Cavenui
Hôm nay 12/12 em vừa mua mấy cuốn lịch doanh nhân 2013 (treo tường, để bàn) ở Bizspace/Alpha Books (ảnh) chỗ bác doanh nhân nhiều chữ Nguyễn Cảnh Bình. Cuốn lịch này có chân dung các vị doanh nhân nổi tiếng thế giới (Vũ Chương Tạo vẽ), lần lượt là: Akio Morita, Steve Jobs, Sam Walton, John P.Morgan, Rockefeller, Donald Trump, Henry Ford, Warren Buffett, Richard Branson, Bill Gates và Andrew Carnegie. Đây là 1 ý tưởng hay, có thể cũ người nhưng chắc chắn là mới ta. Lịch đẹp. Rất đáng khen ngơi bác Bình song nếu em là bác Bình em sẽ làm bộ lịch doanh nhân khác, đậm đà bản sắc dân tộc hơn.
Lịch cho năm 2013, nhưng để bán trong năm 2012 nên sẽ bao gồm những doanh nhân Việt nổi bật trong năm 2012.
Em sẽ đặt hàng vẽ chân dung mấy vị sau:
1. Đoàn Văn Vươn: doanh nhân nuôi trồng thủy sản ở Tiên Lãng, Hải Phòng- đại diện cho những doanh nhân nhỏ không có thế lực bị trắng tay trong cuộc đối đầu với các quan chức chính quyền dưới hệ thống văn bản pháp luật về đất đai tù mù và lộn xộn.
2. Đặng Văn Thành: ông chủ Sacombank-đại diện cho những doanh nhân bị mất doanh nghiệp của mình vào tay đối thủ trong thời doanh nghiệp nằm phơi trên sàn.
3. Phạm Thị Diệu Hiền (Bianfisco): đại diện cho những doanh nhân vỡ nợ trong năm.
4. Đỗ Thị Huyền Tâm (rạng rỡ trong váy áo cô dâu, bên “anh chồng độc đáo”): đại diện cho những doanh nhân gặp thị phi vì chuyện đời tư.
5. Đặng Hoàng Yến: nữ doanh nhân bị mất chức đại biểu quốc hội- 1 mắt xích trong 1 trận chiến, thôi em không nói là trận chiến gì
6. Dương Chí Dũng: lãnh đạo Vinalines-DNNN lớn được o bế bị thua lỗ, tưởng kịp bùng nhưng vẫn bị bắt- đại diện cho những quan chức nhà nước lãnh đạo doanh nghiệp- không hẳn là doanh nhân.
7. Nguyễn Đức Kiên –Bầu Kiên: gương mặt nổi bật nhất trong vụ “thâu tóm ngân hàng” và hơn thế…
8. Đoàn Nguyên Đức (Hoàng Anh Gia Lai): đi đầu trong việc hạ giá BĐS để thoát thân, nhưng vẫn trong trạng thái: các tổ chức quốc tế không chấm điểm tín nhiệm được.
9. Trương Gia Bình (FPT): trở lại giữ chức TGĐ FPT- đại diện cho những doanh nhân tạo dựng doanh nghiệp vẫn muốn điều hành DN theo đúng ý mình thay vì chuyển giao cho dân pro.
10. Trần Xuân Giá (ACB): cựu bộ trưởng, chủ tịch HĐQT làm thuê- đại diện cho những tên tuổi được đẩy ra làm cảnh ở mặt tiền bị dính phốt.
11. Đặng Lê Nguyên Vũ (Trung Nguyên): chê cà phê tây là nước đường có mùi cà phê, đại diện cho những doanh nhân chịu khó nói, chịu khó lên báo.
12. Bùi Thị Mai (Habubank): từ TGĐ xuống chuyên viên thu hồi nợ- đại diện cho những doanh nhân ê chề nhất, thấm thía nhất sự bạc bẽo của thương trường.
