Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Mùa đông đi thăm ông già tuyết
Cẩm Thùy
TCPT số 9
Khi báo Phía Trước số 9 đến tay các bạn đọc thì cũng là lúc ông già Noel hoàn thành nhiệm vụ chia phát quà cho trẻ em, đàn hươu kéo xe của ông đang hể hả bên đống cỏ tươi sau những ngày dài rong ruổi đem lại niềm vui đến cho trẻ thơ.
Vào đầu tháng 12, trước khi lên đường phân phát quà, mặc dù bận rộn, nhưng ông già tuyết vẫn vui vẻ tiếp đón và trả lời nhiều câu hỏi “linh tinh” của Cẩm Thùy, cộng tác viên tạp chí Phía Trước.
Mời các bạn cùng đi vào thế giới ông già tuyết nhé!
Noel xuất phát từ đâu?
Noel
Là ngày lễ quan trọng của Thiên chúa giáo để kỷ niệm ngày Chúa Giêsu (Jésu) ra đời tại hang Bethléem (Bê lem) cách thành phố Jérusalem 10 km (1). Vì ngày sinh không được nêu rõ trong bất kỳ sử sách của người Thiên chúa giáo, cho nên mãi đến năm 354, Đức Giáo Hoàng Libère đã đưa ra ngày 25/12 là ngày sinh của Đức Chúa Giêsu và cũng để thay thế lễ hội quần chúng vào những ngày ngắn nhất trong năm (2).
Vào dịp này, ngoài các lễ quan trọng tại nhà thờ Thiên chúa giáo, ngày lễ Noel là cơ hội để mọi người trao đổi những lời chúc tốt đẹp, trao tặng quà lẫn nhau.
Cần nói thêm, theo đạo Chúa Cơ đốc giáo (Nga, Do Thái…), Giáng Sinh lại rơi vào ngày 7 tháng giêng.
Papa Noel,Chrismats Father, Santa Claus
Mỗi nước có một cách gọi khác nhau, nhưng đều xuất phát từ một nhân vật có thật trong lịch sử, đó là Thánh Nicolas (Saint Nicolas).
Sinh vào khoảng năm 250, 270 trước JC, là Giám mục thành phố Myre, Nicolas de Bari tương truyền khi sinh thời là người thường lo chăm sóc các trẻ em, che chở bảo vệ các góa phụ, người cô thế.
Năm 1809, nhà văn người Mỹ Washington IRVING, đã miêu tả một ông thánh Saint Nicolas, cỡi ngựa đi từ trên trời xuống và phân phát quà. Sau đó ít lâu, một nhà văn người Mỹ khác, Clément Clark Moore, lại viết một chuyện cổ tích về Sinterklass (dùng để gọi tên Saint Nicolas trong tiếng Hà Lan, sau này đọc trại ra là Santa Claus). Ông già Santa Claus này sử dụng xe trượt tuyết được kéo bằng các con hươu.
Đến năm 1923, chuyện cổ tích trên đã được tờ báo Sentinel, thành phố New York, đăng tải với tựa đề là “A Visit From St. Nicholas” (Chuyến viếng thăm của ông thánh Nicholas).
Và Coca-cola đã sinh ra ông già Noel?
Vâng đúng vậy, nếu như trước đó ông già Noel được miêu tả trong các tranh vẽ là một ông Thánh Nicolas trong bộ áo choàng dài màu xanh, với chiếc mũ Giám mục, tay chống gậy, vác túi xách lớn đựng đầy đồ chơi. Đến 1860, họa sĩ Thomas Nast đã đưa lên tờ báo Harper’s Illustrated Weekly, New York, hình ảnh ông già Noel với chiếc áo choàng dài màu đỏ.
Mãi đến năm 1931, hãng Coco-cola đã hoàn thiện ông già Noel để có hình ảnh như ngày nay: râu, tóc, mày trắng bạch; áo choàng dài xưa kia được thay thế bằng áo khoác màu đỏ, được viền trắng, dây nịt bản to màu đen làm cho tác phong ông Noel nhanh gọn hơn; cái mũ Giám Mục to đùng được thay bằng một chiếc mũ đi ngủ màu đỏ trông rất vui nhộn.
