lê Văn Hiền và ông Bùi Thế nghĩa. 

Phía gia đình ông Đoàn Văn Vươn cho rằng ông Nguyễn Văn Khanh có thể chỉ là người thừa lệnh. Dư luận cho rằng ông Lê Văn Hiền, nguyên Chủ tịch huyện Tiên Lãng và ông Bùi Thế nghĩa, Bí thư huyện Tiên Lãng là cấp trên đã ra lệnh cho ông Khanh chỉ đạo phá nhà ông Vươn và ông Quý – nằm ngoài khu vực cưỡng chế. 

Tuy nhiên, cả ông Nghĩa, ông Hiền đều bác bỏ cáo buộc lời khai của ông Nguyễn Văn Khanh. Thêm vào đó, 19 người trực tiếp tham gia vụ cưỡng chế cũng khai rằng ông Khanh chính là người ra lệnh phá nhà nạn nhân. 

Ông Nguyễn Văn Khanh, nguyên Phó Chủ tịch huyện Tiên Lãng là trưởng đoàn cưỡng chế khu đầm nhà ông Đoàn Văn Vươn (VTC news) 

Kết luận của cơ quan điều tra xác nhận ông Nguyễn Văn Khanh đã ký bản phân công nhiệm vụ cho những người cưỡng chế. Ông Vũ Văn Luân, thư ký Liên chi hội nuôi trồng thuỷ sản nước lợ huyện Tiên Lãng, đồng thời được ông Đoàn Văn Vươn ủy nhiệm trong vụ án hành chính tỏ ý không hài lòng về kết luận của cơ quan điều tra:

“Chỉ cần chờ có biên bản điều tra trong tay chúng tôi sẽ có ý kiến”, ông nói. 

Trước đó, ông Luân đã có văn bản khiếu nại yêu cầu xem xét lại số lượng bị can. Theo ông, số lượng bị can phải lên đến hàng trăm người, là lực lượng tham gia vụ cưỡng chế mà sau này đã được khẳng định là trái pháp luật. 

Kết luận cuả cơ quan điều tra nói không có đủ chứng cứ để buộc tội ông Bùi Thế Nghĩa. Còn về phần ông Lê Văn Hiền, Công an Hải Phòng cho rằng “có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Phía gia đình ông Vươn, gia đình ông Quý và ông Vũ Văn Luân tỏ ý không đồng tình với kết luận của cơ quan điều tra: 

“Thủ phạm chính bây giờ vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Ông Hiền được Tp Hải Phòng đưa lên làm chuyên viên Sở Nội vụ. Như vậy là đùa giỡn với công luận, thách thức công quyền”. 

Hôm 11 tháng 2, sau phiên họp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông Lê Văn Hiền cùng một số nhân vật khác bị đình chỉ công tác. Tuy nhiên, hồi trung tuần tháng 10, các nhân vật trên được phục chức hoặc chỉ định các chức vụ mới. Theo đó, ông Lê Văn Hiền được chỉ định làm chuyên viên tại Sở Nội vụ huyện Tiên Lãng.

nguồn:http://danlambaovn.blogspot.com/2012/12/ket-luan-mot-loat-sai-pham-trong-vu.html#more
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001