Thùy Dương
Sáng ngày 24/12, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cùng cấp phó của nhiều bộ ngành khác đã đứng ra giải trình về việc ban hành các văn bản, quy định hướng dẫn dưới luật, pháp lệnh trong thời gian qua. Nhiều đại biểu kiến nghị cần nghị làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức ban hành các văn bản trái luật hoặc tổ chức thực hiện không đúng, gây khó cho dân. Thế nhưng, những câu trả lời thường được nhận nhất tựu trung lại vẫn là nhận khuyết điểm và… không làm gì hơn cả.
Tin liên quan:
Ngay đầu phiên giải trình, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học - Công
nghệ - Môi trường Trần Thị Quốc Khánh nhắc lại việc Thống đốc Ngân hàng
Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình tự ban hành Quyết định 1623 quy định và
tạo thu nhập riêng cho SJC khiến người dân và doanh nghiệp khác bị
thiệt hại. Tuy nhiên, kể từ sau lần nhận thiếu sót trong hoạt động quản
lý tại phiên thảo luận sáng 31/10 của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã
hội, người ta chưa thấy một hành động cụ thể nào để sửa chữa cái thiếu
sót đó.Trả lời về trách nhiệm của lãnh đạo NHNN nói chung và trách nhiệm Thống đốc nói riêng đối với những thiệt hại của người dân và doanh nghiệp phải chịu do việc thi hành Quyết định 1623 quy định cụ thể và tạo thu nhập riêng cho SJC gây ra, Phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình biện hộ rằng Quyết định 1623 Thống đốc ban hành vào tháng 8/2012 vừa qua chỉ là quy định điều chỉnh quản lý, tổ chức sản xuất vàng miếng của riêng NHNN, không thuộc dạng văn bản quy phạm pháp luật. Khi bà Khánh phản biện rằng “Phó thống đốc trả lời việc ban hành Quyết định 1623 không phải văn bản quy phạm pháp luật là chưa đúng, thực tế thì nội hàm quyết định này thuộc văn bản quy phạm pháp luật”. Thế nhưng, Phó Thống đốc không phải đào sâu suy nghĩ thêm vì có lý do rất chính đáng được đưa ra: không đủ thời gian, nên Ủy ban Pháp luật cũng như Bộ Tư pháp, các cơ quan có thẩm quyền “tiếp tục kiểm tra, giám sát việc này”. Quyết định đã ra, toàn bộ ban ngành, cơ sở kinh doanh có liên quan và người dân đều chịu trách nhiệm tuân theo đúng nội dung của văn bản này, vậy mà lại không được coi là văn bản quy phạm pháp luật!?
Còn về việc độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC gây hại cho dân, ông Bình điềm nhiên phản biện rằng Nghị định 24 và các quy định của NHNN về quản lý kinh doanh sản xuất vàng không có quy định nào buộc người dân phải chuyển đổi vàng miếng sang thương hiệu SJC. Tuy nhiên, chính Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định trong diễn đàn Quốc hội sáng ngày 25/11/2011: Để tiết giảm chi phí, từ nay trở đi, nhãn hàng SJC trở thành vàng của NHNN Việt Nam. Như vậy, SJC đã có trong tay một hậu phương không thể nào vững chắc hơn, vượt lên trên mọi loại vàng khác ít nhất về tính bảo hộ, vô hình chung buộc người dân phải chạy theo SJC, dần hình thành nên thế độc quyền và nhóm lợi ích vàng miếng.
Về vấn đề khai tên cha mẹ trong CMND, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VP Chính phủ Vũ Đức Đam lý giải việc này đã được cơ quan chủ trì là Bộ Công an giải trình rồi, mục đích là nhằm quản lý xã hội tốt hơn và đảm bảo tính “công khai” minh bạch hóa thông tin. Không rõ công khai thông tin riêng tư của người dân thì độ minh bạch của Việt Nam sẽ được cải thiện đến mức độ nào, chỉ biết dư luận đều tỏ ra không thấy thoải mái về việc ai cũng có thể biết chuyện riêng tư của mình.
Cũng theo ông Đam, Chính phủ mới chỉ đạo Bộ Công an làm thí điểm, và đang giao Bộ Tư pháp tham khảo ý kiến các chuyên gia pháp luật, xin ý kiến nhân dân, học hỏi kinh nghiệm các nước tiên tiến để có báo cáo đánh giá chính thức. Tuy nhiên, trước nay, các cơ quan làm luật ban thì cứ ban, hành thì cứ hành, nhưng đến lúc cần xử thì lại… vẫn không thấy chỉ đích danh ai cả. Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết đã kiểm điểm rút kinh nghiệm với nhau, nhận khuyết điểm máy móc, không xem xét tình hình thực tế. Tuy nhiên, vẫn cái phần quan trọng nhất thì Bộ trưởng quên: Kiểm điểm ra sao và ai đã nhận hình thức kiểm điểm gì.
Về quy định xe "sang tên đổi chủ", Bộ trưởng Đam nhấn mạnh: Cần phải tăng cường công tác tuyên truyền những vấn đề chưa được dư luận đồng tình, đồng thời cũng phải nhanh chóng xem xét, nếu sai thì sửa, nếu tổ chức thực hiện sai thì chấn chỉnh. Ông cũng thừa nhận có những văn bản “cài” quá nhiều vấn đề cũng như công khai ai có trách nhiệm. Thế nhưng, trong khi phớt lờ cái phần công khai trách nhiệm đó cho những văn bản gây khó dễ cho người dân đã được ban hành thì ông lại cũng không quên than người dân không chịu góp ý, trong khi không chỉ ra: Nói cho ai, nói ở đâu và nói bằng cách nào khi tiếng nói vẫn chỉ được phát ra một chiều.
Thùy Dương
Theo Thanh Niên
Admin gửi hôm Thứ Tư, 26/12/2012
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20121226/thuy-duong-van-ban-cai-cam-du-thu-trai-luat-khong-co-quan-chuc-nao-phai-chiu-trach
=====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ
xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001