_____________________________
Bonus của Dân Luận về trường hợp bà Bùi Thị Mai (Habubank):
Từ cuối năm 2001, Thủ Tướng Chính Phủ đã có
công văn số 43/TTg-KTTH ký ngày 22/8/2011 được đóng dấu Tuyệt mật trong
đó buộc các Ngân hàng thương mại phải xử lý xóa 70 – 80% nợ cho
Vinashin. Thực hiện chỉ đạo này, Ngân hàng nhà nước vừa chính thức vừa
bán chính thức, thậm trí nửa đêm còn gọi điện cho ông chủ của các Ngân
hang thương mại buộc phải thực hiện xóa nợ cho Vinashin theo công thức:
Nếu cho vay 10 triệu USD thì phải tự động xóa khỏi sổ sách 80% là 8
triệu USD và chỉ còn thể hiện trên sổ sách công nợ của Vinashin là 2
triệu… Đơn cử: Ngân hàng HBB có dư nợ của Vinashin 3000 tỷ,
NH Vietinbank 20.000 tỷ đồng, BIDV 170 triệu USD và còn rất nhiều ngân
hàng khác… với tổng dư nợ 86.000 tỷ của Vinashin chỉ qua một đêm thống
đốc Bình đã hô biến và Vinashin chỉ còn 19.500 tỷ đồng. Bởi vậy mà Bình
đã được Thủ tướng cưng cho đi tháp tùng mọi nơi, kể cả về ăn tiệc nhà
chủ tịch UBND TP. Hà Nội, hay tại nhà riêng Thủ Tướng …
Theo Quan Làm Báo
Thống đốc không dám hứa, “tư lệnh” Habubank bị cách tuột
(Trái hay Phải) – Trong khi Thống đốc khẳng định chỉ riêng cá nhân ông thì không thể hứa gì về xử lý nợ xấu, thì nguyên CEO Habubank Bùi Thị Mai bị cách tuột xuống làm lính trơn, cũng vì mấy cái “của nợ” đấy!
Trần gian kẻ khóc người cười.
Ngay lập tức, thông tin này trở thành nóng hàng đầu trên mặt báo và thu hút vô số những lời bình luận với đủ các sắc thái bi hài hỉ nộ ái ố.
Người thì thở dài thương thay cho sự thăng trầm không lường trước được của kiếp nhân sinh, mà sự lạnh lùng của kẻ chiến thắng âu cũng là điều dễ hiểu và tất yếu, còn kẻ nọ lại quả quyết rằng người phụ nữ kiên cường này sớm muộn gì cũng tìm lại được vinh quang.
Thật ra, trong bối cảnh như hiện nay, người ta cũng chẳng dám mạnh mồm mà khẳng định nguyên CEO cấp cao của Habubank tài năng đến đâu, đóng góp những gì vào sự phát triển của ngân hàng này, từ 5 tỷ đồng vốn điều lệ và 7 tỷ đồng tổng tài sản đến số vốn 4.000 tỷ đồng và tổng tài sản gần 50.000 tỷ.
Nhiều tấm gương to tày liếp đã cho thấy không nên đánh giá một con người thông qua những thành công mà ta nhìn thấy, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng ở Việt Nam.
Đông đảo độc giả cũng không rõ, bà có trách nhiệm đến đâu đối với sự gục ngã nhanh chóng của một ngân hàng có tiếng về quản trị và văn hóa doanh nghiệp. Nhưng có một điều chắc chắn là quá trình trở thành nhân viên đòi nợ của bà Bùi Thị Mai gắn liền với một cái tên vô cùng nổi tiếng khác – Vinashin.
Hóa ra sau mấy năm trời, cái tên lừng lẫy Vinashin vẫn không thể khiến thiên hạ quên được. Theo thông tin trên VnExpesss, thì nguyên nhân chính khiến Habubank gục ngã là vấp phải “cục đá” này, khi tổng dư nợ dành cho Vinashin lên đến 3.000 tỷ đồng, không phát sinh lợi nhuận.
Trong khi, tỷ lệ nợ xấu của Habubank trước sáp nhập là 3.729 tỷ đồng. Như lời thừa nhận cay đắng của nguyên chủ tịch Habubank Nguyễn Văn Bảng, dư nợ dành cho con tàu Vinashin là số nợ gần như mất vốn, thậm chí còn khiến ngân hàng phải chịu chi phí lãi khoảng 500 tỷ đồng mỗi năm.
Nhiều ý kiến đã đặt câu hỏi không biết có bao nhiêu ngân hàng và doanh nghiệp bị “vạ lây” từ Vinashin, mà không phải vì những khó khăn của kinh tế thế giới. Kể ra nếu chẳng có căn cứ nào mà cứ đổ lỗi cho con tàu ọp ẹp kia thì rất không sòng phẳng, nhưng khổ quá, hồi quả bom Vinashin phát nổ, hình như người ta không nói (hoặc có nói nhưng rất… thì thầm) về những khoản nợ kiểu như Habubank phải gánh.
