Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

Phạm Ngọc Tiến - Xe buýt 


Phạm Ngọc Tiến 
Trời lất phất mưa. Sương bảng lảng tràn vào tận cửa sổ. Thú quá. Tuyệt cú mèo. Tiết này ngồi uống rượu là đã nhất. Đang lấy điện thoại tính rủ ai đó đến nhà tụ bạ thì chuông réo. Có việc cơ quan gọi họp gấp. Huyết áp tụt ngay vì mất hết cả hứng. Phải đi thôi kẻo bị trừ thi đua tính vào lương thì ốm xác. Kinh tế khó khăn lương bổng giảm sút đã thế từ Nhà nước đến cơ quan đều nghĩ ra những chiêu trò độc đáo đánh vào cái ví. Thật đúng là họa vô đơn chí. Thì đi. Nhưng đi bằng gì bây giờ. Lất phất nhưng cũng đủ ướt át nếu đi xe máy. Ô tô không ổn. Đường tắc lết được đến cơ quan thì lỡ hết việc. À phải rồi, xe buýt. Xe buýt, tại sao không?


Xe buýt Karosa thời xa xưa được dùng làm xe rước dâu. Vất vả trước mấy tháng trời mới ký được hợp đồng thuê xe.
Bến xe ngay gần nhà. Lại là bến đầu, tiện quá còn gì. Thỉnh thoảng có việc vẫn nhảy lên làm một chuyến xe buýt đổi gió. Nhiều cái tiện. Thứ nhất thay vì một cuốc ta xi đắt lòi mắt hay một chuyến xe ôm phát bực vì bị bác tài bắt chẹt có được những chuyến đi rẻ như cho không. Thứ hai khi đã ở trên xe được chứng kiến nhiều chuyện mà bất kể người cầm bút nào cũng cần thu nạp. Nội chỉ hai điều đó đã kể như là lãi. Người thành phố chẳng mấy ai lạ lùng gì với thứ phương tiện này. Xưa Hà Nội chỉ có mấy tuyến buýt cố định nhưng nó đã là một cái gì đó quá đỗi quen thuộc với mọi cư dân. Dàn xe Karosa đỗ ở bến gần Nhà hát lớn thành phố ngoài chức năng chở khách tuyến còn là dịch vụ sang trọng cho những đám rước dâu hoành tráng thời ấy. Giờ xã hội nhốn nháo phân hóa giàu nghèo một cách bất bình đẳng nên có những loại người phất nhanh nhìn xe buýt như con ghẻ còn thì đa phần đều coi nó như một giải pháp dẫu không tiện lợi lắm nhưng an toàn và quan trọng nhất là tiết kiệm.
Ra đến bến xe đã thấy cả cục người láo nháo ô dù, áo mưa đứng đợi. Đám này chắc là dân buýt chuyên nghiệp nên mới đủ đồ nghề thế chứ. Lên xe giành ngay được một chỗ ngồi gần cửa giữa. Không tiện lắm nhưng có ghế ngồi là tốt rồi. Lôi cuốn truyện ra cắm mặt tranh thủ đọc. Bỗng giật mình vì có tiếng quát và một phát đập khá mạnh vào vai:
- Đứng lên nhường chỗ cho người già.
Ngẩng lên thấy một phụ nữ tóc bạc chắc cũng xấp xỉ tuổi mình. Ô hay sao tay phụ xe lại quát mình. Tao cũng già đấy chứ bao nhiêu đứa trẻ ranh đang ngồi sao không bắt chúng nó đứng lên lại nhè đúng vào lão già bệnh tật này. Tay phụ xe nhìn và phản ứng rất nhanh:
- Ấy chết, cháu xin lỗi. Thấy cái đầu trọc tưởng thanh niên.