Chiến dịch marketing dùng hình ảnh ông già Noel để làm «đại sứ» Coca-cola đã đem lại lợi nhuận không nhỏ cho công ty, và chương trình quảng cáo này được kéo dài cho đến tận cuối những năm 1930.
Tại sao Mr Bean để chiếc tất cạnh lò sưởi vào đêm Noel?
Theo truyền thuyết thì ông già Noel sẽ đi xe hươu kéo đến từng nhà chui qua ống khói và đặt phần quà vào mỗi chiếc tất treo cạnh lò sưởi. Thông tục này ngày càng ít được theo đuổi vì lò sưởi điện đã thay thế lò sưởi bằng củi, vả lại món quà ngày càng lớn không thể chứa được trong chiếc vớ nhỏ nhoi kia.
Françoise, một bà giáo về hưu hồi tưởng lại tuổi thơ của mình vào những năm sau chiến tranh thế giới thứ hai: «Vào mỗi đêm Noel, anh chị em chúng tôi rất hồi hộp mang chiếc tất của mình đặt cạnh lò sưởi. Thời đó Châu Âu vừa mới chấm dứt chiến tranh, bánh mì, bột, sữa, đường… đều chia theo tiêu chuẩn, nên chúng tôi chẳng ước gì nhiều. Thường thì sáng ra trong mỗi chiếc tất là một trái táo nhỏ, năm nào được một quả cam thì thật là tuyệt vời!».
Ngày nay, trẻ em nhỏ vẫn thường viết thư xin ông già Noel những món quà mình thích, rồi gởi qua bưu điện, không cần đề địa chỉ mà vẫn đến nơi cũng như nhận được thư trả lời !? Thì ra, vào mỗi cuối năm bưu điện các nước đều tổ chức riêng một bộ phận để trả lời thư hộ cho ông già Noel, còn quà cáp thì dĩ nhiên là « con cái nhà ai, nhà nấy lo!» .
Nếu như bạn nào muốn nhận một thư của Papa Noel thứ thiệt có nguồn gốc Phần Lan (Finlande) thì phải mất 6,95€, dù bạn gửi thư từ bất cứ nơi nào trên trái đất! (3). Thư sẽ được viết, trình bày rất là “Noel” và sau đó được gởi cho người thân mà bạn chọn, cha mẹ, anh chị, bà con chú bác…
Bánh khúc gỗ, thịt gà tây?
Ai đã từng xem Mr Bean – Christmas chắc còn cười lăn lộn khi nhớ cái cảnh anh chàng ta chui đầu vào trong thân của con gà Tây vĩ đại để tìm chiếc đồng hồ đánh rơi khi chuẩn bị món ăn truyền thống này.
Tại sao ở phương Tây họ lại ăn món này vào đêm Noel?
Xin trả lời là từ xưa theo truyền thuyết, con ngỗng là linh thú của mặt trời, ai ăn ngỗng sẽ hưởng được sự chở che của thần linh. Về sau, khi con gà tây được phát hiện ở châu Mỹ thì mốt ăn gà tây được phổ biến sang châu Âu và các lục địa khác. Ngày nay, món ăn này được thịnh hành ở một số nước Âu hóa như Nhật, Philippines. Nghe đâu các nhà khá giả, Việt kiều sống tại Việt Nam cũng bày soạn món này trong buổi tiệc đêm Giáng Sinh.
Có ngon không? Tùy theo cách thức chế biến, tùy theo khẩu vị của mỗi người. Theo nhận xét riêng của tác giả “Không ngon bằng món gà luộc chấm muối tiêu lá chanh ở miền Bắc hay món gà nướng lu tuyệt cú mèo trên đường Lê Quang Định, Bình Thạnh”.