Cũng có ý kiến nói khoản nợ 4 tỷ USD (tương đương khoảng 90.000 tỷ đồng) của Vinashin không phải là đã mất hẳn như cá nước chim trời, điều này có thể không sai, nhưng cũng chẳng biết đến bao giờ, Habubank (và nay là SHB sau khi sáp nhập) mới dám mơ đến ngày nhận lại khoản 3.000 tỷ nho nhỏ kia.
Mới tuần trước thôi, báo chí trong nước đã tiếp tục tìm ra thêm nhiều những con tàu của – hoặc đã từng là của - Vinashin nằm vật vờ “chết lâm sàng” như những bóng ma ở nhiều nơi từ Bắc chí Nam, thậm chí cả ở nước ngoài, khiến thủy thủ trên tàu cũng phải lên tiếng kêu cứu vì sống dở chết dở.
Đến hôm 5/11, báo Lao Động lại phát hiện ra một ụ nổi trị giá hàng trăm tỷ bị bỏ hoang, đang nằm chình ình ở vịnh Cam Ranh.
Nhìn những “của nợ” này, nhiều người đã thấy mừng thầm cho Bà Huyện Thanh Quan, bởi nếu nhà thơ này còn sống, cứ với những nỗi niềm đau đáu “Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt/Nước còn cau mặt với tang thương”, không biết nữ thi sĩ này sẽ sống ra sao với những thứ gần như vô thừa nhận như thế.
Mà, phải khá khen cho phóng viên nào đã biết dùng từ “con tàu ma” trong bài viết, bởi nghĩ cho kỹ, ngay cả đám “người Hà Lan bay” có khi cũng chẳng phù phép để tạo ra chúng được với những đặc điểm kỳ dị, như không đèn, không xăng, thủy thủ không thức ăn nước uống…
Dông dài như vậy để thấy, người ta khó mà kìm được lòng mình để không gửi lời thăm hỏi tới người đàn bà 50 tuổi này. Quý vị thử nghĩ mà xem, với tất cả những thông tin tràn ngập mặt báo về Vinashin như vậy, việc phác thảo tương lai cho nữ nhân viên đòi nợ của SHB thật dễ như trở bàn tay.
Nhưng dầu gì chăng nữa, so với các nhân viên SeaBank đang khóc lóc thảm thiết vì bị sa thải hàng loạt mới đây, thì nguyên tổng giám đốc của Habubank có thể vẫn còn may mắn!
Nghĩ cho cùng, trong chốn thương trường đầy hiểm ác, chuyện giáng chức tuột từ tổng giám đốc xuống làm lính trơn, hay bỗng dưng thất nghiệp là chuyện bình thường. Lý giải của SHB nghe kể cũng xuôi tai: Ai liên quan đến nợ quá hạn, nợ khó đòi thì phải chuyển qua phòng thu hồi nợ để xử lý khoản nợ đó.
Mấy ngày tới đây, Thống đốc NHNN dự kiến sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội về hàng loạt vấn đề nóng, trong đó có nợ xấu, câu chuyện đã được nhắc đi nhắc lại không chỉ một lần tại diễn đàn Quốc hội.
Chẳng biết các đại biểu Quốc hội sẽ hỏi những gì, nhưng có lẽ ta nên nhắc lại hai điểm nhấn trong phát biểu của Thống đốc hồi cuối tháng 10: Xử lý nợ xấu là trách nhiệm của nhiều cơ quan, trong đó có cả Quốc hội và Chính phủ, Thống đốc khẳng định chỉ riêng cá nhân ông thì không thể hứa gì về quá trình này.
Thế mới biết, nguyên CEO Habubank Bùi Thị Mai thật là dại dột không để đâu cho hết! Ngược lại, đề nghị quý vị dành một tràng pháo tay cho SHB khi cách tuột bà từ vị trí “tư lệnh” xuống làm lính trơn!
Tam Thái
Phụ Nữ Today
Admin gửi hôm Thứ Năm, 27/12/2012
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20121226/lich-doanh-nhan-2013-cua-cavenui-se-lam-khac-nguyen-canh-binh
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ
xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001