Ấm áp quá câu xin lỗi từ tay này. Mấy ghế bên vẫn yên vị không ai nhúc nhích. Thế thì đứng vậy. Dễ đâu nhận được lời xin lỗi đúng lúc ở thời buổi này. Lịch sự đứng lên khoát tay mời thiếu phụ tóc bạc nhưng mặt chưa đến nỗi dừ. Chị ta ngồi xuống ghế khẽ gật đầu cảm ơn. Tay phụ xe có lẽ vì sự nhầm lẫn vừa rồi phân tâm, quên phắt mất ý định tạo sự công bằng nên mấy cô cậu tre trẻ thoát cú nhường khi đã có kẻ khác thế thân. Được một tẹo thấy người chung chiêng. Đường đông xe chạy cà giật cà tèng lúc vọt lúc phanh khiến người như bị đánh võng. Níu chặt quai móc mà không ăn thua. Nôn nao mới chết chứ. Đang ngồi êm ái đọc sách ngon lành giờ đứng làm vật thí cho lắc cho rung. Rõ là dại. Biết thế thì đừng vội nhường kiểu gì chị kia cũng vẫn có chỗ ngồi. Già vẫn cứ hấp hoảng nhẹ não bé dạ. Sao thế này. Nhìn mấy nam thanh nữ tú ngồi ghế bình thản thấy trào lên nỗi căm ghét. Ừ thì nhìn mặt này chưa đủ độ nhăn quy định để lên lão nhưng chẳng nhẽ lại không đáng để các công dân trẻ của đất nước thấy mủi lòng nhường chỗ hay sao. Khốn kiếp. Nghĩ thế thôi nhưng phải im lặng cố mà giữ được thăng bằng. Chợt thấy một khuôn mặt quen quen ngồi ngay hàng ghế sát chỗ đang đứng. Đúng rồi cu cậu mới gặp hôm trước ở một hội thảo sách. Cậu chàng này là sinh viên văn khoa có đặt câu hỏi rất sắc sảo cho cử tọa nên nhớ. Quên béng mất là đang ở xe buýt và nó ngồi còn mình đứng nên cười cười vì cái sự nhớ bất ngờ vừa bật đến chứ không phải có ý gạ gẫm để nó nhường chỗ. Thấy nó lạnh te mới sực nhớ ra tình cảnh hiện tại. Có lẽ cu cậu cũng nhận ra nhau thì phải. Thì hôm đó ngồi trên bàn điều hành mà cái mặt không trộn đi đâu được từ trẻ đến già này làm gì nó chả nhận ra. Thấy mắt nó hơi nhiu nhíu. Không hiểu sao tự nhiên thấy ran ran gáy. Một ý nghĩ chợt đến. Hình như nó đang đấu tranh tư tưởng để nhường ghế hay không thì phải. Nghĩ thế nên thoáng phật lòng. Một chỗ ngồi chả nhẽ lại quan trọng đến vậy bèn nhìn thẳng vào mắt cậu chàng. Nếu là mình ở tình huống ấy chắc chắn không thể chịu đựng nổi luồng nhìn đầy ý đồ đó. Nhưng những gì xảy ra sau đấy thì dù là người đầy thế mạnh về tưởng tượng cũng chịu chẳng thể hình dung ra. Bạn biết không chàng sinh viên văn khoa đó nhắm mắt lại và làm như một giấc ngủ bất chợt tràn đến không thể cưỡng. Mỉm cười thán phục chiêu tuyệt cú này. Ngủ thì biết đếch gì nữa mà nhường với chả nhịn. Thôi tha cho mày không nhìn xoáy nữa chỉ chạnh nghĩ học văn mà kém tắm quá. Không nhường nổi một cái ghế trên xe buýt cho người hơn tuổi thì học thế học nữa cũng chẳng thể viết được gì ra hồn. Vô dụng thôi con ơi. Tự an ủi với kết luận này để quên đi thằng bé văn khoa không nhường ghế.
Xe dừng ở một bến khu trung tâm. Rất đông người lên xuống. Bỗng có tiếng thất thanh rồi ồn ã cả lượt:
- Thôi chết, cái ví của tôi.
- Đâu đâu…
- Tôi nữa, điện thoại…
- Có kẻ cắp trên xe.
Như có phép thần, rừng người bỗng chùng hẳn xuống nép vào nhau để lòng xe rộng ra. Hai người mất của ngơ ngác nhìn khắp xe như cầu cứu vô vọng hơn là kiếm tìm. Nhiều ánh mắt dồn vào hai thanh niên đang lơ láo đứng gần cửa. Nhìn kỹ hai thằng đó. Cảm giác đó chính là thủ phạm nhưng chẳng có chứng cứ gì cả. Lái phụ soát vé đi từ đầu xe xuống, mắt liếc vào hai gã kia. Anh này lấp lửng:
- Một mét vuông hai thằng ăn cắp. Có của phải cẩn thận.
Đúng lúc đó có tiếng chuông điện thoại kêu. Cô gái mất điện thoại phản xạ nhao đến bên hai gã lơ láo:
- Điện thoại của tôi.
Chắc là cô ta nhận ra chuông máy của mình đổ. Cả xe nhìn. Lặng không một âm thanh trừ tiếng chuông vẫn kiên nhẫn đổ. Bất ngờ gã lơ láo có điện thoại đổ chuông trong túi quần gầm lên:
- Mày nói gì?
- Điện thoại…
- Mẹ mày. Điện thoại nào của mày. Muốn chết hả.