Bánh bûche Noel, hay còn gọi là bánh khúc gỗ, cũng bắt nguồn từ các xứ lạnh phương Tây. Từ nhiều thế kỷ trước, người ta có thói quen đốt một thanh gỗ lớn để sưởi ấm trong những ngày lễ. Tốt nhất là một đoạn gỗ cây ăn trái, biểu tượng cho một mùa thu hoạch tốt vào năm sau nếu giữ được lửa trong vòng 12 ngày liên tục.
Ngày nay, những lò sưởi lớn đã biến mất, việc đốt những thanh củi lớn không còn được duy trì. Cho nên chiếc bánh bûche được ra đời để nhắc lại phong tục xưa.
Món này được dùng vào cuối buổi tiệc Noel, tùy theo giá cả mà có chất lượng khác nhau. Tại những tiệm bánh sang trọng trên đại lộ hoành tráng Champs Elysées, giá 1 phần bánh nhỏ cho 1 người ăn có thể lên đến 10€, nhưng chất lượng và màu sắc phải nói là tuyệt vời!
Buổi tiệc cuối năm – Réveillon Saint Sylvestre
Thông thường thì buổi tiệc đêm Noel 24/12 dành cho gia đình, còn ngày cuối năm 31/12 là bữa đại tiệc dành cho bạn bè. Cha mẹ có tiệc của cha mẹ, con cái thì hội họp theo con cái.
Có đến châu Âu trong những ngày này mới thấy hết vẻ đẹp lộng lẫy nguy nga của các thành phố. Các cửa hàng trưng bày những món quà đủ hiệu, đủ loại, rực rỡ màu sắc dưới hàng dãy bóng đèn sáng lóa. Các bà, các cô quý phái hẳn lên với những bộ áođắt tiền, quý ông cũng chải chuốt bóng bẩy hơn ngày thường để đến dự các lễ tiệc được tổ chức tại các lâu đài, biệt thự…
Vào đúng nửa đêm, pháo bông được đốt lên khắp nơi, lúc xưa theo truyền thống là để xua đuổi tà ma, quỷ dữ. Ngày nay, nó đã trở thành tín hiệu đón mừng năm mới. Các chai champagne quý hiếm được đưa lên từ các hầm rượu ngon, ướp lạnh từ vài giờ trước đó, được khui ra vào đúng giữa đêm.
Thanh niên thích không khí vui nhộn, tưng bừng… nhất định phải có mặt tại Times Square, Manhattan, nơi mà người dân New York cũng như du khách đón chào năm mới. Từ trên đỉnh cao của ngôi nhà số 1 Times Square, một quả bóng bằng kim loại đường kính 2m, nặng gần 1/2 tấn từ từ hạ dần xuống lúc 23h59, và chạm vào mặt đất vào đúng 0h. Hàng triệu triệu bông giấy được thả từ trên các lầu cao, thiên hạ thi nhau hét lớn lên «Happy New Year» để đón mừng năm mới.
Các đôi vợ chồng mới cưới, những cặp tình nhân hay người độc thân thích khung cảnh trữ tình, lãng mạn hơn, lại chọn Paris là nơi đón mừng năm mới tại đại lộ Champs Elysées, đại lộ đẹp nhất thế giới.
Suốt dọc hai bên đường dài 2,4km, hàng trăm ngàn bóng đèn LED được trang trí một cách nghệ thuật cho 400 cây từ quảng trường Concorde (Place de la Concorde) cho đến Khải Hoàn Môn (Arc de la Triomphe).
Từ giữa trưa, đại lộ đã chật cứng các du khách, người dân Paris, nhiều nhất vẫn là các thanh niên trẻ, tay cầm bông giấy cười đùa thẩy vào nhau. Vào đúng giữa đêm, chuông nhà thờ đồng loạt vang lên, hòa với tiếng kèn xe hơi, tiếng nổ lốp bốp từ các chai champagnes, … ồn ào, náo nhiệt nhưng vô cùng thân thiện. Mọi người ôm hôn nhau và nói lời chúc mừng năm mới «Bonne Année» (4).
Chia tay Papa Noel
Còn nhiều chuyện để kể lắm, nhưng trang báo có hạn, cũng như phải đến, phải sống vào những nơi kể trên thì mới học hỏi được nhiều điều hay, cái lạ, mới có thể thấm thía được cái không gian của năm mới nơi xứ khách.
Trước khi chia tay, ông già Noel có nhã ý dành cho Cẩm Thùy 1 món quà hay một lời ước nhỏ.
«Ước gì mỗi đứa bé tại quê nhà có được một trái cam nhỏ làm quà đêm Noel!» Chưa kịp trả lời, mình đã bồi thêm một câu «và xin cho các em được đi học …!».
Hình như trong cái bị thật bự để trên xe hươu kéo chưa có chuẩn bị món quà này! Papa Noel nhoẻn một nụ cười thật tội nghiệp, vẫy chào tôi bắt đầu chuyến du hành phát quà.
Phần mình tối 24/12 sẽ dự buổi lễ giữa khuya tại nhà thờ Đức Bà tại Paris với nhóm bạn bè thân, riêng đêm 31/12 này sẽ lang thang xuống đại lộ đẹp nhất thế giới, Champs Elysées.
«Có ai muốn đi cùng không?!»
———–
(1) Kể từ năm 1996, theo những thảo thuận ký kết tại Oslo (Na Uy), thành phố này do chính quyền Palestine quản lý.
(2) Tại Bắc bán cầu, nửa quả cầu phía bắc, ngày mùa đông ngắn nhất thường rơi vào các ngày 20, 21, 22, 23. Ngày bắt đầu vào mùa đông thường được gắn với các lễ hội của các đạo như Do Thái, Kwanzaa…
Tại Việt Nam mùa lạnh thấy rõ nhất ở miền Bắc, ngày cũng ngắn đi nhiều cho nên trong dân gian có câu
«Trời tháng năm chưa nằm đã sáng,
Trời tháng mười chưa cười đã tối»
Cần biết thêm là các mùa xuân, hạ, thu, đông tại Bắc bán cầu không hẳn là rơi vào trong năm mà lại nằm giữa hai năm kế nhau, chẳng hạn tại Pháp năm 2007 mùa xuân bắt đầu từ 21/03/2007 đến 21/06/2007, mùa hè 21/06/2007 đến 21/09/2007, mùa thu 21/09/2007 đến 21/12/2007, mùa Đông 21/12/2007 đế 21/03/2008.
Người ta cho rằng từ Noel xuất hiện khoảng năm 1112, phối hợp giữa từ «nael» và «natalis» có nghĩa liên quan đến sự «ra đời».
(3) Đó là tin lượm lặt ở trên Internet, tác giả chưa thử cho nên không dám giới thiệu địa chỉ.
(4) Đọc tới đây các anh chàng có vẻ phấn khởi, nhưng hôn chỉ là áp má nhẹ vào nhau 2, 3, 4 cái tùy theo địa phương rồi… thôi. Còn hôn theo kiểu french kiss thì chớ có mà…lung tung, coi chừng bị ăn mắng!
Tư liệu wikipedia: www.wikipedia.org/
Ảnh Noel lấy từ: www.jipemania.com/coke/natal/1930/natal1930.htm
Bánh bûche: www.linternaute.com/femmes/cuisine/magazine/diaporama
nguồn:http://phiatruoc.info/mua-dong-di-tham-ong-gia-tuyet/
======================================================================
Chúc mừng Giáng sinh và Năm mới!

Phia Truoc Happy holidays green2

Ban Biên Tập Phía Trước chân thành cảm ơn quý độc giả và cộng tác viên đã ủng hộ, động viên và đóng góp nhiều ý kiến xây dựng trong thời giang vừa qua. Mến chúc tất cả quý bạn mùa Lễ Giáng sinh an lành và Năm mới tràn đầy niềm vui, hạnh phúc!
Merry Christmas & Happy 2013!
Ban Biên Tập
Tạp chí Thanh niên Phía Trước


nguồn:http://phiatruoc.info/chuc-mung-giang-sinh-va-nam-moi/
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001