Cô gái sau phản xạ tức thì, giờ run lên vì sợ. Gã kia hùng hổ như muốn ăn sống nuốt tươi cô gái. Không một ai động đậy. Cả tay phụ xe cũng đứng yên. Ngứa ngáy quá nhưng chưa biết hành xử thế nào. Có chắc đấy là chuông điện thoại của cô gái không. Ngần ngừ. Nhưng nếu đúng. Không đúng. Buột miệng:
- Thì cậu cứ bỏ ra cho cô ấy xem mất gì đâu.
Cả hai gã lơ láo gần như chồm người lên phía trước. Nhưng có lẽ cái đầu trọc khiến chúng phân vân khững lại chăng. Một thằng. Vẫn là thằng có điện thoại đổ chuông gầm gừ:
- Lão già im mồm. Biết gì.
Máu chạy rần rật bên mang tai rồi phót lên đỉnh tóc. Muốn vung một cú vả vào giữa cái mõm vừa nhả ra thứ ngôn ngữ bất nhã kia. Như điện giật. Nhỡ nó có dao. Súng nữa. Án mạng. Chỉ trong mấy tích tắc mà dồn ứ những nghĩ suy trái chiều. Chưa quyết được thì nghe thấy tiếng giật giọng:
- Chính mày.
Là cậu chàng văn khoa. Không hề ngủ nên mới có giọng tỉnh táo thế chứ. Vừa nói cu cậu vừa đứng phắt dậy. Bỗng thấy văn khoa loạng choạng víu cả tay vào ngang hông mình. Rất nhanh văn khoa gượng đứng thẳng trước thằng lơ láo:
- Bỏ điện thoại ra. Chính mày.
Thằng lơ láo không nói không rằng đấm một phát. Văn khoa tránh được. Lại loạng choạng. Lơ láo rút soạt con dao bấm huơ lên đe dọa.
- Hai thằng này ăn cắp ví và điện thoại, bà con hãy bắt chúng.
Tiếng của văn khoa rành rọt không hề run sợ. Lơ láo vung tay nhưng một trung niên đứng gần đã chụp được tay dao. Hiệu ứng đám đông hiệu quả tức thì. Vài người xáp đến. Tay bán vé đập chiếc cặp vé vào đầu thằng lơ láo cầm dao. Trong nháy mắt cả hai thằng đã bị mọi người bẻ quặt tay. Chiếc ví và chiếc điện thoại được lôi ra. Bằng chứng rành rành nhé. Xe đỗ trước cửa công an phường. Rất nhanh hai thằng kẻ cắp bị dẫn giải xuống đồn. Hai nạn nhân xuống cùng để nhận lại tài sản và làm chứng. Sự việc xảy ra quá nhanh. Thán phục nhìn cậu chàng văn khoa. Chưa kịp hỏi han thì xe dừng bến. Văn khoa đứng lên để xuống. Phụ xe đỡ người văn khoa. Ngạc nhiên. Sao lại thế nhỉ. Cửa đóng. Xe chạy. Phụ xe buông lửng:
- Sinh viên giờ khá thật. Mà cậu này tàn tật đấy. Chân thọt.
Hốt hoảng nhìn qua cửa kính. Văn khoa đang thập thễnh bước cao bước thấp trên hè, người chúi xuống khó nhọc. Như sét đánh. Thảo nào. Cu cậu không nhường chỗ là vì thế. Bất chợt thấy xấu hổ thấy ân hận vì những ý nghĩ chẳng hay hớm gì lúc trước. Chắc là nó có nhận ra mình. Nhận nhưng không tiện thanh minh nên phải vờ nhắm mắt. Hay là cậu chàng không thèm chấp khi đọc được cái ý nghĩ ác độc kia. Đúng vậy. Nghĩ không đúng về người khác chả ác độc là gì. Áp hẳn mặt vào cửa kính nhìn lại phía sau. Thân hình thập thõm của chàng sinh viên văn khoa lùi dần rồi khuất hẳn trong tấp nập phố thị.
Mưa vẫn lất phất. Sương trắng bảng lảng hè phố. Xốn xang nhiều lẽ. Mũi cay cay. Nước mắt bỗng tứa ra. Sống cả đời đến tận lúc già tưởng biết nhìn nhưng vẫn không hề thấy./.
Hà Nội 2/12/2012
PNT
Hồ Gươm gửi hôm Thứ Ba, 04/12/2012          
nguồn:http://danluan.org/tin-tuc/20121204/pham-ngoc-tien-xe-buyt
======================================================================
Chú ý:  Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
           Sẽ xóa những comment nói tục
           Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001